SỐNG LÀ DẦN CHẾT

Làm gì khi ở cạnh người sắp chết

Chúng Ta có thể làm gì cho những người thân yêu đang hấp hối, đặc biệt nếu họ đang hoặc không hướng về tâm linh từ trước, chưa kể đến việc họ có phải Phật Tử hay không? Liệu việc khuyến khích người sắp chết và người chết phát khởi Quy Y và Bồ Đề Tâm có thật sự hữu ích? Và một người không theo đạo Phật có thể thật sự hiểu giáo lý về bardo [những trạng thái trung gian] không? Đây là những câu hỏi rất hay. 

Sự xác quyết và động cơ 

Trước hết, thực tế là bạn muốn giúp đỡ người sắp chết – nghĩa là bạn đang hướng suy nghĩ của mình về người đó – việc này chỉ ra rằng có một mối liên kết tâm linh hoặc liên kết nghiệp giữa bạn và người sắp chết.

Có bao nhiêu người, động vật hoặc côn trùng đang chết trong mỗi khoảnh khắc? Có phải chúng ta đang suy nghĩ về tất cả những chúng sinh đó không? – Không. Mặc dù, học theo hạnh tốt của chư vị Bồ Tát đòi hỏi phải quan tâm đến tất cả chúng sinh, nhưng chúng ta lại hiếm khi thực hiện được. Chúng ta có xu hướng chỉ nghĩ về những người gần gũi với mình. 

Dù họ có nhận ra hay không, người nào có mối quan hệ với bạn chắc chắn phải có kết nối với Phật Pháp. Tại sao? – Bởi vì họ có mối liên hệ với bạn và bạn có mối liên hệ với Phật Pháp. Sự thật của việc bạn muốn giúp đỡ họ nghĩa là họ phải có một số phước báu. Như vậy, người bạn đang hấp hối, tuy không phải là Phật tử nhưng họ có một kết nối gián tiếp với Phật Pháp thông qua bạn – loại kết nối sẽ thật sự giúp đỡ họ. Đây là cách những kết nối tạo nên giá trị.

Bạn có thể nghèo và không có quyền lực theo quan điểm thế gian, nhưng tại thời phút lâm chung, một người giàu có, nổi tiếng, đầy quyền lực, không biết gì về tâm linh sẽ không giúp ích được gì cho bạn của bạn. Việc bạn quan tâm về sự an lành của người bạn sắp chết, sẵn sàng hỗ trợ và chăm sóc họ là tin tốt lành nhất họ có thể nhận được. Bạn có thể là người duy nhất họ biết có mối liên hệ với Phật Pháp và có thể giúp họ những thông tin cần thiết để định hướng trong tiến trình chết và sau khi chết, cũng như tiến hành những thực hành liên quan. Vì vậy, với ý nguyện tốt, sự hướng dẫn và việc hồi hướng [chia sẻ công đức] của bạn là những cách giúp đỡ duy nhất và thật sự hữu ích mà họ được trao tặng. Họ đã vô cùng may mắn khi quen biết bạn.

Với động cơ đúng đắn, bạn có thể tự tin rằng bất cứ điều gì bạn làm đều sẽ mang lại lợi ích. Ngay cả khi bạn mất bình tĩnh vì quá mệt mỏi hay thất vọng, đó không phải là vấn đề lớn. Rốt cuộc, đâu có ai biết điều gì thật sự có ích và điều gì không? Mỗi con người đều khác nhau, vì vậy không thể đưa ra kết luận gì. Tất cả những gì bạn có thể làm là mang đến sự giúp đỡ mà bạn tin rằng sẽ lợi lạc nhất.

Tạo một không gian tĩnh lặng và an bình

Nếu người sắp chết đau đớn và sợ hãi nhưng tỏ ý không chịu trao đổi về những chủ đề tâm linh và cách thực hành, đừng cố gắng áp đặt bất kỳ tư tưởng Phật Giáo hay phương pháp nào lên họ. Đơn giản chỉ cần tạo ra một môi trường hài hòa và an bình, hãy luôn chân thật và thẳng thắn. 

Một người trong giai đoạn hấp hối, càng bình tĩnh thì càng tốt. Nghĩa là thái độ, điệu bộ và ngôn ngữ cơ thể của bạn bè, gia đình và những người chăm sóc cho người sắp chết rất quan trọng, bởi vì phải phụ thuộc vào họ thì một bầu không khí an bình và yêu thương mới được thiết lập. Quan trọng nhất hơn tất cả chính là động cơ của bạn. Hãy ghi nhớ điều này khi bạn thấy mình bị quá đè nặng do cảm xúc lấn át; thay vì suy sụp và cảm thấy mọi thứ đổ vỡ, hãy cố gắng tập trung vào những thể hiện nhẹ nhàng, bình tĩnh, đầy lòng bi mẫn.

Đáng ngạc nhiên, có lẽ, những người không theo Đạo Phật thường đối mặt với cái chết với Tâm trí bình tĩnh hơn nhiều người theo đạo Phật; bởi vì, một người tuy là Phật tử thì không có nghĩa là phẩm tính bình tĩnh sẵn có tự nhiên trong họ.

Một người hay lo lắng và dễ kích động, sợ hãi và bồn chồn, hay bị ám ảnh và không thể buông xả trong cuộc sống thì không thể đột ngột trở nên bình tĩnh được mà sẽ tiếp tục như vậy bởi vì họ đang sắp chết. 

Cũng nên nhớ rằng, nếu người sắp chết lo lắng và có trạng thái kích động về thể chất thì không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc người này không thể giữ tập trung, hay không thể xác định họ nên làm gì. Vì vậy, đừng cố gán đặt cho người sắp chết những suy diễn của bạn về trạng thái Tâm của họ.

Nếu người sắp chết là hành giả thực hành Thừa Thanh Văn [Shravakayana], họ sẽ cố gắng an trụ trong Vô Ngã Tánh hoặc suy nghĩ hướng về Đức Phật, Giáo Pháp và Tăng đoàn.

Nếu người đó là Phật tử Đại thừa, họ sẽ cố gắng an trụ vào tri kiến của Tánh Không [Shunyata].

Một hành giả Kim Cương Thừa sẽ nghĩ về vị Đạo Sư của họ khi chết, hoặc danh hiệu và hình tướng của Đức Phật A Di Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Súc Bệ, Quán Thế Âm, Đạo sư Liên Hoa Sinh, Đức Văn Thù Sư Lợi, Đấng Tôn Quý Tara, v.v… Và tại thời điểm chết, họ sẽ nghĩ về vị Bổn Tôn riêng – ‘yidam’ của họ. 

Luôn Luôn Nói Sự Thật

Đến tận bây giờ 

tôi vẫn nghĩ rằng

 chỉ người khác chết – 

thứ hạnh phúc kia 

nên rớt vào tôi

 Ryoto

Tuy sự thật có thể khó nghe, nhưng thành thật với một người sắp chết vẫn luôn luôn là điều tốt nhất. Hầu hết chúng ta né tránh nói với người mình yêu thương rằng họ sắp chết, ngay cả khi điều đó rõ ràng một cách trắng trợn. Chúng ta thường nói dối bởi vì chính bản thân chúng ta không muốn chấp nhận người thân yêu đang sắp phải rời xa mình. Niềm hy vọng sai khiến chúng ta che giấu sự thật với bản thân và cả người thân yêu.

Những người chưa bao giờ có đời sống tâm linh đôi khi tưởng tượng rằng họ là người duy nhất từng trải qua sự đau khổ của cái chết. Rõ ràng điều này không đúng, vì vậy hãy nhắc nhở họ rằng không ai trên trái đất được quyền chọn lựa trước cái chết: mọi người đều phải chết, kể cả họ. 

Cũng đáng để chỉ ra rằng không có thông báo nào về việc ai sẽ là người chết trước. Người thân của bạn có thể đang ở trong giai đoạn tiến dần đến cái chết, nhưng bất kỳ tai nạn nào có thể xảy ra và vì vậy không ai trong chúng ta biết được mình sẽ chết khi nào và chết như thế nào, không có gì đảm bảo rằng bạn sẽ không chết trước khi người thân đang bệnh nặng lìa đời.

Tôi có thể thật sự giúp ích không?

Nếu không chứng đạt Giác Ngộ thì không thể chắc chắn liệu bất cứ điều gì bạn làm sẽ thật sự hữu ích cho một người sắp chết hoặc điều đó có ý nghĩa với người sống hay không. Với ý định tốt nhất, bạn có thể động viên người bạn đang ốm dùng một loại thuốc đặc trị, nhưng bạn sẽ không bao giờ biết nếu thuốc sẽ hữu ích hay lại làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Sức khỏe người bạn đó có thể cải thiện đáng kể, nhưng về lâu dài, các tác dụng phụ có thể gây ra sự tàn phá – hoặc ngược lại.

Nhưng như tôi đã nói, điều quan trọng nhất về sự giúp đỡ bạn dành cho họ chính là động cơ của bạn. Nếu bạn có một trái tim nhân hậu và nụ cười dễ chịu, nếu bạn ấm áp, lịch sự và khiêm nhường, và nếu bạn thật sự muốn cải thiện cuộc sống hay cái chết của người khác, cho dù họ là người theo thuyết bất khả tri, vô thần hay một người hoàn toàn xa lạ, họ sẽ gần như đánh giá cao sự giúp đỡ của bạn hơn là sự giúp đỡ từ những người thân cận với họ – những người chỉ hành động vì nghĩa vụ chứ không phải tình yêu.

Chúng ta có nên nói về cái chết?

Đức Phật nói rằng trong tất cả các thiền định về Chánh Niệm, Chánh Niệm về cái chết là quan trọng nhất, và vì vậy những thảo luận về cái chết không bao giờ là một điềm xấu. Tất cả chúng ta nên nói về nó nhiều hơn nữa. Tất cả chúng ta rồi sẽ phải chết, vì vậy cái chết không chỉ là chủ đề dành riêng cho người sắp chết hoặc người già. Tôi nghĩ chúng ta nên khuyến khích mọi người suy nghĩ và bàn luận về cái chết nhiều hơn mức độ hiện tại. Có lẽ chúng ta nên tài trợ cho các bảng quảng cáo khổng lồ ở các thành phố lớn và các ga tàu điện ngầm có nội dung như, ‘Cuộc sống của bạn đang ngắn dần sau mỗi tiếng tik-tắc đồng hồ’ và ‘Mỗi giây đưa bạn đến gần hơn với cái chết’. Và đi kèm với lễ kỷ niệm sinh nhật nên bao gồm cả lời nhắc rằng bạn đã thêm một năm tiến gần đến cái chết?

Nếu sống giữa những người theo chủ nghĩa duy vật, bác bỏ bất cứ điều gì thuộc về tâm linh và xem đó chỉ là trò mê tín, bạn cần phải khá khéo léo về cách đưa chủ đề cái chết vào cuộc trò chuyện. Với đối tượng này, những chủ đề khó xử lý sẽ có xu hướng bị phớt lờ hoặc bị từ chối, vì vậy đưa ra chủ đề về cái chết quá trực tiếp khiến bạn có nguy cơ bị xa lánh bởi những người mình đang có ý định giúp đỡ.

Thay vào đó, hãy tập trung vào việc nhẹ nhàng giới thiệu một chút thông tin chung chung về vô thường. Chỉ ra rằng vô thường và thay đổi thì không phải lúc nào cũng tiêu cực. Trong thực tế, vô thường là những gì giúp cho việc cải thiện và đổi mới có thể diễn ra. Nói với họ rằng, nhờ mọi thứ đều vô thường mà chúng ta có thể thay đổi cuộc sống của mình tốt hơn. Nhưng trước khi thực hiện bất kỳ một cải thiện nào, đầu tiên, chúng ta cần phải hiểu và chấp nhận bản chất vô thường của mọi hiện tượng. Sau đó, bạn có thể dần dần nói về sự thật: chính cuộc sống cũng vô thường.

Tất nhiên, cách bạn tiếp cận chủ đề cái chết sẽ phụ thuộc vào người bạn đang cố gắng giúp đỡ. Người theo chủ nghĩa vật chất thường có xu hướng chỉ quan tâm đến tiền của chính họ, quyền lực thế tục và địa vị, những mạng lưới và kết nối có thể đem đến cho họ nhiều tiền và quyền hơn. Những con người như vậy chẳng bận tâm đến việc ghé thăm những Bảo Tàng bởi vì đối với họ đó là việc lãng phí thời gian, và thời gian là tiền bạc. Họ sẽ không bao giờ nghĩ đến việc dậy sớm để ngắm bình minh, hay thay đổi kế hoạch đã định chỉ để ngắm hoàng hôn – trừ khi họ muốn gây ấn tượng với một người giàu có khác bằng cách sử dụng cảnh hoàng hôn làm phông nền cho một bức hình ‘tự sướng’ [tự chụp chân dung chính mình – selfie]. Vì vậy, bắt đầu một cuộc trò chuyện về cái chết hoặc bất cứ điều gì liên quan đến tâm linh với một người như vậy là không dễ dàng. Nếu bạn không thể nói chuyện về thơ ca hay triết học với ai đó vì điều này không thể kiếm ra tiền, thì làm sao bạn có thể nói về cái chết? Tất cả những gì bạn có thể làm cho những người ưa thích vật chất là cầu nguyện cho họ. 

Phải nói rằng, nhiều người tỏ ra trung thành với chủ nghĩa vật chất nhưng lại có thể bất ngờ chuyển sang tâm linh, chỉ là họ không nhận ra điều này. Đã từng trải nghiệm rất nhiều về thế giới trong quá trình theo đuổi những thỏa mãn vật chất – họ từng có mặt ở khắp nơi, làm tất cả mọi thứ, ăn ở tất cả những nhà hàng ngon nhất thế giới, v.v… đang hướng về vật chất rất rõ rệt, nhưng khi người này cảm thấy mệt mỏi, nhàm chán với cuộc sống cao sang, họ có cơ hội rất tốt để trở thành người thật sự theo đuổi đời sống tâm linh, thậm chí còn tốt hơn so với những người tự xưng mình là Phật Tử, là tín đồ Kitô Giáo, Ấn Giáo. Những người tự cho mình ‘có tố chất tâm linh’ thường gặp khó khăn hơn cả những người theo chủ nghĩa vật chất chuyển hướng sang tâm linh, bởi dạng người này đã tiêu tốn cả cuộc đời để lừa gạt chính mình và người khác. Đây là đối tượng khó giúp đỡ nhất, đặc biệt khi bạn bắt đầu thảo luận về cái chết hoặc bất kỳ một hình thức thực hành tâm linh chân chính nào.

Mặc dù bạn bè và gia đình khẳng định với bạn rằng họ không phải là người có khả năng tâm linh, nhưng nếu họ thích thú theo đuổi những điều kỳ diệu và huyền bí như thơ hay triết học, và nếu họ nhiều tình cảm và đủ lãng mạn để ngắm hoàng hôn, hay tưởng tượng rằng đó sẽ là lần cuối cùng họ có thể nhìn ngắm hoàng hôn, thì những người như vậy cũng có thể có khả năng tốt để lắng nghe sự thật. Vì vậy, hãy thử đưa cho họ một ít thông tin về Phật Pháp, nhưng đừng nhấn chìm họ trong đó! Món quà quý giá nhất bạn có thể tặng cho bạn bè, con trẻ và gia đình chính là Phật Pháp. Hãy thử rót một chút Pháp vào tai họ, đừng quá lạm dụng. Và đừng bao giờ sử dụng Phật Pháp làm lý luận để sửa chữa hành vi của họ. Sẽ tốt hơn nhiều nếu bạn đợi đến khi có người nào làm được điều gì đáng ngưỡng mộ [nhờ thực hành Phật Pháp] và người này đã được thúc đẩy bởi lòng vị tha, [hãy dùng ví dụ đó để dẫn dắt] thay vì giới thiệu một khía cạnh đúng đắn của Pháp bằng cách buộc họ phải chấp nhận và khuyến khích thực hiện. Đừng bao giờ áp đặt niềm tin của bạn lên người khác – sẽ chẳng giúp ích gì.

Làm thế nào để an ủi người sắp chết?

Khuyên nhủ người sắp chết buông bỏ tất cả những gì họ đang dính mắc và những lo lắng về việc kinh doanh dở dang, những nhiệm vụ, kế hoạch, v.v… và đừng suy nghĩ về những người thân yêu, nhà cửa, công việc hay bất cứ điều gì ràng buộc họ với cuộc sống này. Tôi đã đề cập điều này ở phần trước và nó rất quan trọng. 

Khuyên người sắp chết hãy để cho Tâm trí được bình tĩnh và chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo bằng cách tạo ra những ý nguyện tốt đẹp. Những người không theo đạo Phật có thể có những ý nguyện tốt đẹp nào? Chẳng hạn như, họ có thể ước nguyện để trở thành: 

  • Người có phẩm chất thật sự tốt đẹp để tranh cử chức Tổng Thống Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử kế tiếp. 
  • Người giúp giải quyết các vấn đề môi trường liên quan đến sự nóng lên của toàn cầu. 
  • Người giúp trồng và nuôi dưỡng thật nhiều cây xanh.
  • Người khám phá ra những giải pháp không quá đắt tiền để chữa các căn bệnh suy nhược, bệnh mãn tính nhưng không kèm theo những tác dụng phụ khó chịu.
  • Người sáng chế ra loại xe ô tô chạy bằng năng lượng sạch, miễn phí, không thải ra khí carbon mà lại phát ra năng lượng tích cực vào môi trường.

Nếu biết nhiều hơn về cá nhân người sắp chết, bạn sẽ có một số ý tưởng đối với những điều họ tin vào. Dù một người là kẻ xấu xa nhất trên thế giới cũng phải tin vào điều gì đó không có hại, vậy nên hãy tận dụng niềm tin đó. Có lẽ, họ có thể khao khát một tuần chỉ cần làm việc hai ngày thôi chăng?

Bạn cũng có thể gợi ý người sắp chết làm điều gì đó để mang lại danh tiếng cho họ sau khi đã chết. Họ có thể quyên góp tất cả tiền của để dựng các biển quảng cáo mà tôi đã đề cập phía trên, những tấm bảng nhắc nhở người đang sống về tính hiện thực của cái chết – một thực tế mà tất cả chúng ta sẽ phải đối mặt. Hay làm những điều tương tự như thế.

Hỏi người sắp chết có bất cứ điều gì họ muốn bạn làm cho họ không. Hỏi họ cần nên làm gì với tiền, những mối đầu tư, tài sản và đồ đạc của họ, và hứa rằng bạn sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo cho những mong muốn của họ sẽ được thực hiện đúng như di chúc. Một số người dành cả cuộc đời để lo lắng về những của cải vật chất và xu hướng thói quen này sẽ không đột nhiên thay đổi chỉ vì họ sắp chết. Nhưng việc biết được bạn sẽ làm mọi thứ trong khả năng để thực hiện mong muốn của họ có thể giúp họ an dịu những lo lắng. Đây là một lý do khác giải thích tại sao sẽ là điều tốt nếu có thể nói thật cho người bạn yêu thương biết rằng họ sắp chết.

Nếu người sắp lâm chung là một Phật tử Thanh Văn Thừa hoặc Đại Thừa, hãy nhắc nhở họ về tầm quan trọng của những ý nguyện. Khuyến khích họ dấy khởi niềm khao khát chứng đạt Giác Ngộ, được tái sinh với khả năng mang lại lợi lạc cho người khác và gặp được con đường thực hành đúng đắn – con đường của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, con đường của lòng từ ái bi mẫn với Tâm không phân biệt. Tiếp tục lặp lại những thông điệp này bằng lời nói hoặc lập lại trong Tâm bạn, ngay cả sau khi người thân qua đời.

Nếu người sắp chết là một hành giả Kim Cương Thừa, hãy đọc các hướng dẫn súc tích trang 273. Nếu thích, bạn có thể đọc quyển Đại Giải Thoát Nhờ Lắng Nghe Trong Bardo 30, hoặc chọn bất kỳ hướng dẫn xác thực nào về bardo, những nội dung hướng dẫn chi tiết hoặc giản lược mà bạn quen thuộc, hoặc chọn một trong nhiều nội dung khác được đăng tải, ví dụ: 

  • Con Đường Tối Thượng Đưa Đến Giải Thoát Toàn Hảo: Một hướng dẫn thực hành (Nedren) cho Dukngal Rangdrol (Tự Nhiên Giải Thoát Khổ Đau) Thực Hành từ Bậc Thành Tựu Bi Mẫn Vĩ Đại theo truyền thống Longchen Nyingtik được trước tác bởi Tổ Dodrupchen Jigme Trinle Ozer:

www.lotsawahouse.org/tibetan-masters/dodrupchen-I/excellent-path-to-perfectliberation

  • Những Bài Kệ Gốc về Sáu Bardo do Tổ Karma Lingpa trước tác: www.lotsawahouse.org/tibetan-masters/karma-lingpa/root-verses-six-bardos
  • Lời Khuyên Thiết Yếu: Một Hướng Dẫn Toàn Bộ về Bardo do Tổ Longchen Rabjam trước tác www.lotsawahouse.org/tibetan-masters/longchenrabjam/complete-set-instructions Hãy đọc to những hướng dẫn trên cho hành giả Kim Cương Thừa trong giai đoạn hấp hối, như một lời nhắc nhở về những gì đang xảy ra và những gì họ nên làm.

Nếu những người thân của người sắp chết là Phật Tử, họ có thể đọc tụng Kinh A Di Đà thành tiếng hoặc trì tụng minh chú [mantra] hoặc chân ngôn tổng trì [dharani] mà người sắp lâm chung thích nhất.

  • Bản Kinh A Di Đà ngắn thể được tải xuống từ trang web 84000: http://read.84000.co/translation/UT22084-051-003.html 

Nói với người thân và bạn bè của người sắp lâm chung rằng, theo những giáo huấn về bardo, sự nhận biết và ý thức của người thân họ vẫn sẽ tiếp tục hoạt động trong vài giờ đến vài ngày sau khi chết. Điều này có nghĩa là Tâm của người chết sẽ có thể nhìn và nghe thấy những gì diễn ra trong gia đình sau khi cơ thể vật lý được tuyên bố đã chết. Đây là lý do tại sao truyền thống người Tây Tạng luôn khuyên gia đình hãy tránh nói về bản di chúc và tranh giành những món đồ của người chết. Gia đình cũng được khuyên không nên cho đi tài sản của người chết, hoặc không hủy hoại những bộ sưu tập của họ càng lâu càng tốt.

Cảm giác tội lỗi

Người sắp chết đôi khi bị trói chặt bởi cảm giác tội lỗi về việc đã làm những điều tồi tệ trong khi sống. Nếu bạn ở gần một Phật Tử đang hấp hối – người bị lương tâm cắn rứt về hành vi trong quá khứ, hãy gợi ý họ tự giải thoát khỏi mặc cảm tội lỗi bằng cách nhận lấy tội lỗi của tất cả chúng sinh thông qua thực hành Tonglen (xem trang 277): “Nguyện cho mọi mặc cảm tội lỗi của tất cả chúng sinh, tôi đều có thể nhận lãnh hết”. Bằng cách làm như vậy, họ không những có khả năng trút bỏ những mặc cảm tội lỗi của bản thân, mà còn cảm thấy tốt hơn vì đã thực hiện một hành động có ý nghĩa cực kỳ lớn lao và giúp họ tích lũy được một lượng lớn công đức. Sau đó, lượng công đức này có thể dùng để hồi hướng [chia sẻ] cho sự Giác Ngộ của tất cả chúng sinh, việc này lại tạo ra nhiều công đức hơn nữa và có thể dành để hồi hướng cho sự tái sinh tốt hơn của tất cả chúng sinh, bao gồm chính bản thân họ.

Nếu bạn nghĩ điều này hữu ích, hãy nói với người sắp chết rằng, theo lời Đức Phật dạy, cảm giác tội lỗi mà họ đang cảm nhận được tạo ra bởi Tâm trí của chính họ, do vậy, đừng nên cho phép mình bị ám ảnh bởi những sự phóng chiếu tự tạo lập.

Bạn cũng có thể gợi ý người sắp chết cách hình dung tất cả chư Phật và Bồ Tát hiển hiện trên bầu trời phía trước mặt họ, và từ tận đáy lòng, hãy thành tâm thú nhận tất cả những gì họ cảm thấy tội lỗi. 

Đối với một hành giả Kim Cương Thừa đang hấp hối, bạn có thể gợi ý cho họ trì tụng minh chú của Đức Phật A Súc Bệ hoặc minh chú một trăm âm của Đức Kim Cương Tát Đỏa. 

SỐNG LÀ DẦN CHẾT

Đức Phật A Súc Bệ 

Minh Chú Tổng Trì của Đức Phật A Súc Bệ:

 NAMO RATNA TRAYAYA OM KAMKANI KAMKANI ROCANI ROCANI TROTANI TROTANI TRASANI TRASANI PRATIHANA PRATIHANA SARVA KARMA PARAMPARANI ME SARVA SATTVANANCA SVAHA

SỐNG LÀ DẦN CHẾT

Đức Kim Cương Tát Đỏa 

 

Minh Chú Một Trăm Âm (tiết) của Đức Kim Cương Tát Đỏa: 

OM VAJRASATTVA SAMAYA MANUPALAYA VAJRASATTVA TENOPA TISHTHA DRIDHO ME BHAWA SUTOKHAYO ME BHAWA SUPOKHAYO ME BHAWA ANURAKTO ME BHAWA SARWA SIDDHI ME PRAYACCHA SARWA KARMA SU TSA ME TSITTAM SHREYANG KURU HUNG HA HA HA HA HO BHAGAWAN SARWA TATHAGATA VAJRA MA ME MUNCA VAJRI BHAWA MAHA SAMAYA SATTVA AH 

Minh chú Sáu Âm (tiết) của Đức Kim Cương Tát Đỏa:

OM VAJRA SATTVA HUM

Đức Dzongsar Khyentse Rinpoche

Việt dịch: Lạc Hải Âm 

Hiệu Đính: Chánh Nhân – Nguyễn Nam 

Trích: Sống Là Dần Chết – Làm thế nào để chuẩn bị cho lúc Cận Tử, Chết và sau khi Chết