10363637_1454259364815021_6233112273981101345_n

Làm những lời cầu chúc

Ngoài sự ý thức rằng chết có thể đến bất cứ lúc nào, cần phát triển sức mạnh của lời cầu chúc. Tất cả những gì chúng ta có thể thực hiện được sinh ra từ một lời cầu chúc. Khi chúng ta ý thức được sự đau khổ của các chúng sinh, và đặc biệt đau khổ cho sự sinh ra, sống và chết, chúng ta trở nên rất nhạy cảm trước sự đau khổ của tất cả các chúng sinh. Chúng ta bèn phát triển một sự từ bi khiến chúng ta không chịu để chúng sinh khổ và chúng ta cảm thấy tình trạng khẩn trương. Phải làm với nỗi khổ của họ, và dĩ nhiên chúng ta làm những gì được với tất cả các lợi điểm của chúng ta. vì những thiếu thốn và giới hạn của chúng ta, ta cố phát triển những lời cầu chúc sâu xa để có thể một ngày kia giải thoát cho chúng sinh. Đó là lời cầu chúc sâu xa rằng tất cả các chúng sinh thoát khỏi những điều kiện dẫn họ đến sự sinh ra, và do chính đó đã trải qua những đau khổ của sự sống và cái chết. Đó là sự mong muốn giải thoát họ khỏi ràng buộc khỏi ngu si ấy để tất cả họ vào một lúc này hay lúc nọ, gặp được sự giảng dạy giúp họ phát triển trí hướng giác ngộ, hiểu được bản chất đau khổ của sự sống do nhân duyên và cố thoát khỏi. Phải làm sao cho họ không còn ham thích cái ảo huyễn đau đớn là thế gian này. Không được làm lời cầu chúc đó là một cách ngẫu nhiên. Đây là một thái độ sâu xa của tâm khiến ta làm những lời cầu chúc vô hạn cho sự lợi ích của chúng sinh, ta phải phát triển chúng nữa và nữa, để thái độ ấy trở thành một bản chất thứ nhì.

Sự tu sẽ tựa như một giấy thông hành vào lúc kinh qua nỗi đau của sự chết. Ở thế gian này, muốn đi xa, phải mua vé hay một giấy nhập cảnh. Lúc chết, nhập cảnh cho các cõi cao hay để được giải thoát, không thể được mua bằng cách đó, nó chỉ là kết quả sự tu của chúng ta, sự tu sẽ giúp ta vượt qua biên giới của sự chết và đi về một cõi cao hơn.

Khi Jowo Atisha trở về Tây Tạng, sau khi ở đó nhiều năm để giảng dạy, những người Ấn Độ hỏi ông ấy thấy ở đấy ra sao. Câu hỏi đầu tiên của họ là “ Ai là người mạnh nhất ở Tây Tạng, có nhiều ảnh hưởng nhất, theo Ngài?”  Jowo Atisha trả lời: “Milarepa”. Những người Ấn Độ hỏi Ngài tại sao, Jowo Atisha trả lời: “vì ông ấy không sợ chết, nên ông ấy là người mạnh nhất ở Tây Tạng. Ông đã tu và đã thoát khỏi các sợ hãi mà người ta có thể đối với cái chết.”  Khi những người Ấn hỏi Ngài ai là người giàu nhất Tây Tạng, Jowo Atisha trả lời: ‘“vị thiền giả nhỏ của Ka-rắc, Ka-rắc Gom-sung” Chính vị này tự cho mình tên là vị thiền giả nhỏ”. Có điều là ở Tây Tạng các tu sĩ rất vui khi được gọi là “Gom-chen” “vị thiền giả lớn”. Ông tự riễu mà lấy tên “thiền giả nhỏ”. Thực ra tu sĩ này sống trong một động, không có gì cả. Ông thiền mà không chút luyến ái vật chất. Jowo Atisha nói về ông rằng : “đó là người giàu nhất Tây Tạng, ông đã tích một kho tàng tâm linh sẽ lợi ích cho ông sau khi ông chết, hơn mọi của cải vật chất”. Đó là hai nhập cảnh mà chúng ta phải cố có trên hộ chiếu tâm linh của chúng ta, thoát khỏi sự sợ chết nhờ tu đúng và tin Tam Bảo, đạt được một sự giàu có tâm linh, và không gắn bó vào của cải vật chất.

Hiện nay chúng ta rất phụ thuộc vào chung quanh chúng ta. Chúng  ta có được sự quân bình do chúng ta quen với những gì chung quanh. Chúng ta có thân thể, có những điều làm mốc, bạn bè, của cải, tiền bạc của ta, các thứ ấy che chở ta đến một giới hạn nào đó, và tạm thời, tuy nhiên chắc chắn lúc chết các thứ ấy sẽ bị xáo động và phá hủy. Chúng ta sẽ ở trong một tình huống hoàn toàn khác. Chúng ta sẽ không còn có vật chất, vì tâm đã rời bỏ nó, và ta sẽ có một loại thân tâm linh rất khác thân mà chúng ta thường có. Những gì chung quanh bạn bè, thân nhân, sẽ vắng mặt. Các phản ứng được yên tâm do của cải vật chất, sẽ không có nữa, vì các của cải ấy đã biến mất. Ta sẽ thấy mình trong cái vỏ khác, với một tâm trạng hoàn toàn khác. Sự có vẻ vững của chúng ta hiện nay là do những điều kiện quen thuộc. Khi các điều kiện ấy đổi, tâm sẽ bơ vơ lạc lõng, bị mất đi sự vững vàng. Đó là một sự thay đổi toàn bộ, tựa như một cư sĩ quen mặc thường phục, sống một cách thông thường, nay mặc áo tu. Từ hôm trước sang hôm sau, y phục đã thay đổi, thái độ của tâm đã đổi, khung cảnh sống đã đổi. Có một sự thay đổi hoàn toàn của những gì xung quanh chúng ta, làm tâm mất đi sự vững vàng.

Lama Gendun Rinpoche

Nguyên Tác: Thầy và Đệ tử

Ani Ngawang Kuntchok Dreulma Viên Huệ

Nhà Xuất bản Phương Đông