Ksitigarbha_Statue_Mural_Vietnam

Đoạn kinh văn Đức Phật tán thán ngài Địa Tạng

Nếu quý vị thành tâm tán thán, chiêm ngưỡng đảnh lễ, xưng niệm danh hiệu, cúng dường, hoặc tạc đúc các hình tượng của Địa Tạng Vương Bồ Tát, thì vĩnh viễn sẽ không bị đọa lạc vào đường ác nữa.

Bản thân tôi cũng từng lập nguyện rằng trong số những người đã quy y với tôi, nếu có một người chưa thành Phật thì tôi cũng chưa thành Phật. Tuy nhiên, vì tôi không có được nguyện lực lớn lao như Địa Tạng Vương Bồ Tát để có thể độ cho tất cả chúng sanh đều thành Phật, do đó tôi có đặt điều kiện phải là đệ tử quy y và phải thật tâm tin tưởng nơi tôi thì tôi mới chờ đợi. Nếu người ấy bị đọa địa ngục, tôi sẽ vào địa ngục để tìm và cứu người ấy ra.

Giả sử về đời sau, có người tấm tắc ngợi khen rằng Địa Tạng Vương Bồ Tát có nguyện lực không thể nghĩ bàn, thần thông không thể nghĩ bàn và lòng từ bi cũng không thể nghĩ bàn; đồng thời giới thiệu cho mọi người biết về Ngài, và “hoặc chiêm lễ, hoặc xưng niệm danh hiệu ‘Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát’…”

“Chiêm” là dùng mắt để nhìn ngắm; “lễ” là lễ bái, vái lạy. Khi chúng ta quỳ lạy trước tượng Phật, tức là chúng ta đang “chiêm lễ” Phật. Chúng ta hiện đang giảng Kinh Địa Tạng, tôi nói Địa Tạng Vương Bồ Tát thật là bất khả tư nghì; thì đó là “tán thán,” khen ngợi. Trong lúc chiêm ngưỡng và đảnh lễ, chúng ta niệm “Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát”; thì đó gọi là “xưng niệm danh hiệu.”

“Hoặc cúng dường.” Chúng ta đã cung thỉnh tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát về giảng đường này, và bây giờ mọi người ngày ngày thắp hương, lễ lạy, dâng cúng hoa quả… trước tôn tượng; như thế gọi là “cúng dường.”

“Cho đến tô vẽ, chạm khắc, tạc đúc, sơn thếp hình tượng của Địa Tạng Vương Bồ Tát…” Đừng nói tới dùng gỗ, chỉ cần dùng màu sắc để tô vẽ một bức hình của Bồ Tát Địa Tạng cũng là rất đáng quý.

Người nào vẽ được một bức tranh Phật thì tướng mạo của người đó sẽ trở nên trang nghiêm, viên mãn thêm một chút. Đức Phật có ba mươi hai tướng tốt cùng tám mươi vẻ đẹp nếu quý vị vẽ một bức hình Phật thì tướng mạo của quý vị sẽ tốt đẹp hơn một chút, vẽ hai bức thì tướng mạo lại đẹp lên một chút nữa; vẽ ba bức, bốn bức, năm bức…, thậm chí cả trăm ngàn vạn ức bức tranh Phật, thì quý vị cũng sẽ có được ba mươi hai tướng tốt cùng tám mươi vẻ đẹp như Phật vậy. Nói tóm lại, nếu quý vị tô vẽ hình Phật, tạc tượng Phật, đắp tượng Phật, thì tướng mạo của quý vị sẽ được đẹp đẽ hơn.

“Chạm khắc” tức là dùng dao để đẽo gọt và chạm trổ trên gỗ, làm thành tượng Phật hoặc Bồ Tát.

“Thì người đó sẽ được một trăm lần sanh lên cõi trời Tam Thập Tam.” Nếu quý vị tô vẽ tranh ảnh Phật, điêu khắc từ gỗ tốt hoặc tạc từ đá quý thành hình tượng Phật, hoặc là dùng sơn keo để tô đắp và sơn thếp tượng Phật, thì sẽ được sanh lên cõi trời Ba Mươi Ba một trăm lần. “Một trăm lần” này không phải chỉ ở cõi trời Ba Mươi Ba, mà trước tiên là sanh lên sáu tầng trời Dục Giới, mười tám tầng trời Sắc Giới-tức là ba tầng trời Sơ Thiền, ba tầng trời Nhị Thiền, ba tầng trời Tam Thiền và chín tầng trời Tứ Thiền-và luôn cả các tầng trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ ở Vô Sắc Giới. Cứ ở mỗi cõi giới Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới-quý vị sẽ được tái sanh một trăm lần, sau đó sanh về cõi trời Ba Mươi Ba một trăm lần nữa. Quãng thời gian này vô cùng lâu dài.

“Vĩnh viễn chẳng còn bị đọa vào ác đạo.” Nếu quý vị thành tâm tán thán, chiêm ngưỡng đảnh lễ, xưng niệm danh hiệu, cúng dường, hoặc tạc đúc các hình tượng của Địa Tạng Vương Bồ Tát, thì vĩnh viễn sẽ không bị đọa lạc vào đường ác nữa.

Hòa thượng Tuyên Hóa

Nguồn: Đoạn Kinh văn Đức Phật tán thán ngài Địa Tạng