Song from bardo-4

Nói điều gì với người sắp chết

Các giáo huấn của Thanh Văn Thừa và Đại Thừa rất ít nhắc đến bardo [các trạng thái trung gian], giáo lý Kim Cương Thừa thì đề cập rất nhiều. Trong khi tất cả giáo lý Phật Giáo khuyến khích mọi người chuẩn bị cho cái chết khi họ đang còn sống, thì Kim Cương Thừa chỉ ra khoảnh khắc của cái chết là mấu nối độc nhất trong cuộc sống của con người. Đây là khoảnh khắc của những cơ hội tâm linh phi thường [có thể xảy ra] mà chúng ta không nên lãng phí. Thông điệp được đưa ra ở đây: không bao giờ là quá muộn. Tại thời điểm cận tử của một người, Tâm trí của họ sáng rõ hơn bất cứ lúc nào và càng sáng suốt hơn cho đến khi cơ thể ngừng hoạt động. Vì vậy, nếu bạn có thể giành được sự chú ý của người đó tại khoảnh khắc trước khi họ chết – chẳng hạn như làm cho họ nhìn bạn và lắng nghe những gì bạn nói, thì cơ hội để họ nắm bắt được những gì đang xảy ra và sắp xảy ra sẽ thật sự rất tốt. Như tôi đã đề cập, khi còn sống, chúng ta hiểu, giao tiếp và tương tác bằng cách sử dụng bộ lọc độc đáo của riêng mình. Những bộ lọc cá nhân của từng người xác định họ thấy được gì, vì vậy khi còn sống, không ai trong chúng ta nhìn thấy bất cứ điều gì một cách trần trụi. Con mắt không phải là chiếc máy ảnh chỉ đơn thuần bắt lấy hình ảnh của bất cứ thứ gì xuất hiện ngay trước mặt, mà nó bị điều khiển bởi Tâm. Tâm lựa chọn những hình ảnh nó muốn ghi nhận và việc diễn giải những hình ảnh đó sẽ dựa trên điều kiện văn hóa, những cảm xúc ức chế, những cuốn sách chúng ta đọc, cà phê chúng ta uống, những người chúng ta chơi cùng, v.v… Như vậy, trong Tâm có một ‘người quan sát’, hành vi theo dõi [của ‘người quan sát’ ở bên trong] và tất cả những ảnh hưởng mang tính cá nhân [do tác động từ bên ngoài] đều được lọc lại [thông qua các giác quan], sau đó Tâm tích tập mọi suy diễn, tiếp tục diễn dịch, rồi lại tạo ra các hiện tượng của hy vọng, sợ hãi, hiểu lầm, v.v…

Tương tự như vậy, cho dù bạn có phải là tín đồ Phật Giáo hay không, Tâm thức và thể Xác của bạn cũng là hai thể hoàn toàn riêng biệt. Các giác quan và đối tượng của chúng cũng tan rã theo cùng một cách. Nếu không có những bộ lọc, mắt bạn không thể nhìn thấy, tai bạn không thể nghe, lưỡi bạn không thể nếm, v.v… Hãy tưởng tượng một buổi sáng mùa xuân trở lạnh, bạn mặc sáu lớp áo quần, nhưng nhiệt độ được dự đoán sẽ tăng cao trong ngày. Sự tan rã của các giác quan giống như việc lột bỏ sáu lớp áo quần khi nhiệt độ tăng lên. Các giác quan của bạn sẽ dần dần tan rã, biến mất, cho đến khi, lần đầu tiên, Tâm của bạn trở nên hoàn toàn trần trụi. Đối với hầu hết chúng ta, hậu quả của sự kiện này là quá sức chịu đựng.

Trong cuộc sống, khi bạn nhìn vào một bức tường, những ảnh hưởng từ văn hóa và thói quen khiến bạn nhận thấy bức tường đó như một phần của ngôi nhà. Khi thói quen [nhận biết] bị bào mòn, bức tường bắt đầu bớt giống một bức tường nhưng lại giống như những viên gạch xếp chồng lên nhau. Và một khi thói quen [nhận biết] biến mất hoàn toàn, dù có nhìn chằm chằm vào bức tường, thì đơn giản là bạn sẽ chẳng biết mình đang nhìn vào cái gì. Khi cơ thể chết đi, mọi thứ trải nghiệm bởi Tâm thức trần trụi sẽ hoàn toàn không còn được lọc [thông qua các giác quan], và tất cả các hiện tượng vi tế như âm thanh, mùi vị, mùi hương, v.v… sẽ trở nên kỳ lạ và đáng sợ. Tuy nhiên, nếu bạn được cung cấp đúng thông tin vào đúng thời điểm, Tâm trần trụi sẽ cho phép bạn nhìn và hiểu những gì đang diễn ra nhanh hơn nhiều so với khi còn sống. Phật Giáo mô tả Tâm trần trụi này là ‘Tâm Phật’.

Sức Mạnh của ‘Phật’

Đừng lo lắng về việc người chết có biết gì về Đức Phật và Phật Giáo hay không. Khi nhận thức của họ không còn được lọc, những chúng sinh trong bardo có mức độ giác biết gấp hàng trăm lần so với khi còn sống. Thật vậy,và theo đó, người chết sẽ nhận thức rõ hơn về một điều rất quan trọng – chính là việc những người thân còn sống cần giúp họ bằng việc khuyến khích họ Quy Y và khai Tâm cho họ bằng những giáo huấn về bardo.

Ý niệm về ‘Phật’ vô cùng thâm sâu. Khi bạn nói với một chúng sinh trong bardo về ‘Phật’, tức là bạn đang mở ra cho họ nhận thức rằng Phật chính là bản chất Tâm của họ. Theo nhiều cách thức thì đây là thời điểm hoàn hảo, bởi vì chúng sinh trong trạng thái trung gian sẽ gần với bản tánh của Tâm hơn bất kỳ chúng sinh nào khác.

Nói Điều Gì Với Người Sắp Chết?

Nếu người đang hấp hối là người theo thuyết bất khả tri hay chủ nghĩa vô thần hoặc thậm chí là một người hoàn toàn xa lạ, và nếu họ không cảm thấy buồn khi bạn trò chuyện cùng bạn, thì hãy nói:

Bây giờ bạn đang chết.

Cái chết đến với tất cả mọi người.

Tất cả chúng ta đều sẽ chết!

Bạn không phải là người duy nhất từng phải đối mặt với cái chết.

Không ai trong chúng ta biết chính xác khi nào mình sẽ chết.

Hôm nay, chính bạn là người sắp chết,

Nhưng bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra,

Và tôi vẫn có thể chết trước bạn.

Đừng lo lắng về cuộc sống của bạn,

Đừng lo lắng về bạn bè và gia đình của bạn,

Đừng lo lắng về công việc của bạn.

Thay vào đó, hãy nắm bắt cơ hội để được bình yên và an trú vào hiện tại.

Với cùng tinh thần như vậy, hãy nói bất cứ điều gì bạn cảm thấy cần phải nói, nhưng hãy nói thật nhẹ nhàng và từ ái. Rồi đọc tụng:

NAMO BUDDHĀYA

NAMO DHARMĀYA

NAMO SAṂGHĀYA

Con xin quay về nương tựa Đức Phật,

Con xin quay về nương tựa Chánh Pháp,

Con xin quay về nương tựa Tăng Đoàn.

OM YE DHARMA HETU PRABHAWA

HETUN TESHAN TATHAGATO HYAVADAT TESHAN TSA YO NIRODHA

EWAM VADE MAHASHRAMANAH SOHA

Tất cả mọi hiện tượng khởi lên đều do duyên sinh; Những nhân duyên đó, Đức Như Lai đã từ bi thuyết giảng,

Và con đường chấm dứt chuỗi nhân duyên cũng đã được vị Đại Sa Môn tuyên thuyết.

Nếu người sắp chết sẵn sàng lắng nghe, hãy nói với họ về bardo theo cách đơn giản nhất có thể. Nói với họ Phật Giáo tin rằng sau khi chết, bản tánh của chúng ta sẽ trải qua giai đoạn ‘bardo’ [những trạng thái trung gian], tựa như bước vào một cuộc hành trình. Cuộc hành trình mà cuối cùng mọi người ai cũng phải thực hiện và chỉ kết thúc khi chúng ta được tái sinh vào đời sống tiếp theo. Những Phật Tử thường muốn chuẩn bị cho sự trải nghiệm của mình trong bardo từ khi còn sống, nhưng sẽ không bao giờ là quá muộn để chuẩn bị.

Ngày nay, hầu hết mọi người cảm thấy rằng trong lúc sống, họ không bao giờ bị buộc phải làm bất cứ điều gì trái với ý muốn của mình. Nhưng khi chết và chỉ còn lại ý thức – trở thành một chúng sinh trong bardo, thì mọi thứ đều thay đổi. Vượt trên tất cả, chúng sinh trong bardo có lẽ sẽ rất kinh hãi bởi vì họ hoàn toàn không có khái niệm về những gì đang xảy ra và có thể trở nên tuyệt vọng trước sự giúp đỡ của bạn.

Lý tưởng nhất, nên làm cho Tâm của người sắp chết được bình tĩnh và thanh thản. Dù vậy, đối với hầu hết mọi người, vấn đề lớn nhất khi chết sẽ giống hệt như vấn đề lớn nhất của chúng ta khi sống: sự ích kỷ và những định kiến bám chấp không ngừng về bản thân. Để chống lại loại ích kỷ này, Giáo lý của Đạo Phật đưa ra phương pháp cố gắng hướng suy nghĩ của mình về người khác. Vì vậy, khi bạn ngồi cạnh một người sắp chết, hãy cố gắng khuyên họ nghĩ xa hơn bằng cách thực hiện một ước nguyện chân thành – mong ước rằng tất cả chúng sinh đều được an lành và hạnh phúc. Làm như vậy, họ sẽ đối mặt với cái chết trong khi tự cảm thấy dũng cảm và can đảm hơn. Bạn cũng có thể đọc to những dòng kệ sau đây, như một lời nhắc nhở, hoặc nhờ một thành viên của gia đình hay một người bạn thân của người sắp chết đọc cho họ.

Nguyện cho tất cả chúng sinh an vui trong hạnh phúc và những nguyên nhân đưa đến hạnh phúc,

Nguyện cho tất cả chúng sinh được giải thoát khỏi khổ đau và những nguyên nhân đưa đến khổ đau,

Nguyện cho họ mãi không bao giờ xa lìa nguồn đại lạc, không chút tì vết đau khổ,

Nguyện cho họ an trú nơi đại tâm bình đẳng, tự tại – chẳng còn tham luyến hay ghét bỏ.

Tùy từng tình huống, bạn có thể thử nói với người sắp chết về sức mạnh của những ý nguyện và thực hành Tonglen. Nói với họ làm thế nào để họ có thể giúp đỡ bản thân và những người khác bằng cách khởi phát ước nguyện một cách mãnh liệt, vào lúc chết, nguyện nhận lấy tất cả nỗi sợ hãi, đau đớn, tội lỗi và những hoang tưởng mà tất cả chúng sinh đang phải chịu đựng: “Nguyện cho tất cả nỗi khiếp sợ, những đớn đau, mặc cảm tội lỗi và những ý niệm hoang tưởng của chúng sinh đều đến với tôi”. Pema Chödrön, một trong những học trò nổi tiếng nhất của Trungpa Rinpoche, giải thích cách thức thực hành này ở trang 277.

Thời Khắc Lâm Chung

Hãy chắc chắn rằng bạn nói với người sắp chết những gì đang xảy ra với họ, một cách yêu thương và từ bi.

Bây giờ các giác quan của bạn không còn hoạt động,

Tâm của bạn trở nên độc lập, trần trụi, sáng suốt và hiển bày;

Chưa bao giờ bạn có kinh nghiệm này

Những gì bạn đang trải nghiệm ngay bây giờ.

Chính là Phật.

Nói thật rõ ràng, nhẹ nhàng và tự tin, nhưng đừng chần chừ, hãy trực tiếp và thẳng thắn. Những ý định của bạn là tốt, vì vậy không cần phải lo lắng về việc quá thúc ép. Trong thực tế, tại thời điểm này, hãy hối thúc bằng mọi cách! Sẽ mất ít hơn một giây để ý thức của người chết kinh nghiệm được Tâm trần trụi, và dù cho trải nghiệm đó chỉ có thể kéo dài không quá một giây nữa, điều vô cùng quan trọng là họ phải ‘nhận được’ thông điệp đó. Đây là lý do tại sao việc tốt nhất bạn có thể làm là không ngừng lập lại những chỉ dẫn, hết lần này đến lần khác.

Một người chết không thể gật đầu hoặc nói lời cảm ơn và họ chắc chắn không thể trao cho bạn một phần thưởng. Vì vậy, bạn sẽ không bao giờ biết chắc nếu họ đã nghe thấy những lời bạn nói hoặc nếu những lời của bạn đã thật sự giúp ích cho họ. Chính điểm này làm cho việc hướng dẫn người nào đó trong suốt quá trình tiến dần đến cái chết và chết là một hành động cho đi hoàn toàn vô vị kỷ. Và vì bạn không có gì để nhận lãnh từ việc giúp đỡ theo cách này, đây có thể là lần duy nhất trong cuộc đời, những hành động của bạn mang tính vị tha toàn vẹn nhất.

Nếu bạn không thể hướng dẫn ai đó bởi vì, ví dụ như, các thành viên trong gia đình họ có mặt bên giường bệnh và dễ bị bối rối bởi bất cứ điều gì liên quan đến tâm linh, hãy luôn nhớ rằng bạn có thể nói với người sắp chết tất cả thông tin này khi họ đã chết. Và ai mà biết được, thời điểm sau khi chết lại là thời điểm hoàn hảo để họ Quy Y. Ngay cả nếu không phải vậy, không có gì bạn nói ra có thể làm tổn thương họ, dù đó là cách nào đi nữa. Tuy người sắp chết hay đã chết có thể có những định kiến hoặc chống lại vấn đề tôn giáo trước đó, thì việc thực hành lòng từ bi và Bồ Đề Tâm của bạn mới thật sự quan trọng; đừng đánh giá thấp hiệu quả của nó! Nếu bạn nói với ai đó đã chết lâm sàng và đã ở trong bardo rằng họ nên thực hành Quy Y, tôi chắc chắn họ sẽ làm như được chỉ bảo – bởi vì họ có thể quá sợ hãi đến mức sẵn sàng làm thử bất cứ điều gì.

An trú vào bản tánh của Tâm là thực hành tối thượng nhất vào thời điểm chết. Nếu bạn đã nhận được các hướng dẫn thích hợp và là một hành giả thường xuyên thực hành về bản tánh Tâm, thì sau đây là tất cả những gì bạn cần làm.

Ngay sau khoảnh khắc chết

Đọc bài kệ Quy Y thành tiếng thêm một lần nữa, đọc một cách tự tin, nhưng nhẹ nhàng.

NAMO BUDDHĀYA GURUVE

NAMO DHARMĀYA TĀYINE

NAMO SAṂGHĀYA MAHATE TRIBHYOPI

SATATAṂ NAMAḤ

Con xin cung kính Đảnh lễ Đức Phật, Bậc Đạo Sư;

Con xin cung kính Đảnh lễ Giáo Pháp, Vị Bảo Hộ;

Con xin cung kính Đảnh lễ Tăng Đoàn

Hướng về Tam Bảo, con không ngừng kính lễ.

BUDDHAṂ SHARAṆAṂ GACCHĀMI

DHARMAṂ SHARAṆAṂ GACCHĀMI

SAMGHAṂ SHARAṆAṂ GACCHĀMI

Con xin quay về nương tựa Đức Phật.

Con xin quay về nương tựa Giáo Pháp.

Con xin quay về nương tựa Tăng đoàn.

Nơi Đức Phật, Pháp và Tăng Đoàn tối thượng

Con xin Quy Y cho đến ngày đạt được giác ngộ.

Nương theo công đức thực hành hạnh bố thí, và các thiện hạnh khác,

Nguyện cho con đạt được Phật tánh vì lợi ích của tất cả chúng sinh.

Cho đến khi tinh túy của Giác Ngộ được viên thành,

Con nguyện được Quy Y chư Phật.

Con nguyện được Quy Y Pháp

Và Quy Y tập hội chư Bồ Tát.

Luôn luôn gọi tên người sắp chết hoặc đã chết

Này Con Trai hay Con Gái của Gia Đình Tôn Quý,

{tên của người chết}

Bây giờ bạn đã chết.

Ngay cả khi không theo tôn giáo nào,

Điều tốt nhất bạn có thể làm ngay lúc này là thực hành Quy Y.

Hãy lắng nghe những gì tôi sắp nói, và sau đó lặp lại theo tôi:

Con xin quay về nương tựa Đức Phật, Giáo Pháp và Tăng Đoàn.

Này Con Trai hay Con Gái của Gia Đình Tôn Quý,

{tên của người chết}

Bây giờ bạn đã chết,

Tâm của bạn trở nên vô cùng mạnh mẽ,

Sức mạnh của Tâm bạn lớn hơn nhiều so với Tâm của người đang sống.

Hãy tận dụng sức mạnh này.

Hãy sử dụng nó để giúp đỡ người khác.

Hãy nghĩ rằng:

Bạn muốn tiếp tục giúp đỡ tất cả những sinh vật đang sống trên hành tinh này –

Tất cả con người, tất cả những sinh vật sống và môi trường tự nhiên.

Bạn muốn xóa đi tất cả nghèo khó, bệnh tật, bất bình đẳng và bất công.

Bạn muốn tất cả mọi người nhìn thấy và nhận ra sự thật.

Bạn muốn đánh thức mọi người tỉnh dậy khỏi cơn ảo tưởng về một cuộc sống kéo dài vô tận.

Bạn muốn mọi người có thể thấu suốt được rằng tất cả chỉ là ảo tưởng,

Ảo tưởng về tiền bạc, quyền lực, các mối quan hệ mà mọi người tin là thật, vĩnh viễn và bất diệt.

Nguyện cho tất cả chúng sinh an vui trong hạnh phúc và những nguyên nhân đưa đến hạnh phúc,

Nguyện cho tất cả chúng sinh được giải thoát khỏi khổ đau và những nguyên nhân đưa đến khổ đau,

Nguyện cho họ mãi không bao giờ xa lìa nguồn đại lạc, không chút tỳ vết của đau khổ,

Nguyện cho họ an trú nơi đại tâm bình đẳng, tự tại – chẳng còn tham luyến hay ghét bỏ.

Nếu còn điều gì khác bạn muốn nói với người chết – với chúng sinh trong bardo – hãy nói ngay lúc này, một cách từ ái và nhẹ nhàng.

NAMO BUDDHĀYA

NAMO DHARMĀYA

NAMO SAṂGHĀYA

Con xin cung kính Đảnh lễ Đức Phật,

Con xin cung kính Đảnh lễ Giáo Pháp,

Con xin cung kính Đảnh lễ Tăng Đoàn.

OM YE DHARMA HETU PRABHAWA HETUN TESHAN TATHAGATO HYAVADAT TESHAN TSA YO NIRODHA EWAM VADE MAHASHRAMANAH SOHA

Tất cả những hiện tượng khởi lên đều do duyên sinh;

Những nhân duyên đó, Đức Như Lai đã từ bi thuyết giảng,

Và con đường chấm dứt chuỗi nhân duyên cũng đã được vị Đại Sa Môn tuyên thuyết.

Hãy nói với người chết rằng họ không có gì để mất khi lắng nghe những điều bạn nói.

Hãy giới thiệu với họ về khái niệm ‘bardo’, và nói với họ về bardo của cái chết v.v…

Tiếp theo, bạn có thể trao cho người chết những chỉ dẫn tương tự như trao cho một Phật Tử. Chúng sinh trong bardo có thể dõi theo những câu trì tụng trong Tâm bạn, do đó, nếu vì bất kỳ lý do gì khiến bạn không thể nói to các hướng dẫn, hãy thầm đọc các trang sau. Nếu người bạn đã chết bị phụ thuộc vào các giáo điều trong tôn giáo của họ như chỉ cho phép gia đình tiếp cận xác chết, bạn có thể không được phép gặp khi họ đã chết. Trong trường hợp này, hãy trao những lời chỉ dạy cho bạn mình ngay tại nhà bạn. Đừng lo lắng, khoảnh khắc bạn gọi tên, họ sẽ nhận ra giọng nói của bạn.

Bất kể bạn đang giúp đỡ ai, hãy luôn lặp lại những lời dạy và hướng dẫn nhiều lần nhất có thể. Trên thực tế, có sự tranh luận về việc tiếp tục lặp lại mọi thứ trong vòng vài tuần, nhưng chỉ trừ khi bạn là một bậc Toàn Giác, bạn sẽ không có cách nào để biết liệu người chết có nghe và hiểu những gì bạn đã nói với họ hay không.

Tất nhiên, nếu người chết phát hiện ra không có thứ gọi là ‘kiếp sau’, thì tất cả những lời nói của bạn chắc chắn chẳng đem lại một sự khác biệt nào. Nhưng nếu họ tỉnh dậy và nhận ra tất cả những gì giáo lý bardo mô tả là đúng, thì thông tin bạn trao cho họ có thể là lời khuyên vô giá nhất họ từng nhận được.

Đức Dzongsar Khyentse Rinpoche

Việt dịch: Lạc Hải Âm 

Hiệu Đính: Chánh Nhân – Nguyễn Nam 

Trích: Sống Là Dần Chết – Làm thế nào để chuẩn bị cho lúc Cận Tử, Chết và sau khi Chết