Bồ tát Quan Âm

Phát tâm Bồ đề – Lợi điểm của tâm vị tha

Bước tu tiếp theo là quán về lợi điểm của Tâm Vị Tha, biết lo lắng quan tâm cho người khác. Điểm này được ngài Tịch Thiên nói rõ trong Nhập Bồ Tát Hạnh, như sau:

Tất cả hạnh phúc
trên toàn thế gian
đều có được nhờ
tấm long vị tha.
Trong Cúng dường đạo sư cũng có nói như sau:
Con thấy được rằng
ngay tại trái tim
trân quý tất cả
bà mẹ chúng sinh
đó chính là cửa
dẫn vào tất cả
mọi sự tốt lành

Chánh văn Bảy Điểm Chuyển Tâm nói rằng:

Hãy quán về ơn nặng
của tất cả chúng sinh.

Dựa vào những lời trích dẫn trên đây, quý vị phải thấy rõ lợi điểm của Tâm Vị Tha. Ví dụ, tất cả mọi hạnh phúc của kiếp tái sinh làm người cũng như mọi hoàn cảnh thuận tiện khác, tài sản, cảnh sống xung quanh v.v …., đều đến từ lòng vị tha biết trân quý người khác. Vì sao? Vì biết trân quý mạng sống nên quý vị thôi không sát sanh, và kết quả là được sinh vào thiện đạo, có được đời sống lâu dài. Sinh vào thiện đạo, thọ mạng lâu dài, đó là kết quả của long hiếu sinh. Tương tự như vậy, tài sản dồi dào và cảnh sống thuận tiện là kết quả của tấm long rộng lượng biết chia sẻ, không tham lam trộm cắp. Tất cả những việc này đều đến từ tâm biết trân quý người khác.
Nói tóm lại, trong Nhập Bồ Tát Hạnh có nói,

Không cần phải nói nhiều
Chỉ cần nhìn cho rõ
kẻ phàm phu ấu trĩ
chỉ biết đến lợi mình
còn mười phương Phật Đà
lại lo cho lợi ích
của tất cả chúng sinh.

Trong Cúng Dường Đạo Sư cũng có câu kệ nói như sau:

Nói cho ngắn gọn
Phàm phu ích kỷ
chỉ biết chăm lo
cho bản than mình
còn Phật Thích Ca
trong mọi việc làm
đều vì chúng sinh.

Phàm phu ích kỷ chỉ biết nghĩ đến bản thân, đến hạnh phúc cá nhân, cũng như trẻ con chỉ biết nghĩ đến mình. Ngược lại chư Phật đạt được giác ngộ là nhờ quan tâm trân quý người khác. Không cần đi sâu vào chi tiết, chỉ cần nhìn vào sự khác biệt giữa Tâm Vị Tha và Tâm Vị Kỷ.

Hãy thử nhìn lại đức Phật Thích Ca. Trong quá khứ vô thủy, Phật Thích Ca đã từng là phàm phu như chúng ta, vướng kẹt trong luân hồi. Đến một lúc nào đó, Phật bắt đầu trân quý người khác, rồi nhờ triển khai Tâm Vị Tha mà đạt được cả hai thành tựu [là đạt Vô Thượng Bồ Đề và lợi ích chúng sinh]. Bây giờ thử nhìn lại bản thân chúng ta. Lúc nào chúng ta cũng chỉ biết nuông chìu bản thân, vì vậy ngay cả thân mình cũng không thể tự do, trôi lạc triền miên trong sinh tử ác đạo. Không cần phải phân tích chi li, chỉ cần nhìn vào kết quả của việc Phật làm và kết quả của việc chúng ta làm là đủ, một bên làm vì Tâm Vị Tha, một bên làm vì Tâm Vị Kỷ. Chạy theo Tâm Vị Kỷ sẽ chẳng gặt hái được gì ngoài cảnh khổ trong ba cõi ác đạo.

Khi giảng đến phần này, Lama Dorje Chang Pabongka thường hay kể về câu chuyện cuộc đời của đại sư Drukpa Kunley, một đại hành giả tu theo dòng Drukpa Kagyu, lừng danh với lối giảng dí dỏm khác thường, luôn khiến mọi người cười. [Ngài thường kể như sau:]

Một hôm đại sư Drukpa Kunley đến thành phố Lhasa. Ghé qua chùa Jokhang. Đây là một ngôi chùa lớn ở Lhasa, trong chùa có pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni rất nổi tiếng. tên của pho tượng là Jowo. Khách thập phương khi đến viếng chùa thường đến đảnh lễ Jowo, sau đó đi nhiễu quang tượng để nhận phước lành. Ngài Drukpa Kunley cũng làm như vậy, cũng đi nhiễu quan tượng Phật và nhận phước,nhưng rồi ngài đứng lại ngay trước mặt tượng Phật và nói, “hồi trước tôi và ông giống nhau. Nhưng rồi ông lại tu Tâm Vị Tha, quan tâm đến người khác, nên bây giờ thành Phật. Còn tôi thì chỉ biết tới mình nên cứ còn hoài trong luân hồi sinh tử. Thành ra bây giờ tôi phải lễ bái ông”.
Đại sư Drukpa Kunley là một vị hành giả khác thường, luôn giảng Phật pháp bằng lời nói dí dỏm. Tương truyền có lần đại sư đến thăm tòa bảo tháp Bodnath ở Nepal. Bảo tháp này có tướng trạng rất kỳ lạ, so với tám loại bảo tháp thông thường thật chẳng giống loại nào cả. Khi đến chân bảo tháp, đại sư quỳ lạy và nói với bảo tháp như sau: “mặc dù ngài tròn như quả đồi, trông chẳng giống loại nào trong tám loại bảo tháp Như Lai, tôi vẫn xin đảnh lễ”.

Lại có lúc ngài nói, “Tôi đánh lạc mất ba món thật quan trọng quý giá”. Nếu có ai hỏi ba vật ấy là gì, ngài sẽ trả lời, “ một là si, hai là tham, ba là sân”. Tôi lỡ tay đánh mất rồi, ba cái sự mà ai nấy đều trân quý nâng niu.” Lời này cho thấy mức độ chứng ngộ của ngài, nhưng lại diễn tả bằng lời nói bông đùa. Drukpa Kunley thật sự là một đại hành giả. Tôi nhớ hình như tiểu sử của ngài đã được thông dịch ra tiếng Anh, trong đó có kể những giai thoại tôi vừa kể.

Vậy chúng ta cần phải nhìn lại đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhờ quan tâm đến người khác đã thành tựu được những gì, so sánh thành tựu này với nỗi khó khăn mà chúng ta đang phải chịu vì chỉ biết quan tâm đến bản thân. Quý vị nên tìm đọc chuyện tiền thân của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, khi ngài chưa thành Phật, ví dụ như tập truyện Jakata. Quý vị sẽ thấy đức Phật vì thương lo cho người khác mà làm được những việc làm phi thường, quý vị có thể nhờ đó mà được nhiều cảm ứng để hành trì pháp tu chuyển tâm.

Đến chỗ này quý vị nên nhớ đến ơn nặng của chúng sinh, dù là mẹ hay không phải là mẹ của quý vị. Nhớ ghĩ như vậy rất hữu ích, giúp quý vị thấy ra thật sự có rất nhiều lý do khiến mình nên quan tâm đến người khác. Dưới đây là một ví dụ đơn giản về ơn của chúng sinh không phải là mẹ của mình: ngay việc chúng ta có thể ngồi trong căn phòng này, an vui tu học chánh pháp đại thừa, toàn là nhờ ơn của chúng sinh. Có rất nhiều người đã tốn biết bao công sức để chúng ta có tểh tụ họp nơi đây. Trước hết, chỗ này trước kia có thể có một tòa nhà khác, cần bứng đi, việc làm này cần nhiều tay thợ. Rồi phải có người thiết kế căn nhà mới, mua vật liệu, gạch, hồ, xi măng v.v,…. Rồi lại phải có người điều khiển máy móc, vì máy móc không thể tự chạy một mình, để dựng nên tòa nhà này. Rồi khi xây xong lại phải có người trang trí nội thất, sưu tập các biểu hiện thân khẩu ý của Phật để làm bàn thờ. Chúng ta có thể vui vẻ tụ hợp ở đây toàn là nhờ vào lòng tốt của người khác, có phải vậy không?

Căn nhà quý vị đang ở, tài sản quý vị đang hưởng dụng, tất cả những gì quý vị có, đều đến từ người khác. Quý vị có thể phản đối, nói “không phải vậy đâu, tôi phải mua bằng tiền đấy chứ.” Đúng rồi, phải mua bằng tiền. Nhưng tiền cũng phải nhờ người khác mới có được. “Người khác đưa tiền cho tôi, nhưng tôi vẫn phải làm việc khó nhọc mới có được tiền đấy chứ.” Đúng rồi phải làm việc mới có tiền. Nhưng ngay chính sự có thể làm việc, đó cũng là nhờ người khác, không phải sao? Cứ suy nghĩ cho tường tận, rồi sẽ thấy tất cả những gì mình có được, mọi niềm vui hạnh phúc đều đến từ lòng tốt của người khác.

Khi quán về lợi điểm của Tâm Vị Tha, quý vị nên mang hết những suy nghĩ nói trên này về quán chung. Quý vị cũng có thể quán rằng tất cả mọi lợi lạc, ngay cả việc thành Phật, cũng chỉ có thể được nhờ biết trân quý người khác. Vì sao? Vì muốn thành Phật thì phải phát Tâm Bồ Đề, không có Tâm Bồ Đề thì sẽ không có Phật. Mà Tâm Bồ Đề lại đến từ đại nguyện muốn mang lợi lạc đến cho người khác: “tôi phải thành Phật để có thể mang lợi lạc về cho chúng sinh.” Yếu tố quan trọng nhất giúp Tâm Bồ Đề phát sinh là Tâm Đại Bi thì lại đến từ Tâm Vị Tha. Vậy quý vị có thể phát được Tâm Đại Bi đó cũng là nhờ người khác.

Không những vậy, tất cả sáu hạnh Ba La Mật có tu được cũng đều nhờ người khác. Nói ví dụ quý vị vì người khác mà tu hạnh Giới, và để tu hạnh Thí, hạnh Nhẫn, quý vị cần phải có một đối tượng, và đối tượng của hạnh Thí và hạnh Nhẫn chính là chúng sinh. Cũng như ngài Tịch Thiên có nói trong Nhập Bồ Tát Hạnh:

Nếu muốn thành tựu
vô Thượng Bồ Đề
có hai yếu tố
không thể nào thiếu
đó là chư Phật
cùng với chúng sinh.
Nay tôi tán dương
Các đấng Thế Tôn,
sao lại không biết
tán dương chúng sinh
ngang bằng như vậy?

Thành tựu Vô Thượng Bồ Đề là một nửa nhờ ơn chư Phật và một nửa là nhờ ơn chúng sinh. Chúng ta thường vẫn tôn kính đức Phật, còn chúng sinh cũng quan trọng đối với thành tựu Vô Thượng Bồ Đề, nhưng tại sao chúng ta không tôn kính chúng sinh ngang bằng bằng với Phật? Trong Tám Câu Kệ Chuyển Hóa Tâm, đại sư Langri Tangpa nói như sau:

Tôi có thể thành tựu
quả Vô Thượng Bồ Đề
đều nhờ ơn chúng sinh.
Vậy tôi xin giữ gìn
Chúng sinh torng đáy tim
Vì chúng sinh quý hơn
cả bảo châu như ý.

Có rất nhiều lời giảng rất thiết tha nói về ơn nặng của chúng sinh.
Đại sư Langri Tangpa là một vị thầy phi thường, thật sự là một bậc thánh. (sẵn đây xin nói thêm, ngài là một trong những hóa thân đời trước của Kyabje Trijang Rinpoche.). Tương truyền gương mặt ngài Langri Tangpa luôn rất nghiêm nghị, torng suốt cuộc đời ngài chỉ cười có ba lần, vì vậy người ta gọi ngài là “Hắc diện Langri Tangpa” (chữ hắc diện – mặt đen – tiếng Tây Tạng có nghĩa là nghiêm nghị) ngài luôn thiền quán về khổ đau luân hồi và Tâm Bồ Đề, vì vậy chẳng mấy lúc ngài được dịp cười vui.

Để tôi kể cho quý vị nghe một trong ba lần ngài Langri cười, cái gì đã khiến ngài cười. Chuyện này liên quan đến tòa mạn đà la. Theo truyền thống dòng Kadampa, nhất là theo truyền thống của Lama Pabongka Dorje Chang, pháp cúng dường mạn đà la đặc biệt được xem trọng. Hồi còn nhỏ ở Tây Tạng, phần đông học viên chúng tôi đều mang một tòa mạn đà la đến lớp giảng, vì vậy đến lúc cúng dường mạn đà la, chẳng mấy ai là không có một tòa mạn đà la sẵn bên mình. Bên phía các vị Tulku (lama tái sinh), mỗi vị đều mang theo một tòa mạn đà la rất đẹp, có khi bằng vàng, có khi bằng bạc, nhưng chóp mạn đà la lúc nào cũng bằng vàng. Cảnh các vị Tulku cúng dường mạn đà la thật là vô cùng ngoạn mục! Nhưng đó là chuyện của quá khứ. Về sau tất cả đều bị lấy đi cả. Tòa mạn đà la của tôi cũng bị lấy đi. Lại có cả một cái khay cúng phẩm đặc biệt, vẽ nhiều hình tượng trên đó, dùng để cúng 100 phẩm cúng dường. Tôi cũng có một cái khay như vậy, vì truyền thống dòng Kadampa luôn nhấn mạnh vào các tháp cúng dường, nhưng cũng bị lấy đi. Nói “lấy đi” có nghĩa là bị Trung Hoa tịch thu. Ngày nay tôi dùng những món vật rất đơn giản.

Trở lại với chuyện của ngài Langri Tangpa, ngài đang tọa thiền, có tòa mạn đà la đặt sẵn trên bàn cạnh bên. Có lẽ đây chỉ là một tòa mạn đà la đơn giản, không phải loại đẹp đẽ cầu kỳ. khi đang tọa thiền, ngài thì thấy có một con chuột đến gặm hạt trên mạn đà la. Giữa mấy hạt (gạo?) có một viên ngọc lam rất to. Chẳng hiểu sao con chuột lại thích viên ngọc ấy. nó bắt đầu húc rồi ủi, rồi ôm, nhưng viên ngọc to quá, ôm không đặng. Lúc ấy lại có một con chuột mò đến, giúp con chuột kia ôm viên ngọc. Chẳng bao lâu có tới năm con chuột cùng ra sức tha viên ngọc: một con nằm giữa ôm viên ngọc vào bụng, bốn con còn lại gặm đầu gặm chân kéo đi. Đại sư Langra Tangpa thấy vậy phì cười. Tại sao cười? Vì ngài thấy trong cõi luân hồi, khi cần thỏa mãn ước muốn của mình, loài vật có khi còn khôn hơn cả loài người. Thật vậy, có khi loài vật còn khôn hơn cả loài người khi cần thỏa mãn nhu cầu và hạnh phúc trước mắt.

Ribur Rinpoche
Việt dịch: Hồng Như

Nguồn: http://www.hongnhu.org