2008_0220TaraPuja0020

Một trăm lời khuyên dạy – Lời thứ tư

Hãy quên đi những mục đích của cuộc đời này – thay vào đó tập trung vào những đời sau.
Dân chúng Tingri, đó là mục đích tối thượng.

Chẳng là vô ích sao khi chỉ thực hành Pháp trong viễn cảnh hẹp hòi của cuộc đời này, với sức khỏe, sự trường thọ, và tiện nghi của riêng bạn như những mục đích chính của bạn. Thay vào đó, hãy cố gắng suy nghĩ về những gì sắp xảy ra cho bạn trong mọi đời sau. Và bạn không chỉ suy xét về tương lai của riêng bạn mà còn phải suy xét về tương lai của tất cả chúng sinh. Bất kỳ điều gì bạn làm, chính ý hướng tiềm ẩn sẽ quyết định kết quả là tốt hay xấu. Nếu bạn sắp kiềm chế và chuyển hóa tâm bạn – thì xét cho cùng, đó chính là mục đích của Giáo Pháp – điều quan trọng là bạn bắt đầu bằng cách khảo sát những ý hướng và tư tưởng tiềm ẩn đó. Thực ra thì bạn thực hành Pháp cho điều tốt lành của riêng bạn, hay cho điều tốt lành của những người khác?

Mối quan tâm đầu tiên của ta là tìm kiếm hạnh phúc của riêng ta và cố gắng thoát khỏi đau khổ. Nhưng nếu bạn lùi lại và nhận ra rằng bản thân bạn chỉ là một chúng sinh trong toàn thể vô lượng chúng sinh thì khi so sánh, những nhu cầu cá nhân và nỗi sợ hãi của bạn dường như vô nghĩa. Giống như bạn ước muốn hạnh phúc, mỗi một trong tất cả chúng sinh đó cũng ước muốn như thế. Nhưng khi theo đuổi hạnh phúc của họ, hầu hết mọi điều họ làm chỉ mang lại đau khổ. Nếu như họ có thể lắng nghe và tuân theo lời dạy sâu xa của Giáo Pháp, thì giống như người mù tìm lại được thị lực của mình, họ sẽ nhận ra rằng hạnh phúc – của bản thân họ và của những người khác, trong đời này và những đời sau – chỉ được tạo nên bởi những hành vi tích cực. Cách thức duy nhất để thoát khỏi vòng tròn xấu xa của đau khổ và đạt được hạnh phúc lâu dài của sự giác ngộ là hết sức chú tâm thực hiện những hành vi tích cực và tránh làm những hành vi tiêu cực. Quả thực, nếu bản thân bạn không hoàn toàn thâm nhập chân lý này, dù bạn có thể khẳng định là mình muốn giúp đỡ người khác, nhưng những nỗ lực của bạn sẽ hoàn toàn vô ích.

Khi bạn đang tuân theo các giáo lý và đưa chúng vào thực hành, đây là lý do tại sao điều tối quan trọng là không làm những điều đó để được kính trọng hay được tưởng thưởng cho sự uyên bác của bạn, mà làm với tư tưởng “Cầu mong tôi đạt được giác ngộ và có thể hiến tặng những giáo lý này cho tất cả chúng sinh, theo cách đó đưa dẫn họ tới Phật quả”.

Nếu tâm bạn được hướng đến những mục đích tích cực như thế, bạn có thể chắc chắn rằng những lời bạn nói và những việc bạn làm sẽ cùng đi một hướng một cách tự nhiên, giống như những người đầy tớ làm theo hiệu lệnh của ông chủ. Nhưng nếu tâm bạn bị xao lãng và đầy tham, sân và si, thì dù bạn trì tụng hay dâng cúng nhiều triệu thần chú và lễ lạy, điều đó sẽ giống như ăn thực phẩm thơm ngon trộn với thuốc độc. Đó không phải là cách thức để tiến tới Phật quả.

Hãy cố gắng duy trì một cách hoàn hảo những tư tưởng thuần tịnh trong mọi hoàn cảnh khiến cho ngay cả những hành vi vô nghĩa nhất của bạn cũng bảo tồn được năng lực tích cực của chúng cho tới khi bạn thành tựu giác ngộ. Một giọt nước rơi vào đại dương sẽ tồn tại cho đến khi đại dương còn hiện hữu.

Padampa Sangye – Dilgo Khyentse Rinpoche
Việt dịch: Thanh Liên
Nguồn: Một Trăm Lời Khuyên Dạy – Nhà xuất bản Thời Đại