lake-evening-sunset-monk

Cuộc sống được tạo ra bởi luật nhân quả

Một trong những thôi thúc mạnh nhất để thực hành tâm linh được biết là chúng ta sẽ gặt hái kết quả từ bất cứ những gì ta làm và suy nghĩ. Đây là nguồn gốc của nghiệp.

Karma (nghiệp) đã trở thành một khái niệm phổ biến ở phương Tây, nhưng dường như nhiều người nghĩ nó ám chỉ định mạng hoặc một số loại trừng phạt mà họ phải chấp nhận. “Ồ, thế đấy, nó là nghiệp của tôi”, người ta thỉnh thoảng thở dài khi đối mặt với bất hạnh.

Đây là một nhận thức sai lầm. Trước hết, nghiệp không chỉ là xấu. Nó liên quan đến mọi hành động có chủ định, tích cực và tiêu cực, gây ra hạnh phúc cũng như đau khổ.

Thứ hai, karma không phải là số phận, cũng không phải là sự trừng phạt áp đặt lên chúng ta bằng một số tác nhân bên ngoài. Chúng ta tạo ra nghiệp cho chính mình. Nghiệp là kết quả của sự chọn lựa mà mình tạo ra từng lúc trong mỗi ngày. Như Ngài Walpola Rahula viết, “Lý thuyết của nghiệp là lý thuyết của nhân quả, của hành động và phản ứng, cả hai, chẳng thể làm gì với ý niệm phán xét hoặc thưởng và phạt. Mọi hành động tự nguyện đều sinh ra nhân hay quả”. Kết quả của nghiệp là kết quả của những gì đã gieo trồng trong dòng tâm thức với hành động và phản ứng của chúng ta.

Quan điểm mà chúng ta chỉ ngồi chờ đợi tác động của những hành động đã tạo trong quá khứ là một sự hiểu sai. Nhờ làm việc thiện ngay bây giờ – dù trong ngôn ngữ, ý tưởng, hay hành động – chúng ta tạo ra những thiện nghiệp và có thể xóa bỏ nghiệp bất thiện và định hình lại cho tương lai. Mặt khác, nếu tiếp tục làm những hành vi bất thiện, chúng ta có thể tiêu hủy hay làm giảm đến mức tối thiểu những hành động tốt của chúng ta trong quá khứ. Thật phấn khích khi mình đang ở chỗ ngồi của người lái xe!

Khi đi qua ngưỡng cửa của cái chết, nghiệp chính là tất cả những gì chúng ta mang theo. Những thứ khác chúng ta đã tận hưởng trong cuộc đời này sẽ được để lại phía sau. Như đức Phật đã nói:

Khi đến lúc, nếu một vị vua phải chết,

Tất cả tài sản, bạn bè và thân quyến cũng chẳng theo được.

Con người dù đi đâu và ở đâu

Nghiệp quả giống như cái bóng luôn theo hình.

Nghiệp là thứ duy nhất có giá trị trong việc xác định tái sanh của chúng ta, kiếp sau không quan trọng nhưng hậu quả của khuynh hướng nghiệp sẽ cụ thể hóa nhận thức của chúng ta. Đức Phật nói:

Nhờ hành động đạo đức, người ta kinh nghiệm hạnh phúc.

Do hành động bất thiện, người ta kinh nghiệm đau khổ.

Vậy những kinh nghiệm này là nghiệp quả

Của những hành động thiện và bất thiện.

Nếu hiểu và tin vào nghiệp, chúng ta sẽ muốn tận dụng khoảnh khắc hiện tại để cải thiện những kiếp sắp tới của mình. Vì những dự định sẽ dẫn đến hành động và lời nói, chúng ta sẽ muốn làm việc dựa trên thái độ tinh thần để đảm bảo rằng chúng an bình và hoan hỉ. Chúng ta sẽ muốn dừng những tư duy tiêu cực trước khi chúng đi quá xa. Bởi vì nếu thật sự tin vào nghiệp, chúng ta sẽ không bao giờ dám tự thỏa mãn trong bất kì tiêu cực nào, vì ta sẽ không muốn cố ý làm hại chính mình. Nếu chúng ta cứ tham gia vào các hoạt động bất thiện thì chỉ là do chúng ta không hiểu và không tin vào nghiệp quả.

Cải thiện nghiệp của chính mình cũng cho ta cơ hội để cải thiện thế giới với những thứ mà chúng ta đang nối kết. Có thể chúng ta nghĩ rằng nghiệp của mình chỉ liên quan đến mình. Tuy nhiên trong thực tế, đó là nghiệp chung cũng như nghiệp riêng. Nghiệp cá nhân là cho thân thể và kinh nghiệm riêng của cá nhân ta. Nghiệp chung là nghiệp chúng ta chia sẻ với những người mà chúng ta nối kết. Càng thân cận với những người khác chúng ta càng chia sẻ nhiều với họ. Nghiệp chung là nguyên nhân nhiều người cùng chia sẻ những kinh nghiệm và nhận thức giống nhau. Vậy, nhờ phát sinh những hành động tích cực, chúng ta có thể giúp nâng cấp nghiệp chia sẻ của mình. Chúng ta là những thiền giả càng hùng mạnh bao nhiêu thì chúng ta càng có thể giúp ích trong mối liên quan này.

Hiểu được nghiệp hoạt động chi tiết như thế nào là điều cốt lõi cho lợi ích của chính chúng ta và người khác.

Tulku Thondup Rinpoche

Việt dịch: Vajrayana Vietnam

Nguồn: Cuộc sống được tạo ra bởi luật nhân quả