Một người nếu chứa nhiều pháp Bất thiện trong tâm, thì nghĩ điều thiện, nói điều thiện, làm điều thiện…là cực hình với họ.
Một người nếu chứa nhiều pháp thiện trong tâm, thì nghĩ điều bất thiện, nói điều bất thiện, làm điều bất thiện…là sự bức bách tra tấn họ.
Thiện hay bất thiện là do nơi tâm người hướng về và tạo tác mà thành. Một vật hay một sự việc, tự thân nó vốn không có thiện ác, nhưng do sự tác ý của người mà tạo nên nghiệp tương ưng. Ví như, tiền vốn nó không có thiện ác, nhưng người tạo ra và sử dụng nó một cách tích cực, đem đến lợi lạc cho mình cho người ở hiện tại và về sau thì nó trở nên thiện. Hoặc có người tạo ra và sử dụng nó để làm những việc đưa đến khổ đau, phiền não, hại mình và hại người ở hiện tại và về sau thì trở nên bất thiện.
Vì vậy, khi làm bất cứ việc gì, trước hết nên quán xét ý khởi của mình. Một ý niệm phát ra luôn theo vòng Nhân Duyên Quả mà vận hành. Nếu sự tác ý nào đem đến phiền não, trói buộc, đau khổ cho mình và người thì nên tránh.
Sự tác ý nào giảm bớt tham, sân, si và giải thoát khổ đau cho mình và người thì nên làm.
Ý niệm là nơi khởi nguồn thiện nghiệp và bất thiện nghiệp cho mỗi người trong đời sống hằng ngày.
Tuy nhiên, thiện hay bất thiện thì cũng nằm trong vòng quay của Nhân Quả, Luân Hồi. Nên ai biết tỉnh giác và buông xả trong từng niệm khởi sanh, trong từng việc mình làm, người đó mới có cơ hội chạm vào sự sống một cách trọn vẹn và giải thoát ra ngoài trói buộc.
Nắm càng nhiều càng mỏi
Dính mắc nhiều, khổ đau
Xả buông – nhiều an lạc
Biết đủ thì yên vui .
Chỉ trạng thái buông xả
Chẳng có Cái Ta buông
Chỉ tỉnh giác luôn luôn
Pháp đến đi sinh diệt !
Sư Cô Trúc Lan Nhã
Nguồn: Ý niệm là nơi khởi nguồn thiện nghiệp và bất thiện nghiệp