940x544-dreamstime_xl_55961511-copy

Tôi Sẽ Chết Sao?

Trong ba mươi năm đầu, Thái Tử Tất Đạt Đa đã sống một cuộc đời với đầy đủ những thú vui đằng sau bức tường trong cung điện rộng lớn của cha mình. Được tất cả mọi người yêu mến và ngưỡng mộ, hoàng tử thanh tú kết hôn cùng nàng công chúa xinh đẹp, họ sinh ra một đứa con trai, và ai ai cũng đều hạnh phúc. Nhưng trong suốt khoảng thời gian đó, hoàng tử chưa lần nào bước ra khỏi cổng hoàng cung. Vào năm ba mươi tuổi, Tất Đạt Đa bảo người đánh xe trung thành của mình, Channa, hãy đưa chàng đi tham quan thành phố lớn của cha, và đấy là lần đầu tiên, Thái Tử thấy một xác chết. Đó là cú sốc khủng khiếp. “Liệu những gì xảy ra với người đàn ông đó sẽ xảy đến với Ta sao?” hoàng tử hỏi Channa. “Ta cũng sẽ chết sao?” “Vâng, Thưa Thái Tử,” Channa trả lời, “Mọi người đều chết. Ngay cả những vị Hoàng Tử.”

“Quay cỗ xe lại, Channa,” Thái Tử lệnh. “Hãy đưa Ta về.” Trở lại cung điện, Thái Tử Tất Đạt Đa suy nghĩ về những gì Ngài vừa chứng kiến. Ý nghĩa của việc trở thành một vị Quốc Vương là gì nếu như không chỉ gia đình của mình mà tất cả mọi người trong thế giới này phải sống dưới cái bóng khiếp đảm của nỗi sợ hãi về cái chết? Ngay lúc đó, Thái Tử quyết định, vì lợi lạc cho tất cả, Ngài sẽ dành hết cuộc đời để tìm ra cách làm thế nào giúp cho nhân loại có thể vượt ra ngoài cả Sinh và Tử. Câu chuyện nổi tiếng này hàm chứa nhiều giáo lý vĩ đại. Sự thật mà Thái Tử Tất Đạt Đa nêu ra, “Tôi sẽ chết sao?” không chỉ là một câu hỏi ngây ngô đầy thống thiết, mà còn chứa đựng một sự dũng cảm đặc biệt. “Tôi sẽ chết sao? Thái Tử Tất Đạt Đa, vị Vua tương lai của dòng tộc Thích Ca, người mang vận mệnh trở thành ‘Đấng thống lĩnh Vũ Trụ’, rồi sẽ phải chết sao?”. Bao nhiêu người trong số chúng ta, xuất thân từ gia đình Hoàng Tộc hoặc bình thường như bạn và tôi, sẽ nghĩ đến việc đặt ra những câu hỏi như vậy? Can đảm đặt ra câu hỏi, nhưng phản ứng của Thái Tử lại là, “Hãy đưa Ta về!”, thoạt nghe có vẻ hơi trẻ con. Những người trưởng thành thường được kỳ vọng phải có khả năng đối phó với một thông tin gây bối rối ở mức độ chín chắn hơn, có phải không? Nhưng nếu vậy, liệu bao nhiêu người trưởng thành sẽ bận lòng đối với câu hỏi, “Tôi sẽ chết sao?” Và bao nhiêu người sẽ dám rút ngắn một chuyến đi chơi thú vị ngoài trời để dành thời gian cho việc tự nghiên cứu và suy ngẫm về câu trả lời?

Con người nghĩ rằng mình rất thông minh. Hãy nhìn vào tất cả những hệ thống và mạng lưới chúng ta đã tạo dựng. Hầu như mỗi người đều có một địa chỉ riêng để có thể nhận thư và bưu kiện gửi đến, có những tài khoản ngân hàng để cất giữ tiền bạc thật an toàn. Có người phát minh ra đồng hồ đeo tay để tất cả chúng ta có thể theo dõi được thời gian; một người khác lại sáng chế ra iPhone giúp chúng ta giữ liên lạc với các nhóm bạn bè, người quen, đối tác kinh doanh và gia đình. Con người phát triển cả những hệ thống để đảm bảo xã hội hoạt động trôi chảy: cảnh sát duy trì trật tự công cộng, đèn giao thông kiểm soát lượng xe lưu thông trên đường, và chính phủ quản lý hệ thống an sinh xã hội.

Tuy nhiên, dù con người dành hết thời gian của cuộc đời vào việc nỗ lực tổ chức, thiết kế và cấu trúc mọi khía cạnh của thế giới, thì bao nhiêu người trong chúng ta tò mò và đủ can đảm để tự hỏi, “Tôi sẽ chết sao?” Tại sao tất cả chúng ta không thử suy ngẫm về Cái-Chết-không-thể né-tránh của chính mình ít nhất một lần trong đời? Đặc biệt bởi vì ai trong chúng ta rồi cũng sẽ chết – đây là thông tin vô cùng quan trọng. Có nghĩa lý gì nếu bạn không bỏ ra chút ít nỗ lực nào vào việc xử lý một sự thật không thể trốn tránh về cái chết của chính mình? Khi chết đi, điều gì sẽ xảy ra với tất cả những địa chỉ nhà cửa, doanh nghiệp hay những nơi nghỉ dưỡng của chúng ta? Chuyện gì sẽ xảy đến với những chiếc đồng hồ đeo tay, iPhone hay tất cả những đèn giao thông kia? Với những khoản bảo hiểm hay kế hoạch trợ cấp? Cả những cuộn chỉ nha khoa mà bạn vừa mua sáng nay?

Phật Giáo tin rằng tất cả chúng sinh trên hành tinh này, đặc biệt, loài người là những sinh vật sẽ đặt câu hỏi này nhiều nhất, “Tôi sẽ chết sao?” Bạn có thể tượng tưởng nổi một con vẹt sẽ suy nghĩ, “Tôi nên ăn những quả và hạt này ngay bây giờ vì e rằng tôi có thể chết tối nay? Hay tôi nên liều lĩnh để dành số hạt này cho sáng mai nhỉ?” –Những con vật không suy nghĩ được như vậy. Và chắc chắn rằng chúng cũng không suy nghĩ về những nguyên nhân và hoàn cảnh [nhân và duyên].

Thực tế, Phật Pháp có đề cập rằng, chư Thiên hoặc những chúng sinh thuộc cõi Trời thậm chí chẳng bao giờ nghĩ đến câu hỏi “Tôi sẽ chết sao?” Chư vị ở Trời cảm thấy hứng thú hơn với những chiếc đĩa sứ bóng mịn, tinh xảo và những chiếc thìa bạc, các loại trà ủ men thanh tao, và những điệu nhạc mê đắm. Chúng sinh cõi Trời được cho là thích nhìn ngắm những đám mây khổng lồ nhiều hình dạng, một cách kỳ diệu, họ tạo nên những hồ bơi hay đài phun nước ngay giữa khối mây rộng lớn và mịn màng nhất, sau đó họ dành hàng giờ, thậm chí nhiều ngày, chỉ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của mình. Những hoạt động này chi phối đời sống những vị Trời và nó thú vị hơn rất nhiều so với câu hỏi, “Tôi sẽ chết sao?” Tôi sẽ cảm thấy nghi ngờ nếu một suy nghĩ như thế thoáng xuất hiện trong đầu họ. Chúng sinh ở cõi người, mặt khác, lại có năng lực tự vấn, tuy nhiên cái chết bất khả kháng hiếm khi xảy đến với chúng ta.

Khi nào người ta thường nghĩ đến cái chết? Có phải khi chúng ta đang trải qua những đau khổ tồi tệ? – Không. Hay khi chúng ta đang ở giữa trạng thái cực kỳ hạnh phúc? –Một lần nữa, câu trả lời là Không. Thông minh và có ý thức, chúng ta có những điều kiện khuyến khích cho việc trực nhận rõ ràng câu hỏi trên, nhưng chúng ta lại dành tất cả thời gian và năng lượng của mình để chống đỡ cho việc tự lừa dối bản thân, nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ chết. Chúng ta tự làm tê liệt bản thân trước nỗi đau của những thực tế không thể tránh khỏi bằng cách giữ cho Tâm trí luôn bận rộn hay luôn gắn liền với các hoạt động giải trí, tiêu khiển, và bằng cách phát triển hơn nhiều những kế hoạch cho tương lai. Theo cách nào đó, đây chính xác là những điều khiến cho đời sống con người trở nên tuyệt vời, nhưng đây cũng chính là cái bẫy bởi vì chúng ta đang tạo ra những cảm giác an toàn sai lầm. Chúng ta quên mất rằng cái chết của chính mình cũng như của tất cả những người mình quen biết và yêu thương là không thể trốn tránh được. Hãy suy nghĩ về nó: vào thời điểm mà mỗi người đã trải qua một phần tư thế kỷ, chúng ta đã mất đi ít nhất một người bạn thân hoặc một thành viên trong gia đình. Một ngày bạn đang ăn tối với bố mẹ, sang hôm sau họ đã chết và bạn không bao giờ thấy được họ lần nữa. Loại kinh nghiệm này buộc chúng ta phải đối mặt với sự thật về cái chết – và đối với một số người, đó là sự thật vô cùng cay đắng và đáng sợ.

Nỗi Sợ Về Cái Chết

Nỗi sợ hãi về Cái Chết, thưa Quý Ngài, không có gì khác hơn là một người nghĩ mình thông thái, những điều không biết lại cho rằng mình biết. Không ai biết nếu Cái Chết có phải là ân phước lớn lao dành cho một người hay không, nhưng người ta sợ hãi Cái Chết như thể họ biết chắc đó là thảm họa khủng khiếp nhất. Và rõ ràng, đây là điều ngu dốt đáng trách nhất khi tin vào kẻ đang tự cho mình biết những gì hắn không biết.

 Socrates

Tại sao tất cả chúng ta lại cảm thấy sợ hãi cái chết? Có nhiều nguyên nhân, nhưng chính yếu bởi vì cái chết là một địa phận hoàn toàn không được nhận biết. Không có ai trong số những người quen trở về từ cái chết để nói cho chúng ta biết chết là gì. Và nếu như có người nào đã làm như vậy, liệu chúng ta có tin họ không? Cái chết là một điều bí ẩn, mặc dù chúng ta không có bất kỳ ý tưởng nào về những gì sẽ xảy ra sau khi chết, chúng ta vẫn tự tạo nên tất cả những giả thuyết xung quanh nó. Chúng ta cho rằng khi đã chết thì không thể trở về nhà; rằng sau khi chết, ta sẽ không bao giờ có thể ngồi lại trên chiếc tràng kỷ yêu thích. Chúng ta nghĩ: nếu tôi chết, tôi sẽ không thể xem Thế Vận Hội kế tiếp hoặc khám phá ra ai sẽ là diễn viên chính cho bộ phim Trinh Sát mới. Nhưng tất cả chỉ là phỏng đoán của mỗi người. Điểm mấu chốt, đơn giản là, ta không biết gì cả. Và chính sự không biết khiến chúng ta khiếp sợ.

Khi cái chết đến gần, nhiều người nhận thấy mình hướng suy nghĩ về cuộc đời đã qua và cảm thấy xấu hổ, tội lỗi về những gì đã làm hoặc chưa thực hiện. Không chỉ sợ mất đi tất cả mọi thứ đã trở nên quá gắn bó và bám luyến trong cuộc đời này, vào tất cả những mối quan hệ, chúng ta còn sợ bị đánh giá về những hành động đáng hổ thẹn của mình. Cả hai cách nhìn này khiến cho ý tưởng về cái chết còn trở nên khủng khiếp hơn. Không có việc trở về từ cái chết và cũng không thể nào trốn khỏi nó. Có lẽ, đây là sự kiện duy nhất trong đời chúng ta không thể lựa chọn ngoại trừ việc phải đối mặt. Đơn giản là chúng ta không thể né tránh nó. Thậm chí cố gắng đẩy nhanh quá trình bằng việc tự tử cũng không có kết quả, bởi vì, con người tuy có thể chết nhanh hơn [nhờ tự tử], nhưng nỗi sợ hãi thì không có ‘nút tắt’. Chúng ta vẫn phải trải qua nỗi khiếp sợ không thể tưởng tượng được trong suốt tiến trình chết bởi vì không ai có thể tự biến mình thành những vật vô tri giác, như sỏi đá, để bảo đảm mình không có cảm giác gì. Tiếp theo, làm thế nào để chúng ta giải thoát mình khỏi sự tê liệt, chết lặng người trước nỗi sợ về cái chết?

Một lần nọ, tôi, Trang Tử, nằm mộng thấy mình trong thân thể bươm bướm, một chú bướm hạnh phúc. Tôi ý thức và cảm thấy hoàn toàn hài lòng với bản thân, nhưng không biết mình là Trang Tử. Đột nhiên thức giấc, tôi nhận ra mình rõ ràng là Trang Tử. Khi đó, tôi không biết có phải Trang Tử đã nằm mộng thấy mình hóa thành bươm bướm hay chú bướm nằm mộng và thấy mình là Trang Tử. Giữa Trang Tử và chú bướm chắc chắn phải có những điểm khác biệt. Điều này gọi là phép biến đổi của sự vật.

Câu hỏi của nhà triết học Trung Quốc nổi tiếng này rất đáng để suy ngẫm. Khi nhìn vào con bướm [trong câu hỏi trên], làm sao biết rằng bản thân bạn không phải chỉ là một phần nhỏ trong giấc mơ của con bướm đó? Điều gì khiến bạn nghĩ rằng mình ‘đang sống’ ngay trong hiện tại này? Làm thế nào bạn có thể chắc chắn mình [thật sự] ‘đang sống’? – Không thể chắn chắn. Tất cả những gì bạn có thể làm là tạo ra một giả định. Hãy suy nghĩ về điều đó! Làm thế nào có thể chứng minh cho bản thân việc bạn đang sống và tồn tại? Bạn có thể làm gì? Một trong những phương pháp thông thường để chắc rằng mình không nằm mơ là tự cấu véo mình. Ngày nay, để cố gắng cảm thấy mình đang sống một cách ‘thật’ hơn, một số người cắt thịt của họ, hoặc cắt cả cổ tay. Ít kịch tính hơn, nhiều người khác đi mua sắm, kết hôn, hoặc kích động một cuộc chiến với vợ hoặc chồng. Không có gì ngăn cản bạn thử tất cả các phương pháp này. Bạn có thể gây gổ với mọi người, tự cắt và cấu véo thân thể mình cho đến khi thỏa mãn, nhưng không có gì bạn làm sẽ chứng minh một cách dứt khoát rằng bạn đang sống. Song, cùng với hầu hết những người khác, bạn tiếp tục sợ chết. Đây là điều Đức Phật gọi là ‘chấp thủ’.

Bạn bám chấp vào các phương pháp có thể sử dụng để cố gắng chứng minh với bản thân rằng mình đang tồn tại. Tuy nhiên, mọi thứ bạn tưởng tượng về bản thân và mọi việc bạn cảm nhận, nhìn, nghe, nếm, chạm, đánh giá, phán xét và v.v…đều được quy gán – nghĩa là, nó được xác lập dựa trên môi trường, văn hóa, gia đình và những giá trị loài người đặt ra. Bằng cách chế ngự những điều ngụy tạo và hoàn cảnh đã xác lập của mình, bạn sẽ có thể chế ngự được nỗi sợ về cái chết. Đây là điều Phật Giáo mô tả như cách thức tự giải phóng bản thân khỏi những phân biệt nhị nguyên – một việc đòi hỏi chút ít nỗ lực và hoàn toàn không có phí tổn. Tất cả những gì bạn phải làm là tự hỏi mình: Tôi chắc chắn đến mức nào về việc, ngay bây giờ, tôi thật sự ở đây? Tôi chắc chắn đến mức nào về việc mình thật sự tồn tại? Chỉ cần tự vấn hai câu hỏi này, tất cả những niềm tin ngụy tạo của bạn sẽ bắt đầu bị chọc thủng. Càng nhiều lỗ hỏng xuất hiện, bạn sẽ càng sớm có thể lách ra khỏi những hoàn cảnh bó buộc của mình; và bằng cách đó, bạn sẽ dịch chuyển rất nhiều, tiến gần hơn đến những gì mà Phật Giáo mô tả như là ‘ sự hiểu biết về Tánh Không’. Tại sao bạn cần hiểu biết về Tánh Không? – Bởi vì bằng việc hiểu và trực nhận Tánh Không, cuối cùng bạn sẽ chiến thắng được không chỉ nỗi sợ hãi lặng người trước cái chết mà còn vượt thoát được cả những giả định vụng về đối với việc bạn đang sống.

Không có bất kỳ giả định nào liên quan đến vấn đề: bạn là ai, mẫu người bạn muốn trở thành, hoặc những danh hiệu bạn tự gán đặt cho mình ‘thật sự là bạn’; tất cả đều là phỏng đoán. Và những công việc mang tính phỏng đoán như giả định, tưởng tượng, gán ghép và v.v…– tạo nên những ảo tưởng của Luân Hồi. Mặc dù thế giới xung quanh bạn và những chúng sinh trong thế giới này ‘hiển hiện’, nhưng không có gì ‘hiện hữu’; tất cả đều là những ảo tưởng giả tạo. Một khi hoàn toàn chấp nhận được sự thật này – không phải trên phương diện tri thức mà là thực chứng – bạn sẽ trở nên không còn sợ hãi. Bạn sẽ thấy rằng cuộc sống này chỉ là ảo tưởng, và cái chết cũng như vậy. Thậm chí nếu bạn thấu triệt hoàn toàn quan điểm này, làm cho nó trở nên quen thuộc, thì nỗi sợ của bạn đối với cái chết sẽ giảm nhanh theo cấp lũy thừa. Điểm này đáng nên nhắc lại. Sợ hãi là một điều vô lý và không cần thiết, đặc biệt là nỗi sợ về cái chết, và việc hóc búa này sẽ tan biến ngay tức khắc khi bạn thật sự chấp nhận rằng tất cả mọi thứ đang hiển hiện và tồn tại chỉ là những ảo tưởng được tích tập và giả tạo. Như vậy, làm thế nào để chúng ta có thể chấp nhận rằng Luân Hồi chỉ là một sự ảo tưởng?

Cuộc Sống Chỉ Là Ảo Vọng

Có vài phương pháp sẵn có để áp dụng cho những ai tha thiết muốn trực nhận hoàn toàn bản tính hư ảo của đời sống và cái chết. Trên thực tế, mục tiêu duy nhất trong toàn bộ Giáo lý của Đức Phật là để nhận ra mỗi mỗi và tất cả hiện tượng sinh diệt đều là ảo tưởng. Bắt đầu bằng cách lắng nghe thật nhiều thông tin nhất có thể, với nội dung giải thích về ‘sự sống’ và ‘cái chết’ thực chất chỉ là những ảo tưởng – đây là chủ đề tôi tin chắc không một ai trong chúng ta có thể nghe đến mức độ có thể cho là ‘ đủ’. Và đừng sai lầm nghĩ rằng chú tâm lắng nghe và việc nghe đơn thuần thì không phải là thực hành Giáo Pháp đích thực, bởi vì, điều ngược lại mới đúng. Tiếp theo, suy ngẫm về những gì bạn đã nghe và nghiên cứu thêm bằng cách đọc nhiều sách.

Cuối cùng, và cũng là quan trọng nhất, cố gắng làm cho những gì đã học trở nên quen thuộc. Bằng cách nào? – Có nhiều cách để làm quen với ý tưởng rằng cuộc sống chỉ là một giấc mộng. Cách đơn giản nhất và cũng hiệu quả nhất là đặt ra vài câu hỏi. Chỉ hỏi. Không cần thiết phải đưa ra câu trả lời.

Làm Theo Trang Tử

Như Trang Tử, nhìn vào một chú bướm và tự hỏi: Có phải chú bướm đang nằm mơ và biến thành Tôi? Có phải Tôi chỉ hiện ra trong giấc mơ của chú bướm?

Tự Cấu Véo Mình

Cấu véo chính bạn – nhẹ nhàng hay thô bạo, tùy bạn – và tự hỏi mình, ai đang làm hành động cấu véo? Ài đang cảm giác về cái véo?

Chỉ Nhận Biết và Theo Dõi những Suy Nghĩ của Bạn

Vào mỗi khoảnh khắc, bạn chắc chắn phải đang suy nghĩ điều gì đó. Vì bạn suy nghĩ, chỉ cần nhận biết bạn đang có những suy nghĩ như vậy. Nếu đang có một ý nghĩ xấu, đừng để nó dẫn dắt bạn đến những ý nghĩ nối tiếp – dù [ý nghĩ nối tiếp] là tốt hay xấu. Bất kỳ suy nghĩ xấu nào khởi lên đầu tiên, chỉ quan sát nó.

Nếu như bạn có một ý nghĩ tốt, chỉ quan sát nó.

Nếu đang nghĩ về những chiếc chìa khóa xe ô tô, chỉ nhận biết rằng bạn đang suy nghĩ về những chiếc chìa khóa xe ô tô. Nếu đang nghĩ về những chiếc chìa khóa xe ô tô, bỗng dưng bạn muốn một tách trà, chỉ nhận biết rằng bạn đang suy nghĩ về tách trà. Đừng cố gắng phải suy nghĩ cho xong phần kết thúc của những chiếc chìa khóa xe ô tô.

Nếu bạn cảm thấy ngột ngạt bởi nỗi sợ về cái chết, chỉ cần quan sát trạng thái đó. Đừng suy nghĩ về những gì mà bạn cho rằng mình nên thực hiện hoặc suy nghĩ xem bạn nên làm việc đó như thế nào. Bài tập này ít nhất sẽ giúp bạn hiểu rằng một phần lớn thuộc thế giới bên ngoài và bên trong của bạn chẳng là gì ngoài những giả định và sự phóng chiếu [của Tâm thức].

Nới Lỏng Những Kỳ Vọng

Nếu bạn không có thời gian lẫn khuynh hướng giúp bản thân dần trở nên quen thuộc với cách nhìn nhận Luân Hồi chỉ là ảo tưởng, hãy cố gắng, trong khi đang còn sống và khỏe mạnh, không quá bị dính mắc vào những kế hoạch, hy vọng và kỳ vọng. Tối thiểu, hãy chuẩn bị cho việc chính bạn sẽ ở trong tình trạng khi chẳng có điều gì tiến triển cả.

Tất cả những điều tốt đẹp trong cuộc sống bạn, chỉ nháy mắt, trở nên đảo ngược hoàn toàn; và tất cả những gì bạn từng cho là giá trị, thoáng chốc trở nên vô dụng. Hãy tưởng tượng, nếu người bạn thân nhất của bạn chuyển nhà đến bờ kia của đất nước, bạn hiếm khi gặp lại và cảm xúc của cả hai dần xa cách theo thời gian. Một ngày nọ, anh ta viết gì đấy trên trang xã hội truyền thông khiến bạn cảm thấy bị xúc phạm cực kỳ sâu sắc, và như thế, bỗng nhiên anh ta trở thành kẻ thù xấu xa nhất của bạn. Cuộc sống đầy những tình huống có tính kiểm chứng thực tế tương tự ví dụ này. Trở nên ý thức về cách mọi thứ đổi thay là hình thức hữu ích để rèn luyện Tâm; và buông xả tất cả những bám chấp vào việc lên kế hoạch, lịch trình và kỳ vọng có thể làm giảm đáng kể nỗi sợ hãi của bạn về cái chết. Nếu chưa bao giờ bạn kinh qua cảm giác thất vọng hay thất bại khi còn sống, thì lúc nhận ra mình đang ngấp nghé nơi cửa chết, bạn sẽ khiếp sợ. Đương nhiên, thời điểm đó đã quá trễ để bạn có thể kịp làm gì cho bản thân. Thật may mắn nếu bạn bè hoặc gia đình sẵn sàng nhận gánh trách nhiệm tập hợp những nhân và duyên lành để dỗ dành, động viên bạn [trước lúc lâm chung]. Và sẽ rất may mắn, nếu họ không cố gắng dối gạt bạn ở những giây phút cuối cùng để khiến bạn vẫn tin rằng mình sẽ sống mãi mãi. Bởi vì, điều tốt nhất chúng ta có thể làm cho một người sắp chết là không lừa dối về những gì đang xảy ra với họ.

Giảm Bớt Tính Vị Kỷ

Vị kỷ và tham lam gây ra cảm giác sợ hãi mãnh liệt nhất. Tất cả chúng ta đều chết một mình, nhưng nếu bạn thường bị ám ảnh về tự thân và hành động luôn bị chi phối bởi lượng người hâm mộ xung quanh, bạn sẽ không thể chịu đựng nổi sự cô độc của cái chết. Nếu quá quen thuộc với sự ngưỡng mộ từ những người nịnh hót – kẻ khiến bạn cảm thấy thỏa mãn trước bất kỳ ý thích nào bạn chợt nảy ra, thì khi nhận ra mình phải hoàn toàn đơn độc, bạn sẽ choáng ngợp bởi một nỗi sợ không thể tưởng tượng được. Như vậy, bằng cách giảm đi tính vị kỷ, bạn có thể giảm bớt cường độ của nỗi sợ.

Giảm Bớt Sự Bám Chấp Vào Đời Sống Thế Gian

Một số người sợ cái chết vì họ sợ những cơn đau thể xác. Nhưng không phải tất cả mọi người đều chết trong những cơn đau. Bạn có chết trong đau đớn hay không sẽ tùy thuộc vào nghiệp của bạn. Vì nghiệp của mỗi cá nhân là hoàn toàn khác nhau, kinh nghiệm về cái chết của mỗi người cũng là duy nhất. Một số người sẽ không nhận ra mình đang chết. Một số khác thậm chí có thể không nhận ra mình đã chết, thậm chí đã chết vài ngày hay hàng tuần rồi. Cái chết có thể tấn công thật đột ngột, giống như tia chớp, hoặc cũng có khi xảy đến một cách chậm chạp và khó nhọc. Và phần lớn các cơn đau phải chịu đựng lúc chết xuất phát từ cảm xúc của nỗi bám chấp vào cuộc sống, vào những vật mình sở hữu, bạn bè, gia đình, tài sản và cả sự bực dọc đối với công việc kinh doanh chưa hoàn tất.

Đức Dzongsar Khyentse Rinpoche

Trích tác phẩm: Sống là dần chết