Song from bardo-8

Chuẩn bị cho cái chết và sau chết

ĐỨC PHẬT TỪNG THUYẾT rằng Chánh Niệm Tối Thượng chính là việc nhớ nghĩ về cuộc sống vô thường và cái chết thì không thể tránh khỏi.

Trong tất cả dấu chân

Chân Voi là tối thượng;

Giữa hết thảy Chánh Niệm

Tối thượng niệm Vô Thường.

Bằng trực giác, một số người biết được cuộc sống của họ chuẩn bị kết thúc. Mặc dù còn trẻ, khỏe mạnh và không có nguyên nhân hợp lý nào cho thấy họ sắp chết, nhiều người vẫn cảm giác được cái chết đang đến gần. Nhiều trường hợp khác biết mình sẽ chết vì được chẩn đoán mắc phải những căn bệnh vô phương cứu chữa, và đang ở giai đoạn cuối. Trừ khi là những hành giả tâm linh, thì đây là lúc con người cảm thấy hoảng sợ nhất, họ trở nên trầm cảm và mất hy vọng. Thay vì hoảng loạn, hầu hết những hành giả tâm linh nhận ra rằng cái chết là cơ hội to lớn để tiến lên, để nâng cao sự thực hành Pháp, và rời bỏ tất cả những hoạt động vô nghĩa đang tràn ngập đời sống thế tục.

Cho dù bạn biết mình chỉ còn vài tháng để sống hay nghĩ rằng mình còn cả một cuộc đời dài phía trước, cái chết là sự thật bạn sẽ phải đối diện, không sớm thì muộn. Và cho đến khi những giáo lý của Đức Phật được nhớ nghĩ đến, thì đối mặt với sự thật này càng sớm sẽ càng tốt với bạn.

Đối Diện Với Sự Thật Bạn Sẽ Chết

Cái Chết hủy hoại một người: [nhưng] ý niệm về Cái Chết lại cứu sống anh ta.

E.M. Forster

Việc đầu tiên để làm là bạn phải thuyết phục bản thân rằng, dù bạn không hề có ý kiến nào về thời điểm cái chết xảy ra, thì bạn vẫn sẽ chết.

Con người chết đi mỗi ngày. Chúng ta đều thấy chính mình đã đứng kế bên giường của người thân yêu đang hấp hối vài lần trong cuộc sống. Tuy vậy, bao nhiêu người trong số chúng ta tin rằng cái chết sẽ xảy đến với mình?

Một phản ứng chung khi nhận được tin báo chúng ta sắp chết là cảm giác giống như bị lừa dối và điều đó thật khó chấp nhận được. Trong tiềm thức, chúng ta suy nghĩ “Tại sao điều này lại xảy đến với tôi? Và tại sao lại là lúc này? Tôi còn trẻ, không phải 99 tuổi! Nếu tôi già thì điều này thật dễ hiểu bởi vì hiển nhiên già là thời điểm để chết. Nhưng tại sao lại là bây giờ? Cuộc sống của tôi chỉ vừa mới bắt đầu!”

Như vậy bước chuẩn bị đầu tiên cho cái chết chính là thuyết phục bản thân rằng, dù bạn không có ý tưởng nào về thời điểm cái chết xảy ra, thì chắc chắn tuyệt đối rằng bạn vẫn sẽ chết.

Thứ hai, bạn không phải là người duy nhất phải đối mặt với cái chết. Tất cả chúng ta ai cũng phải chết, như vậy thì không có gì là không công bằng về cái chết cả.

… bất cứ khi nào con nghĩ, “Mình đang chết!” hãy quán tưởng vị Đạo Sư, Đức Thế Tôn ngự trên đỉnh đầu con và phát khởi một niềm tin mãnh liệt. Sau đó nghĩ rằng: “Không phải một mình con: tất cả chúng sinh đều bị chi phối bởi quy luật của cái chết, không ai được miễn thoát. Mặc dù chúng con không ngừng trôi lăn trong vô lượng kiếp với Sinh và Tử của Luân Hồi, giờ đây con mới hiểu được rằng những khổ đau đến từ cái chết và tất cả những lần được sinh ra là hoàn toàn vô nghĩa. Nhưng bây giờ xin xác quyết, con sẽ làm cho cái chết đang xảy đến với mình ngay lúc này tràn đầy ý nghĩa!

Dilgo Khyentse Rinpoche

Quá trình chết bắt đầu từ khoảnh khắc chúng ta được sinh ra. Không ai trông đợi một đứa bé vừa trượt ra khỏi bụng mẹ sẽ viết ngay một tờ di chúc. Nhưng khi bạn già đi – có lẽ ở độ tuổi 50, hay tốt hơn là khoảng 40 tuổi – bạn nên suy nghĩ cẩn thận về những gì muốn thực hiện và viết ra chúc thư trước khi bạn chết.

Sống Cuộc Đời Trọn Vẹn

Cố gắng tận hưởng cuộc sống. Đến Machu Picchu, hoặc Madagascar, hay bất cứ nơi nào mà bạn mơ ước được đặt chân đến. Hãy thực tế đối với những gì bạn cần mua và sở hữu. Tự hỏi mình, rằng Tôi có thật sự cần một chiết Ferrari khác không? Tôi có cần một khoảng tiền lớn như thế trong ngân hàng không? Việc luôn nhắc nhở bản thân phải trông nom những món đồ chơi đắt tiền và những tài khoản ngân hàng thường tạo ra nhiều căng thẳng hơn niềm vui – trừ khi là bạn có niềm vui thích lớn lao đối với những hoạt động từ thiện và đang có kế hoạch đặt một khoảng tiền lớn vào những mục đích tốt.

Bắt đầu quan sát và liên hệ tất cả mọi thứ, mọi người xung quanh bạn như thể bạn sẽ thấy họ lần cuối trong đời.

Xử lý tất cả những vấn đề tồn đọng hoặc tranh cãi trong gia đình và với bạn bè; đây chính là thời điểm để giải quyết những hiểu lầm và xua tan những cảm xúc tiêu cực kéo dài.

Hơn hết, sự chuẩn bị tốt nhất cho cái chết là sống cuộc đời thật trọn vẹn. Thưởng thức chén trà ngon nhất thế giới, pha trà đúng cách và không uống trà trong một cái tách nhựa. Mặc những bộ quần áo mà bạn luôn chờ có dịp mặc. Đọc những cuốn sách bạn đã luôn muốn đọc. Làm tất cả những gì bạn đã luôn muốn làm, tuy nhiên không ở mức độ thái quá hay khả ố. Và hãy thực hiện ngay bây giờ, bởi vì bạn có thể sẽ không bao giờ có cơ hội nào khác nữa.

Mua Sắm Có Ý Thức Và Lập Chúc Thư

Con người chúng ta yêu thích những gì tiện nghi, đồ ăn ngon, quần áo đẹp và ai ai cũng đều mong muốn hạnh phúc. Đó là lý do vì sao chúng ta đặt rất nhiều nỗ lực vào việc dự trữ tiền, hàng hóa vật chất. Thật nực cười khi mỗi điều chúng ta làm đều hướng về sự an nhàn và thoải mái, nhưng lại thường nhận lãnh kết thúc với những nguồn cơn căng thẳng bất tận hoặc những cơn đau tim.

Nếu bạn có tiền và tài sản, hãy quyết định chúng nên được sử dụng như thế nào sau khi bạn chết; dàn xếp những mối bận tâm về vật chất và lập di chúc. Có lẽ bạn có thể cho con bạn những thứ tài sản thế gian và nhà cửa, hoặc những đứa cháu gái, hay họ hàng? Hoặc cho tổ chức cứu trợ báo đốm? Hay hỗ trợ những nghiên cứu về bệnh ung thư?

Cố gắng hành động một cách có ý thức hơn. Khi bạn mua sắm, hãy giữ cho đầu óc sáng suốt. Ngừng mua và tích trữ những đồ vật vô dụng – đừng trở thành ‘một con chuột thích tha về nhiều thứ’ [‘packrat’: người thích thu thập nhiều đồ vật]. Nếu muốn lập kế hoạch và đầu tư dài hạn, hãy thực hiện, nhưng phải hoàn toàn nhận biết được rằng bạn có thể chết trước khi những khoản đầu tư chín muồi.

Những Ràng Buộc Gia Đình

Phần đông, những mối quan hệ gia đình gây ra nhiều nhất các vấn đề, đặc biệt khi chúng ta tiến dần đến cái chết. Ở những nơi như Trung Quốc, gia đình vẫn là một đơn vị xã hội đầy quyền lực. Đến nay, quan điểm truyền thống về vai trò các thành viên trong gia đình vẫn còn cứng nhắc và thường có xu hướng hà khắc về văn hóa với nhiều kỳ vọng từ xã hội. Người cha trong gia đình phải hoàn thành nghĩa vụ mà những người làm cha tại Trung Quốc vẫn luôn thực hiện, và những đứa trẻ phải sống theo cách mà những đứa trẻ Trung Quốc đã luôn sống để làm hài lòng cha mẹ của chúng. Những gia đình vướng vào hoàn cảnh này có lợi ích gì không?

Cha mẹ được yêu cầu phải cấp dưỡng cho con cái, bất kể điều gì. Nhưng liệu điều này có trở thành nỗi ám ảnh của các bậc phụ huynh trong việc tận tụy phục vụ cho nhu cầu của con cái? Việc này có tốt cho chúng? Hy sinh cho con ít nhất trong vòng hai mươi năm, nhiều bố mẹ người Trung Quốc tiếp tục phải đối phó với những dính mắc của gia đình ở một cấp độ khác – khi những đứa cháu bắt đầu xuất hiện. Tại sao không nên đặt ra ngày-chấm-dứt- dính- mắc đến những việc gia đình hay những gì tương tự như thế nhỉ? Bởi vì, đó dường như là những bổn phận khiến tiêu tốn toàn bộ thời gian của một đời người.

Những đứa trẻ Trung Quốc chịu rất nhiều áp lực sống dưới kỳ vọng của xã hội, ví dụ như từ cha mẹ chúng, bao gồm cả trách nhiệm đối với cha mẹ khi họ dần già đi. Nhưng thực tế, bất kỳ ai mong muốn trở thành người tử tế nên sẵn sàng làm tất cả điều họ có thể để chăm sóc cho cha mẹ, gia đình và bạn bè.

Đương nhiên, không có lý do nào bảo rằng chúng ta không nên tận hưởng cuộc sống gia đình, nhưng đối với vấn đề chuẩn bị cho cái chết, hãy cố gắng đảm nhận trách nhiệm gia đình một cách có ý thức. Luôn luôn nhớ rằng không sớm thì muộn, bạn sẽ chết, và với sự hiểu biết rõ ràng như thế, hãy cố gắng quan sát bản thân, bởi vì bạn chính là người đưa ra định hướng cho đời sống gia đình của bạn. Nếu như ‘người quan sát’ luôn luôn ý thức về cách hành xử, cho đến cách suy nghĩ và hành động như thế nào, thì những bổn phận và sự gắn bó của bạn với gia đình sẽ ít bị hạn chế hơn. Bất kỳ việc gì bạn làm, hãy luôn nhớ đến cái chết – điều không thể báo trước nhưng lại chắc chắn xảy ra, chỉ rất gần thôi, và khi chết, bạn chết đơn độc. Như vậy, hãy thử sử dụng ‘người quan sát’ để giúp bạn tránh bị sa lầy vào quá nhiều những nút thắt, những phức tạp của cảm xúc gia đình.

Trì Tụng OM MANI PADME HUM

Sự chuẩn bị lý tưởng cho cái chết là nghiên cứu mọi giáo lý của Đức Phật, về Quy Y, Bồ Đề Tâm và Lý Duyên Khởi ở mức độ thấu đáo. Thật không may, hầu hết những con người thời hiện đại không có thời gian cho việc này. Như thế, bạn có thể làm gì? Bạn có thể trì tụng OM MANI PADME HUM. Đối với những ai gần gũi hơn với truyền thống Phật Giáo Trung Quốc có thể trì tụng NAM MÔ QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT; hoặc nếu bạn ưa thích truyền thống Phật Giáo Nhật Bản, ON ARORIKYA SOWAKA. Nếu nghiêng về truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy từ Thái Lan, bạn có thể trì tụng BUDDHO.

Cho dù bạn có phải là những tín đồ Phật Giáo hay không, thì thời khắc chết là điều quan trọng hơn cả. Đây là lúc bạn cần thực hành những bài tập đơn giản nhất và có năng lực mạnh mẽ nhất, chính là trì tụng OM MANI PADME HUM. Vậy thì,để chuẩn bị cho giờ phút chết của chính bạn, tại sao không bắt đầu trì tụng OM MANI PADME HUM ngay bây giờ. Nếu muốn, bạn có thể gợi ý phương pháp này đến những người cũng muốn chuẩn bị cho cái chết của họ.Nó thật sự hữu ích.

Điều gì khiến cho câu minh chú OM MANI PADME HUM lại mang năng lực mạnh mẽ đếnvậy?Nguyên nhân của tất cả nỗi đau và sự thống khổ trong cõi người chính là việc không thấu hiểu được rằng sự sống hay cái chết chỉ là những ảo tưởng; hay nói cách khác, những Bardo giữa sự sống và cái chết chỉ đơn thuần là những phóng chiếu [của Tâm]. Chúng ta tưởng rằng tất cả những gì mình thấy và kinh nghiệm đều thật sự tồn tại, sau đó những nhận thức được diễn dịch theo cách sai lầm và kết quả là, chúng ta gánh lấy khổ đau.

Sáu từ OM MANI PADME HUM kết nối trực tiếp với ‘sáu cánh cửa phóng chiếu’ [tương ứng với sáu giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý thức]. Và thông qua sáu cánh cửa này, chúng ta tạo nên những phóng chiếu làm thành những ảo tưởng đẹp đẽ của sự sống, cái chết và những Bardo.

‘Bardo’ là gì?

‘Bardo’ là một từ thuộc Tạng Ngữ, nghĩa là ‘ở giữa’ và có khi được dịch là ‘trạng thái trung gian’. Theo cách đơn giản, một bardo là những gì nằm giữa hai ranh giới huyễn ảo. Ví dụ, ‘khoảnh khắc hiện tại’ nằm giữa ranh giới của ‘quá khứ’ và ‘tương lai’; ví dụ khác là, ‘hôm nay’ nằm giữa ‘hôm qua’ và ‘ngày mai’. Cùng lúc, chúng ta phải luôn nhớ rằng tất cả mọi thứ đều là huyễn, không thật, kể cả những trạng thái trung gian, bởi vì ‘không có đường ranh nào thật sự tồn tại’ để phân chia ‘quá khứ’ với ‘hiện tại’ hay ‘hiện tại’ với ‘tương lai’.

Đây là điểm quan trọng.

Một trong những bardo [trạng thái trung gian] đầy ý nghĩa và sâu sắc nhất trong tất cả các bardo chính là khoảng thời gian tính từ lúc chúng ta hoàn toàn không có ý thức về sự hiện hữu của Phật Tánh nguyên thủy bên trong mình cho đến thời điểm chúng ta trở nên tỉnh thức về sự hiện diện của nó, Phật Giáo mô tả đây là ‘Giác Ngộ’. Một cách nói khác, mọi thứ xảy ra ở giữa trạng thái ‘không nhận biết’ cho đến khi ‘trực nhận được’ Phật Tánh gọi là một ‘bardo’. Trong bardo ‘to lớn, vĩ đại’ này có vô số những bardo nhỏ hơn, gồm cả ‘bardo của kiếp sống hiện tại’. Bardo của đời sống cực kỳ quan trọng đối với những người bình thường như chúng ta bởi vì trong trạng thái này, chúng ta có nhiều cơ hội để lựa chọn và thay đổi phương hướng nhất.

Sáu cánh cửa phóng chiếu tạo nên những trải nghiệm về mỗi cảnh giới trong Sáu cảnh giới luân hồi. Những phóng chiếu và trải nghiệm được hình thành bởi dục vọng và ham muốn sẽ đưa đến cõi Người; kiêu mạn dẫn đến cõi Trời; đố kỵ dẫn đến cõi A-tu-la; hoảng loạn và mê mờ dẫn đến cảnh giới Súc Sinh; keo kiệt và tham lam dẫn đến cảnh giới Preta – cõi của ‘Quỷ Đói’; và sân hận dẫn đến cõi Địa Ngục. Khi còn sống, con người chúng ta liên tục trải nghiệm mỗi loại phóng chiếu này, vì vậy không cần phải hình dung việc tái sinh ở các cảnh giới khác sẽ như thế nào.

Đức Dzongsar Khyentse Rinpoche