dao-duc-phat-giao-qua-tu-vo-luong-tam-0945

Lửa từ chân tâm biến hiện

A Nan, lửa không có tự thể, nó chỉ gá các duyên mà sinh. Ông hãy xem những nhà trong thành này, khi họ muốn nấu ăn, thì họ cần cái kiếng (dương toại) đưa ra trước mặt trời lấy lửa. Này A Nan, lửa ấy nếu nhân hòa hiệp mà có, thì nó từ trong cái kiến sinh, từ bùi nhùi ra, hay từ nơi mặt trời đến?

Nếu lửa từ mặt trời đến, cháy được bùi nhùi trong tay của ông, thì những cây rừng và các cảnh vật nó vừa trải qua đó đáng lẽ đều phải bị cháy cả.

Còn nói “lửa từ trong kiếng sinh ra cháy cái bùi nhùi”, sao cái kiếng người cầm đó không cháy? Và cái bàn tay của người cầm cũng không cháy?

Còn nói “lửa trong bùi nhùi sinh” thì cần gì phải có bàn tay cầm cái kiếng hứng ánh sáng mặt trời, mới có lửa?

Ông nên chín chắn xem xét: cái kiếng ở nơi tay người cầm, mặt trời thời ở trên trời, bùi nhùi thì nằm tại đất. Cái kiếng và mặt trời vẫn xa nhau, không phải hòa, không phải hiệp. Vậy thì lửa này từ đâu mà đến cháy đây? Không lẽ lửa không từ đâu cả mà tự có?

Các ông không biết trong chân tâm, tánh (bản thể) của lửa (tâm) là thật không; tánh (bản thể) của không (tâm) mới là lửa thật. Nó vẫn thanh tịnh khắp cả pháp giới, tùy theo tâm của chúng sinh phân biệt như thế nào, thì nó hiện ra như thế nấy.

Nếu một người cầm kiếng lấy lửa, thì một chỗ đó có lửa hiện ra. Nếu tất cả người trong thế gian đều cầm kiếng lấy lửa, thì khắp tất cả trong thế gian đều có lửa hiện ra; chỉ tùy theo vọng nghiệp của chúng sinh mà hiện đó thôi, chứ không có xứ sở gì. Người thế gian không biết, dùng thức tâm hư vọng phân biệt mê lầm chấp cho nhờ những duyên sinh, hoặc tự nhiên có v.v… phàm có nói năng, phân biệt đều không đúng sự thật.

H.T Thích Thiện Hoa

Nguồn: Lửa từ chân tâm biến hiện