z3262382863420_753c0af84e86425c2367c721308fd068

Câu hỏi về việc chăm sóc người sắp chết và người đã chết

“Khoan bước vội!”

Và, trong giây phút chờ đợi,

“Đức Phật mở lòng từ bi!”

Shayo

Phương cách nào khéo léo nhất để ứng phó với một người lớn tuổi, không phải là người thực hành Phật Pháp và mỗi ngày đều tỏ ý muốn chết?

Tốt hơn là không nên gây mâu thuẫn hoặc tranh luận với họ. Thử trì tụng hoặc hát OM MANI PADME HUM bất cứ khi nào bạn có thể, một cách ngẫu hứng, tương tự bạn cũng có thể ngân nga hay huýt sáo giai điệu. Đừng trực tiếp hát nhắm vào họ. Hãy làm như thể họ tình cờ trộm nghe thấy bạn hát. Về lâu dài, dù việc hát của bạn có làm phiền họ hay không cũng không còn quan trọng nữa. Việc họ đã nghe thấy âm thanh của chân ngôn nghĩa là họ đã tạo được kết nối với Phật Pháp và cuối cùng, kết nối đó sẽ giúp ích. Nếu họ thích tiếng hát của bạn, điều đó cũng tốt. Dù bằng cách nào, cả hai phản ứng của ‘thích’ và ‘không thích’ chính là những dấu hiệu của việc tạo thành một kết nối.

Nói với người đó rằng trong hoàn cảnh của họ, việc khao khát cái chết là hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng cũng nên gợi ý rằng, khi muốn cái chết xảy ra, họ nên thiết lập một ước nguyện mạnh mẽ để được tái sinh tốt đẹp và có khả năng giúp đỡ được nhiều chúng sinh ví dụ như con người, động vật, môi trường thiên nhiên v.v…

Tôi nên nói gì với một người theo Đạo Cơ Đốc, người này tự cho bản thân mình là người xấu và sẽ kết thúc cuộc đời ở địa ngục?

Bạn nên khuyến khích họ cầu nguyện đến vị Thần của họ và cầu xin sự tha thứ.

Bạn cũng có thể trì tụng OM MANI PADME HUM một cách ngẫu hứng (như trên).

Tôi nên làm gì khi người sắp chết bắt đầu thấy những linh kiến đầy sợ hãi như thấy ma quỷ v.v…?

Nói với họ rằng Tâm của họ đang giở những trò dối lừa, sau đó trì tụng minh chú OM MANI PADME HUM hoặc các chân ngôn tổng trì [dharani] khác.

Tôi nên làm gì nếu người sắp chết không nhận ra được những gì đang xảy ra và tiếp tục muốn trò chuyện về các vấn đề không đầu không cuối?

Bạn nên trò chuyện với họ. Bằng cách đó, bạn có thể lấy lòng người sắp chết, điều này cho bạn cơ hội xen những thông tin hữu ích về Bồ Đề Tâm vào cuộc trò chuyện. Bạn cũng có thể giới thiệu với họ về chân ngôn với OM MANI PADME HUM.

Tôi nên làm gì nếu người sắp chết có ý chí sống rất mạnh mẽ và không thể có tâm buông xả vào lúc chết?

Dù người đó có ý chí sống mạnh mẽ đến đâu, cũng không gì có thể ngăn được cái chết. Khát khao được sống hoặc có ‘ý chí mạnh mẽ được sống’ là dấu hiệu cho thấy người đó không chấp nhận cái chết, điều này có thể làm tăng thêm sự đau khổ của họ. Mặt khác, khi những nguyên nhân và điều kiện đã hội tụ buộc cái chết sắp diễn ra, nếu như sinh khí của họ vẫn còn nguyên vẹn và không bị hao tổn, thì ý chí sống mạnh mẽ có thể giúp đem họ trở lại cuộc sống. Nói cách khác, điều này có thể xảy ra nếu như sinh lực của họ không bị tổn hại. Đây là lý do tại sao việc thực hiện các nghi lễ để tăng cường và kéo dài cuộc sống thì luôn luôn tốt, nhưng phải trong hoàn cảnh phù hợp mới có sức mạnh để đưa một người gần chết trở lại cuộc sống.

Nếu bạn không phải là một hành giả Kim Cương thừa, bạn có thể đọc lớn tiếng một bản kinh, chẳng hạn như Kinh Thọ Mệnh và Tuệ Giác Vô Biên.

• Kinh Thọ Mệnh và Tuệ Giác Vô Biên: www.lotsawahouse.org/words-of-thebuddha/sutra-boundless-life

Những hành giả Kim Cương Thừa đã thọ nhận các quán đảnh có liên quan có thể trì tụng chân ngôn của ba vị Bổn Tôn chủ về gia trì thọ mệnh lâu dài, hoặc tiến hành nghi lễ Đức Vô Lượng Thọ hay Đức Tara Tôn Quý, ví dụ như Pháp Chimé Phagmé Nyingtik.

• Nếu bạn đã nhận được quán đảnh Chimé Phagmé Nyingtik, hãy tiến hành theo nghi quỹ thực hành mà Đạo sư Kim Cương thừa đã ban cho bạn.

Làm những việc thiện nhân danh người sắp chết cũng mang lại lợi ích. Bạn có thể thực hành phóng sinh theo nghi quỹ Tăng Trưởng Thọ Mệnh và Thịnh Vượng: Phương Pháp Thực Hành Phóng Sinh trước tác bởi Đức Jamyang Khyentse Wangpo, nội dung được đề cập ở trang 287.

Bạn có thể hứa nguyện trở thành người ăn chay, lý tưởng nhất là trường chay trong suốt quãng đời còn lại, hoặc nếu không thì ít nhất bạn phải thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định, như một ngày, hoặc một tuần, hoặc một tháng, hoặc một năm.

Bạn có thể ủy thác, mua hoặc cho xây dựng những tôn tượng hoặc vẽ tranh Đức Phật Vô Lượng Thọ hay Đấng Tara Tôn Quý. Thậm chí bạn có thể xây dựng một ngôi chùa.

Làm thế nào tôi có thể giúp đỡ một người sắp chết nhưng người này đang bị sốc vì cái chết diễn tiến quá bất ngờ và quá nhanh?

Nếu người sắp chết là Phật tử, hãy nhắc nhở họ về Đức Phật, Phật Pháp, Tăng Đoàn và đọc to tất cả các hướng dẫn về bardo cho họ, đặc biệt nếu họ thực hành theo Kim Cương Thừa.

Nếu họ không theo Đạo Phật, chỉ cần yêu thương, quan tâm và dành toàn bộ sự chú tâm của bạn cho họ. Bạn sẽ có nhiều thời gian để đọc các hướng dẫn bardo cho họ sau khi chết, bạn cũng có thể tạo nên công đức bằng cách làm những việc tốt nhân danh họ.

Rinpoche có nghĩ rằng việc có niềm tin tôn giáo về những gì xảy ra sau khi chết sẽ giúp trấn an người sắp chết hay lại khiến họ sợ hãi hơn?

Nó phụ thuộc vào bản chất của niềm tin tôn giáo đó. Việc nghe về Nền Tảng Của Sự Giải Thoát (trang 76) là nội dung vô cùng khích lệ đối với một Phật tử đang hấp hối, bởi vì nó nhắc nhở chúng ta rằng thời điểm cái chết xảy đến là cơ hội to lớn để chúng ta thức tỉnh và đạt được giải thoát.

Một Tín đồ Công Giáo sắp chết có nên được khuyến khích cầu nguyện Đức Trinh Nữ Maria không?

Một đấng siêu phàm và thánh thiện thường là hình ảnh phản chiếu những điều tốt lành của chính bạn, và mong muốn cầu nguyện đến một vị Thánh là hình thức quy phục và thực hành hạnh khiêm nhường. Khi cầu nguyện, chúng ta đặt niềm tin vào một ai đó hoặc một điều gì đó thiêng liêng và cao thượng hơn mình. Loại niềm tin này là một phẩm chất rất tốt của con người, nhưng không phải tất cả mọi người đều sở hữu kiểu niềm tin này. Khi cầu nguyện, sự khiêm nhường, lòng sùng kính và niềm tin chân thật của chúng ta hướng về bậc siêu phàm được phản chiếu ngược lại chúng ta dưới hình tướng của chư Phật, chư Bồ Tát và chư vị Hiền Thánh, những vị Thánh như Đức Trinh Nữ Maria.

Đối với người Công giáo, bà Mary biểu hiện cho sự bình lặng và lòng bi mẫn dịu dàng, cả hai đều là những phẩm tính rất tốt, là trạng thái cần phải duy trì trong Tâm khi bạn chết. Vì vậy, tôi sẽ không bao giờ đề nghị bạn bất cứ điều gì khác, vì việc cầu nguyện đến Đức Trinh Nữ Maria đã là một ý tưởng rất tốt rồi.

Thật khó để biết khi nào một người sắp chết – là hành giả thực hành theo Phật Giáo – cần được nhắc nhở về việc thực hành của họ hay liệu im lặng sẽ tốt hơn? Đôi khi tôi cảm thấy ngại khi làm bất cứ điều gì vì tôi không muốn làm phiền hoặc quấy nhiễu người sắp chết. Rinpoche có thể cho tôi vài lời khuyên được không?

Vâng, rất khó. Tuy nhiên, nói chung, những gì bạn nói không quan trọng bằng động cơ của bạn. Vì vậy, hãy cố gắng khơi dậy một động cơ tốt và thuần khiết, sau đó cố gắng hết sức để truyền sự khích lệ và những hướng dẫn cho họ. Và phải thật nhạy cảm – tốt nhất là không làm phiền ai đó trong khi họ sắp chết.

Những người chăm sóc thường có sự đồng cảm và có trực giác tốt, như vậy sẽ có thể đọc được những phản hồi của người sắp chết và điều chỉnh những gì cần làm cho phù hợp. Nhưng ngay cả khi người sắp chết cảm thấy khó chịu hay không muốn nghe hoặc không chấp nhận rằng họ thật sự sắp chết, bạn cũng không nên thận trọng quá mức – bởi vì giờ phút này không phải thời điểm để lo lắng về cách ‘làm tư tưởng chính trị’ sao cho đúng đắn. Nếu bạn biết chắc, không với chút nghi ngờ nào rằng người đó sắp chết, bạn nên nói với họ. Tuy họ sẽ cảm thấy khó chịu, lời khuyên của bạn về những gì họ nên làm khi chết và trong bardo sẽ giúp họ nhiều hơn bất cứ điều gì họ từng nghe trước đây. Nhưng cần phải can đảm để truyền giao loại thông tin này, đó là lý do vì sao một động cơ thanh tịnh, ngôn ngữ cơ thể, thái độ và thậm chí cả giọng điệu của bạn đều rất quan trọng. Tất cả đều sẽ hữu ích.

Làm thế nào để tôi đối phó với những cảm giác nhập nhằng của chính mình (đau buồn, thù hận, buồn bã, thèm muốn có được vật chất từ người thân yêu) và cảm xúc căng thẳng (thương chấn mạnh mẽ) khi tôi cố gắng giúp một người sắp chết thông qua sự thực hành của mình?

Đây là lý do vì sao việc điều chỉnh động cơ của bạn là rất quan trọng. Bạn có thể không cảm thấy rõ ràng về bất cứ điều gì, nhưng nếu bạn được thúc đẩy bởi tình yêu thương, lòng từ bi và đặc biệt là Bồ Đề Tâm tuy cảm thấy chưa đạt được mức độ sâu rộng, nhưng bất cứ điều gì bạn làm đều sẽ giúp ích. Nếu bạn là một Phật tử, tôi khuyên bạn nên suy ngẫm về Tứ Vô Lượng Tâm: tâm Từ ái, tâm Bi mẫn, tâm Hỷ lạc, và tâm Buông xả [tâm Bình Đẳng]. Thậm chí, bạn có thể đọc tụng bốn tâm vô lượng này như một lời tự nhắc nhở.

Tôi đã thấy ba người chết và trong mỗi trường hợp, khoảnh khắc của cái chết đều rất đau khổ. Tôi thấy không có sự buông bỏ, cơ thể giãy đạp, sợ hãi và đầy kháng cự. Bác sĩ nói với tôi rằng, mặc dù quá trình một cơ thể ngừng hoạt động trông có vẻ đau khổ, nhưng Tâm trí của người chết không ghi nhận điều đó. Tôi đã không tin lời ông ta. Miêu tả của bạn dường như giống với tiến trình tan rã của các nguyên tố trong cơ thể. Nếu bạn nhận thấy điều này đang xảy ra thì đó là lúc họ sắp chết, hãy nắm bắt ngay cơ hội để đọc những hướng dẫn ở trang 185.

Quá trình chết không phải lúc nào cũng nhẹ nhàng, lãng mạn và yên bình. Là một người chăm sóc, đôi khi tôi cảm thấy sợ hãi, và thật xấu hổ khi tôi lại chán ghét những lúc cơ thể yếu ớt của người sắp chết bài tiết, mùi thối, v.v… Rinpoche có lời khuyên nào giúp tôi đối diện với vấn đề này?

Luôn luôn khích lệ bản thân. Có lẽ, công việc bạn đang làm là một dịch vụ tốt nhất mà một người có thể làm cho người khác. Quá nhiều người bị bỏ rơi khi chết vì rất ít người trong chúng ta sẵn sàng chịu trách nhiệm chăm sóc cho người sắp chết. Và không có gì đau đớn hay đáng sợ đối với một con người hơn là quá trình chết.

Nếu bạn là một tín đồ Phật Giáo, hãy cầu nguyện với chư Phật và Bồ Tát, và thỉnh cầu chư Vị ban cho bạn sức mạnh, trí tuệ và lòng bi mẫn để biến mọi thứ bạn làm trở nên chính xác với những gì người sắp chết cần và mong mỏi. Cũng cầu nguyện rằng, bằng cách nào đó, sự giúp đỡ của bạn sẽ giúp cho hạt giống Bồ Đề Tâm được gieo vào Tâm trí họ.

Nhưng đừng cố gắng làm quá nhiều, quá nhanh. Để sẵn sàng đề nghị thực hiện việc chăm sóc cho người sắp chết là điều cực kỳ dũng cảm, nhưng sẽ mất thời gian để bạn quen với mọi thứ mà công việc này đòi hỏi. Hãy thực hiện từng bước, bắt đầu từ các bước rất nhỏ. Dần dần, bạn sẽ có được nhiều kinh nghiệm hơn và nếu động lực của bạn bắt nguồn từ tình yêu thương, lòng bi mẫn và Bồ Đề Tâm, bất cứ điều gì bạn làm chắc chắn sẽ giúp ích.

Làm thế nào tôi có thể giúp một người sắp chết được điều trị bằng các thuốc mạnh, ví dụ như morphin?

Đọc các hướng dẫn bardo trong cuốn sách này, đặc biệt là sau khi người đó đã chết. Morphine thật sự chỉ ảnh hưởng đến phần thể xác, vì vậy khi cơ thể chết, nó sẽ ảnh hưởng rất ít đến Tâm của họ.

Công việc của tôi là chăm sóc cho người sắp chết. Thông thường, người thân và bạn bè khăng khăng muốn ở cạnh giường của người sắp chết. Mặc dù họ không có ý gây rối, nhưng họ có thể khiến một Phật Tử đang hấp hối khó khăn hơn trong việc trì niệm minh chú hoặc đón nhận giáo lý. Tôi nên hành xử thế nào với những người này?

Luôn khéo léo và không bao giờ cố gắng áp đặt bất kỳ điều gì lên bất cứ ai. Khoảnh khắc cái chết xảy đến là thời điểm vô cùng quan trọng đối với cuộc đời của mỗi người. Chỉ cần một người trong số người thân hoặc bạn bè của người sắp chết sẵn sàng lắng nghe bạn, hãy thử nói với họ về bardo. Nhưng nếu không có ai lắng nghe, hãy ngồi một nơi riêng tư và đọc các hướng dẫn trong cuốn sách này và cầu nguyện, hoặc đọc hướng dẫn Đại Giải Thoát Nhờ Lắng Nghe Trong Bardo hay các hướng dẫn bardo mà bạn thích nhất. Không có gì và không ai có thể ngăn bạn làm điều đó.

Thực tế mà nói, trong quá trình chết, truyền thống Tây Tạng khuyên chúng ta nên tránh di chuyển hoặc đụng chạm vào cơ thể một người, đặc biệt từ phần thắt lưng trở xuống. Vì vậy, nếu có thể, hãy cố gắng khuyên người thân và bạn bè tập hợp nơi phía đầu của người chết, không nên đứng phía chân họ.

Các dấu hiệu vật lý cho thấy sự tan rã bên trong kết thúc là gì? Chúng có tương tự với các dấu hiệu mà bác sĩ nhìn thấy sau khi chết không, ví dụ như tử thi bắt đầu co cứng lại? Làm thế nào tôi có thể biết khi [Tâm] Thức của người chết đã tách lìa khỏi cơ thể họ?

Các dấu hiệu bác sĩ nhìn thấy cũng có thể giống với các dấu hiệu kết thúc quá trình tan rã bên trong. Nhưng quá trình chết không phải luôn chỉ có một dạng duy nhất. Và nếu có những dấu hiệu dễ nhận biết, chúng sẽ thay đổi từ người này sang người khác. Một vị Đại hành giả – người nhạy cảm với quá trình chết, v.v.., sẽ có thể biết khi nào thì [Tâm] Thức của một người rời khỏi cơ thể. Nhưng đối với tất cả chúng ta, gần như không thể chắc chắn được. Trong hầu hết các trường hợp, chúng ta phải dựa vào các hướng dẫn chung.

Bạn sẽ biết rằng người đó gần như đã chết hoàn toàn sau khi họ ngừng thở, cơ thể lạnh và họ không còn phản ứng nào nữa.

Sau khi chết, nếu xung quanh vùng tim của xác chết vẫn còn hơi ấm, kéo dài khoảng một ngày, đó có phải luôn là dấu hiệu cho thấy người chết đang ở trạng thái ‘tukdam’ không? Ngay cả khi điều này xảy ra với xác chết của một người không phải là hành giả? Hay còn lời giải thích nào khác cho hiện tượng này?

‘Tukdam’ nghĩa là một hành giả tâm linh đang an trú trong trạng thái ‘định’ [Samadhi] hoặc ‘nhất tâm’. Như vậy hơi ấm còn tồn tại xung quanh vùng tim của một người không biết thực hành thì không chắc là dấu hiệu của trạng thái ‘định’. Có thể, họ chỉ là đang bị hoảng loạn.

Có nên đặt một bức hình của Đức Phật hay vị Đạo Sư bên cạnh xác chết, và có nên tiếp tục tụng kinh sau khi chết và trong bao lâu?

Có, tất nhiên. Nhưng bức hình không nhất thiết phải để trong căn phòng nơi người đó chết – ngày nay, sẽ có thể gặp trở ngại nếu người đó chết trong bệnh viện. Thay vào đó, bạn có thể đặt bức hình trong phòng ngủ, tại nhà của họ và đặt ở đó càng lâu càng tốt.

Tôi đã được bảo rằng trạng thái Tâm của chúng ta tại thời điểm chết là rất quan trọng vì vậy cần nên cố gắng bình tĩnh nhất có thể. Bố tôi chết trong đau đớn và tỏ ra rất đau khổ. Bây giờ, tôi cảm thấy lo lắng về những gì đã xảy ra với ông.

Có rất nhiều thực hành bạn có thể làm để giúp một người thân yêu dường như đã chết trong đau khổ, ví dụ, nghi lễ chang chok giúp người chết được tịnh hóa.

Gia đình của người chết mong muốn, họ có thể tưởng niệm cuộc sống của người thân yêu bằng đủ mọi cách. Một số người làm tình nguyện viên cho tổ chức từ thiện, hoặc quyên góp tiền cho các tổ chức từ thiện, cung cấp thực phẩm và quần áo cho người nghèo, cung cấp nơi trú ẩn cho người vô gia cư, hoặc thậm chí quyên góp tiền cho các chiến dịch để cứu trái đất hoặc làm sạch môi trường, sau đó dành tặng tất cả công đức cho người thân yêu bằng cách nhớ nghĩ đến họ. Đây là những ‘việc tốt’ hay ‘hành động đức hạnh’, chúng sẽ thật sự có ích. Điều quan trọng cần nhớ là trong Phật Giáo, ‘đức hạnh’ luôn được đo lường bằng mức độ một hoạt động có thể giúp bạn tiếp cận với sự hiểu biết về chân lý.

Ngoài ra, một cách khác có thể thay thế, nếu hình thức kỷ niệm này hấp dẫn với bạn, hãy đặt làm một bức tượng Phật. Nếu bạn không đủ khả năng để hoàn thành một bức tượng, bạn chỉ cần tải xuống một bức hình đẹp của một pho tượng Phật, in ra và treo nó trong nhà. Hoặc bạn có thể in vài bản khác để tặng. Hay bạn có thể đọc một số giáo lý của Đức Phật, Kinh điển. Bạn cũng có thể ấn tống các bản Kinh mà bạn thích nhất và phân phát miễn phí. Hoặc, bạn có thể cúng dường cho các vị cư sĩ hoặc tu sĩ trong Tăng Đoàn, và cũng có thể đóng góp vào hoạt động bảo trì của một Tu viện nào đó.

Nếu thấy thích hơn, bạn có thể làm theo một trong nhiều phương pháp truyền thống để tích lũy công đức cho người chết như làm lễ cúng đèn bơ, cúng hương nhang và hoa tại Bồ Đề Đạo Tràng hoặc núi Ngũ Đài Sơn, hay bất cứ nơi nào bạn thích nhất. Bạn có thể sắp xếp thời gian, dành ra hai giờ, hai ngày, hay hai tuần để dọn dẹp tất cả rác thải nằm trong và xung quanh khu vực các đền thờ, chùa linh thiêng. Hoặc bạn có thể tài trợ cho việc học và thực hành Pháp của những Tăng sinh để họ có thể dành trọn thời gian, cống hiến hết mình cho con đường tâm linh. Đây chỉ là những thí dụ về việc tốt bạn có thể làm và còn nhiều lựa chọn khác nữa.

Trên tất cả mọi thứ tôi vừa đề cập, nếu bạn là hành giả Kim Cương Thừa, có vô số nghi thức có thể giúp đỡ người thân yêu của bạn. Ví dụ, bạn có thể tiến hành lễ tịnh hóa chang chok mà tôi đã đề cập, qua thực hành này, ý thức của người chết sẽ được hướng dẫn để có một tái sinh tốt hơn – thực hành Khorwa Dongtruk theo truyền thống Chokgyur Lingpa rất dễ thực hiện. Chang chok có thể được thực hiện cho bất kỳ người nào dù họ đã chết cách đây hàng ngàn ngàn năm về trước.

Chang Chok là gì?

Các giáo huấn của Đức Phật cung cấp những hướng dẫn toàn diện cách làm thế nào để đưa nhận thức về nguyên nhân, điều kiện và kết quả vào phần thực hành. Về cơ bản, Nhân, Duyên và Quả không bao giờ lạc khỏi bản chất của Tánh Không. Như Đức Phật đã nói, mọi thứ đều do Nhân và Duyên, và mạnh mẽ nhất trong tất cả các Nhân và Duyên chính là Ý Định, là Tâm ý của bạn.

Một Tâm thức hiện đại đầy hoài nghi, mơ hồ về những biểu hiện rộng lớn vô tận của Nhân và Duyên, rất có thể ẩn chứa khá nhiều mối nghi về nghi lễ chang chok.

Những bạn có tâm hồn ngây thơ và trong sáng như trẻ con có thể thích thú và chiêm ngưỡng một tòa lâu đài cát như thể đó là ‘thật’. Nhưng một người với Tâm tinh vi, chín chắn, tính toán, trưởng thành, thì khả năng lớn là người này sẽ gạt bỏ tòa lâu đài cát khỏi phạm vi của Tâm, bởi vì Tâm của người trưởng thành thường mong mỏi những thứ ‘thực tế’.

Nếu Tâm trí của bạn linh hoạt đủ để cảm thấy hoàn toàn thỏa mãn bởi một lâu đài cát, thì thứ gọi là ‘cái chết’ có thể đơn giản như di chuyển từ phòng này sang phòng khác. Do đó, sẽ dễ dàng cho một người như bạn chỉ cần gọi cho người đã chết và yêu cầu họ quay lại để bạn có thể nói với họ những gì họ cần biết. Đây là cách mà các hành giả thực hành Kim Cương Thừa suy nghĩ. Khi họ tin tưởng vào Tánh Không và hiểu được quy luật của Nhân, Duyên và Kết Quả, họ có thể sử dụng một phương pháp rất đơn giản – một trong vô lượng phương pháp của Kim Cương thừa – để triệu tập Tâm thức của người chết đến nơi diễn ra nghi lễ chang chok.

Những gì chúng ta làm trong nghi lễ chang chok là triệu tập Tâm thức của người chết về một hình nhân vẽ trên giấy, với chủng tự NRI ở chính giữa. Tên của người chết được viết trên cùng một tờ giấy, cùng với tên của nhiều người chết khác nếu muốn. Từ không gian của Bồ đề Tâm, hành giả Kim Cương Thừa – người làm chủ lễ xuất hiện trong hình tướng của vị Bổn Tôn theo một thực hành cụ thể mà họ đang thực hiện – ví dụ Đức Quán Thế Âm hay Đức Phật A Di Đà. Hành giả triệu tập thần thức của người chết (hoặc nhiều người chết) và thực hiện các nghi thức Quy Y và giới nguyện Bồ Tát, sau đó ban cho họ những giáo huấn thích hợp và quan trọng nhất trong tất cả, chính là ban quán đảnh [Abhisheka]. Sau khi tiến hành dâng cúng lần cuối với cúng phẩm là những đối tượng ưa thích của các giác quan, ý thức của người chết di chuyển về phía tim của vị Bổn Tôn chính trong Mạn đà la Đức Quán Thế Âm hoặc Đức A Di Đà.

Đây là cấu trúc của thực hành Khorwa Dongtruk – pháp thực hành chang chok theo truyền thống của Tổ Chokgyur Lingpa. Có nhiều cách thực hành tịnh hóa chang chok tốt, và ngắn khác để lựa chọn, nhưng bạn phải nhận được sự quán đảnh thích hợp trước khi thực hành chúng. Hãy hỏi người trao quán đảnh của giáo huấn này về phương pháp và nghi quỹ thực hành.

Nếu bạn chưa nhận được quán đảnh, hoặc bạn không phải là một hành giả Kim Cương Thừa, bạn có thể nhờ một vị Lạt Ma, Tăng Ni hoặc Đạo hữu có đủ khả năng thực hành pháp này cho người bạn hoặc người thân yêu đã qua đời của bạn. Và như tôi đã đề cập trước đó, việc bạn muốn giúp đỡ ai bằng cách yêu cầu những nghi thức như vậy cho thấy rằng, thông qua bạn, người chết có một liên kết gián tiếp với Phật Pháp. Vì vậy, hãy sử dụng liên kết đó làm nền tảng, từ đó thỉnh cầu thực hành các nghi thức vì lợi ích của họ cũng như tham gia vào tất cả các hình thức hoạt động đức hạnh.

Bà tôi đã mỉm cười khi qua đời và trông bà rất yên bình. Gia đình tôi luôn tin rằng điều này nghĩa là bà đã có một ‘cái chết an lành’. Nhưng cái chết của ông tôi lại khá khác biệt và rất đau khổ cho cả gia đình – không giống như một ‘cái chết an lành’. Rinpoche có thể mô tả một ‘cái chết an lành’ không?

Đối với người chết, đôi môi bị nhăn nheo và co lại như đang mỉm cười thì chắc chắn không phải là đặc điểm cần thiết để gọi là ‘cái chết an lành’.

Cái chết an lành là cái chết có thể nghe thấy được việc trì niệm danh hiệu của chư Phật và Bồ Tát.

Cái chết an lành là có ai đó ở bên cạnh để nhắc nhở bạn suy nghĩ về hạnh phúc của tất cả chúng sinh và để bạn phát khởi những nguyện ước cầu mong cho tất cả chúng sinh đều hạnh phúc và không gánh chịu khổ đau.

Cái chết an lành là có ai đó ở bên bạn để nhắc nhở bạn đừng tham lam, hay giữ lấy bất kỳ phần nào của cuộc sống này, hoặc tức giận, v.v…

Một cái chết an lành, theo Phật Giáo, là chết trong bầu không khí của Phật, Pháp và Tăng.

Và một cái chết cực kỳ tốt lành là cái chết được giới thiệu về bản tánh của Tâm – Phật Tánh – bởi một hành giả có năng lực tại thời điểm chết. Nhưng đừng quá vội khi đánh giá cái chết này là ‘an lành’ và cái chết kia thì ‘xấu, tệ’. Rốt cuộc, cái chết của người bạn trông thấy sẽ ‘tốt’ hay ‘xấu’ dựa trên những nhận thức của chính bạn và như vậy, khái niệm này đã được tô vẽ thêm bởi kinh nghiệm, nền tảng giáo dục và những định kiến của riêng bạn.

Các phương pháp điều trị khẩn cấp, như hồi sức tim phổi [CPR] hay dùng kích điện để giúp trái tim hoạt động trở lại, sẽ gây thêm những nỗi khổ không cần thiết cho người chết có phải không?

Không có cách nào biết được điều này. Trong trường hợp khẩn cấp, tốt nhất nên dựa vào lời khuyên của bác sĩ về những phương pháp điều trị cần thiết. Mỗi người trong chúng ta đều cực kỳ bám chấp vào cuộc sống. Ý chí sống của chúng ta thường mạnh mẽ đến mức nếu có một cơ hội nhỏ nhất giúp cho cuộc sống kéo dài thêm được chút nữa, hầu hết chúng ta sẽ không ngần ngại trải qua những phương pháp điều trị kích động khẩn cấp như CPR. Nhưng rất khó để đánh giá điều gì thật sự tốt và hữu ích cho một người nào đó.

Phải nói rằng, vì các hành giả thực hành Phật Pháp coi trọng việc thực hành hơn tất cả, một hành giả dày dạn sẽ xem xét có đáng phải chịu đựng sự khó chịu và đau khổ khi trải qua quá trình can thiệp khẩn cấp không hay nếu làm như vậy chỉ khiến họ mất thêm một chút thời gian để thực hành. Nếu những quá trình này có thể giúp hành giả có thêm vài giây vì họ cần nhìn vào bức ảnh của Đức Phật, hoặc vị Đạo Sư của họ, hay để nghe âm thanh của Giáo Pháp, hầu hết họ sẽ vui lòng chịu đựng nó.

Chồng tôi sắp chết và nói rằng, trong một tình huống khẩn cấp, anh ấy không muốn được áp dụng các biện pháp hồi sức cấp cứu để kéo dài cuộc sống. Tôi có nên tôn trọng ý muốn của anh ấy không?

Nếu người bệnh hoặc người sắp chết có ý thức với một ‘Tâm trí đúng đắn’ – nghĩa là nếu họ biết phải trái, có lý trí, suy nghĩ rõ ràng và không mắc bất kỳ hình thức tâm thần nào – vâng, bạn nên tôn trọng ý muốn của họ.

Bác sĩ nói rằng các biện pháp điều trị có thể khiến chồng tôi thoải mái hơn, nhưng anh ấy kiên quyết không muốn trải qua các thử thách đó. Tôi có nên can thiệp nếu các bác sĩ cứ cố nài nỉ?

Nếu Tâm trí người sắp chết tỉnh táo và không có ý định vứt bỏ cuộc sống, thì ý muốn của họ nên được tôn trọng. Nhưng hãy nhớ rằng có một ranh giới mong manh giữa việc muốn áp dụng hình thức ‘trợ tử’ – đây không phải chọn lựa dành cho Phật Tử, và việc không muốn duy trì sự sống bằng những phương pháp nhân tạo, điều này cần được tôn trọng. Trong vài trường hợp, một hành giả có thể khước từ phương pháp điều trị bởi vì nó sẽ gây trở ngại đối với thực hành tâm linh của họ. Vì vậy, chúng ta nên đặc biệt tôn trọng những ước muốn của một hành giả.

Sự cân bằng hợp lý giữa việc cho người sắp chết sử dụng morphin để đảm bảo rằng họ không phải chịu quá nhiều đau đớn và việc duy trì sự minh mẫn của Tâm trí để họ có thể nhận thức rõ ràng nhất tại thời điểm chết thì quan trọng như thế nào?

Điều này còn tùy thuộc. Về quan điểm tâm linh, nếu người chết không phải là một hành giả và có những thói quen tiêu cực mạnh mẽ, cho dù họ có dùng morphin hay không, có khả năng rất lớn là họ sẽ giải thoát tại thời điểm chết và tái sinh làm súc vật.

Nếu có thể, tốt nhất không nên cho người gần chết sử dụng thuốc, nó sẽ làm họ choáng váng hoặc đánh gục họ. Tốt nhất là thực hiện giống như các hành giả, họ không muốn trở nên mụ mị bởi ma túy, mà muốn thật biết những gì đang xảy ra khi họ chết. Bằng cách duy trì ý thức và nhận thức, họ sẽ có thể nghe bạn bè trì tụng danh hiệu của Đức Phật hoặc đọc những hướng dẫn cho thời điểm chết, và thậm chí họ có thể nhìn vào bức ảnh của vị Phật hoặc Đạo Sư của họ.

Cầu nguyện quan trọng như thế nào?

Khi một người gần chết trở nên sợ hãi đến mức hoảng loạn, các bác sĩ của bệnh viện thường trấn an họ nhưng không có nhiều lựa chọn lắm. Nếu bạn là người mang tâm linh và đang chăm sóc một người sắp chết cần được trấn an, bạn chỉ cần ở bên giường họ và nói lời cầu nguyện. Cầu nguyện luôn mang lại lợi ích rất lớn, bất kể bạn theo truyền thống nào. Và thông thường, cũng không có gì khác bạn có thể làm.

Người Anh thường nói, “Giá trị nằm ở ý nghĩ”. Thật chính xác! Và cầu nguyện là một việc làm chứa đựng nhiều sức mạnh và hiệu quả hơn so với một ý nghĩ thoáng qua. Vì vậy, những lời cầu nguyện từ bất kỳ truyền thống nào cũng đều có lợi ích.

Nếu người sắp chết là người Do Thái, Cơ Đốc giáo, Ấn Độ Giáo, vô thần, v.v… và bạn là một Phật Tử, không có lý do gì để bạn không nên đọc những bài cầu nguyện Phật Giáo cho họ. Nếu người sắp chết cởi mở và chia sẻ niềm tin tôn giáo của họ với bạn, hãy hỏi trực tiếp nếu họ muốn bạn đọc những bài cầu nguyện [cho họ] theo chính truyền thống của họ hay không.

Đức Dzongsar Khyentse Rinpoche

Việt dịch: Lạc Hải Âm 

Hiệu Đính: Chánh Nhân – Nguyễn Nam 

Trích: Sống Là Dần Chết – Làm thế nào để chuẩn bị cho lúc Cận Tử, Chết và sau khi Chết