323C8DE8B8AED97A0B52B9F23FDD3ED3035A7787_size66_w778_h466

Giáo huấn về sáu trung ấm

Bài thơ gồm bảy khổ được tìm thấy trong tác phẩm Bardo Thodol, còn được biết đến với tên tiếng Anh là The Tibetan Book of the Dead – Tử Thư Tây Tạng, do Đạo Sư Liên Hoa Sanh (Padmasambhava) trước tác vào thế kỷ thứ 8, được vị phối ngẫu Yeshe Tsogyal của Ngài ghi chép lại và được vị khai mật tạng vương Karma Lingpa tìm thấy vào thế kỷ thứ 14. Bản dịch “Thi kệ chính về sáu trung ấm” này là của Chogyam Trungpa và Francesca Fremantle.

1. Trung ấm cuộc sống (shinay bardo)

Giờ đây khi Trung Ấm Cuộc Sống đang ló dạng trong con,

Con sẽ từ bỏ mọi lười biếng – chúng không có chỗ trong cuộc đời này,

Nhất tâm dấn bước trên con đường học hỏi suy tư và thiền định,

Đưa các vọng tưởng và tâm thức vào đường tu để nhận chân ra ba Thân Phật:

Giờ đây khi con đã có được thân người,

Trên con đường tu tập sẽ không có thời gian để tâm thức lang thang.

2. Trung ấm giấc mộng (milam bardo)

Giờ đây khi Trung Ấm Giấc Mộng đang ló dạng trong con,

Con sẽ từ bỏ việc ngủ như xác chết đầy vô minh và bất cẩn,

Và sẽ đưa những niệm tưởng vào trong trạng thái bản nhiên không tán loạn,

Kiểm soát và chuyển hoá giấc mộng trong tánh sáng soi,

Con sẽ không ngủ như súc vật,

Mà hoàn toàn hợp nhất giấc ngủ với thực hành Pháp.

3. Trung ấm thiền định (samten bardo)

Giờ đây khi Trung Ấm Thiền Định đang ló dạng trong con,

Con sẽ từ bỏ mớ bòng bong những niệm tưởng phóng tâm và lẫn lộn,

An trụ trong trạng thái bao la không bám chấp hay tán loạn,

Kiên định trong hai pháp tu: quán tưởng [sinh khởi] và viên thành,

Trong thời thiền này với sự nhất tâm siêu vượt hoạt động,

Con sẽ không để sức mạnh của những cảm xúc mê lầm sai xử con.

4. Trung ấm cận tử (chikkai bardo)

Giờ đây khi Trung Ấm Cận Tử đang ló dạng trong con,

Con sẽ từ bỏ mọi bám chấp, mong mỏi và luyến ái,

Nhất tâm tỉnh giác nhớ về giáo huấn,

Và phóng tâm thức của mình vào trong cảnh giới tâm vô sinh;

Khi rời bỏ tấm thân giả hợp gồm thịt và máu này,

Con sẽ hiểu rằng thân đó là một huyễn hoá phù du.

5. Trung ấm Pháp tánh ( chonyid bardo)

Giờ đây khi Trung Ấm Pháp Tánh ló dạng trong con,

Con sẽ từ bỏ mọi niệm tưởng sợ hãi hay hoảng loạn,

Sẽ nhận biết rằng bất cứ điều gì xuất hiện cũng là phản chiếu của chính [tâm]  mình,

Và hiểu ra rằng đó là thị kiến của thân trung ấm;

Giờ đây khi con đã gặp thời khắc vô cùng quan trọng này,

Con sẽ không hoảng sợ khi đối diện các vị Bổn tôn an bình và phẫn nộ,

Các ngài chính là sự phản chiếu của chính [tâm]  con.

6. Trung ấm trở thành (tái sinh) (sidpa bardo)

Giờ đây khi Trung Ấm Tái Sinh đang ló dạng trong con,

Con sẽ nhất tâm chánh định,

Nỗ lực trì giữ những kết quả của thiện nghiệp,

Đóng cánh cửa đi vào thai tạng và nghĩ đến sự kháng cự [việc đầu thai vào trong luân hồi] ;

Thời điểm này con cần kham nhẫn và khởi niệm thanh tịnh,

Loại bỏ đố kỵ và thiền định về Đạo Sư với vị phối ngẫu.

7. Khoảnh khắc hiện tại

Với tâm thức lan man không hề nghĩ đến cái chết ngày một đến gần,

Con tham gia vào các hoạt động vô nghĩa,

Để rồi ra đi trắng tay – [chao ôi]  thật là sự mê lầm tột độ.

Giáo Pháp siêu việt cần phải được thấu đạt,

Vậy tại sao con không thực hành Pháp ngay lúc này?

Những điều này được thốt ra từ khẩu những người trí:

“Nếu con không ghi khắc giáo huấn của Đạo Sư trong tim,

Thì con chẳng phải là kẻ dối lừa chính mình hay sao?”

Đối với những ai chưa nhận ra được sự thật tối hậu hay Chân đế thì sẽ có các giai đoạn trung ấm khác nhau. Đoạn đầu tiên trong Ba Mươi Bảy Pháp Tu Của Bồ Tát (còn được gọi là “Ba Mươi Bảy Pháp Hành Bồ Tát Đạo”) nói rằng “vạn pháp không đến cũng không đi” và đó là cái thấy mà các đấng Siêu Việt đã chứng ngộ. Các ngài đã chứng ngộ rằng vạn pháp đều có bản chất rỗng rang như hư không và hư không thì chẳng đến cũng không đi. Những chúng sinh thường phàm như chúng ta có thói quen bám chấp nhị nguyên, phân biệt ta – người. Và chính vì lẽ đó cùng với một số cộng duyên khác mà chúng ta tái sinh trong ba cõi cao. Sau đó vì đã tạo ra nhiều bất thiện nghiệp mà rồi chúng ta lại phải đoạ xuống ba cõi thấp trong những khoảng thời gian dài và không được diện kiến các cõi cao trong nhiều đời nhiều kiếp. Chúng ta liên tục trôi lăn trong các cõi giống như bánh xe ô tô đang chạy. Nhưng trong Ba Mươi Bảy Pháp Tu Của Bồ Tát cũng nói rằng “mặc dù đã thấu hiểu rằng vạn pháp không đến cũng không đi nhưng chư vị Bồ Tát chuyên tâm nỗ lực mang lại lợi lạc cho chúng sinh.” Với góc nhìn của các chúng sinh thường phàm như chúng ta thì có sáu giai đoạn trung chuyển (sáu trung ấm), và chúng ta cần biết cần làm gì trong mỗi giai đoạn, giống như cách chư vị Bồ Tát đã làm.

Trung ấm thứ nhất gọi là Trung Ấm Cuộc Sống, muốn nói đến giai đoạn khởi đầu bằng việc chúng ta sinh ra. Tâm thức đi vào tử cung người mẹ và do vậy chúng ta được sinh ra trong thế giới loài người. Chúng ta được sinh làm thân người quý hiếm trong thế giới này là do đã tích luỹ thiện hạnh. Một trong một nghìn hoạt động của chúng ta đã làm là thiện lành và cơ duyên đó đã giúp chúng ta có cơ hội duy nhất này để có thân người hiếm quý chỉ trong thời gian ngắn ngủi. Chúng ta có tự do và thuận duyên và nhiều phẩm tính để làm cho thân người này trở nên trân quý. Việc có được một thân người trân quý là vô cùng khó khăn. Toàn bộ khoảng thời gian chúng ta sống trên cõi đời này, từ khi chúng ta sinh ra cho đến khi chúng ta chết đi, được gọi là Trung Ấm Cuộc Sống.

Mỗi đêm khi ngủ, chúng ta trải nghiệm trung ấm thứ hai: Trung Ấm Giấc Mộng. Đầu tiên con rơi vào giấc ngủ và có [giai đoạn] mộng thứ nhất vào lúc đầu đêm. Sau khi giấc mộng thứ nhất đó nhạt phai, chúng ta sẽ rơi vào trạng thái ngủ sâu giống như khi chết, vào lúc đó chúng ta bất tỉnh. Rồi một lần nữa trước khi tỉnh dậy vào sáng mai, chúng ta có một giấc mộng khác, một hư ảo khác và đó cũng là trung ấm giấc mộng. Chúng ta không nghĩ về giấc mộng cùng một cách như nhau. Có người khôn và kẻ ngu. Người khôn không tin rằng giấc mơ có thật nhưng họ tin là ban ngày mới là thực tại và họ nghĩ rằng có sự khác nhau giữa ngày và đêm. Nhưng có một loại người khác quá tin vào những gì trong giấc mơ, họ tin rằng mình có thể trải nghiệm các dấu hiệu tốt và xấu trong giấc mơ. Chính vì vậy chúng ta nói những người đó tin rằng những gì trong mơ là thực. Đây lại là góc nhìn ngu ngốc về giấc mộng. Sự phản hồi trí tuệ nhất về giấc mộng sẽ là nhận biết rằng giấc mộng cũng như trải nghiệm ban ngày khi thức, đều giống như một sự huyễn hoá. Mọi thứ tồn tại và khởi hiện trong luân hồi và niết bàn đều do tâm tạo. Chúng ta thường có xu hướng suy nghĩ rằng chúng ta thật sự đang sống cho đến ngày rời bỏ cuộc đời này. Thực ra điều này không hoàn toàn đúng bởi vì vào mỗi tối khi rơi vào giấc ngủ, chúng ta [trải nghiệm trạng thái] chết. Ngủ và chết thực sự giống nhau, nó chỉ khác nhau ở mức độ vi tế. Chỉ bởi vì sinh lực sống của chúng ta chưa cạn kiệt nên chúng ta tỉnh dậy vào mỗi buổi sáng mà thôi.

Trung ấm giấc mộng bắt đầu ngay khi những nhận thức ban ngày lắng xuống và tiếp tục duy trì cho đến tận khi chúng ta thức dậy vào buổi sớm mai. Luyện tập về trung ấm giấc mộng rất quan trọng bởi vì nó giống như quá trình chết mà sau này chúng ta phải trải qua. Khi chết, tất cả những nhận thức này, toàn bộ cuộc đời này sẽ trở thành một ký ức nhạt nhoà. Tất cả những hiện tượng của cuộc đời này sẽ biết mất chẳng còn sót lại gì. Vì vậy khi con tỉnh dậy trong giai đoạn trung ấm giữa các cuộc đời thì những sự kiện của cuộc đời quá khứ đối với con sẽ chỉ như là một giấc mộng mà thôi.

Chúng ta phải khảo sát xem những trải nghiệm trong cuộc đời hiện tại này của chúng ta có giống như giấc mộng hay không thông qua việc quan sát bản tâm của mình. Sự khảo nghiệm này được gọi là Trung Ấm Thiền định. Chúng ta có thể tiếp cận trung ấm này theo nhiều cách. Hãy xem xét một vài khả năng. Có nhiều con đường tâm linh và nhiều tôn giáo khác nhau. Và trong cuộc đời này thì chúng ta – những người Phật tử – lại đang tu tập theo một con đường riêng nào đó. Ví dụ vào trong một giai đoạn của cuộc đời, chúng ta có thể bắt đầu với các pháp tu dẫn nhập: Bốn Niệm Chuyển Tâm. Chúng ta học được rằng có các mức độ khác nhau trên đường tu, ví dụ giai đoạn sinh khởi và giai đoạn viên thành, cho đến khi đạt được các kết quả mong muốn. Khi thiền định chúng ta thực hành quan sát bản tâm và thông qua thực hành này chúng ta thoáng thấy Chân Đế (sự thật tối hậu). Trong Ba Mươi Bảy Pháp Tu Của Bồ Tát đã viết rằng “Vạn pháp đều do tâm tạo”. Toàn bộ vũ trụ này và bản thân chúng ta – mọi thứ mà chúng ta trải nghiệm – đều do tâm tạo. Những thứ được tạo ra đó – vạn pháp hay mọi sự hiện hữu – đều giả hợp, vô thường và vì vậy bản chất là hư huyễn. Và chủ thể của vạn pháp lại chính là tâm. Khi con cố đi tìm một chủ nhân trong tâm thì con phát hiện ra rằng chẳng có gì được tìm thấy. Vì vậy đầu tiên chúng ta sẽ có được sự tri kiến và dựa trên tri kiến đó chúng ta tiếp tục thực hành và trải nghiệm lặp đi lặp lại điều mà chúng ta hiểu biết. Suy nghĩ và các phiền não xuất hiện trong tâm, nhưng ngoài ra còn có sự tỉnh giác chánh niệm nhận ra chúng. Thông qua thực hành, sự tỉnh giác chánh niệm đó sẽ không bị lôi kéo đi bởi những suy nghĩ và cảm xúc, không bám chấp vào những gì khởi hiện trong tâm.

Đầu tiên chúng ta nhận ra được rằng ít nhất một nửa trong số những suy nghĩ của chúng ta là những xuất hiện hư huyễn và [như vậy]  chúng ta đã có được một mức độ hiểu biết nhất định. Sau đó chúng ta tiếp tục thực hành cho quen thuộc. Từ thời điểm bắt đầu thực hành cho đến khi chúng ta nhận ra được rằng những nhận thức ban ngày và nhận thức ban đêm cũng như nhau mà thôi, thì giai đoạn đó chính là trung ấm thiền định. Khi chúng ta thực sự giác ngộ được chân tâm của mình thì các cảm xúc ô nhiễm sẽ được chuyển hoá thành trí tuệ và chúng ta nhận ra được bản chất chân thật của các uẩn, các căn và các đại; chúng có bản chất của các vị Bổn Tôn và các cõi Tịnh Độ. Chỉ nhờ việc nhận ra được chân tâm mà con sẽ hiểu được rằng toàn bộ vũ trụ và chúng sinh đều được bao hàm trong con. Con xác quyết được điều này. Và rồi sau đó con có thể nhận ra bản chất của vạn pháp một cách tự nhiên. Cho đến khi con hoàn toàn giác ngộ được điều này thì trước đó con ở trong trung ấm thiền định. Toàn bộ con đường tu tập cho đến khi chúng ta đạt được kết quả được gọi là trung ấm thiền định.

Thứ tư là Trung Ấm Cận Tử, bắt đầu khi cơ thể bước vào quá trình chết không thể thay đổi được và chắc chắn chúng ta phải chết. Giai đoạn đó bắt đầu khi có những dấu hiệu ban đầu của cái chết cho đến khi sinh lực chấm dứt, tức là thật sự chết. Dù chúng ta có được ổn định trong tu tập hay không, dù chúng ta có thực hành giáo Pháp hay không thì đến một lúc nào đó, công đức có được để tạo ra cơ thể vật lý này cũng sẽ phải đến hồi kết thúc. Bác sỹ, gia đình, hay bạn bè sẽ nhận ra rằng chúng ta sẽ chết. Và đa số mọi người trong khi biết được điều này sẽ lo sợ. Vào giây phút con nhận ra rằng con sẽ chết cho đến khi con thực sự chết, thì giai đoạn đó được gọi là Trung ấm cận tử.

Thứ năm là Trung Ấm Pháp Tánh, bắt đầu sau khi có cái chết vật lý. Nó cũng giống như việc rơi vào một trạng thái ngủ sâu. Khi chúng ta trở nên bất tỉnh như thế, thì lúc đó chúng ta đi tới nền tảng thực sự và bản tánh của tâm (chân tâm), chính là Phật tánh. Đó là khi mọi tư tưởng bám luyến, sân hận và vô minh đã hoàn toàn ngừng bặt. Nếu con đã thực hành pháp tu Đại Thủ Ấn hay Đại Viên Mãn và đã nhận ra được chân tâm thì vào khoảnh khắc đó con có thể nhận ra được chân tâm. Khi trực nhận được chân tâm sẽ không có các suy nghĩ khác xuất hiện và con có thể đạt giác ngộ trong trung ấm đầu tiên sau khi chết, hay nói cách khác đạt được giác ngộ trong Pháp thân. Nhưng nếu vào khoảnh khắc đó con không nhận ra được chân tâm của mình thì một tư tưởng sẽ lại xuất hiện và có thể con tự hỏi “Điều gì đã xảy ra với mình?” Một số người thực sự nhận ra rằng mình đã chết, một số khác không nhận ra được điều đó do họ có tập khí sâu dày. Trong trung ấm pháp tánh, sự phản chiếu tự nhiên của tâm sẽ hiển lộ. Sự hiển lộ của tất cả các tư tưởng thiện lành và bất thiện sẽ xuất hiện giống như trình chiếu một bộ phim. Thực ra chúng chỉ là sự phản chiếu của tâm, nhưng nếu không nhận ra được như thế thì con sẽ bị hoang mang và hoảng sợ khi những thị kiến xuất hiện.

Trung ấm thứ sáu là Trung Ấm Tái Sinh (Trở Thành), bắt đầu từ khi thân thể cũ đã chết đi cho đến khi con tìm được một thân mới. Thần thức lúc đó sẽ bị cuốn phăng đi các hướng giống như chiếc lông chim bay trong gió không có gì để kiểm soát, thèm muốn có được một tấm thân mới. Trước khi vào giai đoạn trung ấm tái sinh, tâm giống như nước tinh khiết, nhưng rồi những suy nghĩ thường phàm xuất hiện và chúng chính là bùn bẩn trộn lẫn nước tinh khiết. Nếu điều này xảy ra thì tâm sẽ bị ô nhiễm, dẫn đến việc thần thức sẽ bước sang giai đoạn trung ấm thứ sáu: trung ấm tái sinh. Trong trung ấm tái sinh, thần thức sẽ sở hữu bốn uẩn: thức uẩn, tưởng uẩn, thọ uẩn, hành uẩn, nhưng không có sắc uẩn. Tại thời điểm này thần thức không có lựa chọn nào khác ngoài việc bị thổi cuốn đi giống như một mảnh lông vũ. Vào thời điểm đó, bất cứ niệm tưởng nào mà thần thức nghĩ đến thì nó sẽ lập tức ở nơi đó mà không có lựa chọn nào khác. Trong trung ấm này thần thức phải chịu sự sợ hãi khủng khiếp và khổ não to lớn trong tâm. Cảm xúc ô nhiễm nào mạnh nhất trong tâm sẽ quyết định loại khổ đau sẽ xảy đến với thân trung ấm trong việc đi đầu thai này. Trung ấm này được gọi là trung ấm tái sinh bởi vì thần thức lúc bấy giờ trải nghiệm sự mong muốn vô cùng mạnh mẽ có được một thứ gì đó, để một lần nữa có được tấm thân mới. Thần thức đau khổ vì đã mất đi thân cũ và vì thế có một nhu cầu khốn khổ là cần có thân mới. Những ai không nhận được giáo Pháp và bám luyến vào thế giới này, bám luyến vào cuộc đời này thì sẽ phải chịu khổ đau trong khi gắng sức để tìm kiếm một tấm thân mới trong giai đoạn trung ấm tái sinh.

Trên đây là đề cương cơ bản của Sáu Trung Ấm, và ngoài ra có một kệ thứ bảy để quay chúng ta trở về với giây phút hiện tại, để giúp chúng ta bắt đầu thực hành.

Đức Garchen Rinpoche
Việt dịch: Trần Lan Anh, Hiệu đính: Thanh Liên