131231928_3929719107061238_5731096880431634297_n

Trung ấm thiền định

Chúng ta phải khảo sát xem những trải nghiệm trong cuộc đời hiện tại này của chúng ta có giống như giấc mộng hay không thông qua việc quan sát bản tâm của mình. Sự khảo nghiệm này được gọi là Trung Ấm Thiền định. Chúng ta có thể tiếp cận trung ấm này theo nhiều cách. Hãy xem xét một vài khả năng. Có nhiều con đường tâm linh và nhiều tôn giáo khác nhau. Và trong cuộc đời này thì chúng ta – những người Phật tử – lại đang tu tập theo một con đường riêng nào đó. Ví dụ vào trong một giai đoạn của cuộc đời, chúng ta có thể bắt đầu với các pháp tu dẫn nhập: Bốn Niệm Chuyển Tâm. Chúng ta học được rằng có các mức độ khác nhau trên đường tu, ví dụ giai đoạn sinh khởi và giai đoạn viên thành, cho đến khi đạt được các kết quả mong muốn. Khi thiền định chúng ta thực hành quan sát bản tâm và thông qua thực hành này chúng ta thoáng thấy Chân Đế (sự thật tối hậu). Trong Ba Mươi Bảy Pháp Tu Của Bồ Tát đã viết rằng “Vạn pháp đều do tâm tạo”. Toàn bộ vũ trụ này và bản thân chúng ta – mọi thứ mà chúng ta trải nghiệm – đều do tâm tạo. Những thứ được tạo ra đó – vạn pháp hay mọi sự hiện hữu – đều giả hợp, vô thường và vì vậy bản chất là hư huyễn. Và chủ thể của vạn pháp lại chính là tâm. Khi con cố đi tìm một chủ nhân trong tâm thì con phát hiện ra rằng chẳng có gì được tìm thấy. Vì vậy đầu tiên chúng ta sẽ có được sự tri kiến và dựa trên tri kiến đó chúng ta tiếp tục thực hành và trải nghiệm lặp đi lặp lại điều mà chúng ta hiểu biết. Suy nghĩ và các phiền não xuất hiện trong tâm, nhưng ngoài ra còn có sự tỉnh giác chánh niệm nhận ra chúng. Thông qua thực hành, sự tỉnh giác chánh niệm đó sẽ không bị lôi kéo đi bởi những suy nghĩ và cảm xúc, không bám chấp vào những gì khởi hiện trong tâm.

Đầu tiên chúng ta nhận ra được rằng ít nhất một nửa trong số những suy nghĩ của chúng ta là những xuất hiện hư huyễn và [như vậy] chúng ta đã có được một mức độ hiểu biết nhất định. Sau đó chúng ta tiếp tục thực hành cho quen thuộc. Từ thời điểm bắt đầu thực hành cho đến khi chúng ta nhận ra được rằng những nhận thức ban ngày và nhận thức ban đêm cũng như nhau mà thôi, thì giai đoạn đó chính là trung ấm thiền định. Khi chúng ta thực sự giác ngộ được chân tâm của mình thì các cảm xúc ô nhiễm sẽ được chuyển hoá thành trí tuệ và chúng ta nhận ra được bản chất chân thật của các uẩn, các căn và các đại; chúng có bản chất của các vị Bổn Tôn và các cõi Tịnh Độ. Chỉ nhờ việc nhận ra được chân tâm mà con sẽ hiểu được rằng toàn bộ vũ trụ và chúng sinh đều được bao hàm trong con. Con xác quyết được điều này. Và rồi sau đó con có thể nhận ra bản chất của vạn pháp một cách tự nhiên. Cho đến khi con hoàn toàn giác ngộ được điều này thì trước đó con ở trong trung ấm thiền định. Toàn bộ con đường tu tập cho đến khi chúng ta đạt được kết quả được gọi là trung ấm thiền định.

Đức Garchen Rinpoche
Việt dịch: Trần Lan Anh  – Hiệu đính: Thanh Liên
Nguồn: Giáo huấn về sáu trung ấm