karmapa-on-expectations-and-doubts-533x400

Lời nguyện trừ bệnh tiêu tai

Tiếng Lời Kim Cang Tịnh Sạch Nỗi Sợ Tật Dịch Truyền Nhiễm Ở Sakya của Đại Thành Tựu Giả Thangtong Gyalpo

Bệnh từ nghiệp cũ / và duyên trước mắt,
Tà ám, ác bệnh, / khổ nạn tứ đại,
Khiến tâm chúng sinh / không còn an lạc,
Nguyện không xuất hiện / trên cõi thế gian.

Như bị đồ tể / lôi vào lò thịt,
Chỉ trong phút giây / hồn lìa khỏi xác,
Hết thảy khổ bệnh / đe dọa mạng sống,
Nguyện không xuất hiện / trên cõi thế gian.

Bệnh dữ cấp tính, / mãn tính, truyền nhiễm,
Đáng sợ đến nỗi / chỉ thoáng nghe tên
Đã như rơi vào / miệng của thần chết,
Nguyện không bao giờ / não hại chúng sinh.

Quỷ mị hại người / tám mươi ngàn loại,
Ba trăm sáu chục / loại quỷ thình lình,
Bốn trăm hai bốn / tật bệnh các thứ,
Nguyện không phương hại / các loài chúng sinh.

Bao khổ vì loạn / đất nước lửa gió,
Làm cho thân tâm / mất hết niềm vui,
Nguyện tịnh yên hết, / sáng tươi khỏe mạnh,
Sống lâu, không bệnh, / thoải mái an vui.

Nương lực từ bi / Thượng sư Tam bảo;
Nương đại dũng lực / không hành, hộ pháp;
Nương lực chân thật / nghiệp quả không sai;
Nguyện lời nguyện này / tức thì thành tựu.

Khi xưa có lần Đại Tu Viện của dòng Sakya Cát Tường gặp nạn dịch truyền nhiễm lan từ người này sang người khác. Chư pháp sĩ cố gắng nhiều cách, lễ tịnh thế thân, thuốc, chú, hộ mạng vân vân, đều không ích lợi gì, tu viện có nguy cơ biến thành chốn không người. Vào lúc ấy, bậc đại thành tựu giả Thangtong Gyalpo tụng bài pháp quy y bắt đầu với câu, “Hết thảy chúng sinh, mẹ hiền nhiều đời, nhiều như trời rộng,” tụng một số chú Mani. Khi câu cuối “nguyện lời nguyện này tức thì thành tựu” được thốt lên, bệnh truyền nhiễm tức thì chấm dứt. Vì vậy mà lời nguyện này nổi danh là tiếng lời kim cang tỏa rạng mây gia trì, với tên gọi “Lời Nguyện Cứu Sakya Thoát Bệnh Dịch.”

Đại Thành Tựu Giả Thangtong Gyalpo

Hồng như chuyển Việt ngữ 01, 2020 từ bản Tạng ngữ https://www.lotsawahouse.org/bo/tibetan-masters/thangtong-gyalpo/prayer-pacifying-fear-illness, tham khảo với bản Anh ngữ.
02.02.2020: Nhuận văn sau khi tham khảo với bản tiếng Hoa của Đại Bảo Pháp Vương Karmapa XVII.