anh-minh-hoa-nghiep-luc-1423

Những đau khổ của sinh tử luân hồi

Thấu hiểu rằng những hoạt động thế gian đều vô nghĩa
Với lòng đại bi
Ngài nỗ lực chỉ vì lợi lạc của chúng sinh
Không đắm nhiễm sinh tử hay niết bàn
Ngài hoằng hóa theo con đường Đại Thừa
Bậc Thầy Vô Song, con đảnh lễ dưới chân Ngài. 

Hãy lắng nghe chương này với thái độ (động lựctương tự như ở những chương trước. Chương này bao gồm phần quán chiếu tổng quát về những nỗi khổ nói chung trong sinh tử luân hồi và quán chiếu về những nỗi thống khổ đặc biệt của từng cõi trong sáu nẻo luân hồi.

I. NHỮNG ĐAU KHỔ NÓI CHUNG CỦA SINH TỬ LUÂN HỒI

Như ta đã chỉ ra từ trước, hiện giờ chúng ta có thể có một đời người được phú bẩm với những điều kiện tự do và những thuận duyên rất khó tìm, nhưng cuộc đời này sẽ không kéo dài. Chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ phải chịu sức mạnh chi phối của vô thường và cái chết. Nếu sau đó, chúng ta biến mất đi như ngọn lửa tàn lụi hay như nước bốc hơi, thì mọi sự thế là xong hết. Nhưng sau khi chếtchúng ta sẽ không tan biến thành không có gì cả. Chúng ta bị buộc phải tái sinh – và điều đó có nghĩa là ta sẽ vẫn phải ở trong vòng sinh tử, không có chỗ nào khác ngoài nơi đó.

Thuật ngữ samsara, tức bánh xe hay vòng quay của sự hiện hữu, được dùng ở đây để ngụ ý một sự xoay vòng từ nơi này sang nơi khác trong một vòng tròn, giống như một bánh xe bằng gốm, hay bánh xe của một cái máy xay nước vậy. Khi một con ruồi bị bẫy trong một cái chai đóng kín thì dù có bay chỗ nào chăng nữa nó cũng không thể thoát ra được. Tương tự như vậy, cho dù được sinh trong cõi cao hay cõi thấp, ta cũng chẳng hề nằm ngoài vòng luân hồi sinh tử. Phần trên cái chai giống như những cõi cao của thiên giới hay con người, và phần dưới giống như ba cõi bất hạnh. Vòng luân hồi giống như một vòng tròn, vì ta cứ mãi xoay vòng, tái sinh hết nơi này đến nơi khác trong sáu cõi do bởi hậu quả của hành nghiệp của chính mình, và những hành nghiệp, cho dù là thiện hay ác, đều bị ô nhiễm bởi sự bám chấp.

Từ vô thủy nhẫn cho đến ngày nay, chúng ta đã từng lang thang trong thế giới luân hồi. Mỗi một chúng sinh trong đó, không loại trừ ai, đều có những ràng buộc về luyến áihận thù và lãnh đạm đối với những chúng sinh khác. Ai cũng đã từng là cha mẹ của các chúng sinh khác. Trong Kinh điển có nói rằng nếu ta tính lùi lại những thế hệ các bà mẹ trong gia đình mình rồi nói rằng: “Người ấy là mẹ của mẹ tôi; mẹ của mẹ của mẹ tôi là người này và người này…” và cứ tiếp tục tính theo cách thức như vậy, dùng những viên đất nhỏ bằng hột cây bách xù để đếm số người thì toàn thể số đất được dùng sẽ hết sạch trước khi bạn đếm xong số lượng các bà mẹ. Như Ngài Long Thọ (Nagarjuna) đã nói:

Chúng ta sẽ dùng hết đất khi cố gắng tính đếm những bà mẹ của mình 
Bằng những viên đất sét nhỏ bằng hột bách xù. 

Trải qua suốt vòng luân hồi từ vô thủy cho tới ngày nay, không có một sinh thái (life form) nào mà ta đã chưa từng sinh ra trong đó. Đã bao lần những dục vọng của ta khiến đầu và tứ chi ta đứt rời. Nếu có thể chất đống ở tại một nơi tất cả những tứ chi mà ta đã mất khi làm thân kiến và làm những côn trùng khác thì đống tứ chi ấy còn cao hơn Núi Tu Di. Những giọt nước mắt mà ta đã khóc bởi cái lạnh, cái đói và cái khát khi không có cái ăn, cái mặc, những giọt nước mắt ấy có thể tạo thành một đại dương còn lớn hơn tất cả những đại dương bao quanh trái đất này. Ngay cả tất cả số đồng đỏ mà ta từng nuốt trong các cõi địa ngục thì còn lớn hơn cả bốn đại dương. Thế nhưng tất cả những chúng sinh bị cột chặt vào các cõi sinh tử bởi dục vọng và bám chấp sẽ còn phải chịu đựng thêm nữa những đau khổ trong vòng luân hồi vô tận này, trong tâm họ chẳng hề có chút hối hận dù chỉ trong chốc lát.

Ngay cả nếu nhờ kết quả may mắn của một vài thiện hạnhchúng ta có thể được trường thọ, có được thân thể hoàn hảocủa cải và vinh quang của vua cõi Trời Đế Thích (Indra) hay Phạm Thiên (Brahma), thì cuối cùng chúng ta vẫn không thể trì hỗn được cái chết; và sau cái chết chúng ta lại phải chịu đựng những đau khổ của các cõi thấp hơn. Trong đời này, những điều kiện thuận lợi nhỏ bé của quyền lựccủa cải, sức khỏe và những thứ khác mà ta vui hưởng có thể lừa phỉnh ta trong một ít năm, ít tháng hay ít ngày. Nhưng một khi kết quả của bất kỳ thiện hạnh nào ta đã tạo được trong những trạng thái hạnh phúc này bị cạn kiệt, thì dù có muốn hay không, ta sẽ phải trải qua sự bần cùng và khốn khó, hay trải qua những đau khổ không thể chịu đựng nổi trong những cõi thấp.

Có ý nghĩa gì không trong loại hạnh phúc đó? Nó như một giấc mộng chỉ ngừng lại giữa chừng khi bạn tỉnh giấc. Những ai có vẻ sung sướng và thoải mái vào lúc này nhờ vào kết quả của một vài thiện hạnh không đáng kể, họ cũng sẽ không thể kéo dài được tình trạng thoải mái và sung sướng đó hơn một khắc nào một khi kết quả của thiện hạnh đó đã cạn kiệt. Có những vị vua Trời, ngồi cao ngất trên những chiếc ngai bằng châu báu, dàn trải với những thứ lụa là đẹp tuyệt trần, vui hưởng mọi lạc thú của năm giác quan. Nhưng, một khi thọ mạng của họ cạn kiệt thì trong nháy mắt, họ bị đắm chìm trong đau khổ và đâm đầu xuống nền kim khí nóng như thiêu như đốt của địa ngục. Ngay cả những vị thần mặt trời và thần mặt trăng,[48] là những vị đã chiếu sáng bốn đại lục, cuối cùng cũng có thể bị tái sinh ở một nơi nào đó ngay giữa những đại lục kia, trong bóng tối sâu dày tới nỗi họ không thể thấy tứ chi của chính họ duỗi ra hay gập lại.

Vì thế chớ nên đặt sự kỳ vọng của mình vào những niềm vui trước mắt của cõi luân hồi. Hãy mang quyết tâm rằng, ngay trong đời này, ta sẽ giải thoát chính mình khỏi biển khổ và đạt được chân hạnh phúc, một hạnh phúc thường hằng của Phật Quả viên mãn. Hãy đưa tâm niệm này vào công phu hành trì của bạn, áp dụng những phương pháp đúng đắn khi bắt đầu thời công phu, khi hành trì phần chính yếu của công phu và lúc kết thúc công phu.

Chú thích:

[48] Theo truyền thống thì những thân tướng thuộc thiên giới (celestial bodies) được xem là nơi an trú của những chúng sinh thuộc các cõi Trời nào đó mà người phàm không thể thấy được.

Đức Patrul Rinpoche

Việt dịch: Nhóm Longchenpa

Trích: Lời Vàng Của Thầy Tôi (Viet Nalanda Foundation Ấn tống, 2008)