77e3798bb9782084333898c5f75d9aab_Generic

Người Phật Tử Chuẩn Bị Cho Cái Chết Như Thế Nào?

Bước vào đời, hai bàn tay trắng,

Rời bỏ thế giới với đôi chân trần.

Như thế, Tôi đến, và đi –

Chỉ hai sự đơn giản,

Nhưng sao quá rối bời.

Kozan Ichikyo

Phật Giáo nhìn nhận cái chết là một cơ hội tâm linh lớn lao, tại sao như vậy?

Nếu như không làm bất kỳ điều gì, những tiến trình trải qua một cách tự nhiên khi chết sẽ đưa chúng ta đối diện trực tiếp với Nền Tảng Của Sự Giải Thoát. Đạo Sư Chogyam Trungpa Rinpoche vĩ đại có sự mô tả rất nổi tiếng về Nền Tảng này như là “Bản Tánh Thiện Lành Của Một Con Người”. Tại thời điểm lâm chung, Tâm thức tách rời khỏi cơ thể, và vào giây phút phân tách, tất cả mọi người kinh nghiệm sự trần trụi của Phật Tánh, Như Lai Tạng. Trong giây phút chia tách đó, nếu như Nền Tảng Của Sự Giải Thoát được chỉ ra và trực nhận, chúng ta sẽ được giải thoát.

Nói cách khác, nếu bạn chết trong hoàn cảnh thuận lợi, nếu có một người đủ khả năng hiện diện ở phút lâm chung để khai mở Phật Tánh của bạn, và nếu bạn lĩnh hội được sự khai mở này, bạn có thể được giải thoát. Chính như vậy mà nói rằng, khoảnh khắc lâm chung ban tặng cho chúng ta một cơ hội to lớn.

Hành động trực chỉ Nền Tảng Giải Thoát gây nên một ấn tượng mạnh mẽ vào À-lại-da thức của bạn. Nếu như bạn không giải thoát tại thời điểm chết, khi bạn nghe những từ như ‘Phật Tánh’ trong đời sống kế tiếp, hoặc ‘Như Lai Tạng’, ‘Bản Tính Thiện Lành Của Một Con Người’ và ‘Nền Tảng Giải Thoát’, bạn sẽ có cảm giác quen thuộc hoặc có cảm giác như ‘déjà vu’ [déjà vu: cảm thấy quen thuộc như đã từng thấy, từng trải qua trong trí nhớ khi ở trong một môi trường, khung cảnh mới, chưa từng biết trước đó hoặc không nhớ rõ lúc nào] – cả hai hiện tượng này đều là dấu hiệu cho việc bạn có thể là ‘bình chứa tốt’ đối với thực hành Đại Toàn Thiện.

Ngay bây giờ, Phật Tánh đang được bọc trong lớp vỏ kén – chính là thân vật lý của bạn, những nhãn mác và tên gọi bạn gán đặt cho tất cả sự vật hiện tượng, những phân biệt bạn tạo ra, những thói quen, văn hóa, giá trị và cảm xúc. Toàn bộ mục đích và mục tiêu mà Giáo Pháp của Đức Phật muốn nhắm đến chính là phóng thích và giải thoát chúng ta khỏi sự bao bọc của lớp vỏ kén. Nhưng để thấu hiểu hoàn toàn sự giải thoát này, đầu tiên chúng ta cần phải biết về Nền Tảng Của Sự Giải Thoát.

‘Nền Tảng Của Sự Giải Thoát’ là gì?

Giống như thế này. Tưởng tượng rằng bạn đang ngồi trên một chiếc ghế bành trong một phòng khách nhỏ. Bỗng nhiên, tất cả những gì bạn muốn là đứng lên nhảy múa, vì vậy bạn dời chiếc ghế bành sang phòng ăn. Bạn có thể dời chiếc ghế bành, không cần biết cái ghế nặng và kềnh càng như thế nào, bởi vì chiếc ghế có thể di chuyển được, và có sẵn một không gian để dời cái ghế đến.

Xét theo một cách khác, Nền Tảng Của Sự Giải Thoát – cũng được biết là ‘Nền Tảng Của Sự Tỉnh Thức’ – đó là trạng thái giống như thức tỉnh khỏi giấc mộng. Khi gặp phải ác mộng, dù cho có trải qua những điều vô cùng khủng khiếp, nhưng chẳng có gì thật sự xảy ra cả và khi chúng ta thức dậy, cơn ác mộng tan biến mà không để lại chút dấu vết nào. Sự thật về việc không có gì thực chất xảy ra được gọi là ‘Nền Tảng Của Sự Giải Thoát’, ‘Phật Tánh’. Nếu như không có con nhện nào trong giường trước khi bạn trèo lên giường ngủ, khi bạn ngủ, trong lúc ngủ và khi tỉnh giấc, dù con nhện xuất hiện trong cơn ác mộng có lớn và đầy lông lá, thì cũng không bao giờ có con nhện thật nào xuất hiện trên giường. Nói cách khác, bạn không ở trong giấc mộng của mình. Không có ai nằm mơ liên tục, mà chỉ thỉnh thoảng, và vì bạn không sống trong giấc mơ của mình nên bạn có thể thức dậy – nếu bạn thật sự sống trong giấc mơ, bạn sẽ không thể nào tỉnh giấc.

Đó chính là ‘Nền Tảng Của Sự Giải Thoát’ giúp chúng ta có thể tỉnh dậy khỏi cơn ngủ – đầy những ảo tưởng của cuộc đời này. Đối với người Phật Tử sắp chết, nhận biết rằng chúng ta đang được trao cho một cơ hội để thức tỉnh trên Nền Tảng Của Sự Giải Thoát thì cái chết trở nên cực kỳ khích lệ. Nó nhắc nhở chúng ta về thời khắc cái chết xảy đến chính là cơ hội to lớn để tỉnh dậy và giải thoát.

Nhưng dĩ nhiên, tất cả những ví dụ và tranh luận này dựa trên những khái niệm riêng của Phật Giáo. Tôi thường tự hỏi nếu những người không phải Phật Tử, không có những hiểu biết về những thuật ngữ Phật Giáo dùng để mô tả các phương pháp này, thì liệu họ có thể tận dụng thời cơ cái chết mang đến hay không? Cái chết có thể chỉ được xem là một cơ hội khi được nhìn từ quan điểm của Phật Giáo.

Cắt Đứt Tất Cả Những Vướng Mắc Của Đời Sống Thế Gian

Những hành giả vĩ đại của Đạo Phật trong quá khứ, ví dụ như Ngài Milarepa, đã thường ao ước bằng tất cả tâm thành để được chết tại một nơi cô độc và hoàn toàn đơn độc.

Không cần ai thăm hỏi khi bệnh,

Không cần ai tiếc thương khi chết:

Chết một mình nơi chốn hiu quạnh

Là những gì một hành giả ước ao. 20

Giá như chẳng ai biết về cái chết của ta,

Và những chú chim chẳng thấy thân xác ta thối rữa.

Nếu có thể chết nơi núi non ẩn dật,

Thì sẽ toại nguyện ước mong của kẻ hèn mọn này. 21

Là người thực hành theo Phật Pháp, dù biết rất rõ cái chết sắp xảy ra và không thể trốn thoát, nhưng dường như trong cuốn sổ tay của bạn lại ghi đầy những cuộc họp bàn kinh doanh và sự kiện xã hội. Bất kỳ Tôn Giáo của bạn là gì, sẽ luôn có những kỳ nghỉ hè trong kế hoạch, hoặc đón Giáng Sinh cùng gia đình, hay bữa tối trong ngày Lễ Tạ Ơn, một bữa tiệc sinh nhật… Nhưng, như tôi đã đề cập, không có gì đảm bảo rằng một kế hoạch nào đó của bạn sẽ thật sự xảy ra và đạt đến kết quả. Bám víu vào niềm tin rằng mọi thứ diễn ra theo cách tốt đẹp nhất chỉ là đang nhóm lên ngọn lửa của sự thất vọng – hãy nhớ điều này, đây là điểm quan trọng. Hầu hết những vấn đề rất nghiêm trọng của phần đông con người phát xuất từ một niềm tin mù quáng và những giả thuyết vô lý.

Cái chết đang đến gần, hãy cố gắng từ bỏ những mối bận tâm của thế gian. Ngừng lo lắng về gia đình. Ngừng lập những kế hoạch. Ngừng suy nghĩ về những điều bạn đã không cố gắng để hoàn thành và tất cả những cuộc hẹn trong sổ tay.

Nếu bạn dũng cảm, can đảm và nếu như hoàn cảnh cho phép lựa chọn, thông thường, điều tốt nhất là bạn không nên thông báo rộng rãi đến bạn bè và người quen rằng bạn sắp chết. Đặc biệt quan trọng đối với những người thực hành tâm linh, để có thể tự tách họ ra khỏi những mối bận tâm thế tục không cần thiết – tách khỏi những điều có thể gây nên sự bất an và lo lắng cho bản thân vào lúc chết. Một hành giả thực hành Kim Cương Thừa nên, đương nhiên, nói với vị Đạo Sư của mình và những người bạn tâm linh thân thiết – là những người có thể dành cho bạn sự giúp đỡ tâm linh và hỗ trợ trong tiến trình chết và sau khi chết. Nhưng hãy cố gắng rút khỏi những mối quan hệ bạn bè và gia đình thế tục. Đối với những đứa trẻ không biết về Phật Pháp, anh chị, cha mẹ, những người có vẻ không hiểu rõ giá trị đối với những khía cạnh tâm linh về cái chết của bạn, thì nỗi buồn khổ và tiếc thương của họ có thể dễ dàng khiến bạn bị phân tán và bất an.

Giáo lý của Đức Phật đề nghị rằng khi cái chết đến gần, chúng ta nên hành xử như hình ảnh của một chú nai bị thương và cố gắng tìm về nơi vắng vẻ. Tuy nhiên, trong thế giới trần tục hiện nay, rất khó để chúng ta chọn cho mình cái chết đơn độc. Hãy tưởng tượng xu hướng công kích công khai trên những phương tiện truyền thông, những thuyết âm mưu và các vụ kiện theo sau việc phát hiện một cái xác đã phân hủy được vài tuần! Với hầu hết chúng ta, một cái chết hoàn toàn đơn độc sẽ là điều bất khả thi. Nhưng chúng ta có thể kiểm soát được những người sẽ biết về cái chết sắp xảy đến của mình và những ai không nên biết.

Sám Hối

Hãy gợi nhắc trong Tâm mình những điều đáng xấu hổ, tính ích kỷ, những suy nghĩ và hành động tiêu cực, hãy thú nhận tất cả. Nếu bạn là hành giả Kim Cương Thừa, hãy gợi nhớ và thú nhận tất cả những thệ nguyện bị bể gãy, giới luật và những cam kết. Nếu có thể, hãy tiến hành sám hối trực diện, với một vị Lạt Ma hay một anh chị em Đạo hữu. Nếu không thể thực hiện được với hai đối tượng vừa nêu, hãy thú nhận tội lỗi trong Tâm thức. Sau đó tiến hành Quy Y và nhận lại giới nguyện Bồ Tát. Lý tưởng nhất, hành giả Kim Cương Thừa nên hỏi anh chị em Kim Cương Hữu, người có cùng vị Đạo Sư với mình để làm chứng nhân cho việc xác lập lại giới nguyện Bồ Tát và giới nguyện Kim Cương Thừa.

Tự Nhắc Nhở Bản Thân về Những Gì Sắp Xảy Đến

Hãy bắt đầu nhắc mình về những gì xảy ra trong ‘trạng thái trung gian đầy đau đớn lúc cận tử’. Những giai đoạn tan rã được mô tả ở trang 185. Tự nhắc nhở bản thân rằng các giai đoạn này có thể xảy ra cùng lúc, hoặc kế tiếp nhau, hoặc theo một trật tự khác, dựa vào hoàn cảnh riêng biệt của mỗi cá nhân. Như vậy, điều cần thiết là bạn làm cho mình trở nên quen thuộc với tất cả những chi tiết này trước khi bạn chết. Nếu biết rằng cái chết sẽ xảy đến sớm với mình – ví dụ, bạn bị chẩn đoán mắc một căn bệnh nan y biến chứng rất nhanh trong giai đoạn cuối – thì bạn nên ngay lập tức tìm hiểu thật nhiều lần những lời giảng này để đến khi chết, bạn biết điều gì đang diễn ra.

Quy Y Và Phát Khởi Bồ Đề Tâm

Đối với Phật Giáo, câu trả lời đơn giản nhất cho câu hỏi, “Tôi nên chuẩn bị cho cái chết như thế nào?” chính là Quy Y và phát khởi Bồ Đề Tâm. Nền tảng của sự chuẩn bị cho cái chết chính là Quy Y, điều này sẽ dẫn dắt bạn đến nhiều thứ bạn cần biết và thực hiện. Bằng cách phát khởi Bồ Đề Tâm và ‘nghĩ lớn’, bạn sẽ có can đảm và quyết tâm để tiếp tục hành động hướng về mục tiêu giải thoát cho tất cả chúng sinh, trong đó có chính bạn, dù có xảy ra điều gì đi nữa. Tinh thần sẵn sàng chết và tái sinh hàng tỷ lần để tiếp tục giúp đỡ những chúng sinh đang chịu đau khổ sẽ đặt cái chết vào đúng khía cạnh của nó. Khi đó, thay vì bạn phải đối mặt cái chết như một chướng ngại khổng lồ, thì nay, cái chết trở nên nhỏ hơn nhiều nếu đem so với một vấn đề vặt vãnh.

Khi ngày càng tiến gần hơn đến cái chết, bạn hãy suy nghĩ và chiêm nghiệm về Bồ Đề Tâm thường xuyên hơn, vào những lúc có thể. Ban đầu, bạn có thể cảm thấy giả tạo, nhưng đó chỉ là do bạn không tin mình có khả năng phát khởi Tâm Bồ Đề chân thật. Trong khuôn khổ này của Tâm, bạn sẽ dễ cảm thấy thất vọng với bản thân – cảm giác như mình là một kẻ dối gạt. Hãy ngừng suy nghĩ như vậy! Tất cả những gì bạn cần để phát khởi Bồ Đề Tâm chính là niềm ao ước làm cho người khác hạnh phúc, và bạn có khao khát này. Bạn là người rộng lượng và tử tế. Bạn đã từng rất nhiều lần, làm nhiều người hạnh phúc trong suốt cuộc đời mình, và làm cho người khác hạnh phúc đã làm cho bạn cảm nhận được hạnh phúc. Hãy tin tưởng vào khả năng đó. Phát khởi và làm mạnh mẽ mong ước được giúp đỡ người khác.

Sẽ có những khi, đương nhiên, có những lúc bạn ao ước một lần cuối được lái chiếc BMW trên xa lộ nước Đức. Hoặc, cảm thấy bắt mắt bởi một chiếc vali đáng yêu, bạn có thể mong mỏi một chuyến ghé thăm Ấn Độ trước khi chết. Hoặc bạn ước rằng có thể sống lâu hơn đủ để thấy cô cháu gái xinh đẹp, mũm mĩm hay cậu cháu trai cao lêu khêu của mình tổ chức lễ cưới. Những lúc như vậy, rất quan trọng để bạn suy ngẫm về Bồ Đề Tâm tuyệt đối.

Bồ Đề Tâm Tuyệt Đối

Sẽ khó khăn nếu bạn suy nghĩ về Bồ Đề Tâm Tuyệt Đối trong lúc bạn đang chết dần hoặc ở gần thời khắc lâm chung, như vậy, hãy suy nghĩ về điều này trong khi bạn đang còn sống.

Hãy nghĩ:

Cuộc sống là một sự phóng chiếu [từ Tâm], cuộc sống là huyễn ảo;

Cái chết là một sự phóng chiếu, cái chết là ảo tưởng;

Sinh ra là một sự phóng chiếu, sinh ra chỉ là một giấc mộng;

Những gì đang hiện hữu này cũng chỉ là những phóng chiếu, sự hiện hữu này chỉ là cơn mơ.

Ngay cả hương vị của tách cà phê này cũng là một phóng chiếu, thậm chí cà phê chỉ là ảo ảnh.

Nhắc nhở bản thân về bản chất huyễn ảo của sinh tử luân hồi, dù có cảm thấy không chân thật hoặc giả tạo – bởi vì những tư tưởng thường được nhận thấy không mấy chân thật cho đến khi bạn quen với tư tưởng đó. Thiết lập những suy nghĩ giả tạo là cách tốt nhất để chuẩn bị cho phút lâm chung. Và khi chết, bạn sẽ phải thật sự tập trung hết tất cả can đảm của mình.

Ghi nhớ rằng cuộc đời là những ảo tưởng, tựa như giấc mơ, sẽ giúp cho cuộc sống và cái chết có vẻ trở nên nhỏ bé hơn cả một cơn ác mộng. Cuộc sống và cái chết là những ảo tưởng, tuy nhiên không có nghĩa là nó không tồn tại. Cà phê có mùi vị của cà phê, không phải của nước cam; vàng là vàng, không phải đồng thau. Để chấp nhận cuộc sống và cái chết là những huyễn ảo chính là việc nhận thức ra mọi thứ chúng ta đang thấy và cảm nhận chỉ là những phóng chiếu của con người. Cà phê không phải là cà phê trong suy nghĩ của một con bọ cánh cứng; nước cam không phải là nước cam đối với một con lạc đà; vàng chẳng có chút giá trị nào đối với một con chó. Một vài phóng chiếu có vẻ có giá trị trong khi một số khác trở thành vô dụng và bạn phải phân biệt được cả hai khía cạnh dựa trên những giá trị học hỏi được thông qua sự phóng chiếu của con người. Cuối cùng, khi bạn thật sự Giác Ngộ, bạn sẽ nhận ra rằng mọi thứ bạn vừa trải qua hàng tỷ tỷ kiếp sống chỉ là một giấc mơ; nó giống như rót nước lạnh vào một nồi nước đang sôi. Suy ngẫm theo cách này sẽ hữu ích cho bạn.

Tập Trung Vào Thực Hành Tâm Linh.

Nếu như bạn đủ may mắn để biết rằng mình chắc chắn sẽ chết trong vòng một năm, hoặc một tháng, hoặc một tuần, thì dĩ nhiên là bạn phải đặt hết Tâm trí vào việc thực hành. Tập trung vào những thực hành đơn giản nhất bởi vì bạn sắp chết rồi, bạn sẽ không đủ thời gian để học một triết lý mới hoặc làm quen với một kỹ thuật mới hoặc những điều tương tự như vậy. Đối với bạn, thực hành quan trọng nhất, cũng là dễ dàng nhất và tương thích nhất đối với tất cả chúng sinh, chính là sự quy ngưỡng trước Đức Phật, Giáo Pháp và Tăng Đoàn bằng cách thức Quy Y, nếu bạn là một hành giả Đại Thừa, hãy phát khởi Bồ Đề Tâm. Thực hiện toàn tâm ý đối với những thực hành này và đọc những bài cầu nguyện và ước nguyện.

Nếu là hành giả Kim Cương Thừa, hãy cúng dường thân mình trong thực hành Kusali khi bạn còn sống. Thực hành này đặc biệt tốt bởi vì Kusali tương tự như việc thực hành chuyển di thần thức tại thời điểm chết (phowa).

Phân Phát Những Vật Dụng Thế Gian

Nói một cách thực tế, khi bạn biết cái chết của mình đang đến gần và chắc chắn, cố gắng đảm bảo rằng những thứ tài sản và đồ dùng cá nhân của bạn được sử dụng hữu ích. Dâng tặng tất cả những gì bạn có cho chúng sinh hữu tình và hướng về sự truyền bá rộng rãi của Giáo Pháp, thậm chí những vật nhỏ như cây kim và sợi chỉ. Bằng việc dâng cúng tất cả cho Giáo Pháp, bạn không còn cảm thấy sợ hãi. Cũng là một điều tốt nếu bạn có thể dâng tặng đến các tổ chức từ thiện, bệnh viện, trường học và v.v…

Làm Quen Với Tư Tưởng Cái Chết Sắp Xảy ra

Ngay cả khi bạn sung sức và khỏe mạnh đủ để hạ đo ván Michael Phelps trong cuộc thi bơi bướm 200m, sẽ không bao giờ là quá sớm để bạn bắt đầu chuẩn bị cho cái chết. Khi dần chìm vào giấc ngủ, hãy cố gắng tiến hành những thực hành về giấc ngủ đề cập ở trang 69. Thuyết phục bản thân rằng bạn sẽ chết lúc giữa đêm và mong muốn được tái sinh tức thời vào cõi tịnh độ của Đức Phật A Di Đà. Khi thức dậy vào sáng hôm sau, hãy nhớ rằng tất cả mọi sự vật đang hiện hữu chỉ là tạm thời. Khi bạn mơ, nhớ rằng nằm mơ chính là một bardo [một trạng thái trung gian].

Ban đầu, chương này được viết riêng cho Phật Tử, nhưng thực tế mọi người có thể thực hành những phương pháp này: những Phật Tử dày dạn, những người vừa chỉ mới khám phá đến giáo lý của Đức Phật, người theo thuyết bất khả tri, thuyết vô thần, những người quan tâm đến sự chết. Tất cả mọi người.

Đức Dzongsar Khyentse Rinpoche