wallpaper-thangka-computer-background-support-painting-art-tibetan

Bardo đau đớn lúc cận tử

Tiến trình diễn ra sự chết và cái chết có phần giống như đang nằm mơ. Giấc mơ dù tốt hay xấu, một khi biết mình đang mơ, bạn sẽ không còn bị xiềng xích bởi niềm tin vào những gì đang diễn ra là sự thật. Một khi bạn giải thoát khỏi vô minh và những ảo tưởng, bạn sẽ không còn phải chịu đau khổ từ những cảm xúc như hy vọng và sợ hãi, dục vọng và sự giận dữ, kiêu mạn và bất an.

Trong lúc còn sống, bạn trải nghiệm thế giới thông qua năm giác quan; bạn nghe khúc nhạc dương cầm bằng hai tai và nhìn ngắm cảnh đẹp bằng đôi mắt. Những trải nghiệm này có thể hình thành một thói quen, như lần đầu thấy cảnh hoàng hôn rực rỡ, bạn có thể tiếp tục ưa thích ngắm cảnh hoàng hôn cho đến tận cuối đời.

Để có thể làm việc một cách đúng đắn, năm giác quan dựa vào các nguyên tố cấu tạo nên cơ thể. Một cái chết đột ngột sẽ gây ra cú sốc làm phá vỡ nghiêm trọng các nguyên tố cấu thành; cái chết diễn ra từ từ, an bình thì đơn giản như việc các nguyên tố được dần tháo bỏ. Trong cả hai trường hợp, khi các nguyên tố bắt đầu tan rã và bạn chết, năm giác quan sẽ không còn hoạt động. Bạn vẫn còn có thể nhận thức, nhưng tất cả những gì nhận thức được sẽ trở nên trần trụi và không được lọc [qua năm giác quan], ý thức sẽ không ngừng thay đổi khi Tâm thức bạn tương tác với những gì xung quanh. Theo cùng cách thức với việc chúng ta phải tập thích nghi nếu bị mất đi khả năng thấy hoặc nghe lúc đang sống, quá trình chết cũng đòi hỏi [phải thích nghi] với một vài sự điều chỉnh.

Sau khi chết, bạn sẽ nhận thấy cảnh tượng xung quanh hoàn toàn giống như một hành tinh khác. Tại thời điểm này, nếu bạn chưa bao giờ thực hành hoặc huấn luyện Tâm khi còn sống, bạn sẽ rất có thể trải nghiệm nỗi sợ hãi tột độ xen lẫn với một chút hy vọng. Nhưng nếu bạn đã thực hiện luyện Tâm – bất kỳ thực hành đơn giản nào về Chánh Niệm Tỉnh Giác cho đến những kỹ thuật luyện Tâm vi tế mô tả trong Mật Điển – thì những nhận thức, sự phóng chiếu bạn kinh nghiệm khi chết và cách điều khiển Tâm của bạn, sẽ hoàn toàn khác.

Một Phật Tử thực hành tốt chắc chắn có thể kiểm soát mỗi khoảnh khắc trong tiến trình chết và cái chết. Thậm chí một người thực hành ở mức độ thông thường nhất cũng có thể áp dụng Chánh Niệm Tỉnh Giác ở mức độ nhất định, điều này giúp giảm đáng kể sự đau đớn. Dù bạn có rèn luyện Tâm mình hay không, thông tin quan trọng nhất cần ghi nhớ là, trong những bardo [trạng thái trung gian], mọi thứ bạn kinh nghiệm được chỉ là sự phóng chiếu từ Tâm của bạn. Vì vậy, sự phóng chiếu của mỗi người trong những bardo là hoàn toàn khác nhau. Cũng giống như việc thỉnh thoảng chúng ta nằm mơ thấy những người bạn đã chết lâu ngày, trong giai đoạn trung gian, chúng ta cũng có thể bắt gặp vài người quen.

Nghiệp có ảnh hưởng đến tiến trình chết?

Nghiệp có năng lực mạnh mẽ đến mức nó sẽ ảnh hưởng đến từng khoảnh khắc của sự sống và cái chết. Nếu bạn có nghiệp rất tốt, dù thường xuyên phải chuyển nhà, bạn sẽ luôn dừng lại tại nơi nào đó thật đáng yêu; dù phải nhiều lần tìm người giúp việc, bạn sẽ luôn tìm thấy người nào đó tử tế và thật thà; và tất cả những gì bạn ăn đều sẽ có hương vị thơm ngon. Nếu bạn có nghiệp rất xấu, dù có hẹn hò với ai đi nữa, thì kết cục cũng đi đến cãi vã, những món ăn người đó yêu thích sẽ luôn khiến bạn cảm thấy phát bệnh. Tương tự, bạn chết như thế nào tùy vào nghiệp của bạn. Nếu nghiệp tốt, bạn sẽ không chống lại tiến trình chết hoặc tạo ra bất kỳ sự xúc động nào, bạn sẽ đối mặt với cái chết một cách điềm tĩnh và hợp lý.

Như vậy thì, thế nào là nghiệp ‘tốt’ và thế nào là nghiệp ‘xấu’? Định nghĩa tùy thuộc vào quan điểm cá nhân của bạn. Một người có thể suy nghĩ rằng, được chết khi có đầy đủ gia đình và bạn bè xung quanh là nghiệp tốt, trong khi những người khác thì cho rằng nghiệp tốt là được chết một mình trong rừng rậm, không có nước mắt hay các thứ phiền nhiễu khác. Một số người có thể nghĩ rằng nghiệp tốt là có ai đó ở cạnh giường khi họ chết và nhắc nhở họ về điều gì nên làm trong giai đoạn trung ấm [những bardo xảy ra sau khi chết] hoặc trì niệm danh hiệu của những vị Phật và Bồ Tát.

Nghiệp sẽ ảnh hưởng đến bạn thông qua mọi cách thức trong suốt tiến trình chết, ngay từ quá trình tan rã cuối cùng. Quan trọng hơn, ý nghĩ cuối cùng trong phút lâm chung sẽ là sợi chỉ dẫn bạn vào những trạng thái trung gian tiếp theo, ‘hương vị’ của ý nghĩ này sẽ thấm đẫm vào những kinh nghiệm trong bardo cũng như các quá trình tương tục khác.

Giống như chất lượng của hạt giống được gieo bởi người làm vườn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng của mùa vụ, những hành động tốt và xấu trong quá khứ cũng sẽ xác định nơi bạn tái sinh. Nếu người làm vườn trồng những hạt mốc hoặc hạt đã bị nghiền nát, sẽ không có gì phát triển và kết quả sẽ xấu; nếu hạt giống tươi tốt, khỏe mạnh được gieo, chúng sẽ phát triển và cho ra kết quả tốt.

Cảm thấy gì tại thời điểm lâm chung?

Thân thể và Tâm trí luôn đan xen, không thể tách rời trong suốt cuộc đời. Tại thời điểm chết, chúng bị phân tách, và đây là lần đầu tiên, Tâm bạn trải nghiệm cảm giác của sự tách biệt khỏi cơ thể. Thân xác sẽ được hỏa táng, chôn cất hoặc được để cho phân hủy một cách tự nhiên, trong khi Tâm thức thì tiếp tục tồn tại. Và cảm giác bạn kinh nghiệm về Tâm sau khi chết như thế nào sẽ không hề giống với bất kỳ kinh nghiệm nào bạn đã biết trước đó.

Hãy tưởng tượng bạn luôn đeo một chiếc kính râm từ lúc mới sinh. Bạn đeo kính liên tục cho đến 50 tuổi, sau đó đột nhiên tháo kính ra. Ngay lập tức, thế giới xung quanh bạn thay đổi hoàn toàn. Điều này có thể đáng sợ, đáng lo ngại hoặc bối rối, nhưng dù câu chuyện này ảnh hưởng bạn theo cách nào, thì có một điều bạn có thể chắc chắn: thế giới xung quanh sau khi tháo bỏ cặp kính sẽ hoàn toàn khác biệt. Thời khắc chết cũng giống như vậy.

Những chi tiết cụ thể và điều gì sẽ xảy ra khi chết tùy thuộc vào lượng kinh nghiệm bạn có được trong việc quan sát Tâm thức. Như tôi đã đề cập, nếu bạn không làm việc với Tâm trong lúc sống, thì thời điểm chết chắc chắn sẽ rất kinh khủng. Nỗi sợ hãi có thể khiến bạn ngất xỉu.

Bạn có bất tỉnh tại thời điểm chết hay không còn tùy thuộc vào việc bạn có tỉnh thức trong lúc sống hay không – nói cách khác, tùy thuộc vào mức độ tỉnh giác của bạn ngay từ lúc này. Việc phân tách Thân thể và Tâm thức là một cú sốc khủng khiếp. Giống như bị một trái banh bóng rổ va thẳng vào đầu, và nhiều trường hợp người bị quả bóng va vào sẽ ngất xỉu. Nhưng bất tỉnh không có nghĩa là bạn trở nên vô tri vô giác như khúc gỗ. Những nguyên tố và ý thức của các giác quan sẽ tan rã, mắt, tai, mũi và v.v… ngừng hoạt động, do đó, chắc chắn bạn sẽ không còn trí nhớ rõ ràng về những ý nghĩ hay đặc điểm nhận dạng của đời sống trước. Mặc dù bạn không còn trải nghiệm ý thức ở tầng lớp thô thiển, bạn sẽ không bao giờ mất đi phần ý thức được gọi là sự ‘tự giác biết’. Sự tự giác biết này – ‘bản tánh của Tâm’ – không thể mất đi.

Cuối cùng, bạn sẽ có lại được ý thức. Dù đã chết, bạn vẫn có thể thấy, nghe, cảm nhận, ngửi và xúc chạm, nhưng không thông qua các bộ phận của cơ thể. Trong cái chết, bạn nhận thức mọi thứ trực tiếp bằng Tâm: bạn thấy bằng mắt của Tâm, nghe bằng tai của Tâm, cảm nhận bằng thân thể của Tâm và v.v…Rất khó để phỏng đoán chính xác những gì bạn sẽ nhận thức sau khi chết. Bạn có thể thấy họ hàng và bạn bè, nhưng dù trải nghiệm gì tại thời điểm đó khiến bạn hạnh phúc, buồn khổ hay e ngại đều sẽ tùy thuộc vào hoàn cảnh cá nhân của bạn. Tâm thức chơi những trò bịp bợm với bạn trong khi sống, thì nó cũng sẽ chơi những trò gian trá khi bạn chết. Vì vậy, bất kỳ những gì bạn nghĩ rằng mình đang thấy biết đều được tạo ra bởi một ‘Tâm dối trá’.

Nghiệp sẽ có ảnh hưởng lớn đến những kinh nghiệm trong bardo bởi vì dù còn sống hay đã chết, bạn luôn khó tránh khỏi việc tích lũy nghiệp.

Những người mê thú cưng từng hỏi tôi rằng liệu tiến trình này có tương tự với các loài động vật. Thể tạng của một con thú, những yếu tố, giác quan, văn hóa, sự giáo dục và cả những phóng chiếu của loài vật rất khác biệt so với con người. Những khía cạnh khác cũng vậy, các loài động vật không lập kế hoạch, xây dựng công ty hay có những chiến lược thâu tóm kinh doanh. Vì vậy, cái chết và những phóng chiếu trong và sau khi chết của một con vật cũng sẽ khác.

Những phóng chiếu do các loại côn trùng nhỏ trải nghiệm trong cuộc sống thì không mấy khác biệt với những phóng chiếu sau khi nó chết. Côn trùng và động vật đều thường ở trong trạng thái hoảng sợ và bất an khi chúng còn sống, nỗi sợ này lớn hơn nhiều so với loài người, do vậy sự bất ổn trong trạng thái bardo sẽ không lạ lẫm với chúng.

Bạn sẽ thấy gì sau khi chết?

Nói chung, Phật Giáo cho rằng những gì bạn thấy sau khi chết tùy thuộc vào nghiệp của bạn.

Thật quá đơn giản nếu đề cập đến Nhân Quả một cách rập khuôn và khẳng định những hành động xấu ác luôn mang đến trải nghiệm xấu, nhưng nhận định sai lầm này vẫn thường xảy ra. Sẽ vô cùng khó khăn để có thể phán xét một hành động hoặc tình huống là ‘tốt’ hoặc ‘xấu’, bởi vì bản chất của nghiệp được tạo tác phụ thuộc hoàn toàn vào động cơ của người tạo ra nó. Do đó, quả của nghiệp sinh ra từ bất kỳ hành động nhất định nào đó cũng sẽ khác nhau đối với mỗi cá nhân.

Nhưng làm thế nào để mỗi chúng ta có thể chắc rằng động cơ của mình là ‘đúng đắn’? Rất khó để xác định rõ một động cơ có chân thật hay không. Tuy nhiên, chúng ta lại thường tự thuyết phục rằng những ý định của bản thân luôn là tốt đẹp – suy nghĩ này dễ dàng phỉnh gạt chúng ta về những gì khiến bản thân phải hành động. Ở mức thường xuyên hơn, động cơ chúng ta ‘cho là đúng đắn’ lại có gốc rễ từ sự ích kỷ. Và nếu không thể chắc chắn về động cơ của mình, thì làm thế nào chúng ta có thể chắc chắn về những ảnh hưởng mà nghiệp sẽ mang lại? Do vậy, không có kết quả cố định cho từng nguyên nhân tạo tác ra nghiệp. Ví dụ, chúng ta thường tưởng tượng rằng có nhiều tiền và trở nên xinh đẹp là điều tốt, nhưng khi nhìn vào các phương tiện truyền thông phổ biến hiện nay, ta lại nhận thấy rằng người giàu và đẹp chưa hẳn đã hạnh phúc. Vì vậy, định hình về tính chất ‘tốt’ và ‘xấu’ của nghiệp không thể nhận định rập khuôn, và các kết quả của nghiệp cũng không cố định.

Sáu cảnh giới luân hồi

Nếu bạn là người hay nổi giận, hung hăng trong cuộc sống và hành động của bạn bị thúc đẩy bởi các cơn nóng giận, thì bạn sẽ tiếp tục hành xử nóng giận trong kiếp sống kế tiếp. Rất khó để làm hài lòng một người hay nổi nóng, nên dễ thấy rằng bạn đang không thích nơi mình ở. Dù chiếc khăn vừa mới giặt của bạn trông có vẻ sạch và trắng, bạn vẫn sẽ luôn tìm thấy một vết bẩn. Một vườn hoa hồng sẽ chỉ là một đám cây bụi đầy gai. Dù ghế sofa của bạn êm ái cỡ nào, bạn cũng chẳng thể cảm thấy thoải mái khi ngồi. Dù thời tiết có đang tuyệt vời, bạn sẽ lại luôn cảm thấy quá nóng hoặc quá lạnh. Trên thực tế, dù là ở đâu, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy dễ chịu và sẽ luôn có điều gì đó cho bạn phàn nàn. Có khả năng lớn là bạn sẽ bị thiêu cháy, hoặc bị nghiền nát trên đường, hoặc bị đâm. Tất cả những điều này được Giáo lý của Đạo Phật mô tả là cảnh giới Địa Ngục.

SỐNG LÀ DẦN CHẾT

Địa ngục

Những kẻ tham lam keo kiệt, bị thôi thúc bởi sự ích kỷ và dục vọng, sẽ mang theo những thói quen bủn xỉn vào đời sống tiếp theo. Là một người keo kiệt, bạn không chỉ hành xử keo kiệt với người khác, mà với cả chính bản thân mình.

Bạn có thể sở hữu những thứ tuyệt vời – ba chiếc xe ô tô, hai ngôi nhà, tủ chén với tất cả những loại vật dụng nhà bếp, các món đồ trang sức, v.v… – nhưng bạn không bao giờ tự mình sử dụng bất kỳ thứ gì, hoặc thậm chí không nghĩ tới việc chia sẻ với những người không có. Nếu đến phút cuối, bạn quyết định chi một khoảng lớn cho chiếc áo khoác đắt tiền, thì cũng có thể bạn sẽ chết trước khi có cơ hội gỡ bỏ miếng tem giá đính trên áo. Bạn quá keo kiệt để tự đãi mình những bữa ăn ngon trong các nhà hàng, thì làm sao xảy ra việc bạn mua một bữa ăn tối cho người nào đó. Dù có rất nhiều tiền của, nhưng với bạn sẽ không bao giờ đủ, và khi chết, bạn sẽ bị tra tấn bởi ý niệm rằng những người họ hàng biếng nhác, vô công rồi nghề sẽ vô tư phung phí khối tài sản được bạn tích lũy một cách khó khăn. Đây là hình ảnh Phật Giáo mô tả về những người sống trong cảnh giới Quỷ Đói [Ngạ Quỷ].

SỐNG LÀ DẦN CHẾT

Hồi kết của kẻ bần tiện

Một số người về cơ bản không có hiểu biết về những gì đang xảy ra quanh họ. Họ thậm chí có thể chủ ý quyết định không lưu tâm đến nỗi khổ của người khác. Nếu thuộc dạng người này, bạn cố sức tránh né việc đồng cảm với mọi người, chủ động cổ xúy cho trạng thái khờ khạo, thờ ơ và thiếu đồng cảm ở người khác, và tự mình hãnh diện về việc hoàn toàn không bị lay chuyển bởi sự đau khổ của một con rùa hoặc tôm hùm khi trông thấy nó bị nhúng vào nước sôi cho bữa trưa của bạn. Bạn rèn luyện bản thân để lớp da mình trở nên dày hơn, để không phải cảm nhận bất kỳ điều gì ở mọi người, và chỉ giao tiếp với những người có tính cách giống bạn. Bạn ăn mừng khi sở hữu một trái tim cứng cáp, sau đó dạy cho con cái và bạn bè của bạn trở nên nhẫn tâm và lạnh lùng giống bạn. Ngay cả khi trong túi đang có một triệu đồng, bạn cũng không thể tự mình ném một đồng xu cho một em bé rách rưới bên đường – đứa trẻ không có chút hy vọng được đến trường hoặc thậm chí chưa từng nhìn thấy một món đồ chơi nào, chưa kể đến việc được chơi đùa cùng ai đó. Khi dạng người này tái sinh, hoàn cảnh thiếu thốn của họ sẽ tương tự như việc đưa một món ăn nhẹ cho người cần bổ sung nguồn năng lượng cực lớn. Bạn sẽ không còn ngôi nhà nào, không có địa chỉ bưu chính, đừng nói đến tài khoản ngân hàng. Nếu kiếp trước bạn là một thợ săn, thì kiếp sau bạn sẽ là người bị săn đuổi. Bất cứ khi nào bạn đủ may mắn tìm thấy một ít thực phẩm, bạn sẽ hoang tưởng nghĩ rằng phải bảo vệ số thức ăn này và sống trong nỗi sợ hãi về việc thức ăn có thể bị cướp khỏi tay bạn. Phật Giáo mô tả đây là cảnh giới Súc Sinh.

SỐNG LÀ DẦN CHẾT

Cảnh giới súc sinh

Nếu bạn là người hay ganh tị và những hành động trong cuộc sống dựa trên bản tính ganh tị, thì bạn cũng sở hữu bản tính này trong kiếp sống tiếp theo. Bạn sẽ tái sinh vào thế giới nơi người khác luôn có những gì bạn thèm muốn như: ‘vẻ ngoài’, túi xách, giày, tài sản, đối tác. Ngay cả khi ‘có tất cả’, bạn sẽ lo lắng người khác có nhiều hơn bạn và mọi thứ họ có thì chất lượng tốt hơn của bạn. Đố kị và thói quen suy nghĩ quá mức sẽ cung cấp nhiên liệu cho chứng hoang tưởng đến mức bạn không bao giờ có thể thư giãn. Tâm ganh tị, đố kị của bạn luôn tìm thấy lỗi ở những người vẻ vang, thành công, nổi tiếng, được tôn trọng và tôn kính. Bạn sẽ không ngừng củng cố thói quen tự lừa dối bằng cách thuyết phục bản thân rằng những lời bình phẩm đầy tị hiềm của bạn đều là những phân tích thật sự khách quan, không bị vướng mắc cảm xúc. Trên thực tế, kiểu ‘tư duy phê phán’ này khiến bạn không thể vui mừng trước niềm vui của người khác hoặc cùng chia sẻ niềm vui với họ. Thay vào đó, Tâm trí của bạn sẽ bị tiêu hao bởi những suy nghĩ về việc làm thế nào để hạ thấp phẩm giá của những người bạn đang tị hiềm. Phật Giáo gọi đây là cảnh giới Atula [Asura]

SỐNG LÀ DẦN CHẾT

Cảnh giới Atula – Những vị thần ưa chiến

Nếu bạn rất kiêu ngạo và cuộc sống của bạn bị thúc đẩy bởi tính kiêu mạn, bạn cũng sẽ kiêu ngạo trong kiếp sống tiếp theo. Những người tự kiêu luôn nhận thức rằng họ sống với chuẩn mực đạo đức cao. Họ được sinh ra trong thế giới nơi tất cả mọi người phải chịu đựng việc pha trộn điển hình giữa tầng lớp thấp kém và tầng lớp ưu việt. Đó là một thế giới đơn sắc; tất cả mọi người trong mắt bạn đều có đầu óc nhỏ bé, quê mùa, bình thường, hẹp hòi, nhà quê, hướng nội, hữu hạn, hạn chế, bảo thủ, tầm thường, thiển cận, nhỏ mọn, ngắn hạn, hạn hẹp, hướng nội, vô tâm và không khoan dung. Nếu bạn được sinh ra ở cõi này, không có ai thích bạn và bạn cũng chẳng hợp với ai.

Tuy nhiên, bạn sẽ tự hào là thành viên của một ‘xã hội tự do’. Tin chắc rằng quan điểm của bạn là khách quan và dân chủ nhất, bạn không do dự chỉ trích người mang quan điểm khác mình hay có những chuỗi giá trị khác thay thế. Không thể chịu đựng bất kỳ hình thức bất đồng ý kiến nào, bạn áp đặt các giá trị và cách sống của mình lên người nào bạn đánh giá là ‘cổ hủ’, hay ‘không đủ khả năng’, hoặc ‘xấu ác’, chỉ vì họ không đồng tình với bạn. Và bằng cách cố gắng buộc họ làm giống mình, bạn khiến họ đau khổ. Đây là những gì Phật Giáo gọi là cảnh giới Chư Thiên [cõi Trời].

SỐNG LÀ DẦN CHẾT

Ngắm mây

Cảnh giới cuối cùng trong sáu cõi là cõi Người. Mặc dù, cuối cùng thì chúng ta cũng phải tự giải thoát mình khỏi cảnh giới này, nhưng nếu bạn chưa sẵn sàng cho sự Giác Ngộ, thì đây là cảnh giới tốt nhất để ‘tạm thời’ tái sinh vào. Nếu cuộc sống này được thôi thúc bởi niềm đam mê, bạn cũng sẽ đam mê trong kiếp sống tiếp theo, luôn bận rộn và luôn hướng đến một điều gì đó. Là con người, bạn phải chịu đựng trạng thái tinh thần nghèo nàn, liên tục cảm giác sự không chắc chắn, và tất nhiên kể cả bốn giai đoạn sinh, già, bệnh, chết. Xung quanh bạn là nhiều người và nhiều thứ bạn ham muốn, nhưng bạn không bao giờ có được những gì mình thật sự muốn. Và bạn luôn kết thúc trong tình huống bị xa cách khỏi những người thân yêu bởi vì bạn dành toàn bộ thời gian để cố gắng kiếm tiền – món tiền bạn nghĩ sẽ cần thiết cho một tương lai không bao giờ đến.

Cho dù có nhiều điểm bất lợi, cõi người vẫn là cảnh giới được ưa thích đối với người có xu hướng tâm linh. Nhờ có khổ đau, con người tận hưởng được vài khoảnh khắc an lành hiếm hoi được kích khởi sau khi trải qua những nỗi buồn cùng cực, trầm cảm, bất hạnh hay đớn đau. Tuy nhiên, con người cũng có khả năng giải thoát bản thân khỏi sự trói buộc tự gây ra, điều mà rất khó có thể thực hiện nếu ở trong các cảnh giới khác.

Nhân đây, tôi cũng muốn nói với các bạn rằng, mặc dù Giáo lý của Đạo Phật mô tả Sáu cõi, nhưng Luân Hồi thật sự được tạo thành từ vô số cảnh giới mà hầu hết chúng ta không thể nào tưởng tượng nổi.

Nhiều tôn giáo cảnh báo rằng khi cái chết xảy đến, người theo dõi sẽ xuất hiện trước một Thẩm Phán để cân đo những hành động tốt và xấu của người chết, sau đó vị Thẩm phán sẽ gửi người đã làm nhiều việc tốt hơn việc xấu lên thiên đàng, và gửi người làm nhiều điều xấu hơn điều tốt xuống địa ngục. Mặt khác, Phật giáo dạy rằng vị Thẩm Phán duy nhất bạn sẽ phải đối diện chính là Tâm thức của mình.

Hãy tưởng tượng bạn lấy trộm thứ gì đó từ một người bạn và không bị phát hiện. Mặc dù bạn tránh được sự trừng phạt, nhưng bạn vẫn phải sống với chính mình và sau khi trải qua nhiều năm, lương tâm sẽ khiến bạn cảm thấy thật tồi tệ. Tương tự như vậy, khi chết, những mặc cảm tội lỗi chắc chắn sẽ làm bạn nhớ tất cả những điều ác hại hoặc không tử tế mà bạn đã nói và làm trong suốt quá trình sống, tất cả những ký ức đó sẽ khiến bạn đau khổ. Lúc đó sẽ không có một thực thể riêng biệt nào bên ngoài bạn, ngồi phía trước và phán xét bạn; không có sức mạnh, hay đấng toàn năng nào sẽ đặt những hành động xấu và tốt của bạn lên cán cân hoặc ghi lại tất cả mọi thứ bạn đã làm vào một quyển sổ khổng lồ. Sẽ không có phán quyết nào được tuyên bố từ bên ngoài và dựa trên những hành động bạn đã làm trong lúc sống.

Phật Giáo tin rằng những Nhân và Duyên mỗi chúng ta tích tập không phụ thuộc vào trở ngại [bên ngoài] hoặc nếu như quả của chúng không chín muồi thì Nhân Duyên sẽ không tự tiêu tan. Cho dù ý định đằng sau mọi thứ bạn từng nghĩ, nói ra hay hành động là tốt đẹp, tử tế và đạo đức, hoặc xấu ác, không tử tế và đầy thù hận, nếu nghiệp đó chưa được tịnh hóa, bạn sẽ nhận lãnh kết quả tương ưng. Điều này, tất nhiên, có thể được hiểu là một loại phán quyết. Nhưng đó sẽ là ‘bạn’ tự phán xét lại động cơ và hành động của riêng mình, chứ không phải một thực thể bên ngoài nào.

Về cơ bản, cái chết của bạn, kinh nghiệm sau khi chết và tái sinh trong tương lai được xác định bởi các nguyên nhân, điều kiện, ý định và hành động mà bạn đã tích tập trong nhiều kiếp sống.

Thiên đường và địa Ngục có thật không?

Phật Giáo cho biết rằng cả Thiên Đường và Địa Ngục đều là những trạng thái của Tâm. Vì vậy, tùy thuộc vào mức độ kiểm soát Tâm của bạn – về cơ bản, dù bạn có chuẩn bị cho cái chết trong lúc sống hay không thì khi chết đi, bạn vẫn có thể sẽ trải qua những kinh nghiệm theo cách này hoặc cách khác. Những gì bạn nhìn thấy sẽ phụ thuộc vào những gì Tâm bạn phóng chiếu ra. Bạn có thể không nhìn thấy tên lính gác cửa Địa Ngục đầu trâu mặt ngựa như mô tả trong các văn bản Phật giáo thiêng liêng; nhưng những thứ được tạo ra từ sự tưởng tượng của bạn có thể còn ghê gớm hơn. Và nhân đây, bạn nên hiểu rằng những sinh vật như tên lính đầu trâu mặt ngựa gác cửa Địa Ngục chỉ là hình ảnh tượng trưng.

Với sự chuẩn bị tốt và động cơ đúng đắn, bạn có thể trải nghiệm hình ảnh phóng chiếu về cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà, đây giống như Thiên Đường theo phiên bản Phật Giáo. Nhưng nếu tập khí thói quen của bạn bị điều khiển bởi những cảm xúc tiêu cực, Tâm thức bạn có thể dễ dàng phóng chiếu một khung cảnh gớm ghiếc, khiếp đảm và biến động dữ dội – đó là cảnh giới Địa Ngục. Cả hai trường hợp, tuy kinh nghiệm khác nhau nhưng đều được tạo ra và phóng chiếu bởi Tâm thức. Không có gì tồn tại bên ngoài Tâm của bạn và do đó, một Thiên Đường hay Địa Ngục ở bên ngoài cũng không tồn tại.

Điều gì tiếp diễn sau khi chết?

Liệu có một cái ‘tôi’, một ‘bản ngã’, hay một ‘linh hồn’ tiếp tục tồn tại sau khi chết? – Có. Bởi vì đã có cái ‘tôi’ trong suốt đời sống, nên sẽ có một cái ‘tôi’ tiếp tục sau khi chết. Cái ‘tôi’ của ngày hôm qua tiếp tục là ‘tôi’ của ngày hôm nay; ‘tôi’ của năm ngoái tiếp tục là ‘tôi’ của năm nay. Và ‘tôi’ của ngày hôm nay sẽ tiếp tục là ‘tôi’ sau khi chết.

Cái ‘tôi’ này không giống như khái niệm Linh Hồn được nhắc đến trong các tôn giáo Abraham [Áp-ra-ham là các tôn giáo độc thần (monotheistic) có nguồn gốc từ Tây Á, tự coi là có sự tiếp nối từ các thực hành tôn thờ Thiên Chúa của Abraham hoặc công nhận truyền thống tâm linh gắn với ông. Abraham được coi là một ngôn sứ, như được miêu tả trong Kinh Torah, Kinh Thánh và Kinh Qur’an. Đây là một trong các nhóm tôn giáo chính cùng với các tôn giáo Ấn Độ và các tôn giáo Đông Á. Các tôn giáo theo truyền thống Abraham bao gồm: Do Thái giáo, Kitô giáo, và Hồi giáo, có số lượng tín hữu chiếm hơn một nửa dân số thế giới. Ngoài ra, một số tôn giáo khác có liên quan đôi khi cũng được coi là có khởi nguồn từ Abraham như Samari giáo, Druze giáo, Shabak giáo, Bábi giáo, Bahá’í giáo, và phong trào Rastafari.], theo các tôn giáo này thì linh hồn chỉ là một quan niệm được gán đặt. Nói cách khác, ‘tôi’ là một ảo tưởng. Nhưng đừng xem thường cái ‘tôi’ ảo tưởng này. Tất cả những ảo tưởng của chúng ta đều có năng lực rất mạnh và cái ‘tôi’ ảo tưởng có năng lực mạnh mẽ nhất.

Từ điển tiếng Anh Oxford cho chúng ta cho biết rằng các tôn giáo Abraham nghĩ về linh hồn như là “phần tinh thần hoặc một bộ phận phi vật chất của một con người hay động vật, và được coi là bất tử”. Những tôn giáo này cũng tin rằng động vật và những sinh vật khác có một loại linh hồn khác với linh hồn loài người. Mặt khác, Phật Giáo tin vào sự tương tục. Chúng tôi tin rằng quan niệm về cái ‘tôi’ hay cái ‘ngã’ sẽ tiếp tục tồn tại sau khi chết và bước vào một đời sống mới. Nhưng, tất nhiên, chúng ta cũng phải nhớ rằng khái niệm về ‘sự tương tục’ là một sự thật mang tính chất tương đối, và giống như tất cả các sự thật tương đối khác, khái niệm này được đặt ra bởi một Tâm thức có bản chất dối lừa.

Nếu tôi đánh que diêm để thắp sáng một cây nến trắng, sau đó sử dụng cây nến đó để thắp một cây nến màu xanh, thì có phải cùng một ngọn lửa đang cháy trên cả cây nến trắng và xanh không? Phải và không phải. Câu trả lời ‘phải và không phải’ này có thể được áp dụng cho tất cả các sự thật tương đối. Nếu bạn hỏi rằng, ‘bạn’ của hôm nay có phải là ‘bạn’ của ngày mai không, thì câu trả lời sẽ là ‘phải và không phải’, bởi vì có một sự liên tục diễn ra nhưng chỉ ở mức độ tương đối.

Thời điểm duy nhất mà cái ‘tôi’ hoặc cái ‘ngã’ sẽ không tiếp tục một cuộc sống mới là khi chúng ta đạt được Giác Ngộ. Một khi đã Giác Ngộ, quan niệm về cái ‘ngã’ không còn tồn tại và cũng không còn khái niệm về ‘thời gian’. Đối với người Giác Ngộ, do đó, không còn thứ gọi là sự tương tục hoặc tái sinh nữa.

Về cơ bản, Tâm thức tiếp tục hoạt động sau khi cơ thể chết đi và trong Phật giáo, Tâm quan trọng hơn Thân. Không có Tâm thức, cơ thể không có ý nghĩa gì – chỉ giống như những bộ quần áo, có thể được biến đổi hoặc thay thế.

Sương trên cỏ:

một hạt phù du

Là sương, và chẳng phải sương!

Zaishiki

Tất cả chúng ta có trở thành ma sau khi chết?

Không dễ để trả lời cho câu hỏi này.

Phật Giáo tin rằng dù mối liên hệ giữa Tâm thức và Thân thể cực kỳ mạnh mẽ, nhưng về cơ bản thì chúng là hai phần tách biệt – nếu tay bạn bị cắt lìa, Tâm của bạn không vì vậy mà thu nhỏ lại. Phật Giáo tin rằng ma là những sinh vật thiếu các yếu tố cấu tạo nên thân xác, do đó không có một thân thể vật chất nguyên vẹn đầy đủ bằng xương thịt, mặc dù một số loại ma có thể hiện nhiều phần cơ thể.

Theo giáo lý Đạo Phật, chúng ta trở thành ma ngay khi chết – nhưng không phải loại ma được mô tả theo văn hóa phương Tây, mà đó là ‘những chúng sinh trong bardo’. Một chúng sinh trong bardo [chúng sinh đang ở trong những giai đoạn trung gian sau khi chết/ trong giai đoạn trung ấm] có thể nhận thức và giống với hồn ma phương Tây ở điểm họ không có cơ thể chắc đặc. Điều này nghĩa là cả những hồn ma phương Tây và chúng sinh trong bardo không cần phải sử dụng cửa để đi từ phòng này sang phòng khác.

Hầu hết các nền văn hóa phương Tây tin vào linh hồn, ma thường được cho là linh hồn của người đã chết hiện lên, có thể thấy được nhưng không có xác thịt. Phật Giáo, như tôi đã nói, không tin vào một linh hồn dưới khái niệm của một hiện tượng thật sự tồn tại. Cho nên, hồn ma được nói đến bởi những người tin vào một linh hồn thật sự tồn tại thì hoàn toàn khác với những chúng sinh trong bardo mà Đạo Phật giải thích.

Giống như con người, một số ma rất xấu xa và ác độc, có nhiều loại không an toàn. Nhưng chủ ý đầu tiên của một con ma thường không phải làm hại người khác, mà chỉ mong muốn được sống sót. Vì vậy, rõ ràng, nếu bạn đe dọa sự tồn tại của một con ma, nó sẽ không vui. Những sinh vật đang sống có cơ thể vật lý, còn ma thì không có cơ thể, nên hầu như con ma không thể làm được gì. Đa số những người đang sống không thể nhìn thấy ma, nhưng hầu hết các hồn ma đều có thể nhìn thấy người sống, đây là một bất lợi lớn. Mọi người ngồi vào chỗ ngồi của ma mọi lúc vì họ không thể thấy ma đang ngồi đó. Ngay bây giờ, bạn cũng có thể đang ngồi ngay trên chỗ của một con ma.

Những người theo đạo Phật cũng gọi những linh hồn được các Thầy pháp thờ cúng là ma, nhưng những linh hồn như vậy chỉ giúp hoàn thành những mong cầu bình thường như thành công trong kinh doanh, thu hoạch tốt, v.v…

Có phải tất cả chúng ta đều có danh tính mới sau khi chết?

Vâng. Nhưng hãy nhớ, ‘danh tính’ chỉ là một ảo tưởng. Bạn có chắc biết mình là ai ngay lúc này, lúc bạn đang đọc quyển sách này? Nhiều khả năng bạn sẽ tiếp tục cho rằng mình là mẹ của đứa con gái hiện tại của bạn cho dù bạn đã [chết và] chuyển sang kiếp sống tiếp theo. Hãy nghĩ về điều này! Dựa trên những quy luật của Nghiệp Quả, nếu bạn tái sinh làm một con gà, đứa con gái trong hiện tại có thể đem bạn đi quay nướng và dọn lên dĩa trong bữa ăn của gia đình.

Gần như chắc chắn là bạn sẽ gặp lại gia đình và bạn bè trong đời sống kế tiếp – có thể là hàng triệu triệu lần. Điều ít có khả năng hơn nhiều là việc liệu bạn có nhận ra họ hoặc thậm chí có ưa thích nhau hay không. Thậm chí, bạn có thể thấy không thích ngay khi gặp người bạn thân nhất của kiếp trước và hoàn toàn phớt lờ người ấy. Hoặc, như tôi vừa nói, bạn có thể thấy mình bị chính đứa con gái yêu thương đem nướng để làm bữa trưa cho ngày Chủ Nhật.

Nếu được sinh trở lại vào gia đình hiện tại, dù có dành cho cha mẹ và họ hàng những tình cảm yêu thương nhất trong kiếp sống vừa qua, thì vào kiếp kế tiếp, có thể bạn sẽ kết thúc với sự khinh miệt họ cùng với tất cả những điều họ yêu thích. Nếu bạn được trở lại căn nhà cũ, có thể bạn sẽ chán ghét căn phòng đã lỗi thời của mình. Và nếu như bạn đầu thai làm một con ruồi thì sao? Sự thật về ‘căn nhà’ cũ trong kiếp trước sẽ chẳng còn nghĩa lý gì đối với con ruồi. Còn nếu như bạn tái sinh lại vào dạ con của chính đứa con gái mình thì thế nào? Việc này sẽ biến bạn trở thành cháu ngoại của bạn. Rồi đến lúc trưởng thành, bạn có thể tạo lập sự nghiệp riêng nhưng lại đối nghịch hoàn toàn với mọi thứ mà ông bà đã từng gây dựng.

Về cơ bản, con người thường xuyên có cảm giác bất an về việc chúng ta thật sự là ai? Ý thức của chúng ta về danh tính được xác lập bởi quốc tịch, tôn giáo và quyền công dân, sau đó được định hình thêm bởi các hội nhóm chúng ta hỗ trợ. Chúng ta có thể quyết định trở thành những thành viên ủng hộ nhiệt tình của NRA[Hiệp Hội Súng Trường Quốc Gia Hoa Kỳ: The National Rifle Association of America], hoặc một tổ chức bảo tồn động vật để cứu loài rùa hoặc bảo vệ loài hổ, hoặc tham gia các câu lạc bộ ‘chân chính’, cùng cầu nguyện với những hội nhóm tôn giáo ‘chính nghĩa’ nhất, hoặc nỗ lực để sống ở nơi chúng ta tin tưởng là một đất nước ‘tự do’. Và chúng ta làm tất cả những điều này chỉ đơn giản để khẳng định lại, hết lần này đến lần khác, khẳng định mình là kiểu người mà chính mình thường hình dung về.

Vì vậy, rất đáng giá để ghi nhớ trong Tâm rằng khi chết đi và di chuyển sang những trạng thái trung gian [bardo], không chỉ những điều bất an sẽ trở nên mãnh liệt hơn gấp ngàn lần, mà cả ý thức mang niềm khao khát về một danh tính chân thật sẽ mãnh liệt hơn gấp mười ngàn lần. Những cảm xúc chưa được giải quyết chứa đầy bất ổn và bất an trở thành vết thương bị viêm nhiễm, biến chứng trầm trọng, sau đó kết thúc trong khổ đau khi những cơn giận dữ chưa từng có khởi phát.

Người chết có thể nói chuyện với người sống?

Đúng là bạn sẽ có thể nhìn thấy thế giới người đang sống trong khoảng vài ngày sau khi chết và thậm chí có thể liên lạc được với họ. Nhưng thực tế, người chết hiếm khi tương tác thành công với người sống và cuối cùng cũng không thể nhìn thấy người sống.

Một trong những trải nghiệm đau đớn nhất mà chúng sinh trong bardo phải chịu đựng là khả năng tương tác xã hội – điều họ quen làm khi còn sống, bị mất đi đột ngột. Họ cảm thấy lạc lõng, bị bỏ rơi và rất cô đơn. Đây là một trong những lý do tại sao động cơ và hành động của người sống rất quan trọng, đặc biệt là khi phân chia những món tiền, của cải và tài sản của người chết. Người chết có lẽ chỉ phản ứng mạnh mẽ với người sống khi họ bị khiêu khích. Nhưng cảm xúc cùng tột rất nguy hiểm cho người chết. Nếu một người đang ở trong bardo trở nên tức giận bởi những người anh em họ hàng đáng ghét đã chiếm lấy một chiếc cặp da vô cùng yêu thích, luồng cảm xúc chớp nhoáng này có thể mang sức mạnh ngăn chặn tiến trình chuyển sang bardo nghiệp và thậm chí có thể khiến người này bị kẹt lại và trở thành một vong linh thuộc cõi âm. Khi điều này thật sự xảy ra, trải nghiệm bardo của người chết sẽ không giới hạn trong bốn mươi chín ngày, nó có thể kéo dài nhiều kỳ kiếp.

Bao lâu sau khi chết thì tái sinh?

Khoảng thời gian ước chừng phổ biến nhất để một người chết di chuyển qua các bardo và bắt đầu đời sống mới là bốn mươi chín ngày, nhưng đây chỉ là khoảng thời gian khái quát. Bạn lưu lại trong những trạng thái trung gian sau khi chết bao lâu sẽ tùy thuộc nghiệp lực cá nhân của bạn; thời gian có thể là bốn mươi chín năm, bốn mươi chín kỳ kiếp hoặc bốn mươi chín giây.

Giây phút ngay khi một người chết, nếu nghiệp cực thiện, người này có thể đạt được Giác Ngộ trong trạng thái trung gian của Pháp Tánh, nhưng nếu nghiệp cực kỳ xấu ác, họ có thể nhận ra mình đang ở tầng địa ngục thấp nhất. Nếu nghiệp của người chết không đảm bảo cho họ đặt được một vé trên chiếc phi cơ đưa đi tái sinh, họ có thể phải lưu lại trong những bardo và chờ đợi trong vô lượng kiếp. Về cơ bản, những gì xảy ra tại thời điểm chết, mỗi giai đoạn trong tiến trình chết và tái sinh kéo dài bao lâu đều khác nhau tùy theo từng người.

Tại sao ký ức mất đi sau khi chết?

Ký ức mất đi vì nhiều lý do. Khi chúng ta còn sống, ký ức đến và đi mọi lúc, điều tương tự cũng xảy ra khi chết.

Con người thường có xu hướng sở hữu một loại thói quen vô cùng mạnh mẽ, thói quen này không chỉ kiểm soát mà thật sự còn phá hủy tất cả những thói quen còn lại. Khuynh hướng rất thông thường của việc sở hữu những tập khí là điều làm cho con đường tâm linh trở nên giá trị. Trên con đường tâm linh, chúng ta phá bỏ những tập khí xưa cũ bằng cách áp dụng những thói quen mới tốt hơn cho đến tận cuối con đường – là lúc chúng ta chuyển hóa được tất cả những tập khí cũ.

Cú sốc phải trải qua khi Tâm thức và Thân thể bị chia tách thường khiến chúng ta mất đi ký ức. Nếu xu hướng giận dữ và hung hăng của bạn mạnh mẽ lúc còn sống, và đặc biệt nếu bạn tức giận và hung hăng khi sắp chết, tác động từ loại cảm xúc mạnh mẽ đó sẽ không dễ dàng bị xóa sạch. Ký ức về những cơn giận theo thói quen cũng có thể nối tiếp vào đời sống tiếp theo của bạn, nơi một lần nữa, bạn sẽ là người hay tức giận và hung dữ. Nếu trong lúc sống, bạn đã rèn luyện Tâm trí của mình về chánh niệm, tình yêu thương và lòng bi mẫn hoặc lập những bổn nguyện mạnh mẽ dựa trên Bồ Đề Tâm, thì cũng có thể ở mức độ tương đương, những ký ức tích cực về lòng bi mẫn, tinh thần vị tha của bạn sẽ còn nguyên vẹn và bạn sẽ là một người đầy từ bi, hướng về tâm linh trong cuộc sống mới. Căn bản là, những gì bạn giữ lại được sẽ liên hệ với việc bạn kiểm soát Tâm của mình tốt đến mức nào.

Vài hoàn cảnh hiếm có cũng xảy ra với dạng người có thể tạng vật lý đặc biệt, người này sẽ tái sinh với trí nhớ như máy chụp hình. Ngoài ra, một nguyên nhân khác đưa đến trí nhớ tuyệt vời có thể là kết quả từ việc rèn luyện khả năng tập trung và không để bản thân bị cuốn theo những phiền nhiễu. Việc sở hữu trí nhớ tốt cũng liên quan mạnh mẽ đến sức mạnh tâm linh, do một phần của ký ức còn lưu lại sau cơn sốc từ cái chết, được mang qua những bardo và đi vào kiếp sau. Ký ức sống động hoặc đau thương đôi khi còn lưu lại trong tiềm thức, có thể đây là lý do tại sao chỉ một ý nghĩ về con nhện cũng làm cho một số người co rúm lại.

Thức A-lại-da [Alaya]

Ký ức không phải là thứ duy nhất chúng ta có khả năng mang theo vào các bardo và đời sống mới.

Phật Giáo tin rằng những ảnh hưởng của nghiệp sẽ lưu trữ tại nơi gọi là Thức ‘A-lại-da’, và sau khi chết, thức này được mang vào kiếp sau. Thức A-lại-da không giống như khái niệm linh hồn của Kitô Giáo. Các tín đồ Kitô Giáo tin rằng linh hồn hiện tại của bạn và linh hồn sau này sẽ lên thiên đàng hoặc xuống địa ngục, chính xác là một. Nếu tôi hiểu một cách đúng đắn, Kitô Giáo tin vào một linh hồn thật sự tồn tại, độc nhất và vĩnh cửu. Phật Giáo không nghĩ như vậy; Phật Giáo tin vào sự tương tục. Chúng ta [là những Phật Tử] có thể đã chấp nhận ý tưởng về ‘linh hồn’ nếu linh hồn đồng nghĩa với thức A-lại-da, nhưng không phải vậy. Thức A-lại-da của thời điểm hiện tại không giống với thức A-lại-da của ngày mai, nhưng chúng cũng không phải hai thực thể hoàn toàn riêng biệt. Phật Giáo tin vào tính tương liên của A-lại-da thức theo cách giống như Tom, Dick và Harry tin rằng ‘bọn họ của ngày hôm nay’ cũng là ‘những người đàn ông của ngày hôm qua’. Đồng thời, Giáo lý Đại thừa cũng chỉ dạy rằng mọi thứ dịch chuyển về phía trước trong tính tương tục chỉ là ‘ảo tưởng’, theo đó, thức A-lại-da cũng không có gì khác hơn là ‘một ảo tưởng’ mà thôi.

Có thể bạn nghĩ rằng điều này nghe không hợp lý [logic], nhưng đối với Phật Giáo thì tất cả các khái niệm [tự nó] đã mang tính phi lý [phi logic]. Các khái niệm thuộc về ‘định hướng, ‘toàn thể’, ‘tổng quát’, đặc biệt khái niệm về ‘sự tương tục’ và ‘thời gian’ đều được [con người] gán đặt ra. Nhưng không phải mọi tư tưởng được sáng lập ra đều vô dụng. Và tất cả những khái niệm tôi vừa nêu ra đều có giá trị rất mạnh mẽ.

‘Thời gian’ là gì? Câu trả lời còn tùy thuộc. Bạn đang hỏi dưới góc nhìn của một triết gia, một nhà khoa học, hay một nhân viên tiếp nhận bệnh tại phòng khám? Nhân viên tiếp nhận bệnh sẽ quan tâm đến thời gian nhất – loại thời gian đo bằng đồng hồ bởi vì anh ta muốn biết các bệnh nhân có đến khám bệnh ‘đúng giờ hẹn’ của bác sĩ không. Đối với một nhà khoa học, thời gian gọi là ‘biến thời gian t’ biểu thị trong các lý thuyết tột đỉnh của ngành khoa học cơ bản 28. Trong khi các nhà triết học không quan tâm nhiều đến định nghĩa chính xác của từ ‘thời gian’, nhưng lại rất quan tâm đến tính đặc thù của thời gian.

Giá trị của việc tạo ra các khái niệm nằm ở mức độ hoạt động của các ảo tưởng. Một con bù nhìn tạo ra từ ảo tưởng của con người, và bù nhìn rơm này thường làm tốt công việc giữ cho lũ quạ không bay lại gần. Sử dụng thuốc an thần có thể tạo nên một ảo tưởng mạnh mẽ đối với một số bệnh nhân, nghĩ rằng bệnh của họ đang được chữa trị. Và ảo tưởng về chế độ dân chủ khiến nhiều người tin rằng tự do và công bằng tồn tại trong thế giới này. Đây là cách mà con người hoạt động trên nền tảng của sự phi lý [phi logic].

Mặc dù A-lại-da Thức chỉ là ảo tưởng, nhưng khi ký ức mờ dần và có xu hướng phai mờ nhanh chóng trong khi sống và cả lúc chết, thì A-lại-da lại không biến mất. Ảo tưởng của A-lại-da tiếp tục cho đến khi những kết quả và ảnh hưởng của nghiệp tích lũy qua nhiều đời kiếp được tịnh hóa hoặc triệt tiêu. Bạn có thể không nhớ được những hành động trong quá khứ của mình, nhưng điều đó không có nghĩa là những ảnh hưởng của nghiệp đó được xóa sạch. Chúng sẽ không xóa đi. Những ảnh hưởng của nghiệp sẽ tiếp tục tạo ra nhiều ảo tưởng, nhiều hy vọng và sợ hãi hơn, và cũng sẽ xui khiến bạn tạo ra nhiều hành động hơn. Đây là lý do vì sao bánh xe của chu kỳ sống [bánh xe Luân Hồi] vẫn tiếp tục quay. Cho đến khi hạt giống của A-lại-da bị đốt cháy, phá hủy, nhổ bỏ hoặc trừ khử, thì sự phóng chiếu của sáu cõi giới sẽ không ngừng tiếp diễn và bạn sẽ tiếp tục đau khổ, cảm thấy đau đớn và v.v…

Tái sinh

Ngày nay, có rất nhiều hoài nghi đối với việc tái sinh, hoặc đầu thai. Nhiều đến nỗi những người mới theo đạo Phật thường tự hỏi liệu họ có thật sự tái sinh sau khi chết hay không.

Mỗi ngày trôi qua, chúng ta đều cho rằng sẽ có ‘ngày mai’, nhưng trong thực tế, chúng ta đang đưa ra một giả định thô thiển – các nhà triết học mô tả giả định này là một ‘phóng chiếu được quy gán’. Tuy nhiên, gọi ‘ngày mai’ là một giả định không có nghĩa ‘ngày mai’ không tồn tại. Điều tương tự cũng xảy ra với mọi hiện tượng trong thế giới tương đối. Mọi thứ tồn tại do chúng ta đã đưa ra các giả định, nhưng mỗi yếu tố trong thế giới tương đối này đều là ảo tưởng, chỉ như một giấc mơ. Mặc dù những chúng sinh như bạn và tôi tin rằng các ảo tưởng này là thật, nhưng thực tế, chúng ta hoàn toàn bị đánh lừa! Và trong khi tiếp tục bám chấp nghiêm trọng vào những ảo tưởng này, chúng ta không những phải gánh chịu những ảo tưởng thuộc về sự tái sinh, mà còn bị chi phối bởi những ảo tưởng thuộc cái chết và của từng khoảnh khắc hiện tại.

Bạn có tin rằng ngay bây giờ bạn đang đọc một quyển sách? Nếu tin, bạn đang bị ảo tưởng.

Bạn có tin rằng ‘bạn’, người đã đọc cuốn sách này ngày hôm qua không khác biệt với ‘bạn’, người đang đọc cuốn sách này ngày hôm nay? Nếu tin, bạn đang bị ảo tưởng.

Vì tất cả mọi thứ đều là ảo tưởng, niềm tin vào tái sinh và cả niềm tin cho rằng không có thứ gọi là tái sinh sau khi chết, cả hai đều là ảo tưởng. Nhưng như tôi đã đề cập trước đó, chỉ vì một thứ gì đó là ảo tưởng không có nghĩa là nó không có giá trị; mọi ảo tưởng đều có giá trị vô cùng to lớn.

Có thể chứng minh được vấn đề tái sinh không?

Tiến sĩ Ian Stevenson tại Đại học Virginia dành phần lớn trong 40 năm sự nghiệp của mình để ghi lại hàng ngàn trường hợp trẻ em tuyên bố có khả năng nhớ lại kiếp trước. Liệu công việc của ông ấy có thể chứng minh được vấn đề tái sinh thật sự tồn tại? Theo cách nào đó, có thể chứng minh được. Nhưng theo quan điểm của Phật giáo, một khái niệm như tái sinh chỉ là sự thật tương đối, không bao giờ là sự thật tuyệt đối. Phật Giáo chỉ có thể chấp nhận thể loại nghiên cứu mà Tiến sĩ Stevenson đã đưa ra ở mức độ tương đối bởi vì chưa lúc nào Đức Phật nói rằng sự tái sinh tồn tại như một sự thật tuyệt đối.

Với bản thân tôi, niềm tin vào ‘sự tương tục’ không được củng cố thêm và cũng không bị suy yếu đi chỉ vì các nhà nghiên cứu tại một trường đại học nào đó tuyên bố rằng cuối cùng họ đã phát hiện ra sức mạnh của ‘sự tương tục’. Tái sinh chỉ đơn giản là một hiện tượng tương đối được quy gán, mặc dù giá trị của nó rất lớn. Đối với tôi, tái sinh chỉ là vậy.

Thẳng thắn mà nói, dù chúng ta có nhớ mình là ai trong kiếp trước hay không thì cũng chẳng quan trọng – hầu hết, những điều này đều không đáng để nhớ về, dù trong bất kỳ thời điểm nào.

Một trong những lý do Phật tử chuẩn bị cho cái chết và các bardo trong lúc còn sống là để đảm bảo có được đời sống tiếp theo tốt hơn. Trong bối cảnh này, ‘tốt hơn’ không có nghĩa là giàu hơn, khỏe mạnh hơn hay xinh đẹp hơn. ‘Tốt hơn’ nghĩa là bạn không tham lam và bạn là người sống đúng mực, đầy yêu thương, tử tế, chân thật và nhạy cảm với sự thật. Nói cách khác, ‘tốt hơn’ nghĩa là có cơ hội được gần gũi hơn với Phật Pháp trong đời sống tiếp theo của bạn.

Đức Dzongsar Khyentse Rinpoche

Việt dịch: Lạc Hải Âm

Hiệu Đính: Chánh Nhân – Nguyễn Nam 

Trích: Sống Là Dần Chết – Làm Thế Nào Để Chuẩn Bị Cho Lúc Cận Tử, Chết Và Sau Khi Chết