bizmac_full_08352015_033526

Giác ngộ và tu hành

Nhiều khi đau khổ, bệnh tật, v.v… Lại là chất liệu để chúng ta giác ngộ. Cho nên, trong Tứ Thánh Đế của Đạo Phật thì Khổ đế đứng đầu tiên. Nếu chúng sinh không thấy khổ thì không nghĩ đến tu hành, không nghĩ đến tu hành thì không giác ngộ và không đắc được giải thoát.

Trong nhà Phật có câu: “Nhân bất phùng nạn, bất hồi đầu”. Nếu cứ sướng quá, tiền lúc nào cũng đầy túi, ăn chơi thoải mái, thì chúng ta dễ gì nghĩ đến tu dưỡng, rèn luyện? Nhưng khi gặp nạn, chúng ta bị khổ, bị bệnh và nhìn thấy cái chết đang cận kề, thì chúng ta mới tỉnh ngộ: “Cuộc đời là như vậy, cần phải tu dưỡng, rèn luyện thôi!”.

Có câu chuyện về một vị Đại Bồ tát khi nhìn thấy các ông trời, cô tiên hàng ngày đều đi chơi, hái đào tiên, ca hát, nhảy múa, không chịu tu hành; vị Bồ Tát liền dùng thần thông đốt hết các cung điện của họ. Khi nhìn thấy cung điện của mình cháy, các ông trời, cô tiên hoảng hốt, lúc ấy mới giác ngộ: “Ồ! Mọi thứ đều vô thường!”. Rồi họ bắt đầu nghĩ đến chuyện tu hành.

Bởi vậy, Đức Phật cứu độ chúng sinh là giúp chúng sinh có nhân duyên để giác ngộ, chứ không phải chỉ giúp chúng sinh hết bệnh, hết khổ, không chết, nhiều tiền. Rất nhiều người nhìn thấy cái chết lại được giác ngộ. Mà giác ngộ mới là quý, giác ngộ mới giải thoát được mọi đau khổ. Còn cái khổ của bệnh, nghèo, khổ, đói vẫn chỉ là cái khổ nhỏ, khổ của luân hồi sinh tử mới là cái khổ lâu dài. Nên Đức Phật muốn chúng sinh giác ngộ cái khổ của luân hồi sinh tử và tu tập để giải thoát.

Vì thế, nhiều khi chúng ta gặp cảnh khổ, gặp hoạn nạn cũng là duyên để Phật độ chúng ta. Nếu biết đó là duyên Phật độ thì chúng ta phải cảm ơn Phật, vì nhờ duyên này chúng ta mới giác ngộ, rồi biết quay đầu, biết tu hành.

Đại Đức Thích Trúc Thái Minh

Nguồn: Giác ngộ và tu hành