48-phap-niem-phat_1

Sinh, già, bệnh, chết

Những lời dạy của Thiền sư thường ngắn gọn, đơn giản theo cách chỉ thẳng, là kinh nghiệm hành thiền, là trí tuệ hiện quán có thể giúp những hành giả sơ cơ thêm phương tiện an tịnh nội tâm, phát huy tuệ giác, buông bỏ chấp thủ.

– Bất cứ thứ gì có hình sắc đều đem đến phiền não.

– Nếu chúng ta coi những thứ không bền vững là của ta, thì cuộc sống của ta cũng không vững bền.

– Khi đau phát sinh, hãy ở ngay với cái đau. Khi khoái lạc phát sinh, hãy ở ngay với khoái lạc. Hãy biết rõ chúng. Hãy biết điều gì vừa phát sinh, khi nào. Khi ta trụ nơi chúng, thực sự quán sát, để nhìn chúng thấu suốt. Cuối cùng, chúng sẽ tan đi, giống như khi ta đặt một khối đá lên luống cỏ, thì cỏ ở phía bên dưới sẽ tự chết dần.

– Khi cái đau phát khởi, chúng ta có thể đặt chú tâm vào thứ gì hay người nào đó để quên cái đau, cũng được, nhưng đó là sự chánh niệm, không phải tỉnh giác. Sự tỉnh giác của bạn phải ở ngay nơi điều gì đang xảy ra bên trong bạn, nếu như bạn muốn có cả hai thứ chánh niệm và tỉnh giác.

– Già, bệnh và chết là của báu đối với những ai hiểu chúng. Chúng là những Sự thật cao quý, là những Kho báu cao quý. Nếu chúng là con người, sư sẽ lạy dưới chân mỗi ngày. Nhờ có bệnh mà sư có thể làm người xuất gia lâu như thế.

– Ăn ít rất tốt trong việc hành thiền. Khi sư muốn quán sát kỹ hơi thở của mình, sư ăn ít đến mức có thể. Khi thân đói, sư có thể cảm nhận mọi hơi thở khó nhọc phát sinh ở nơi đâu. Nếu thân no quá, nó khó quán sát được những điều này, vì không có gì bất thường xảy ra nơi thân khi nó ở trạng thái bình thường. Vì thế theo quan điểm của sư, khi bị đói hay bệnh, ta tu tốt hơn.

– Thân là “sự chết”. Tâm là “sinh”. Nếu ta có thể tách biệt chúng ra, ta sẽ được giải thoát khỏi sinh, tử.

– Nếu tâm bị uế nhiễm, phiền não, nó sẽ trải nghiệm sinh, già, bệnh và chết, như một điều tất nhiên. Nó giống như các hạt giống, được bao phủ bên ngoài, và giữ trong chỗ tối. Khi có đủ các điều kiện như đất, nước, mặt trời và không khí, các hạt giống sẽ nảy mầm, lớn lên thành cây, đem đến nhiều hạt giống hơn nữa, cứ thế không dứt. Nhưng nếu ta tách vỏ hạt giống và rang chúng lên, thì chúng không thể nảy mầm.

Tương tự, nếu chúng ta nỗ lực thực hành để thiêu hủy các uế nhiễm trong tâm – bằng cách tu tập thiền định và luôn quán tưởng đến các đặc tính của tâm đúng theo bốn trú xứ (thân, thọ, tâm và pháp) – các uế nhiễm có khởi lên trong tâm thì cũng giống như các hạt gạo rang, sẽ nhảy ra khỏi chảo. Khi chúng ta đạt đến điểm này, đạt đến tâm bất tử, ta được giải thoát khỏi cái chết.

– Người trí xem cái chết giống như lột bỏ bộ quần áo rách rưới cũ nát và vứt chúng đi.

– Thực hành thiền giống như thu thập hạt giống rau củ và ấp ủ cho đến khi chúng trưởng thành. Ngay khi có độ ẩm, chúng sẽ nảy mầm thành cây với cành, lá và hoa. Tương tự, sự hành thiền của chúng ta sẽ nảy mầm thành trí tuệ, cho ta cái nhìn sâu sắc toàn diện về các vấn đề của thế giới và các vấn đề của Pháp. Chúng ta sẽ biết các yếu tố, các uẩn và phương tiện cảm giác (sense media) trong thân là gì – đến mức chúng ta thấy rằng không có lý do gì để sợ già, bệnh và chết. Nó giống như khi chúng ta trưởng thành, thì tính trẻ con biến mất.

– Đừng đặt nặng vấn đề sống, chết. Đừng nghĩ đến điều đó. Chỉ cần thanh lọc tâm trí của bạn, thì điều đó sẽ an bài tất cả mọi thứ.

Thiền sư Ajahn Lee Dhammadaro

Việt dịch: Diệu Liên Lý Thu Linh 

Nguồn: Sinh, già, bệnh, chết