Đức Dzongsa Khyentse Rinpoche

Câu hỏi về những phương diện khác của cái chết

Đau buồn và mất mát

Người tôi yêu quý nhất trên đời vừa mất. Điều tốt nhất tôi có thể làm cho anh ta là gì?

Chúng ta luôn mong muốn điều tốt nhất cho những người mình yêu thương. Chúng ta muốn cho họ mọi thứ họ từng ước muốn và thường sẵn sàng hy sinh tất cả những gì mình coi trọng vì lợi ích của họ. Nhưng điều ‘tốt nhất’ là gì? Nếu việc mua cho người cha đang hấp hối của bạn một chiếc giường bằng vàng ròng liệu có thể ngăn ông ấy chết? Hoặc chạm khắc bàn ngồi nhà vệ sinh bằng đá ngọc lam, hay chiếc vé đi từ Paris đến Hồng Kông trên tuyến đường sắt xuyên Siberia, hay một đêm ở trong Nhà Trắng? Trong một hoặc hai giây, bạn có thể rùng mình bởi bất kỳ món quà đặc biệt nào vừa nêu ra, nhưng không có món nào trong số đó có giá trị lâu dài. Vậy tại sao không làm một cái gì đó dưới danh tính người thân yêu của bạn mà cũng thật sự giúp được họ – như tài trợ cho các hoạt động nhân ái mang lại lợi lạc cho chúng sinh và môi trường.

Cuối cùng, điều tốt nhất bạn có thể làm cho những người bạn yêu thương là cho họ Giáo Pháp và giúp họ hiểu điều đó. Điều tốt nhất tiếp theo là tự mình thực hành Phật Pháp và dành sự thực hành của bạn hướng tới hạnh phúc và an lạc của những người bạn yêu thương và tất cả chúng sinh đang đau khổ.

Hãy nhớ rằng, bạn đã từng yêu thương mỗi mỗi chúng sinh cả tỷ lần sau hàng nghìn tỷ kiếp sống. Tình yêu hiện tại của bạn xảy ra tình cờ với người bạn biết ngay lúc này, nhưng tin hay không, nó sẽ không kéo dài lâu khi tính đến thời điểm ngay trước khi bạn bắt đầu quên anh ấy, cô ấy, cũng như mọi người khác mà bạn yêu – nếu không quên họ trong khi còn sống, thì cũng chắc chắn bạn sẽ quên họ khi bạn ở trong bardo. Đến khi được tái sinh vào kiếp sống mới, bạn sẽ quên đi tất cả mọi người.

Làm thế nào tôi có thể giúp đỡ và hỗ trợ một người có nỗi đau khổ mãnh liệt đến mức không thể thay đổi?

Phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng về tình trạng của họ. Nếu nỗi đau buồn làm họ phát bệnh, bạn có thể cần đến những giúp đỡ mang tính chuyên nghiệp [từ các bác sĩ]. Một khi tình trạng của họ đã ổn định, hãy nói với họ về sự thật của Vô Thường, nơi nương tựa không suy chuyển là Phật, Pháp và Tăng, và, hơn bao giờ hết, bây giờ là thời điểm họ nên làm việc vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Gợi ý họ đưa ra một lời hứa để đảm nhận nhiệm vụ cao cả này.

Tôi nên nói gì với con tôi về cái chết? Làm thế nào để tôi chuẩn bị cho đứa trẻ về cái chết của mẹ chúng?

Lời khuyên mà Phật Giáo dành cho trẻ em về cái chết cũng giống như lời khuyên dành cho người lớn. Điều quan trọng là phải thành thật với con bạn về những gì xảy ra khi chết, trừ khi sự thành thật đó đi ngược lại với những gì được chấp nhận về mặt văn hóa trong xã hội của bạn. Tâm trí của những đứa trẻ có thể chấp nhận được những sự thật khó khăn mà nhiều người lớn không thể chịu nổi khi suy nghĩ về. Nhưng luôn luôn xem xét tính cách cá nhân của đứa trẻ, sau đó giải thích những gì sẽ xảy ra thật nhẹ nhàng và đơn giản.

Hãy suy nghĩ về lâu dài, đặc biệt là khi nói chuyện với trẻ con. Nếu bạn không nói sự thật với những đứa trẻ, chúng có thể nghĩ rằng người mẹ sẵn sàng bỏ rơi mình khi bà qua đời. Tất nhiên, một khi lớn lên, chúng sẽ nhận ra bà không còn lựa chọn nào khác. Nhưng những cảm xúc mạnh mẽ được cấy vào Tâm trí trẻ thơ thì rất khó rũ bỏ ở độ tuổi trưởng thành, vì vậy hãy nói rõ với con bạn rằng mẹ chúng hoàn toàn không có lựa chọn nào về cái chết.

Con trai nhỏ của tôi chết vì dùng thuốc quá liều. Đây thường được coi là nghiệp tiêu cực cho cả hai chúng tôi. Nhưng nếu cú sốc và sự đau lòng là chất xúc tác để tôi tăng trưởng tín tâm và thực hành với những hiểu biết sâu sắc, thì những nghiệp ‘tiêu cực’ có thể trở thành tích cực? Và cuối cùng, nghiệp tiêu cực của con trai có được tiêu trừ không nếu tôi dâng trọn con đường tâm linh của mình cho con? Hay ít nhất, đó có thể là một cách thanh lọc nghiệp cho cậu bé?

Một nghiệp được cho là tốt hay xấu đều hoàn toàn mang tính chủ quan. Có câu chuyện được kể ở Tây Tạng về một tên cướp, cuộc sống của tên cướp đã thay đổi hoàn toàn tại khoảnh khắc hắn ta mổ bụng con ngựa đang mang thai, giết chết cả mẹ và chú ngựa con. Khi ngựa con chưa sinh trượt ra khỏi cơ thể mẹ, mặc dù bản thân ngựa mẹ đau đớn khủng khiếp và gần như chết, phản ứng tức thời của ngựa mẹ là liếm cho ngựa con và an ủi nó. Tên cướp bất ngờ xúc động trước cảnh ngựa mẹ sắp chết yêu thương và quan tâm đến đứa con mới sinh của mình và hắn đã vô cùng hối hận vì đã giết ngựa mẹ. Xúc động mãnh liệt, đến nỗi hắn ta ngay lập tức bẻ gươm, quay lưng với lối sống bạo lực của mình mãi mãi, bắt đầu thực hành Pháp và rồi nhanh chóng trở nên Giác Ngộ.

Vâng, tất nhiên thực hành Pháp của bạn sẽ làm tiêu trừ nghiệp tiêu cực của con trai bạn – thực tế, chỉ có việc này mới đem lại kết quả . Và tôi vui mừng trước quyết định của bạn khi nhìn nhận cái chết của người con trai theo cách này và sử dụng nó như con đường của bạn.

Tôi nên hỗ trợ cho một đứa trẻ đã mất cha mẹ bằng hình thức nào?

Tùy thuộc vào hoàn cảnh của bạn. Nhiều, rất nhiều đứa trẻ bị mất cha mẹ. Theo quan điểm của Phật Giáo, trẻ em và cha mẹ cùng chia sẻ một nghiệp lực rất mạnh. Rõ ràng, bạn nên dành cho trẻ tình yêu thương vô điều kiện, sự chăm sóc và hướng dẫn chúng. Nhưng quan trọng nhất, hơn tất cả là mọi điều bạn trao tặng cho đứa trẻ cần phải bắt nguồn từ động cơ tốt của Tâm Bồ Đề.

Khi bạn chăm sóc những đứa trẻ mất cha mẹ, hãy liên tục khẩn cầu chư Phật và Bồ Tát giúp bạn để bạn có thể giúp đỡ chúng, và cầu nguyện rằng mọi thứ bạn dành cho chúng đều có tác động tích cực đến cuộc sống của những đứa trẻ. Ngoài ra, đó cũng không phải là nhiệm vụ dễ dàng.

Nếu bạn có thời gian và nguồn lực, hãy cố gắng trở thành một người bạn tốt của những đứa trẻ mồ côi. Đảm nhận vai trò chính thức của người cố vấn, người khuyên bảo hoặc người chăm sóc cho cuộc sống của đứa trẻ là điều tốt, nhưng quan trọng hơn cả là trở thành một người bạn và là người đồng hành tốt người mà đứa trẻ luôn luôn có thể tin tưởng. Hãy cố gắng dành nhiều thời gian cho chúng nhất có thể.

Làm sao tôi có thể chắc rằng con tôi sẽ trở thành Phật Tử? Điều gì tôi có thể làm để đảm bảo em bé của tôi sẽ là tái sinh của một người có thể mang lại lợi ích cho tất cả chúng sinh?

Ngài Vô Trước [Ngài Asanga] và anh trai cùng mẹ khác cha của mình là Ngài Thế Thân [Ngài Vasubandhu] – là hai trong số những nhà lãnh đạo Phật Giáo nổi tiếng và lừng danh khắp Ấn Độ vào thế kỷ thứ tư – được cho rằng hai vị sinh ra là nhờ kết quả từ những ước nguyện đặc biệt thuần khiết của mẹ họ, bà Prasannashila.

Mặc dù bà Prasannashila sinh ra trong gia đình theo đạo Bà La Môn, nhưng bà đã vô cùng đau khổ vì sự suy tàn nhanh chóng của Phật Giáo và sự thiếu vắng những vị Đạo Sư tài giỏi đến nỗi bà quyết tâm khắc phục tình trạng này bằng việc hạ sinh con trai. Sau nhiều lần cầu nguyện với niềm khao khát vô cùng mạnh mẽ và thanh tịnh, bà đã mang thai hai lần: một lần với người đàn ông theo Đạo Bà La môn, là cha Ngài Thế Thân; và một lần với một hoàng tử, là cha Ngài Vô Trước. Khi các cậu bé đủ lớn để hỏi về những người cha của chúng, thì Prasannashila trả lời: “Các con sinh ra không phải để theo bước cha mình! Các con được sinh ra để rèn luyện Tâm trí của các con theo lời Đức Phật dạy, sau đó hoằng truyền Giáo Pháp của Ngài thật xa và rộng”. Vì vậy, họ đã làm theo, tất cả là kết quả của những khát vọng mạnh mẽ từ người mẹ.

Tại sao lại không làm theo thí dụ của bà Prasannashila?

Hãy cầu nguyện với niềm khao khát rằng con cái của bạn sẽ có khả năng giúp đỡ người khác thật sự. Bạn thậm chí có thể ước nguyện bản thân trở nên cuốn hút và hẹn hò với những người đàn ông cũng có khả năng và mong muốn giúp đỡ người khác. Trong lúc quan hệ thể xác, hãy nhớ rằng động cơ của bạn là sinh ra một người có thể mang lại lợi ích thật sự.

Để có thể làm lợi lạc, một người không cần phải là một Rinpoche hay một Đạo Sư Phật Giáo hay Tăng hoặc Ni. Con bạn có thể làm lợi lạc cho chúng sinh một cách hiệu quả nhất bằng cách trở thành nhà khoa học phát hiện ra cách chữa trị bệnh Ebola hoặc sốt xuất huyết, hay một vị tổng thống đầy lòng trắc ẩn có năng khiếu giải quyết các vấn đề của đất nước, hay một doanh nhân rất giàu có – người tổ chức các buổi tọa đàm tại nhiều trường đại học và thúc đẩy những chủ đề về các phương pháp chống lại sự tham lam vô độ, ích kỷ và tàn nhẫn.

Phá thai

Phật Giáo quan niệm như thế nào về phá thai? Làm thế nào tôi có thể giúp những người phụ nữ đã phá thai và những chúng sinh đã bị nạo hủy?

Hủy hoại một chúng sinh là giết một mạng người. Hãy tưởng tượng nếu một em bé bị phá hủy thì sẽ trông như thế nào? Chúng sinh trong bardo đang tuyệt vọng để tìm một cơ thể mới và có thể sống trở lại trong thế giới vật chất. Bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu phải vùng vẫy biết bao lâu để được vào một cơ thể tốt đẹp, nhưng chính người mẹ lại cố ý tống bạn ra và cơ thể mới quý báu của bạn trôi tuột mất? Đó là một kinh nghiệm vô cùng đau đớn.

Những phụ nữ đã phá thai hoặc khuyến khích người khác phá thai và bây giờ cảm thấy tội lỗi, ân hận về những gì họ đã làm phải luôn nhớ rằng chúng ta là những chúng sinh vô minh, phải chịu trách nhiệm cho hàng triệu hành động ghê tởm mình đã phạm phải qua vô số kiếp sống. Đừng cho phép chỉ một hành động tiêu cực này làm bạn nản lòng hoặc đè nặng Tâm bạn đến mức cảm thấy bất lực và trầm cảm. Tất cả chúng ta phải ghi nhớ và thú nhận mọi hành động sai trái của mình.

Đồng thời, bây giờ bạn có cơ hội để làm một số điều tốt. Nắm lấy cơ hội đó! Dành tất cả các hành động tốt của bạn hướng về sự Giác Ngộ của em bé bạn đã phá hủy và cho tất cả những chúng sinh bị bạn ngược đãi, giết hại, cướp bóc và hãm hiếp trong quá khứ.

Bạn có thể giúp đỡ những phụ nữ đã phá thai và những chúng sinh bị phá hủy thông qua những thực hành Phật Giáo. Bắt đầu từ việc Quy Y và phát khởi Bồ Đề Tâm.

Ở Nhật Bản và Trung Quốc, Địa Tạng Vương Bồ Tát là một Bồ Tát cực kỳ nổi tiếng. Ở Nhật Bản, Bồ Tát Địa Tạng được gọi là Jizo Bosatsu, và ở Trung Quốc là ‘Dizang, hay ‘Ti-tsang’. Vị Bồ Tát vĩ đại này với nguyện ước phi thường – thệ nguyện không đắc thành Quả vị Phật cho đến khi tất cả các cõi địa ngục hoàn toàn trống không. Một trong những công hạnh Ngài thực hiện là trở thành người giám hộ và người bảo vệ cho những đứa trẻ, những thai nhi đã chết. Nếu bạn muốn, hãy cúng dường đèn, thắp nhang và lễ lạy Jizo Bosatsu, đọc thần chú của Ngài và dành tặng công đức cho tất cả các thai nhi bị nạo phá ở khắp mọi nơi, và cả cha mẹ của chúng.

Nếu bạn đã nhận được những quán đảnh phù hợp, bạn cũng có thể đọc tụng nghi quỹ của Đức Quán Âm, Đức Phật A Súc Bệ hoặc Địa Tạng Bồ Tát. Nếu không, bạn có thể đọc Kinh Bồ Tát Địa Tạng bằng bất kỳ ngôn ngữ nào bạn thích.

Bản dịch Tiếng Trung Quốc và Tiếng Anh về Kinh Địa Tạng Bồ Tát có thể tìm thấy ở đây http://ksitigarbhasutra.com/

Minh Chú Bồ Tát Địa Tạng bằng tiếng Phạn

OM HA HA HA VISMAYE SVAHA

Minh Chú Bồ Tát Địa Tạng bằng tiếng Nhật

ON KAKAKA BISANMAEI SOWAKA

Trì Niệm Danh Hiệu Bồ Tát Địa Tạng theo truyền thống Trung Quốc

Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát

Tự tử

Tự tử được trợ giúp từ bác sĩ hiện nay là hình thức được hợp pháp hóa ở một số nước phương Tây. Mặc dù nhận được sự chăm sóc tốt nhất, một vài Phật tử mắc chứng bệnh kinh niên tỏ ý muốn được áp dụng lựa chọn này. Làm thế nào một nhà tế bần Phật Giáo hồi đáp với người yêu cầu được trợ tử? Và làm thế nào chúng ta có thể đóng góp ý kiến tốt nhất vào những cuộc đối thoại cộng đồng về chủ đề nhạy cảm này?

[Trợ tử hay tự tử được trợ giúp (tiếng Anh: assisted suicide) là việc tự sát được cam kết bởi người nào đó với sự trợ giúp từ những người khác, thường là để chấm dứt sự đau đớn từ một bệnh tật thể lý trầm trọng.Trợ tử thường bị nhầm với an tử (đôi khi gọi là “giết vì xót thương”). Trong khi an tử là hành động giết người khác để giảm bớt sự đau đớn nặng nề thì trợ tử là một hành vi mà trong đó một người trợ giúp cho một bệnh nhân đủ nhận thức nhưng là để gây ra cái chết của chính bệnh nhân, chẳng hạn như một bác sĩ kê đơn theo yêu cầu của bệnh nhân một liều thuốc gây tử vong, cái mà bệnh nhân có ý muốn sử dụng để kết liễu cuộc đời mình.]

Những cơ hội tâm linh có sẵn trong bardo tự nhiên của đời sống làm cho việc sống trở nên rất quý giá. Trong khi còn sống, bạn có thể chọn thực hành tỉnh giác, ý thức, chánh niệm, yêu thương, từ bi và đức hạnh.

Nhưng bạn sẽ gặp rủi ro rất lớn nếu bạn lựa chọn phương pháp trợ tử để chết không đau đớn. Nếu tóc bạn bốc cháy, bạn sẽ cố gắng dập lửa ngay lập tức. Tương tự như vậy, thời điểm một Phật tử nhận ra họ đang tiếp thu một thói quen xấu mới, phản ứng tức thời của họ là phá vỡ thói quen này. Phật giáo chủ động không khuyến khích tất cả các thói quen, cả tốt và xấu, bởi vì những thói quen đều nguy hiểm, đặc biệt là thói quen xấu gây đau đớn và đau khổ cho chính chúng ta và người khác.

Tự tử là thói quen được tiếp thu rất nhanh và cực kỳ khó phá vỡ. Nó có chút giống như nghiện chất có cồn và không có khả năng khước từ trước bia rượu. Thói quen đóng vai trò rất lớn đối với việc xác định tái sinh trong tương lai. Một khi bạn đã hình thành thói quen tự kết liễu cuộc sống của mình lúc mọi hoàn cảnh trở nên khó khăn, bạn sẽ nhớ đến việc tự tử ngày càng thường xuyên và nhanh hơn ở các kiếp sống kế tiếp. Những Phật Tử đã nghiên cứu các giáo lý về nghiệp và tái sinh nên biết điều này.

Tất nhiên, sẽ không đáng tranh luận nếu bạn không phải là Phật Tử và không có niềm tin vào tái sinh. Cũng không có giá trị nếu bạn nghĩ rằng chết là kết thúc của mọi thứ.

Đối với hành giả Kim Cương Thừa, đơn giản là không bao giờ có thể nghĩ đến việc chủ động kết thúc cuộc sống. Kim Cương Thừa xem năm Uẩn là những mạn đà la của năm vị Phật và việc cố tình phá hủy những mạn đà la này trực tiếp đi ngược lại với những giới luật của Kim Cương Thừa.

[Năm Uẩn hay còn gọi là Ngũ Uẩn, Ngũ Ấm là năm nhóm tượng trưng cho năm yếu tố tạo thành con người, toàn bộ Thân và Tâm. Ngoài ngũ uẩn đó ra không có gì gọi là cái “ta”. Ngũ Uẩn bao gồm Sắc Uẩn, Thọ Uẩn, Tưởng Uẩn, Hành Uẩn, Thức Uẩn ]

Là một Phật Tử, mặc dù bạn luôn gánh chịu những đau đớn, không ngớt và không có hy vọng hồi phục hay thuyên giảm, điều quan trọng là bạn phải làm mọi thứ để có thể tận dụng hoàn cảnh của mình.

Bạn có thể, ví dụ, thực hành hướng về tất cả chúng sinh bằng Pháp tonglen.

Hãy tự suy nghĩ:

Bằng cách trải qua nỗi đau đớn khủng khiếp này,

Tôi nguyện hết thảy các nghiệp gây ra đau khổ cho tất cả chúng sinh

Sẽ được vơi cạn.

Những hành giả dày dạn thường nhận thấy cơn đau cấp tính giúp sự tỉnh thức của họ được duy trì. Nhiều bậc Thầy vĩ đại đã nói rằng nỗi đau giống như một cây chổi quét sạch mọi nghiệp chướng của bạn.

Nỗi đau khổ cũng vô cùng đáng giá.

Bước qua nỗi buồn, kiêu mạn bị xua tan

Và xót thương thay những chúng sinh lang thang trong Luân Hồi;

Cái ác được né tránh; những điều tốt đẹp trở thành mê say.

Điểm khác biệt giữa an tử, trợ tử thụ động và trợ tử chủ động là gì?

Theo quan điểm của Phật Giáo, tất cả các phương thức này đều cùng một loại. Tôi hoàn toàn hiểu được động lực đằng sau việc muốn kết thúc đau đớn và đau khổ của một người, nhưng kết thúc cuộc đời có chủ ý không phải là một lựa chọn.

Có lẽ những gì các nhà tế bần và trung tâm chăm sóc Phật Giáo có thể làm là dạy cho người sắp chết cách hiến dâng phần sinh lực còn lại của mình cho tất cả chúng sinh. Đây là một giải pháp về lâu dài sẽ tốt hơn nhiều so với việc để mọi người kết thúc cuộc sống của họ bằng những viên thuốc quá liều.

Lời khuyên cho người cảm nhận nỗi đau quá sức chịu đựng

Có thể làm gì nếu bạn đang đau khổ vì những cơn đau mãn tính không ngớt và không thể chữa trị nhưng các bác sĩ nói với bạn rằng bạn có thể sống hàng tháng, hoặc thậm chí nhiều năm?

Hãy cố gắng tích lũy càng nhiều công đức càng tốt. Hãy cầu nguyện rằng cơn đau bạn đang chịu đựng và cả cơn đau lúc hấp hối sẽ không kéo dài. Thậm chí, bạn có thể cầu nguyện để chết càng sớm càng tốt và cúng dường những tháng năm còn lại trong cuộc đời này cho các vị Đại Bồ Tát để họ có thêm thời gian giúp đỡ chúng sinh. Lập ước nguyện mạnh mẽ để được tái sinh nhanh chóng trong một đời sống tốt hơn, nơi bạn cũng có thể tiếp tục giúp đỡ và làm Giác Ngộ vô số chúng sinh.

Hỡi chư Phật và Bồ Tát, xin cho con chết ngay lúc này!

Nguyện những tháng năm còn lại của đời con

Được dâng cúng lên tất thảy các Ngài,

Nguyện cầu chư Vị trường thọ, là nguồn lợi lạc thật sự cho tất cả hữu tình.

Hãy nguyện cầu bằng lòng hân hoan, chí tâm tha thiết cùng với động cơ thích đáng. Cầu nguyện theo cách này, bạn sẽ không ngừng tích lũy công đức trong những ngày giờ cuối đời.

Được thúc đẩy bởi ước muốn bắt đầu lại cuộc đời với nguồn năng lượng mới, khơi dậy quyết tâm mạnh mẽ để được tái sinh thành người và thật sự hữu ích cho người khác. Cầu nguyện phần sinh lực còn lại của kiếp sống hiện tại sẽ được mang theo vào đời sống kế tiếp của bạn.

Hỡi chư Phật và chư Bồ Tát, hãy để con chết ngay bây giờ!

Nguyện những tháng năm còn lại của kiếp này,

Được chuyển vào đời sống tiếp theo.

Nguyện con được tái sinh tức thời,

Tràn đầy năng lượng, quyết tâm và năng lực

Để cứu giúp chúng sinh hữu tình,

Với lòng vô ngã rộng yêu thương.

Nguyện những hoạt động của con mãi không ngừng

Hầu đưa tất cả hữu tình sang bờ Giác tối lạc.

Nếu đã nhận được những quán đảnh thích hợp, bạn cũng có thể tiến hành buổi lễ cầu nguyện Đức Phật Vô Lượng Thọ [Đức Amitayus] hoặc cúng dường tịnh tài để người khác thực hiện cho bạn.

Quan điểm của Phật giáo đối với những nỗ lực của xã hội đương đại để có đời sống trường cửu – ví dụ như ướp lạnh?

Nếu phương pháp có thể giúp duy trì Tâm thức của một cá nhân nào đó được tiếp diễn mà không làm cho người khác phải đau khổ, thì có thể chấp nhận được.

Khát khao được sống bất tử không phải điều mới mẻ. Nhưng bất kỳ nỗ lực nào của con người nhằm đạt được đời sống vĩnh cửu cũng không thể làm sụt giảm giá trị những hướng dẫn về Tâm thức của Đức Phật. Tại sao? Bởi vì Đức Phật luôn mô tả các cảnh giới chúng sinh đang cư trú là ‘vô hạn’ và ‘vô biên’. Có chút giống như: theo quan điểm của Phật giáo, nếu bạn bị ngất hoặc rơi vào trạng thái hôn mê, sẽ không có gì khác biệt giữa việc bạn ngất đi trong một giây hay một ngàn năm.

Chưa ai biết được rằng nếu việc cắt bỏ phần đầu và làm cho đóng băng có thật sự duy trì được Tâm thức hay không. Tuy nhiên, thật đáng ngạc nhiên với số lượng người đang tham gia vào việc đánh cược này để có một cơ thể mới trong tương lai. Nỗ lực này được thực hiện bằng việc họ phải đánh đổi mạng sống hiện tại của mình. Đây có phải là tự sát?

Có kiểu kết thúc cuộc sống như vậy sao? Nếu có, thì đó là tự sát. Nếu như cái đầu vẫn còn sống sau khi đã được tách ra khỏi cơ thể và vẫn tiếp tục sống trong khi bị đóng băng, thì bạn thắng cược. Nhưng nếu bạn không chắc chắn liệu cái đầu có còn sống hay không, thì tôi không thể trả lời câu hỏi này.

Theo Phật giáo, cái chết là sự tách biệt giữa Thân thể và Tâm trí. Tuy nhiên, tôi sẵn sàng chấp nhận rằng có thể sống mà không cần toàn bộ cơ thể. Không có bất kỳ nội dung nào trong Kinh điển Phật Giáo và luận thuyết cổ Đại [Shastras] của Ấn Độ chỉ ra rằng bạn chỉ có thể sống khi có cơ thể toàn vẹn. Nhưng nếu khoa học có thể chứng minh rằng một lọn tóc đơn thuần có thể giữ lại nguồn sinh lực và ý thức, tôi sẽ phải đồng ý rằng lọn tóc đó là một sinh vật sống.

Tuy nhiên, theo quan điểm Phật Giáo, nỗ lực đạt được sự bất tử của bạn có thể sẽ tạo ra một cõi địa ngục. Bạn thật sự muốn sống mãi mãi sao? Bạn có thấy chán không? Việc cố gắng kéo dài cuộc sống có thật sự đáng giá? Đối với những người theo Đạo Phật, cuộc sống chỉ được coi là có giá trị vì nó cho ta một con thuyền lớn, ở trong chiếc thuyền này, chúng ta cố gắng hoạt động để hướng về sự thấu đạt chân lý. Sống hàng tỷ năm trong khi không ngừng lùi dần và ngày càng xa lìa khỏi sự thật, thì điều này được Phật Giáo mô tả là đời sống ở cảnh giới Chư Thiên.

Tôi có thể giúp ai đó đã chết nhưng hồn ma hay linh hồn vẫn ở quanh đây không?

Vâng, chắc chắn rồi! Bạn có thể tự mình làm một nghi lễ, hoặc tài trợ cho người khác làm việc đó. Lễ cúng Sur làm cho các hồn ma rất vui thích. (xem trang 202)

Một khi ý thức đã tách khỏi cơ thể, trải nghiệm của chúng ta không còn thông qua những bộ lọc của các giác quan. Tuy nhiên, các giáo lý bardo nói rằng chúng ta sẽ trải nghiệm ánh sáng rực rỡ (hiện tượng thị giác) và tiếng sấm sét (hiện tượng âm thanh). Một chúng sinh trong bardo có tin rằng mình đang trải nghiệm [trực tiếp] hình ảnh và âm thanh hay không, trong khi chúng sinh đó vẫn còn thói quen trải nghiệm năng lượng theo cách cũ [tức là thông quan các giác quan], và nếu vậy, họ có thể dùng Tâm ý để tự phóng chiếu ra một cơ thể [mới] phải không?

Hay do chỉ có thể mô tả bằng ngôn ngữ, nên chúng ta chỉ là đang cố gắng diễn đạt những hình ảnh và âm thanh liên quan tới nội dung nhằm mục đích chuyển tải, bởi vì trải nghiệm thực tế là điều chúng ta [những người đang sống] không thể tưởng tượng nổi trong khi còn bị giới hạn bởi cơ thể này?

Cả hai ý đều đúng.

Đức Dzongsar Khyentse Rinpoche

Việt dịch: Lạc Hải Âm 

Hiệu Đính: Chánh Nhân – Nguyễn Nam 

Trích: Sống Là Dần Chết – Làm thế nào để chuẩn bị cho lúc Cận Tử, Chết và sau khi Chết