Tchenrezi-4-bras1

Choden Rinpoche giảng 7 điểm luyện tâm – Ngày thứ nhất

Ngày thứ nhất

Kiếp người là điều vô cùng quý giá và khó gặp. Không những vậy, Phật pháp cũng lại là một điều vô cùng quý giá và khó gặp. Quý vị không những ngày hôm nay có được kiếp người, gặp được Phật pháp, mà còn gặp được bậc thiện tri thức có thể hướng dẫn quý vị trong pháp tu Đại Thừa. Đây lại là một điều vô cùng quý giá và khó gặp. Tất cả những điều quý giá, khó gặp quý vị đều đã gặp được, bây giờ điều quan trọng nhất là phải rút lấy tinh túy của tất cả những điều quý hiếm này. Nếu chúng ta không làm như vậy thì có thể trong tương lai, trong kiếp sau sẽ không bao giờ còn có thể có được những cơ hội quý giá như vậy, không bao giờ có được kiếp người quý hiếm nữa. Vì vậy ngay bây giờ chúng ta cần phải tận dụng cơ hội quý giá này.

Khi Thầy nói rằng chúng ta cần phải tận dụng kiếp người quý giá này, điều này không có nghĩa là chúng ta cần phải tận hưởng tất cả lạc thú trong thế gian; vì bất kể là lạc thú gì trong thế gian, đến khi chúng ta chết đi đều phải bỏ lại ở phía sau. Chỉ có một điều duy nhất có thể giúp chúng ta khi đối diện với cái chết, đó là Phật pháp. Tu theo Phật pháp sẽ bảo vệ chúng ta khỏi phải rơi vào nơi ác đạo, và tái sinh được vào cõi thiện đạo. Thật sự rằng cho dù chúng ta không sinh vào ác đạo mà được sinh vào thiện đạo chăng nữa, thì cũng chưa chắc gì chúng ta sẽ đạt được hạnh phúc. Đó là vì toàn cõi luân hồi lục đạo này đều mang tính chất khổ đau. Chúng ta, trong cõi luân hồi này, vì đã tái sinh vô lượng lần, cho nên có thể nói rằng không có gì trong cõi này mà chúng ta không từng trải qua, không từng có rồi, nhưng mà cho đến bây giờ chúng ta vẫn chưa cảm thấy hạnh phúc, vẫn chưa hài lòng. Vì vậy cho dù có sinh vào thiện đạo đi nữa cũng chưa chắc gì sẽ đạt được hạnh phúc. Cho dù sinh vào cõi Trời thành một đấng Phạm Thiên, thì đến khi hết thiện nghiệp vẫn sẽ lại rơi vào ác đạo, vẫn có thể sẽ lại rơi vào địa ngục. Vì lý do đó chúng ta cần phải nỗ lực tu theo Phật pháp, không những chỉ để không sinh vào ác đạo, mà còn phải cố gắng tu theo Phật pháp để có thể giải thoát ra khỏi toàn bộ sáu cõi luân hồi.

Để giải thoát khỏi luân hồi, điều chúng ta cần có là phải có được tâm buông xả. Từ trong thâm tâm phải có cảm giác chán ngán cõi sinh tử luân hồi. Nhưng cho dù chúng ta có đạt được giải thoát khỏi luân hồi cho bản thân của chính mình thì cũng vẫn chưa đủ, vì tất cả chúng sinh hãy còn vướng kẹt trong cảnh luân hồi. Bản thân của chúng ta dù giải thoát khỏi luân hồi vẫn chưa có được trí toàn giác, vì vậy không thể giúp cho người khác thoát sinh tử luân hồi. Ai là người có khả năng giúp cho chúng sinh thoát sinh tử luân hồi? Nhìn lại thấy chỉ có Đức Phật mới có khả năng này. Vì lý do đó, bởi chúng ta có tâm nguyện muốn giúp chúng sinh thoát khỏi sinh tử luân hồi, vì vậy chúng ta cần phải tu để thành Phật. Và đó là lý do vì sao ngày hôm nay chúng ta đến đây để nghe Pháp.

Nội dung bài thuyết Pháp mà quý vị sắp sửa nghe đây đó là tâm bồ đề – tâm bồ đề là nhân tố phi thường mang lại quả phi thường, đó là quả vị Phật – và cũng để nói về phương pháp phát tâm bồ đề. Cách phát tâm bồ đề có hai, hoặc là phương pháp Bảy Điểm Nhân Quả, hay là phương pháp Bình Đẳng Hoán Chuyển Ngã Tha. Trong hai phương pháp phát tâm bồ đề, Bảy Điểm Nhân Quả và Bình Đẳng Hoán Chuyển Ngã Tha, phương pháp thứ hai dành cho những bậc bồ tát thượng căn, có sự can đảm, dũng lực hơn người, có lòng từ bi sâu rộng đặc biệt. Pháp tu này còn được gọi là pháp tu kín mật. Nói kín mật là vì pháp tu này không dành cho thanh văn, cũng không dành cho bồ tát sơ căn, mà chỉ dành cho những bậc Bồ tát thượng căn. Pháp này còn được gọi là pháp chuyển tâm.

Trong số những bài pháp nói về chuyển tâm, thì bài pháp ngày hôm nay chúng ta bàn thảo với nhau đó là bài Bảy Điểm Luyện Tâm của bậc hành giả Tây Tạng là ngài Chekawa biên soạn.

Bài kệ Bảy Điểm Luyện Tâm bắt đầu bằng câu

Kính lễ tâm đại bi.

Ở đây, tâm đại bi có thể được hiểu là tâm đại bi, cũng có thể được hiểu là đấng đại bi, tức là đức Quan Thế Âm, là hiện thân của tâm từ bi của mười phương Phật. Lý do vì sao ở đây lại kính lễ tâm đại bi, kính lễ đức Quan Thế Âm? Đó là vì tâm đại bi là nhân tố chính yếu để có thể giúp ta phát tâm bồ đề, là nhân tố quan trọng nhất không thể thiếu. Pháp tu này vốn để hướng dẫn ta phát tâm bồ đề, vì lý do đó ngay từ đầu bài pháp bắt đầu bằng câu “Kính lễ tâm đại bi!” Ngài Quan Thế Âm là hiện thân của lòng đại bi của chư Phật, vì vậy nếu như chúng ta hướng tới ngài Quan Thế Âm để cất lời thỉnh nguyện, hoặc chọn đức Quan Thế Âm làm bậc Bổn Tôn Hộ Phật, thì như vậy sẽ dễ phát tâm bồ đề.

Tiếp theo, chánh văn nói đến sự vĩ đại của tác giả và sự vĩ đại của giáo pháp. Nói đến sự vĩ đại của tác giả để cho thấy giáo pháp này thuộc về dòng chánh pháp, và khi nói đến sự vĩ đại của giáo pháp là để tao cho chúng ta có tín tâm nơi giáo pháp này. Chánh văn nói rằng:

Tinh túy cam lồ dòng khai thị kín mật do bậc đạo sư xứ Sumatra truyền thọ.

Đạo sư xứ Sumatra chính là ngài Serlingpa. Giáo pháp này xuất phát từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, truyền xuống cho Ngài Văn Thù, từ đức Văn Thù truyền lại cho ngài Tịch Thiên (Santideva), rồi xuống tới ngài Serlingpa. Từ ngài Serlingpa, ngài Atisa đã nhận được giáo pháp này, rồi truyền lại cho ngài Dromtönpa, rồi từ ngài Dromtönpa truyền xuống cho ngài Sherawa, và từ ngài Sherawa truyền cho ngài Chekawa. Chekawa chính là tác giả đã biên soạn giáo pháp Bảy điểm luyện tâm này.

Trước thời của thầy Chekawa, pháp tu này được bí mật truyền thừa từ sư phụ cho đệ tử. Đến đời ngài Chekawa, Ngài cảm thấy rằng pháp tu này quá quý giá, có thể tạo được lợi lạc lớn lao, nên Ngài mới soạn bài pháp này, để mở pháp tu này ra cho đại chúng. Câu tiếp theo của chánh văn nói về sự vĩ đại của pháp tu để chúng ta có thể khởi tâm kính ngưỡng nơi pháp tu này. Chánh văn nói rằng:

Quý vị nên hiểu lời khai thị này tràn đầy ý nghĩa như hạt kim cương, như ánh mặt trời, như cây thảo dược.

Ở đây nói pháp tu này, ví pháp tu này như ngọc kim cương. Trong số tất cả các loại ngọc, kim cương là loại ngọc cao nhất, quý nhất. Không nói gì đến nguyên hạt kim cương, chỉ cần một mẫu nhỏ cũng đã sáng hơn các loại ngọc khác. Pháp tu này cũng vậy, không nói gì trọn vẹn nguyên cả pháp tu chuyển tâm, chỉ cần một mẫu nhỏ của pháp tu này cũng đã sáng chói trên cái tâm ái ngã. Pháp tu này được ví như mặt trời, chỉ một tia sáng cũng đủ để phá tan bóng tối. Pháp tu chuyển tâm này có khả năng phá tan bóng tối của vô minh, ái ngã. Pháp tu này lại được ví như thảo dược. Không cần gì nguyên cây thảo dược, chỉ cần một nhánh hay một lá cũng đã có khả năng chữa được bệnh. Pháp tu này cũng vậy, có khả năng chữa được các bệnh đến từ tâm ái ngã. Chánh văn tiếp theo nói:

Thời kỳ đầy cả năm thứ vẩn đục rồi sẽ trở thành con đường dẫn tới giác ngộ viên mãn.

Thời kỳ đầy năm thứ vẩn đục ở đây tức là, thường được gọi là ngũ trược, trong đó có: thứ nhất là thời kỳ vẩn đục, thứ hai tâm lý vẩn đục, thứ ba con người vẩn đục, thứ tư kiến thức vẩn đục, và thứ năm là mạng sống vẩn đục. Trong thời kỳ đầy năm thứ vẩn đục như vậy, đặc biệt là kiến trược, tức là cái thấy sai lầm, thì vì cái thấy sai lầm càng lúc càng nhiều nên con người càng lúc càng làm những việc sai quấy; và khi làm những việc sai quấy bất thiện như vậy thì chư thiên thiện thần chuyên hộ trì thiện pháp sẽ cảm thấy mệt mỏi và chán nản. Vì lý do đó, không còn hộ trì thiện pháp nữa. Vì chư thiên thiện thần không hộ trì thiện pháp nữa nên những vấn đề càng lúc càng tăng, rất khó cho con người tu tập thiện pháp, chướng ngại sẽ càng lúc càng tăng. Trong thời kỳ khó khăn vẩn đục như vậy, với chướng ngại trùng trùng điệp điệp, nếu chúng ta không tận dụng chướng ngại để làm phương tiện tu hành thì không làm sao có thể tu được. Vì vậy, vào thời kỳ vẩn đục, vào thời kỳ dữ dội, muốn có thể chuyển chướng ngại thành đường tu giác ngộ thì chúng ta phải tu theo pháp tu chuyển tâm.

Vừa rồi là phần giới thiệu của pháp tu chuyển tâm này, tiếp theo chúng ta đi vào nội dung của bài pháp. Nội dung của bài pháp có tất cả bảy điểm. Điểm thứ nhất là giải thích pháp tu sơ khởi là nền tảng. Tiếp theo, phần thứ hai là phương pháp để phát tâm bồ đề. Thứ ba là cách chuyển nghịch cảnh thành đường tu giác ngộ. Thứ tư là pháp hành trì một đời. Thứ năm là tiêu chuẩn thuần tâm. Thứ sáu là hạnh nguyện của pháp luyện tâm. Thứ bảy là những lời khuyên, những giới luật của pháp luyện tâm.

Pháp tu sơ khởi ở đây đó là phối hợp tâm của bậc sơ căn và của bậc trung căn. Pháp chuyển tâm thuộc về pháp tu thượng căn. Để có thể tu được pháp tu thượng căn, có được tâm của bậc thượng căn thì chúng ta cần phải phát tâm ở các bước đường sơ căn và trung căn trước. Trước khi chúng ta có thể quan tâm lo lắng cho người khác, có thể nghĩ đến lợi ích của người khác, mong mỏi muốn giải thoát cho người khác thoát khỏi khổ đau, thì chúng ta cần phải mong mỏi chính điều này cho bản thân của mình trước đã. Phải có tâm thôi thúc muốn thoát khổ đau, phải hiểu được nỗi khổ của chính mình, hiểu một cách sâu xa đến nỗi khi nghĩ đến là rợn da gà. Nếu như đối với khổ đau của chính mình chúng ta không hiểu được, không có được tâm muốn thoát khỏi khổ đau cho bản thân, thì không làm sao chúng ta có thể phát được tâm mong giúp cho người khác thoát khổ. Vì vậy, muốn bước vào đường tu của bậc thượng căn thì chúng ta phải phát tâm ở bước đường sơ căn và trung căn.

Pháp tu sơ khởi là tu theo đường tu của bậc sơ căn và trung căn, nhưng ở đây chúng ta chỉ giải thích về pháp tu, với lại cũng không có nhiều thời gian, cho nên không nói rõ chi tiết về phần này. Nhưng khi quý vị hành trì pháp tu này thì phải tu theo đường sơ căn và trung căn cho đến khi đạt được kinh nghiệm tâm thức về hai con đường đạo này rồi mới nên bước vào phần tiếp theo của bài pháp này.

Tiếp theo là phần nói về nội dung của phương pháp phát tâm bồ đề. Phát tâm bồ đề có hai phần: một là phát tâm bồ đề quy ước, hai là phát tâm bồ đề cứu cánh. Tâm bồ đề quy ước là tâm bồ đề mà chúng ta thường nghe nói đến, đó là tâm vì chúng sinh mà phát lên chí nguyện nhất quyết phải thành Phật quả. Tâm bồ đề cứu cánh là thiền quán về tánh không. Phương pháp để phát tâm bồ đề quy ước đó là phương pháp hoán chuyển ngã tha. Đây sẽ là điều chúng ta nói đến trước.

Trước tiên, chúng ta phải thấy được sự bình đẳng giữa mình và người khác. Làm sao để có thể thấy mình và người bình đẳng như nhau? Chúng ta có thể nghĩ rằng: bất kể là mình hay bất cứ một ai đều mong mỏi được hạnh phúc và không ai mong muốn khổ đau cả. Cũng như bản thân mình muốn được hạnh phúc, người khác cũng vậy. Bất cứ một ai cũng đều mong được hạnh phúc. Và cũng như bản thân mình không muốn khổ đau, thì tất cả mọi người, mọi chúng sinh khác cũng không một ai mong muốn khổ đau. Trong Nhập Bồ Đề Hạnh Luận có nói, khổ đau của người khác thì cũng là khổ đau. Nếu chúng ta nhắm đến sự tận diệt khổ đau, thì dù là khổ đau của mình hay khổ đau của người khác cũng đều là khổ đau và đều cần phải tận diệt. Nghĩ như vậy chúng ta có thể thấy được rằng mình hay người cũng đều bình đẳng như nhau, mọi người đều mong được hạnh phúc và không ai mong mỏi khổ đau. Đó là bình đẳng ngã tha.

Bây giờ, chúng ta phải hoán chuyển ngã tha. Từ vô lượng đời kiếp cho đến bây giờ chúng ta lúc nào cũng chỉ thương lo đến bản thân mình và làm ngơ đối với người khác. Bây giờ chúng ta cần phải hoán chuyển, cần phải đổi lại. Trước giờ chúng ta chỉ biết thương lo cho mình, thì bây giờ chúng ta chuyển qua thương lo cho người khác; và trước giờ chúng ta không biết quan tâm đến người khác, chỉ làm ngơ người khác, thì bây giờ chúng ta đổi lại, đừng có quan tâm và hãy làm ngơ đối với bản thân chính mình. Muốn làm được như vậy, chúng ta phải thấy được khuyết điểm của tâm ái ngã, cái sự tai hại của tâm ái ngã chỉ biết thương lo cho bản thân của chính mình; và đồng thời thấy được lợi điểm của tâm biết thương lo, lo lắng cho người khác. Đây là điều đầu tiên. Nếu như thấy đuợc khuyết điểm của tâm ái ngã thì mới có thể hoán chuyển được ngã tha, chuyển thái độ của mình. Đây là điều chánh văn nói rằng:

Phải dẹp bỏ thủ phạm của mọi vấn đề.

Tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống của chúng ta, tất cả mọi chướng ngại, mọi điều không cát tường xảy đến cho chúng ta, xét lại chỉ đến từ thái độ ích kỷ chỉ biết đến bản thân, đều đến từ tâm ái ngã của chúng ta. Bất kể là bệnh khổ, những sự thất bại, mất mát, hay cho đến cảnh khổ trong ác đạo, cảnh khổ trong luân hồi, thì tất cả không có một điều gì là không xuất phát từ nguyên chính đó là tâm ái ngã của chúng ta. Vì vậy, tâm ái ngã ở đây được gọi là thủ phạm của tất cả mọi vấn đề. Nếu chúng ta muốn dẹp bỏ tất cả vấn đề thì chúng ta chỉ cần dẹp bỏ thủ phạm duy nhất, đó chính là tâm ái ngã.

Mọi khổ đau đều đến từ ác nghiệp. Nếu nói khổ đau đến từ thiện nghiệp thì đây là điều không thể có. Tất cả mọi khổ đau đều đến từ ác nghiệp, mà ác nghiệp thì phát sinh từ tâm ái ngã. Khi chúng ta có ý “tôi muốn cái này, tôi không muốn cái kia”, từ đó phát sinh ra đủ hành động bất thiện như nói láo, trộm cắp, tà dâm, … làm hại người khác, từ đó tạo ác nghiệp, rồi vì ác nghiệp mà mang đến khổ đau cho bản thân. Tất cả mọi khổ đau trong đời sống, từ bệnh khổ, từ những việc thất bại, không như ý cho đến cảnh tái sinh trong ác đạo, trong luân hồi, thì tất cả mọi sự đều do ác nghiệp, mà ác nghiệp đều đến từ tâm ái ngã.

Tương tự như vậy, chúng ta trôi lăn trong cõi luân hồi sinh tử này tất cả đều vì tâm ái ngã. Từ tâm ái ngã phát sinh phiền não, tham, sân, và si. Vì phiền não tham sân si nên phát sinh ra nghiệp, và vì nghiệp mà phải trầm luân trong cảnh sinh tử luân hồi. Tất cả đều vì nguyên nhân chính đó là tâm ái ngã. Ngay đến các bậc A La Hán, các vị đã giải thoát khỏi sinh tử luân hồi đã tốn công nỗ lực biết bao nhiêu nhưng các vị vẫn không thể nào đạt quả vị Phật, đó là vì còn ngã ái vi tế. Nếu như cố gắng như thế, với từng đó cố gắng, nếu quý vị thanh văn không có ngã ái thì đã đủ cho quý vị thành quả vị Phật. Như vậy chúng ta có thể thấy được rằng tất cả mọi điều bất như ý trong cõi này đều đến từ nguyên nhân chính đó là tâm ái ngã.

Tiếp theo chúng ta cần nghĩ đến lợi điểm của lòng vị tha. Muốn nghĩ đến lợi điểm của lòng vị tha chúng ta phải quán về ơn nặng của chúng sinh. Tất cả mọi điều tốt lành trong đời sống này có thể xảy đến cho chúng ta đều đến từ thiện nghiệp, và thiện nghiệp có được đều dựa vào chúng sinh. Nói như vậy có nghĩa là mọi an lạc chúng ta có thể có được trong kiếp này, hay là kiếp sau chúng ta không rơi vào ác đạo, hay là đạt quả giác ngộ vô thượng bồ đề; tất cả những điều tốt lành này có được đều nhờ ơn của chúng sinh. Để có thể đạt được quả giác ngộ, chúng ta vẫn thường cầu nguyện Phật, lạy Phật, nhưng chúng ta lại quên mất chúng sinh. Làm như vậy thì không làm sao có thể đến được quả giác ngộ. Đó là vì chúng sinh và Phật, đối với chúng ta đều có ơn nặng như nhau, đều có khả năng giúp chúng ta đạt đến quả giác ngộ. Ngài Tịch Thiên trong Nhập Bồ Đề Hành Luận có nói rằng chúng sinh và Phật đối với chúng ta đều có ơn nặng như nhau, vì đều mang quả giác ngộ đến cho chúng ta. Vậy tại sao chúng ta lại lạy Phật nhưng lại không bao giờ biết lạy chúng sinh? Không những vậy, chúng ta có được kiếp người hôm nay, với đầy mọi sự thuận tiện và tự tại, tất cả đều nhờ ơn của chúng sinh. Có được tái sinh làm người hay không, hay có được sinh vào cõi Trời, cõi thiện đạo hay không, tất cả đều tùy thuộc vào chúng ta có giữ được giới hạnh thanh tịnh hay không. Mà giữ giới được đều nhờ có chúng sinh. Ví dụ như từ bỏ nghiệp sát. Nếu như không có chúng sinh, chúng ta không làm sao có cơ hội để hành trì từ bỏ nghiệp sát. Hay là tất cả tài sản, lạc thú thế gian mà chúng ta đang có đây, tất cả đều đến từ hạnh thí chúng ta đã làm trong quá khứ. Nếu không có chúng sinh thì không làm sao chúng ta có cơ hội để thực hành hạnh thí. Vì vậy chúng ta cần phải quán về ơn nặng của tất cả chúng sinh.

Khi chúng ta nghĩ về những điều này thì sẽ thấy được khuyết điểm của tâm ái ngã, tâm vị kỷ, và sẽ thấy được lợi điểm của tâm vị tha. Cho đến bây giờ chúng ta luôn chỉ biết nghĩ đến mình mà không biết quan tâm đến người khác, điều này mang đến cho chúng ta rất nhiều khổ đau trong cõi luân hồi. Vì vậy chúng ta bây giờ phải thay đổi thái độ của mình, phải chuyển thái độ ích kỷ chỉ biết nhìn đến mình để xoay qua lo lắng cho người khác. Đương nhiên chúng ta không thể nào có thể thay đổi ngay liền tức khắc, nhưng bằng sự huân tập, bằng sự tập dần cho quen, bằng thói quen, tất cả mọi điều đều có thể làm được. Tất cả mọi sự, nhờ sự huân tập trở thành thói quen, đều sẽ trở nên dễ dàng và có lúc chúng ta sẽ có được khả năng suy nghĩ. Ý nghĩ hoán chuyển, thay đổi vị trí như vậy, thay vì chăm lo cho chính bản thân của mình thì chuyển qua chăm lo cho người khác, pháp tu này được gọi là pháp tu hoán chuyển ngã tha. Pháp hành trì hoán chuyển ngã tha được hành trì với pháp tong-len. Tong-len có nghĩa là cho và nhận. Chúng ta cho đi hạnh phúc và công đức, cùng với thiện đức của bản thân chính mình, cho tất cả chúng sinh; và nhận về từ chúng sinh tất cả những khổ đau, tất cả những chướng nghiệp, v.v… Đây gọi là pháp cho và nhận, tiếng Tây Tạng gọi là tong-len. Trong chánh văn nói là:

Hành trì phối hợp pháp cho và nhận.
Cho nhận phải nên luân phiên tu tập, và phải bắt đầu bằng cho chính mình.
Cần phải phối hợp hai pháp cho nhận vào trong hơi thở.

Ở đây chúng ta cần phải hành trì tức khắc pháp cho và nhận. Để bắt đầu dễ dàng hơn, chúng ta có thể nhận khổ đau của chính mình, chánh văn nói rằng chúng ta cần phải bắt đầu bằng pháp quán tưởng như vậy. Ta tưởng tượng rằng khổ đau của ngày mai chúng ta nhận vào ngày hôm nay, nguyện là ngày hôm nay chúng ta sẽ chịu khổ đau, nhận vào khổ đau của chính mình ngày mai, hay là nhận vào khổ đau của chính mình của tháng sau, năm sau, hay là của đời sau. Như vậy, khổ đau của mình trong tương lai, chúng ta nhận về ngay hiện tại. Làm như vậy không đến nỗi khó lắm. Đến khi tâm chúng ta cảm thấy quen thuộc bằng pháp quán tưởng này rồi, tưởng tượng như vậy đã cảm thấy quen thuộc rồi, thì chúng ta có thể mở rộng ra để nhận lấy khổ đau của thân nhân bằng hữu, những người chúng ta thương yêu. Một khi tập như vậy đã cảm thấy quen thuộc rồi thì mở rộng ra thêm với những người chúng ta không thương cũng không ghét, những kẻ xa lạ đối với chúng ta. Và một khi đã làm như vậy một cách dễ dàng rồi thì chúng ta có thể mở rộng tâm ra để nhận lấy khổ đau chướng nghiệp của tất cả kẻ thù. Cứ tưởng tượng như vậy, chúng ta dần dần tưởng tượng mình nhận lấy hết tất cả khổ đau của toàn thể chúng sinh. Khi chúng ta hành trì pháp cho và nhận như vậy, chúng ta tưởng tượng mình cho đi tất cả thiện nghiệp, tất cả hạnh phúc an vui của mình; và quán tưởng, tưởng tượng là mình nhận về tất cả những chướng ngại, ác nghiệp của chúng sinh. Với ý tưởng nhận về tất cả những ác nghiệp, khổ đau của chúng sinh đó, đó là vì chúng ta không muốn chúng sinh phải chịu cảnh khổ đau, vì vậy nguyện nhận về cho chính mình. Đây chính là biểu hiện của tâm đại bi. Và pháp cho, cho ra tất cả hạnh phúc, thiện đức, thiện căn của mình, đây chính là tâm đại từ, tâm mong mỏi cho chúng sinh có niềm vui, có niềm an lạc hạnh phúc.

Để hành trì pháp nhận về tất cả khổ đau của chúng sinh, ví nhụ ta quán pháp nhận này đối với chúng sinh cõi địa ngục, chúng ta cần phải thấy thật rõ khổ đau, phải cảm nhận sâu xa khổ đau của chúng sinh ở cõi địa ngục là như thế nào. Thấy rõ cảnh ở địa ngục, ví dụ ở địa ngục nóng (hỏa ngục), chúng ta quán tưởng và thấy rõ ràng linh động hình ảnh nóng bỏng, cháy nóng nơi cõi địa ngục. Hay là ở hàn ngục thì chúng ta thấy cảnh tối tăm, núi băng túi tuyết rất là lạnh. Tưởng tượng rằng khổ đau của chúng sinh cõi địa ngục dưới dạng một luồng ánh sáng đen, hoặc dưới dạng một luồng khói đen. Luồng khói đen này ta nhận về cho mình, bay thẳng vào giữa trái tim của chúng ta. Ở giữa trái tim của chúng ta có tâm chấp ngã, tâm ái ngã nằm ngay giữa trái tim. Luồng khói đen này bay vào đánh thẳng vào tâm chấp ngã, tâm ái ngã ngay giữa trái tim của chúng ta, làm cho tâm ái ngã của chúng ta bị tan biến mất. Để pháp quán tưởng rõ ràng, mạnh bạo, linh động hơn, chúng ta có thể quán cảnh hàn ngục là chúng sinh ở cõi đó thân thể bị đóng băng, nứt nẻ, nứt bung ra từng mảnh; hay là chúng sinh cõi hỏa ngục, quán tưởng bị lửa cháy nát da thịt, lòi xương ra, để cho thấy rõ cảnh khổ cõi địa ngục. Trong tâm chúng ta phát khởi lòng từ bi, lòng đại bi cảm thấy thương xót, cho nên chúng ta phát tâm muốn nhận hết khổ đau của chúng sinh đó về lại nơi chính mình. Khi chúng ta hành trì pháp nhận về tất cả khổ đau của chúng sinh như vậy, có khi chúng ta cảm thấy lo sợ, cảm thấy buồn hay cảm thấy khổ não, thì đây không phải là một điều xấu, vì pháp tu đang đánh thẳng vào tâm ái ngã của chúng ta. Hãy nghĩ rằng từ trước đến giờ, bản ngã luôn chi phối tình cảm của chúng ta, thì bây giờ, bằng công phu hành trì của mình, bản ngã đang phải chịu mọi sự khổ não. Nghĩ như vậy, ta cảm thấy hoan hỷ với điều này. Nếu có thể thấy được như vậy thì bản thân chúng ta sẽ không bị vướng vào những điều buồn lo, sợ hãi qua phương pháp hành trì này.

Vừa rồi chúng ta mới xem qua về pháp nhận, bây giờ xem tới pháp cho. Cho là cho cái gì? Khi cho ra như vậy chúng ta cho ra thân thể của mình, tài sản của mình và tất cả thiện căn công đức của mình. Nói về sự cho thân thể, chúng ta có thể quán tưởng thân thể mình trở thành viên ngọc như ý. Ngọc như ý có nghĩa là người khác có ước nguyện gì đều trở thành sự thật. Khi chúng ta quán thân mình trở thành ngọc như ý rồi cho đi, ví dụ khi cho chúng sinh ở cõi địa ngục, khi họ nhận thân thể mình, nếu chung sinh ấy mong mỏi điều gì thì sẽ được giống như vậy, có thể là hóa cảnh địa ngục trở thành cảnh giới thoải mái và tươi đẹp hơn. Hoặc chúng ta quán tưởng thân mình trở thành thân tái sinh tuyệt hảo đầy đủ mọi điều kiện thuận tiện và tám sự tự tại. Với thân tuyệt hảo đó khi cho chúng sinh thì chúng sinh ở cõi địa ngục có thể tái sinh vào một cảnh thuận tiện dễ dàng tu tập hơn. Tiếp theo chúng ta cũng có thể quán tưởng thân mình là thân đạo sư, và với thân đạo sư đó khi cho ra chúng ta có thể hướng dẫn chúng sinh bước vào Phật đạo, phát tâm bồ đề và đạt đến giác ngộ viên mãn. Pháp cho thân thể là như vậy.

Tiếp theo chúng ta tưởng tượng cho đi tài sản của chính mình. Nếu chúng ta có thể thật sự cho đi tài sản thì rất nên làm, nhưng có những trường hợp, như đối với chúng sinh ở cõi địa ngục, chúng ta không làm sao có thể thật sự cho ra mà chỉ có thể hành trì pháp này qua quán tưởng. Chúng ta quán tưởng rằng tài sản chúng ta tặng hết cho chúng sinh cõi địa ngục có thể hưởng dụng được. Chúng sinh cõi địa ngục khi hưởng dụng những món chúng ta tặng sẽ được thoải mái vui tươi. Đây là pháp cho tài sản. Tiếp theo là cho đi công đức, thiện căn. Tất cả những công đức thiện căn chúng ta có được trong các thời quá khứ, trong hiện tại, hay trong tất cả các thời tương lai, thì toàn bộ mọi công đức thiện căn đó chúng ta gom lại tặng hết cho tất cả chúng sinh, và khởi tâm nguyện cho tất cả mọi chúng sinh có thể nhận được tất cả mọi thiện căn mà chúng ta có được trong thời quá khứ, hiện tại và vị lai.

Khi tu theo pháp cho và nhận như vậy, có thật là chúng ta mang lại lợi ích cho người khác hay không? Có. Câu trả lời là có. Thật sự là chúng ta mang lại lợi ích cho người khác và cho bản thân của chính mình. Cho dù không trực tiếp lợi người nhưng nhất định cũng mang lại lợi lạc cho chính mình. Chư Phật đã tu như vậy, đã phá bỏ tâm ái ngã mà thương lo cho người khác, nên đã đạt giác ngộ từ lâu. Còn bản thân của chính mình chúng ta không tu như vậy, không biết nghĩ đến lợi người mà chỉ biết nghĩ đến bản thân nên cho đến bây giờ vẫn còn triền miên trong cõi sinh tử luân hồi. Trong Nhập Bồ Đề Hành Luận, ngài Tịch Thiên có nói rằng “có cần phải nói nhiều về khác biệt giữa Phật và chúng sinh hay không? Phật vì chúng sinh mà nỗ lực nên đã đạt được giác ngộ vô thượng bồ đề, còn chúng sinh chỉ vì bản thân mà ra sức nỗ lực cho nên cứ mãi triền miên trong cõi sinh tử luân hồi.” Cứ nhìn như vậy là đủ thấy sự khác biệt giữa Phật và chúng sinh, giữa tâm vì người và tâm vì chính mình.

Hai pháp tu cho và nhận này chúng ta cần phải luân phiên hành trì. Khi chúng ta thiền quán để tập quen tâm mình với pháp tu này, trước tiên chúng ta quán về khuyết điểm của tâm chỉ biết lo đến bản thân của mình, và quán về lợi điểm của tâm vị tha biết chăm lo cho người khác. Từ từ, nhờ quán khuyết điểm và lợi điểm như vậy, chúng ta có thể hành trì pháp cho và nhận. Cho ra tất cả những thiện đức, thiện căn, tánh mạng, tài sản của mình; và nhận về mọi khổ đau chướng nghiệp của chúng sinh. Pháp cho và nhận này chúng ta cần phối hợp vào trong hơi thở. Khi chúng ta hít vào, chúng ta quán tưởng mình nhận về tất cả những khổ đau chướng nghiệp của chúng sinh; khi chúng ta thở ra, quán tưởng mình cho tất cả an vui, hạnh phúc, và thiện căn cho chúng sinh. Chánh văn nói rằng:

Cần phải phối hợp hai pháp cho nhận vào trong hơi thở.

Nếu như chúng ta làm được như vậy thì mỗi hơi thở của chúng ta đều tạo được vô lượng lợi ích cho mình và cho người khác. Pháp tong-len này chúng ta có thể hành trì được ngay từ trong hơi thở của chính mình, mỗi hơi thở là một pháp hành trì tong-len. Pháp tu chuyển tâm này nếu chúng ta hành trì tinh tấn đến một mức nào đó sẽ có lúc chúng ta có khả năng nhận về tất cả khổ đau của chúng sinh. Không chỉ là tưởng tượng mà thật sự có thể nhận về được. Có một vị hành giả tu pháp đại từ, vì tu hành tinh tấn miên mật nên Ngài có khả năng nhận khổ đau của chúng sinh được. Chuyện kể rằng có một con chó đang bị đánh, Ngài quán pháp nhận này và đã bật khóc vì quá đau. Người khác khi thấy như vậy cứ tưởng rằng Ngài giả bộ, nhưng thật sự có bằng chứng, đó là sau lưng của Ngài, nơi con chó bị đánh, ở sau lưng của Ngài có một vết bầm rất lớn. Như vậy, pháp tu này nếu hành trì miên mật và tinh tấn đến một mức nào đó thì sẽ có khả năng thật sự nhận về khổ đau của chúng sinh. Thật sự là có thể có cách để nhận về khổ đau của chúng sinh. Câu chuyện về ngài […] Rinpoche, có một người bị đau chân đến xin Rinpoche gia trì cái chân đau của mình bị sưng, Ngài quán tưởng nhận cơn bệnh này về cho mình. Khi Ngài thực hành pháp tong-len này, ở vòng đầu, chân bệnh nhân bắt đầu nhỏ đi một chút và chân của Rinpoche to ra một chút. Cứ như vậy cho đến vòng thứ bảy Ngài đã có thể lấy trọn cơn bệnh này về cho mình. Người bệnh cái chân không còn đau nữa, không còn sưng nữa, trong khi đó chân của Rinpoche sưng lên. Như vậy chúng ta thấy có cách để hành trì pháp nhận này một cách thật sự.

Tiếp theo chánh văn nói như sau:

Với ba đối tượng, ba độc tố, cùng ba thiện hạnh,
Thì lời khai thị ngắn gọn như sau:
Phải luôn nhớ nghĩ đến pháp đang tu,
Trong mọi hành động, hãy giữ lời kệ khắc sâu đáy lòng.

Ở đây, cái gọi là ba đối tượng đó là những đối tượng đẹp đẽ, những đối tượng xấu xa và những đối tượng khiến chúng ta dửng dưng. Đối với đối tượng đẹp đẽ rất dễ nổi lòng thương và nổi lòng tham luyến. Đối với những đối tượng xấu xa thì dễ nổi sân hận. Và đối với những điều chúng ta dửng dưng thì dễ cho chúng 1 ta nổi lòng si. Tham sân si là ba chất độc phiền não. Hãy tưởng tượng đối trước ba đối tượng này mà phát sinh ba chất độc phiền não như vậy thì chúng ta nhận về tất cả chất độc phiền não tham sân si của chúng sinh, và hãy tưởng tượng rằng khi chúng ta nhận về chất độc phiền não tham sân si của chúng sinh như vậy thì chúng sinh sẽ hoàn toàn thoát khỏi được ba chất độc phiền não này. Chánh văn nói rằng “Cần phải giữ lời kệ khắc sâu đáy lòng.” Ở đây khi nói về lời kệ như vậy, đây là những lời giải thích cho pháp tu cho và nhận này. Khi đọc tụng những câu kệ giải thích về pháp tu thì chúng ta sẽ nhớ lại pháp tu, sẽ không quên những gì cần phải làm, vì vậy cần nên đọc tụng thường xuyên. Ví dụ trong bộ Vòng Hoa Quý (Precious Garden) có giải thích pháp tu cho và nhận này, cho đi tất cả an vui hạnh phúc của chính mình và nhận về tất cả khổ đau chướng nghiệp của chúng sinh. Ngoài ra trong Lama Chopa là pháp cúng dường đạo sư cũng có một đoạn ôn về đường tu và hành trì pháp cho và nhận này, có thỉnh đạo sư gia trì cho mình có khả năng hành trì pháp cho và nhận này. Những câu kệ như vậy sẽ giúp chúng ta không quên pháp tu, sẽ giúp cho chúng ta nhớ và thường xuyên hành trì pháp cho và nhận.

Khi chúng ta hành trì pháp cho và nhận này, có thể hành trì đối với những ai? Như chúng ta đã xem qua, đối với chúng sinh địa ngục chúng ta có thể hành trì pháp cho và nhận này. Ngoài ra còn có những ai khác? Có thể nói rằng tất cả mọi chúng sinh, ngoại trừ Phật và đấng đạo sư, còn lại tất cả chúng sinh chúng ta đều có thể hành trì pháp cho và nhận này. Lý do là bậc đạo sư tuy vẫn là một người thường, nhưng vì chúng ta quán đạo sư là Phật nên không thể hành trì pháp cho và nhận này đối với đạo sư. Ngoài ra ngay cả bồ tát thập địa vẫn còn chướng ngại vi tế với trí giác, vì vậy chúng ta vẫn có thể hành trì pháp cho và nhận này cả đối với những vị đại bồ tát thập địa. Chúng ta có thể quán tưởng nhận về tất cả những chướng ngại vi tế ngăn che trí toàn giác, và cho đi tất cả những công đức có khả năng trực tiếp phá tan những chướng ngại vi tế này, công đức hiện dưới dạng trí tuệ trực chứng tánh không. Cứ như vậy chúng ta có thể quán cho và nhận đối với cả bậc bồ tát thập địa.

Thật ra chúng ta có thể quán pháp cho, tặng đạo sư, ở đây là sự cúng dường cho đấng đạo sư. Chúng ta mang công phu tu tập của mình ra cúng dường cho thầy, cúng dường cho đạo sự để mọi chướng ngại rút ngắn mạng sống của thầy sẽ bị phá tan, cho đời sống và sức khỏe của thầy được dài lâu, và tất cả Phật sự của thầy được viên thành. Những điều tốt lành như vậy chúng ta có thể cúng dường, có thể tặng cho thầy qua sự cúng dường công phu tu tập của mình.

Đó là phần phương pháp phát tâm bồ đề quy ước, dạy một cách ngắn gọn. Bây giờ chúng ta bước vào phần tâm bồ đề cứu cánh, có nghĩa là trí tuệ quán tánh không. Chánh văn nói là:

Khi vững vàng rồi hãy nói đến pháp tu mật.

Ở đây có nghĩa là chúng ta cần phải vững vàng tu pháp phát tâm bồ đề quy ước trước. Nếu như chúng ta chưa phát được tâm bồ đề quy ước mà đi thẳng vào quán tâm bồ đề cứu cánh, quán về tánh không thì rất dễ rơi vào đoạn kiến, có nghĩa là tưởng rằng không có cái gì hiện hữu cả. Khi chúng ta nghĩ rằng không có cái gì là có thật cả, thì không làm sao có thể phát được tâm bồ đề quy ước. Vì vậy chúng ta cần phải tu trên khía cạnh phương tiện trước, phát được tâm bồ đề quy ước rồi sau đó mới nên bước vào lĩnh vực của trí tuệ tánh không. Tất cả mọi sự đều có thể được chia ra thành hai phần, hoặc là sự vật khách quan, là ngoại cảnh, hoặc là tâm thức chủ quan, là điều nhận biết ngoại cảnh. Tất cả mọi sự đều có thể được phân ra: hoặc là tâm thức, hoặc là không phải tâm thức. Nếu là tâm thức thì đây là phần nội tâm, nhận thức ngoại cảnh, và tất cả những gì không phải là tâm thức đều thuộc về cảnh giới bên ngoài. Chánh văn nói rằng:

Thấy rằng mọi sự đều như huyễn mộng.

Khi nói mọi sự đều như giấc mộng, đó là ví dụ như khi chúng ta nằm mơ, chúng ta thấy có voi có ngựa, mặc dù rằng cảnh voi ngựa hiện ra giống như là có thật, nhưng thật sự thì không phải có voi và có ngựa. Tương tự như vậy, chúng ta nhìn vào cảnh sống ở đây, và cảm thấy rằng giống như mọi thứ có một sự hiện hữu độc lập cố định, nhưng thật sự thì sự việc không hiện hữu độc lập cố định, không có tự tánh. Mặc dù nhìn thì thấy giống như là có tự tánh, nhưng thật sự thì không có tự tánh.  Chúng ta xem thế giới ngoại cảnh giống như là một giấc mộng, giống như là huyễn mộng, mặc dù hiện ra giống như là có thật, độc lập, có tự tánh, nhưng sự thật thì thế giới ngoại cảnh không có thật, không độc lập, không tự tánh. Đây là nói về các pháp, nói về thế giới ngoại cảnh. Còn tâm thì như thế nào? Chánh văn nói rằng:

Quán sát tánh giác vốn là vô sinh.

Ở đây nói về tánh không của tâm. Tánh giác không phải tự sinh, đó là vì tánh giác chỉ từ nhân duyên mà sinh ra, không sinh ra một cách độc lập có tự tánh, mà do nhân duyên phối hợp mà thành. Vì vậy nói tánh giác không phải tự sinh, tánh giác vốn là vô sinh. Nếu nói tâm không có tự tánh, tâm là vô sinh, thì thuốc đối trị với vọng tâm thì sao? Thuốc đối trị của cái tâm chấp lầm sự vật là có tự tánh, có thực hữu, thì thuốc đối trị nó, cái trí tuệ chứng tánh không đó, tự nó như thế nào? Chánh văn nói rằng:

Ngay pháp đối trị cũng tự tan biến.

Ngay chính pháp đối trị của vọng tâm, ngay chính trí tuệ chứng tánh không thấy được rằng sự vật là không có tự tánh, thì cái trí tuệ chứng tánh không đó cũng không có tự tánh, cũng không thực hữu. Câu tiếp theo trong chánh văn nói rằng:

Tinh túy đường tu đặt nơi chân tánh nền tảng vạn pháp.

Ở đây cái gọi là nền tảng vạn pháp đó chính là tánh không. Lý do gọi tánh không là nền tảng vạn pháp đó là nếu chúng ta thấy được chân tánh của sự việc, thấy được sự việc hiện hữu như thế nào, hiện hữu chân thật của sự việc chính là trong tánh không, hiểu được như vậy thì đây sẽ là nhân tạo quả giải thoát. Nếu như chúng ta không hiểu được điều này, không hiểu được rằng sự việc vốn không có tự tánh, sự việc vốn là tánh không, thì đây sẽ là nhân tạo quả cho chúng ta sinh vào ác đạo, trầm luân nơi cõi sinh tử luân hồi. Vì lý do đó mà nói tánh không là nền tảng của vạn pháp. Ngoài ra, sự việc phải không có tự tánh thì những thứ như là nghiệp quả, tứ đế, v.v… mới có thể đúng như sự thật được. Những điều này chỉ có thể đúng như sự thật nếu sự việc không có tự tánh, nếu sự việc là tánh không. Nếu không có tánh không thì tất cả những điều như nghiệp quả, tứ đế, … đều không thể nào đúng với sự thật được, từ nghiệp không thể sinh ra quả và không thể có cái gọi là tứ đế. Vì vậy nên gọi tánh không chính là nền tảng của vạn pháp. Câu chánh văn “Tinh túy đường tu đặt nơi chân tánh nền tảng vạn pháp.”, câu này cũng có nghĩa rằng khi chúng ta nhập định và chứng tánh không, thì khi nhập định, bước vào chánh định tánh không, trực tiếp thấy được tánh không, thì thấy được rằng tất cả mọi sự đầu không có tự tánh; vì vậy thấy không gì hiện ra cả, chỉ thấy tất cả như là không gian, chỉ tựa hư không. Đây là pháp nhập định quán tánh không, chánh định về tánh không. Câu chánh văn này là để ứng vào pháp hành thiền, pháp nhập định, tam muội chánh định, định tam muội, thấy tánh không, tựa như hư không. Câu tiếp theo là:

Xuất thiền hãy như người tạo ảo ảnh.

Vừa rồi chúng ta có nói đến lúc nhập định thì người tu sẽ thấy mọi sự đều giống như là hư không, đều không có tự tánh nên không có gì hiện ra cả. Khi nhập vào định thì thấy chân tướng của sự vật. Ở đây nói rằng “lúc xuất định”, thì lúc xuất định sự việc lại hiện ra trong trí của người tu, vì vậy người tu biết rằng, người tu nghĩ rằng tuy sự vật không có tự tánh nhưng vẫn có thật trong thế giới duyên sinh, trong cảnh giới quy ước. Sự vật vẫn hiện ra và vì vậy khi xuất thiền thì người tu quán mọi sự đều giống như là ảo ảnh.

Đó là nói về phát tâm bồ đề cứu cánh. Chúng ta vừa xem qua một phần về giáo pháp chuyển tâm, bắt đầu là phần công phu sơ khởi, không đi sâu vào chi tiết. Tiếp theo là nội dung của phương pháp luyện tâm bồ đề. Tâm bồ đề có hai phần: tâm bồ đề quy ước và tâm bồ đề cứu cánh. Thầy vừa giải thích sơ lược hai tâm bồ đề này. Bài giảng hôm nay kết thúc ở đây. Công đức nghe pháp này chúng ta hãy hồi hướng cho tất cả chúng sinh, đặc biệt là hồi hướng cho giáo pháp của lama Tông Khách Ba được trường tồn hưng thịnh.

(Kết thúc ngày thứ nhất)

Đức Choden Rinpoche

Bài giảng của Thầy Choden Rinpoche tại Kurukulla Center, USA
ngày 13 và 14 tháng 04 năm 2007

Việt dịch: Hồng Như