Congratulatory-Rejoicing-Tibetan-Book-of-the-Dead-Ep.-244-of-the-Bob-Thurman-Podcast-Image-via-www.himalayanart.org_.

Quán niệm về cái Chết

Vô thường và cái chết là cặp phạm trù không thể tách rời. Dựa trên hiểu biết căn bản nền tảng về vô thường, bạn có thể suy ngẫm quán chiếu một cách sâu sắc và thực tế về cái chết trong từng phút giây của cuộc sống theo nhiều khía cạnh.

Thứ nhất, hãy nhìn nhận rằng chết là một điều tất yếu, không ai có thể đi ngược quy luật tự nhiên chi phối hết thảy mọi người, mọi loài, mọi sự vật hiện tượng trong pháp giới vũ trụ này. Ngay Đức Phật, bậc thành tựu Đại giác ngộ siêu việt luân hồi, vẫn lấy cái chết làm bài pháp vĩ đại về Vô thường. Trong lịch sử, Ngài đã thị hiện Niết bàn, xả bỏ xác thân tứ đại sau 49 năm thuyết pháp độ sinh. Đó là cách bạn có thể bắt đầu tập làm quen với cái chết, ít nhất là trong suy nghĩ.

Thứ hai, hãy sáng suốt để thấy rằng, thọ mạng của bạn liên tục suy giảm. Mỗi ngày, mỗi phút giây trôi qua là mỗi khoảng thời gian bạn tiến gần hơn đến cái chết. Hãy tưởng tượng về chiếc đồng hồ cát, quỹ thời gian sống của bạn cũng giống như cát đang liên tục chảy xuống đáy không quy hồi cho đến khi cạn kiệt.

Thứ ba, thời điểm và cách thức chết là vô định, không ai có thể biết trước điều này. Nó có thể là vài chục năm, vài năm, vài tháng sau, cũng có thể bạn chỉ còn vài ngày, thậm chí có thể là ngày mai hay ngay hôm nay bạn sẽ chết. Đôi khi một đứa trẻ chết sớm hơn cha mẹ mình, một thanh niên khỏe mạnh có thể chết trước những người bị bệnh hiểm nghèo … Có người bị chết trong khi ngủ, trong bào thai, trong khi đi từ nhà đến nơi làm việc, trường học, khi đang ở sân chơi, đang sửa soạn bữa ăn. Cái chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Vì vậy, chúng ta cần luôn sống như thể mình đang tận hưởng những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Nếu bạn biết trân trọng cuộc sống theo cách này, cuộc sống sẽ trở nên vô cùng ý nghĩa và lợi ích.

Thứ tư, mặc dù thân thể bạn luôn được coi là tài sản quý báu nhất và được bạn nâng niu chiều chuộng, đồng nhất với “cái tôi” từ lúc sinh ra, nhưng khi chết bạn sẽ không thể mang nó theo. Nó sẽ chẳng giúp ích gì cho bạn mà sẽ trở thành một thây xác thối rữa, phân hủy và trả về cho đất.

Thứ năm, những người bạn yêu thương nhất như cha mẹ, vợ chồng, con cái, bằng hữu,… cũng chẳng giúp được gì cho cái chết của bạn. Họ chỉ có thể bất lực đứng nhìn bạn chịu đựng những nỗi đau đớn, họ cũng không thể đồng hành với bạn trên tiến trình chết. Ngược lại, sự có mặt của họ, tâm sầu muộn bám víu của họ càng khiến bạn thêm buộc ràng, khổ đau và tuyệt vọng, mà bạn vẫn phải đơn độc một mình trên hành trình sinh tử.

Cuối cùng, của cải sở hữu và niềm vui thế gian từng thỏa mãn bạn lúc sống cũng chẳng khiến bạn ra đi thanh thản, nhẹ nhàng hơn mà càng thêm dính mắc, nuối tiếc những gì mình phải bỏ lại. Chẳng hạn, bạn phải tính toán xem nên phân chia gia tài ra sao, hay lo sợ kẻ khác sẽ chiếm đoạt tài sản một mai mình qua đời. Như thế, tâm bạn khó có thể an bình đón nhận cái chết.

Theo cách này, bạn có thể quán chiếu về rất nhiều khía cạnh tương tự liên qua đến cái chết. Việc suy niệm về vô thường và cái chết sẽ giúp bạn dần xả ly những mối bận tâm thế gian bởi bạn biết rằng cuối cùng chúng sẽ không giúp ích gì trên hành trình sinh tử. Thân người của bạn giống như một cỗ xe tốt, nhưng chỉ là cỗ xe đi mượn, sớm muộn bạn cũng phải trả lại cỗ xe này cho chủ nhân của nó. Không chỉ trong thời khóa tu, bạn có thể quán chiếu về vô thường và cái chết qua từng phút giây đời sống, trong từng việc làm, tại bất kỳ nơi nào. Từ đó, bạn có thể cắt đứt mối đan kết dày đặc của những phóng dật vô nghĩa và chuyển tâm hướng về Giáo pháp.

Trích ấn phẩm: “Bardo – Hành trình liễu sinh thoát tử”

NXB Tôn giáo, 2014