TMC-Vajrayana-820x410

Khoảnh khắc hiện tại

Với tâm thức lan man không hề nghĩ đến cái chết ngày một đến gần,

Con tham gia vào các hoạt động vô nghĩa,

Để rồi ra đi trắng tay – [chao ôi] thật là sự mê lầm tột độ.

Giáo Pháp siêu việt cần phải được thấu đạt,

Vậy tại sao con không thực hành Pháp ngay lúc này?

Những điều này được thốt ra từ khẩu những người trí:

“Nếu con không ghi khắc giáo huấn của Đạo Sư trong tim,

Thì con chẳng phải là kẻ dối lừa chính mình hay sao?”

Sau sáu câu kệ về sáu giai đoạn trung ấm thì giáo huấn vô cùng súc tích này đưa chúng ta trở về giây phút hiện tại. Dòng đầu tiên của kệ thứ bảy nói rằng “Với tâm thức lan man không hề nghĩ đến cái chết ngày một đến gần, [con] tham gia vào các hoạt động vô nghĩa. Để rồi ra đi trắng tay – [chao ôi] thật là sự mê lầm tột độ”. Bây giờ khi chúng ta đã hiểu được những nguy hiểm cũng như những cơ hội trong các giai đoạn trung ấm thì chỉ có một thứ đáng làm, đó là thực hành Pháp. Liên quan đến việc nhớ nghĩ về cái chết, thì chúng ta cũng cần phải suy ngẫm về cuộc sống. Thật khó để luôn luôn nhớ nghĩ về cái chết, tuy vậy đây lại là một pháp tu quan trọng nhất. Chỉ có những người có nghiệp và tập khí thanh tịnh và đã trưởng dưỡng được Bồ Đề Tâm thì mới có thể luôn nhớ nghĩ về cái chết. Những vị đạo sư Kadampa trong quá khứ đã nói rằng nếu có một thực hành Pháp nào được coi là quan trọng nhất và chúng ta nên thực hành mọi lúc thì đó là việc nhớ nghĩ về cái chết. Vào giai đoạn thì việc nhớ về cái chết và lẽ vô thường là nguyên nhân để bước vào đạo Pháp. Vào giai đoạn giữa thì nó song hành để khích lệ chúng ta thực hành thiện hạnh. Và cuối cùng nó đưa chúng ta đến giác ngộ. Những vị đạo sư Kadampa trong quá khứ luôn nhớ nghĩ về cái chết vào buổi chiều tối trước khi các Ngài đi ngủ, họ nghĩ rằng có thể họ sẽ chết đêm nay và sáng mai không thức dậy nữa. Vì lý do này mỗi tối họ rửa sạch bát ăn và úp xuống, một việc được làm chỉ khi có ai đó đã chết, như một dấu hiệu cho thấy người đó sẽ không dùng bát để ăn nữa. Và khi các vị đạo sư Kadampa thức dậy vào sáng hôm sau, các Ngài vui mừng rằng mình chưa chết và họ có thể tiếp tục sử dụng bát vào hôm đó. Đó là cách mà các đạo sư Kadampa đã thực hành mỗi ngày việc nhớ nghĩ về cái chết. Nếu con không thể thực hành giống như các Ngài thì ít ra con cũng nên nhớ nghĩ về cái chết và lẽ vô thường vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ.

Có một mối nguy hiểm là chúng ta sẽ tận hưởng những vui thú của cuộc sống luân hồi hàng ngày và quên đi những thứ chúng ta nên nhớ nghĩ. Dấu hiệu của việc đó là chúng ta thấy mình “tham gia vào các hoạt động vô nghĩa”. Trong giáo huấn này thì “hoạt động vô nghĩa” không có nghĩa là chúng ta không được tham gia vào bất cứ hoạt động thế gian nào. Tất nhiên chúng ta cần phải duy trì tấm thân này để có thể sống và vì thế chúng ta cần một nơi để ở, xe cộ để đi và thực phẩm. Nhưng đồng thời thì tâm chúng ta cần quan tâm đến những cuộc đời vị lai và vì thế chúng ta luôn luôn nên nhớ rằng việc đem lại lợi lạc cho hữu tình khác càng nhiều càng tốt và không gây tổn hại cho bất cứ ai là một điều thật sự quan trọng. Nếu con luôn duy trì một thái độ vị tha thì thậm chí khi con tham gia vào các hoạt động thế gian trong luân hồi thì đó cũng trở thành thực hành Pháp. Đức Milarepa đã trao ba giáo huấn đặc biệt. Ngài nói rằng: có giáo huấn để giúp cho thức ăn và đồ uống trở thành tiệc cúng dường; cũng có giáo huấn để giúp cho giấc mộng được nhận ra thành tánh sáng tỏ; và có giáo huấn để giúp cho việc đi lại di chuyển trở thành đi kinh hành. Những giáo huấn đặc biệt này có thể thực hành mọi lúc. Nói tóm lại điều quan trọng là cần trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn, bởi vì nếu con có một tâm vị tha thì khi thân và khẩu của con tham gia vào các hoạt động thế tục thì điều đó sẽ trở thành giống như việc thực hành Pháp. Vì vậy con luôn luôn cần có suy nghĩ như thế này “Sau này khi mình chết, thân mình sẽ tan hoại nhưng tâm mình sẽ tiếp tục hành trình đơn độc, vì vậy mình sẽ không tham gia vào các hoạt động vô nghĩa. Cho dù mình có làm việc vất vả thế nào hay dù có sở hữu bao nhiêu của cải chăng nữa – ngay cả khi mình có được một trăm triệu đô la – mình sẽ không thể mang bất cứ thứ gì khi rời bỏ cuộc đời này. Thứ duy nhất mình có thể mang theo là tình yêu thương và lòng bi mẫn, vì thế tích luỹ tình yêu thương và lòng bi mẫn là điều quan trọng nhất cho các đời vị lai”. Nếu con nghĩ theo cách đó thì con sẽ không bị rơi vào sự lơ là tu tập.

Mặt khác dòng thứ tư của kệ thứ bảy nói rằng “Giáo Pháp siêu việt cần phải được thấu đạt”. Giáo Pháp siêu việt là tình yêu thương và lòng bi mẫn. Thực hành giáo Pháp siêu việt có nghĩa là thực hành ba mức độ trong đạo Phật: Biệt Giải Thoát thừa, Bồ Tát thừa và Mật thừa. Những thực hành như thế được trình bày một cách hoàn chỉnh trong Ba Mươi Bảy Pháp Tu Của Bồ Tát. Ở trên chúng ta đã nghe rằng đức Milarepa đã dạy thức ăn và đồ uống có thể trở thành tiệc cúng dường. Sở dĩ như vậy là vì tất cả chúng sinh – ta và mọi hữu tình khác đều có Phật tánh. Bất cứ khi nào chúng sinh từ bỏ chấp ngã và phát khởi Bồ Đề Tâm thì họ sẽ trở nên giác ngộ. Ví dụ trong thân thể của mỗi người đều có cả những vi khuẩn có lợi và vi khuẩn gây hại. Vi khuẩn có lợi thì tốt cho cơ thể, cơ thể cần đến chúng, thật ra chúng được sinh ra từ tình yêu thương và lòng bi mẫn. Những vi khuẩn có hại sinh ra từ những cảm xúc ô nhiễm thường phàm và gây nguy hại như ốm đau v.v… Chúng có liên hệ với năm cảm xúc ô nhiễm và là nguồn gốc của mọi bệnh tật. Năm cảm xúc ô nhiễm lại có thể bao hàm trong ba loại phiền não hay ba độc – tham luyến, sân hận, si mê [tham, sân, si]. Ba độc này là cơ sở cho ba loại bệnh tật liên quan đến khí, mật và đờm dãi. Sự rối loạn về khí có liên quan đến tham luyến và sự rối loạn về mật có liên quan đến sân hận và sự rối loạn về đờm dãi có liên quan đến vô minh. Nếu chúng ta phát khởi tình yêu thương và lòng bi mẫn thì tất cả những vi khuẩn trong cơ thể đều trở nên an bình và trở thành mạn đà la của Bổn Tôn. Đó là lý do tại sao chúng ta nói cơ thể này là hình tướng của Bổn Tôn giống như vị Thủ Hộ Chủ của các Bổn Tôn. Nếu cơ thể của chúng ta là Bổn Tôn thì thức ăn chúng ta thọ dụng trở thành món cúng dường lên Bổn Tôn. Nếu con trưởng dưỡng một tâm thức vị tha thì con thực sự chính là Bổn Tôn. Nếu trong khi thọ dụng thức ăn, con trưởng dưỡng tâm thức vị tha đồng thời không tách rời khỏi việc quán tưởng Bổn Tôn thì điều đó thực sự trở thành bữa tiệc cúng dường Bổn Tôn.

Điểm thứ hai, đức Milarepa dạy rằng trong khi ngủ chúng ta có thể thực hành nhận ra ánh sáng tịnh quang của giấc mộng. Lý tưởng nhất là chúng ta nhận ra chân tâm tịnh quang trong trạng thái ngủ sâu, hay là nhận ra điều đó trong trạng thái mộng. Hoặc nếu con không thể nhận ra được như vậy thì con nên nhớ nghĩ về Bổn Tôn trước khi đi ngủ. Ví dụ con có thể nghĩ về Bồ Tát Quán Thế Âm và trì tụng một số biến minh chú Mani và sau đó đi vào giấc ngủ trong khi thực hành trì chú Kim Cang OM AH HUNG. Khi tỉnh dậy hãy nhớ ngay đến Bồ Tát Quán Thế Âm, không để cho những niệm tưởng hay ý nghĩ khác xuất hiện trước tiên. Nếu con có thể thực hành như vậy thì con có thể đạt được giác ngộ, hòa nhập vào trong chân tánh của vị Hộ Phật trong giai đoạn trung ấm thứ hai.

Điểm thứ ba, đức Milarepa dạy rằng việc đi lại có thể trở thành kinh hành hay lễ lạy. Điều này dựa trên việc hiểu biết về bản chất thanh tịnh của vũ trụ và chúng sinh. Con nhìn thấy mọi thứ thanh tịnh của vũ trụ và chúng sinh. Con nhìn thấy mọi thứ thanh tịnh tự bản chất. Ví dụ tất cả những người nam được xem như đức Quán Thế Âm (Chenrezig) và tất cả những người nữ được xem như đức Quan Âm (Tara). Bởi vì tất cả mọi chúng sinh đều có Phật tánh nên tất cả họ đều là Thiên Nam và Thiên Nữ, là các vị Bổn Tôn của mạn đà la. Nếu con nhìn mọi thứ theo cách này thì con đi đến nơi đâu thì cũng giống như đi kinh hành quanh mạn đà la và điều này mang lại công đức không thể nghĩ bàn. Đây là ba chỉ dẫn của đức Milarepa theo hệ thống giáo huấn Mật thừa.

Chúng ta cần khám phá chân tâm bản tánh, mà đôi khi được gọi là “tịnh quang”. Tịnh quang là gì? Đó là nhìn thấu suốt chân tâm. Đó là giác tánh nhận ra bất cứ ý niệm hay cảm xúc nào xuất hiện. Tịnh quang có nghĩa là nhận biết thấu rõ tính Không, đó là tánh giác. Trong thế giới này bất cứ nơi nào con đến thì cũng thấy ánh sáng lan tỏa trong không gian, tuy vậy chỉ có một ánh sáng: tất cả mọi ánh sáng thì đều như nhau. Trạm phát điện cung cấp năng lượng điện cho bóng đèn để sản sinh ra ánh sáng thì có điện âm và điện dương. Ngoài trạm điện và ổ điện thì còn cần có dây cáp, bóng đèn v.v… để sản sinh ra ánh sáng. Nếu thiếu đi một trong những thứ kể trên thì sẽ không có ánh sáng phát ra từ đèn, tuy nhiên ánh sáng này lại không bị giới hạn bởi dây cáp, ổ điện v.v… Bản chất nền tảng của tâm duy nhất của chúng ta chính là Phật tánh. Nếu tất cả chúng sinh cùng phát khởi Bồ Đề Tâm thì ánh sáng sẽ tỏa rọi. Phật tánh cũng giống như ánh sáng, đều giống nhau dù ở đâu trên thế giới này. Tịnh quang còn có nghĩa là: nếu con có tình yêu thương thì tâm của con sẽ sáng rõ giống như không gian được chiếu sáng bởi ánh đèn. Khi không có Bồ Đề Tâm thì cũng giống như chỉ có mỗi nguồn điện, sẽ không đủ để sản sinh ra ánh sáng. Ánh sáng và bản tánh giác ngộ của Bồ Đề Tâm có cùng một bản chất, không có khác biệt. Tâm của chư Phật là tâm Bồ Đề, nó trống không và bi mẫn. Nếu tâm con chỉ có tính Không mà không có lòng từ bi thì sẽ không có ánh sáng. Nếu tâm con có cả tính Không và lòng bi mẫn thì ánh sáng sẽ tỏa rọi. Khi tính Không hợp nhất với lòng bi mẫn thì sẽ có ánh tịnh quang.

Dòng cuối của câu kệ nói rằng, chúng ta nên nhớ đến những lời dạy của Đạo Sư từ ái, bởi vì mặc dù khi sống chúng ta có thể lừa phỉnh chính mình; nhưng khi chết, chúng ta sẽ phải đối diện một cách trung thực với chính mình. Những lời dạy của Đạo Sư từ ái là gì? Ngài dạy chúng ta giáo huấn của đức Phật – những giáo huấn này rất rộng lớn. Có tám vạn bốn nghìn Pháp môn nhưng nói tóm lại, tinh tuý của giáo Pháp là trưởng dưỡng lòng từ bi. Nên chỉ có hai kiểu hướng tâm – hướng tâm đến những vị siêu việt và đến những chúng sinh đang chịu đau khổ. Đối với những vị siêu việt chúng ta nên trưởng dưỡng tín tâm, còn đối với những ai đang chịu đau khổ thì chúng ta trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn. Đây chính là chỉ dẫn cốt tuỷ của Đạo Sư. Ai là những vị siêu việt? Chúng ta thật tình nên trưởng dưỡng tín tâm đối với các tấm gương ở mọi tôn giáo trên thế giới, đặc biệt là đối với những người đã thọ giới Quy y và thầy – bạn tâm linh. Chư tăng ni chính là những đối tượng thích hợp để chúng ta hướng tới với lòng tín tâm và tôn kính. Đối với những chúng sinh không đi theo con đường tâm linh chúng ta nên trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn đối với họ. Nếu con thực hành như thế thì tâm của con sẽ thanh tịnh và rộng khắp như hư không. Khi đã vun bồi được Bồ Đề Tâm tương đối là tình yêu thương và lòng bi mẫn thì rồi con sẽ nhận ra được Bồ Đề Tâm tuyệt đối một cách tự nhiên. Nhờ Bồ Đề Tâm tương đối mà chấp ngã sẽ giảm thiểu. Khi không còn bất kỳ chấp ngã nào sót lại nữa thì Bồ Đề Tâm tuyệt đối là trạng thái của tâm con. Đó là sự thấu triệt rằng ta và người không hiện hữu độc lập. Lòng bi mẫn có trong Bồ Đề Tâm tuyệt đối là lòng bi mẫn không đối tượng và hoàn toàn bình đẳng. Điều này rất quan trọng và đối với Thầy, điều này đã mang lại lợi ích lớn lao cho Thầy. Tuy nhiên Thầy đã từng là một người rất tội lỗi. Thật ra trong phòng này chẳng có ai lại nhiều lỗi lầm hơn Thầy. Nhiều người trong các con có trí huệ và lòng sùng mộ lớn lao, vì thế con hoàn toàn có thể thực hành giáo huấn này. Có nhiều hành giả vĩ đại tùy hỷ với phẩm hạnh của người khác và không che dấu lỗi lầm của mình. Thầy cũng thực hành như thế: Thầy nhìn vào lỗi lầm của mình và nhận ra phẩm hạnh của người khác.

Bồ Đề Tâm và ước nguyện rằng tình yêu thương được lan tỏa nên thâm nhập vào các thực hành Pháp và vào trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta thường kết thúc các thời khoá thực hành bằng việc tụng đọc Lời Cầu Nguyện Cho Hòa Bình Thế Giới. Mục đích của bài cầu nguyện này là tạo ra hòa bình và an lành trên thế giới. Nếu tất cả mọi chúng sinh có thể phát khởi được tình yêu thương và lòng bi mẫn thì thế giới này sẽ tự nhiên trở thành một nơi chốn bình an và hạnh phúc. Nhưng nếu chúng sinh không phát khởi tình yêu thương và lòng bi mẫn, nếu họ tiếp tục thúc đẩy thù hận và hiềm khích, thì điều đó sẽ làm nhiễu loạn năm nguyên tố. Tâm nhiễu loạn bên trong sẽ tác động đến năm nguyên tố bên ngoài bởi vì tâm bên trong và năm nguyên tố bên ngoài có kết nối với nhau. Ngoài ra năm cảm xúc ô nhiễm cũng liên hệ tới năm nguyên tố bên ngoài. Vì thế chúng ta nên phát khởi một tâm nguyện vi tha thông qua việc nghĩ về tất cả chúng sinh, cầu nguyện rằng họ sẽ hoàn toàn được an lập trong trạng thái giác ngộ.

Cá nhân Thầy cầu nguyện rằng Thầy sẽ không bao giờ xa rời các con và chúng ta sẽ tiếp tục gặp lại nhau cho đến khi chúng ta cùng nhau đạt được giác ngộ.

GIỚI THIỆU VỀ DỰ ÁN BẢO TỒN GIÁO HUẤN CỦA ĐẠI THÀNH TỰU GIẢ GARCHEN

Dự án bảo tồn giáo huấn của đại thành tựu giả Garchen là một nỗ lực trong việc biên soạn và bảo tồn các giáo huấn sâu rộng và các công hạnh của Garchen Rinpoche đời thứ 8. Dự án này bắt đầu vào ngày 26 tháng 8 năm 2013 với sự gia trì và ban phước của Garchen Rinpoche. Nhóm thành viên dự án bao gồm các học sinh của Rinpoche từ nhiều nước khác nhau như Singapore, Đài Loan, Mỹ.

Trong kinh điển có ghi lại rằng vào nhiều niên kỷ về trước, khi đức Jigten Sumgon hóa thân thành vị quốc vương (Chakravartin) oai lực hiệu là Tsib-Kyi Mu-Khyu, người đã thiết lập chúng sinh tại vương quốc của mình trong Thập thiện (mười thiện hạnh). Ngài là cha của một ngàn hoàng tử cao quý. Quốc vương rốt cuộc đã trở thành vị Tăng, đạt giác ngộ và trở thành Long Vương Quang Phật (Buddha, Tathagata Light of the Nagas). Vào thời gian đó, đại thành tựu giả Garchen Rinpoche ngày nay chính là người con út của quốc vương, tên là Thachung.

Sau này khi đức Jigten Sumgon hóa thân thành Pháp sư Long Thọ tại xứ Ấn Độ cao quý, đại thành tựu giả Garchen Rinpoche lúc bấy giờ chính là ngài Thánh Thiên, đệ tử tâm truyền của Pháp sư Long Thọ. Trong thời kỳ đức Milarepa, Garchen Rinpoche là đệ tử tâm truyền Rechungpa của Ngài.

Vào thời kỳ Jigten Sumgon (1143-1217), Garchen Rinpoche là đệ tử Gar Chodingpa. Kể từ đó, trong suốt các đời quá khứ cho đến cuộc đời hiện tại, đại thành tựu giả Gar đã tiến hành các công hạnh bao la mang lại lợi lạc cho chúng hữu tình.

Hiểu được tầm quan trọng của giáo huấn Garchen Rinpoche ban truyền và noi theo đại nguyện của Rinpoche làm lợi lạc hết thảy chúng sinh, dự án có sứ mệnh:

Bảo tồn, biên soạn, xiển dương giáo Pháp và công hạnh giác ngộ của đại sư Garchen Rinpoche dưới nhiều hình thức, một cách chính xác và có thể được tất cả chúng ta tiếp cận dễ dàng”.

Đức Garchen Rinpoche

Việt dịch: Trần Lan Anh

Hiệu đính: Thanh Liên

Trích: Giáo huấn về Trung ấm – Một chỉ dẫn để đi trong Luân Hồi hay đạt đến Niết Bàn