Brain-Universe-Cosmic-Mind-1500-Buddha-Weekly

Cái Chết Có Lợi Ích Gì Không

Đối mặt với cái chết giúp chúng ta trân trọng mọi thứ tạo nên đời sống, nhưng hiếm có người suy nghĩ được như vậy trong thời đại này. Hầu như những con người hiện đại đều đang sống một cách mù quáng, hoàn toàn phớt lờ sự thật về một cái chết không thể thoát khỏi và không thể tiên đoán. Phật Tánh Theo Phật Pháp, cái chết dạy cho chúng ta một sự thật vô cùng tích cực: bản chất Tâm thức của mỗi mỗi và tất cả chúng sinh là Phật Tánh; bản chất Tâm thức của tôi và bản chất Tâm thức của bạn là Phật. Phật Tánh không phải là một lý thuyết lạ kỳ thuộc Thời Đại Mới hoặc hiện tượng huyền bí gì. Bởi vì bạn có Phật Tánh, bất kể điều gì bạn làm, bất kể nơi nào bạn ở, bản chất Tâm của bạn là Phật. Cảm nhận xúc chạm khi bạn cầm một cuốn sách hay một thiết bị nào đó, lắng nghe những gì đang xảy ra xung quanh, cảm giác mềm mại của tấm đệm dưới mông hay sức nặng toàn thân đặt trên hai lòng bàn chân. Suy nghĩ về những câu chữ bạn đang đọc: bản chất Tâm của bạn là Phật. Tâm làm nên tất cả mọi chuyện mà tôi vừa đề cập, Tâm thức rất đỗi bình thường của bạn – là Phật. Không chỉ Tâm thức của bạn là Phật, mà Tâm thức bình thường của tất cả chúng sinh nơi có sự nhận thức, đọc, thấy, nghe, nếm và v.v…, cũng là Phật. Hãy suy nghĩ về một cái ly chứa đầy nước bùn. Mặc dù bản chất của nước là tinh khiết và trong sạch, nhưng khi bị khuấy động, nước trộn lẫn với bùn và tất cả những gì chúng ta thấy là nước bùn. Tương tự, ở mức độ căn bản, chúng ta thiếu sự chú tâm và tỉnh giác, từ đó khuấy động tất cả những hành xử từ trong suy nghĩ đến cảm xúc, trộn lẫn và đang xen vào nhau khiến cho Tâm thanh tịnh, trong sáng trở nên đục ngầu, hỗn độn. Quan Sát Tâm Bạn có thể trải nghiệm cách thức những điều đó diễn ra ngay bây giờ. Hãy ngừng đọc trong vòng ba phút và quan sát Tâm của bạn. Bây giờ, hãy tự hỏi: Trong khoảng thời gian bao lâu thì một suy nghĩ đã hiện khởi trong Tâm bạn?

Trong khoảng thời gian bao lâu thì bạn bạn bắt đầu suy nghĩ về ý niệm đó? Và trong bao lâu thì bạn hoàn toàn đi lạc trong những suy nghĩ liên quan đến ý niệm đầu tiên? Việc một ý niệm dẫn đến một ý niệm khác là tiến trình quen thuộc. Tưởng tượng bạn đang đợi người bạn đến đón để cùng tham dự buổi tiệc. Bạn bắt đầu cảm thấy hào hứng ngay lúc nghe tiếng còi xe ô tô vang lên. Ài sẽ tham dự buổi tiệc? Những món ăn gì sẽ được chiêu đãi? Sẽ có những trò chơi trong buổi tiệc chứ? Liệu nó có vui không? Và thậm chí, trước khi bước chân ra khỏi cửa, chưa tính đến lúc bạn thật sự đến nơi, thì bạn đã lạc trong những suy nghĩ. Hầu hết chúng ta thiếu những hình thái của sự chú tâm, và vì vậy chúng ta không bao giờ nhận ra Tâm mình bị vướng mắc vào những những mối bận tâm thô thiển của cảm xúc và thân thể đối với các vấn đề liên quan đến bạn bè, gia đình, các giá trị, triết lý, hệ thống chính trị, tiền tệ, tài sản và những mối quan hệ. Toàn bộ cuộc đời của chúng ta, sự nhận biết về Phật Tánh trở nên mù lòa, mờ nhạt, ngớ ngẩn, mơ hồ và tăm tối bởi những suy nghĩ phóng túng, cho đến khi bị sa lầy vào mớ cảm xúc hỗn loạn, những kỳ vọng và rối reng thì chúng ta mới nhận ra dường như bản chất của Tâm chưa bao giờ tồn tại trước đó.

Tại thời điểm cái chết xảy đến, dù bạn là một Phật Tử có kinh nghiệm thực hành dày dạn, hay Giám Đốc Điều Hành của Google, một nhân viên thương mại Phố Wall hay một người sống theo chủ nghĩa vật chất, thì quá trình tự nhiên của sự chết sẽ buộc Tâm bạn phải lìa bỏ tất cả mọi thứ bạn từng biết. Rõ ràng, điều này đồng nghĩa với sự chia lìa những người bạn, gia đình, nhà cửa, công viên và phòng tập gym, nhưng nó cũng đồng nghĩa với sự chia lìa một thứ đã từng ở với bạn trong suốt cuộc đời, 24 giờ mỗi ngày, bảy ngày một tuần, và ngay cả trong lúc ngủ: thể Xác của bạn. Khi chết, toàn bộ thân thể của bạn, bao gồm những yếu tố vi tế nhất (đất, nước, lửa, gió, không gian) và tất cả những giác quan phải bị bỏ lại phía sau. Trong khi sống, tất cả những gì bạn cho rằng mình đang thấy, nghe, nếm, chạm và v.v… được tiếp nhận thông qua các bộ lọc tức là các giác quan – mắt, tai, lưỡi, thân thể của bạn và v.v… Khi Tâm của bạn trải nghiệm một nhận thức, điều này không chỉ truyền qua các bộ phận giác quan và ý thức, mà nó còn được xác lập dựa trên sự giáo dục và nền văn hóa mà bạn thừa hưởng. Tiến trình đi qua các bộ lọc khiến cho hầu hết các hoạt động của đời sống được tiếp diễn. Hãy tưởng tượng, bạn thức dậy vào buổi sáng và thấy mình ở một nơi xa lạ. Trước mặt bạn là một bức tường màu kem, trên đó có hai nửa vòng tròn và hai vòng tròn đều được sơn màu đen. Ngay lập tức, dựa trên trình độ học vấn và hoàn cảnh tiếp cận với hình quảng cáo, Tâm sẽ diễn dịch những hình ảnh bạn thấy là ‘CỐCỐ’. (Đặc biệt, nếu bạn là ‘người mới phất’ [nguyên bản tiếng Anh: nouveau riche: người trở nên giàu một cách đột ngột và hay khoe của, nhà giàu mới nổi] và không biết gì về nước hoa. Do chưa từng nghe qua các nhãn hiệu như D.S. & Durga, bạn có thể vẫn tin rằng Coco Chanel là nhãn hiệu nước hoa hàng đầu thế giới.) Khi còn sống, tất cả những gì chúng ta nhận thức đều được diễn dịch dựa trên vị thế xuất thân và nền giáo dục, hoặc do thiếu những điều kiện này. Đây là cách chúng ta có thể gọi tên những loại mùi quen thuộc, ví dụ như mùi gỗ chiên đàn, hoa oải hương và mùi khai của nước tiểu trong nhà vệ sinh công cộng. Đây cũng là cách để ta có thể nhận dạng mọi thứ. Nếu như những chiếc lá rụng của cây sồi bị vò nát để làm trông giống như lá trà, sau đó đem đóng gói ở Fortnum, gói vào hộp Mason và dán một nhãn hiệu lạ trên đấy, chắc sẽ có nhiều người đổ xô đến mua sản phẩm này mà không cần phải cân nhắc mùi vị của nó ra sao. Khi chết, quy luật của tự nhiên sẽ làm biến dạng các giác quan vật lý trên cơ thể, còn Tâm thức bạn trở nên trần trụi và hoàn toàn đơn độc. Bạn không còn cặp mắt cấu tạo bằng da thịt nữa, tất cả những gì nhận thức được đều ở trạng thái nguyên bản sống động, không còn được tiếp nhận thông qua các bộ lọc [tức là không còn các giác quan]. Không còn đôi mắt để tiếp thu nhận thức, ‘CỐCỐ’  trên bức tường màu kem sẽ trông hoàn toàn khác trước.

Phật Giáo cho chúng ta biết rằng đối với một hành giả tâm linh, đây là thời điểm của sự hoàn toàn trần trụi – thời điểm của cái chết – là cực kỳ quý giá. Khi chết, các lực tự nhiên sẽ thật sự giúp chúng ta hiểu rõ giá trị, nhận ra và nắm bắt bản tánh nguyên sơ, thứ luôn luôn hiện hữu nơi ta – là Phật. Khoảnh khắc của cái chết đặc biệt quý giá đối với những hành giả nào đã trở nên quen thuộc với bản tánh của Tâm. Đây là lý do vì sao những Phật Tử phát triển các kỹ năng và khả năng cần thiết khi còn đang sống để có thể tận dụng những cơ hội mà cái chết tự động mang đến. Khoảnh khắc của cái chết đặc biệt quan trọng đối với những người thực hành Mật Điển bởi vì nếu bạn không đạt được Giác Ngộ ngay trong lúc sống, thì bạn cũng đã phát triển được những kỹ năng cần có để đạt được Giác Ngộ tại thời điểm chết.

Tính Chắc Chắn và Không Chắc Chắn của Cái Chết Dù tốt hơn hay tồi tệ hơn, một khi đã sa chân vào đời sống thông qua tiến trình ‘sinh’, điều duy nhất chúng ta có thể chắc chắn đó là mình sẽ chết. Nhưng không một ai trong chúng ta biết chính xác khi nào thì cái chết sẽ xảy ra – đây là hai điểm bận tâm nối tiếp nhau làm cho Cái Chết trở thành chủ đề vô cùng hấp dẫn để nghiền ngẫm. Tính chắc chắn về việc chúng ta sẽ chết đã đủ tồi tệ, nhưng tính không chắc chắn về thời điểm chết còn tồi tệ hơn – giống như việc mua một vòng đeo cổ Tiffany đắt tiền nhưng bạn lại không biết rằng liệu mình có cơ hội nào để đeo nó hay không. Thật nghịch lý khi chính sự không chắc chắn về thời điểm của cái chết lại thôi thúc chúng ta lập nên những kế hoạch. Đó là do cảm giác không xác thật và khó chịu khiến mỗi người cảm thấy cần phải lấp đầy những ngày tháng của mình bằng các cuộc hẹn. Nhưng dù đã cẩn thận lên kế hoạch, cũng không gì đảm bảo rằng mọi thứ sẽ thật sự xảy ra. Như khi bạn đồng ý gặp một người bạn tại Luân Đôn vào Thứ Sáu không có nghĩa là cuộc hẹn sẽ diễn ra – bất kỳ tình huống không thể lường trước nào đều có thể thay thế vào. Không điều gì trong kế hoạch có thể xảy ra chính xác như bạn kỳ vọng; tương lai của con bạn, hoặc kế hoạch nghỉ hưu của ông bà, hay căn hộ mới của bạn, hoặc một thỏa thuận kinh doanh hoàn hảo, một kỳ nghỉ trong mơ. Những điều này có thể hoàn toàn thất bại, hoặc thành công vượt trên cả những ước mơ cuồng nhiệt nhất – cuối cùng thì, những điều không mong đợi xảy đến cũng không hẳn đều là xấu. Điểm mấu chốt là bất kể những gì bạn làm, dù rất nỗ lực khi lập kế hoạch và lịch trình, bạn cũng không bao giờ có thể chắc chắn rằng một trong những điều đó sẽ xảy ra. Dù bạn cố chấp vào niềm tin mù quáng cho rằng mọi thứ sẽ luôn luôn diễn ra theo hướng tốt đẹp nhất, thì thực tế cũng hiếm khi được như vậy. Như thế, bạn sẽ cảm nhận đau khổ khi các kế hoạch bị đổ vỡ, tổn thương này hoàn toàn do chính bạn gây ra. Lập kế hoạch và cuộc hẹn là cách rất hiệu quả để điều phối tương lai. Hãy suy nghĩ điểm này. Mỗi khi bạn chốt thời gian cho một cuộc họp hoặc một hoạt động nào thì những suy nghĩ liên quan đã tiếp diễn trong một khoảng thời gian dài trước khi sư kiện bắt đầu. Nhờ lên lịch hẹn, bây giờ bạn sẽ có thêm nỗi khổ vì phải đảm bảo những kế hoạch của mình đạt được kết quả. Một trong những nguyên nhân chúng ta thực hành Pháp là để tự chuẩn bị cho cái chết chắc chắn sẽ xảy đến. Đối với một số người, đây là lý do duy nhất để thực hành – nhưng chỉ riêng lý do này thôi cũng khiến cho việc thực hành Pháp trở nên đáng giá. Ngày nay, có nhiều phương diện khác nhau của Pháp, ví dụ như Chánh Niệm, trở nên ngày càng phổ biến, nhưng lại hiếm thấy những nội dung chuẩn bị cho cái chết, và hiển nhiên sẽ rất khó tìm thấy những nội dung liên quan đến những gì vượt sau cái chết. Con người hiện đại thực hành thiền định vì mọi lý do trên đời, trừ lý do quan trọng nhất. Có bao nhiêu thiền sinh thực hành thiền quán để chuẩn bị cho cái chết? Và bao nhiêu người thực hành vì họ muốn chấm dứt vĩnh viễn vòng tròn sinh tử? Hầu như mọi người hành thiền vì họ muốn trở thành những người quản lý tốt hơn, hay tìm kiếm bạn đời, hoặc để cảm thấy hạnh phúc, hoặc bởi vì họ mong ước có được sự điềm tĩnh, giải tỏa những căng thẳng trong Tâm và cuộc sống. Đối với họ, thiền định là một phương pháp để chuẩn bị cho cuộc sống, chứ không phải cái chết và như vậy, điều này mang tính thế tục không kém những gì họ đang đeo đuổi trong đời sống thế gian, ví dụ như mua sắm, ăn uống, luyện tập thể dục hoặc các hoạt động xã hội.” Nếu tất cả những gì bạn quan tâm là học cách thư giãn và nghỉ ngơi, thiền định chắc chắc không phải là lựa chọn tốt nhất. Thay vào đó, hãy hút một điếu thuốc, tự rót cho bạn cốc bia mạch nha ngon, hoặc lướt qua những trang truyền thông xã hội. Đây là những cách thư giãn dễ dàng hơn, hiệu quả hơn, và hữu hiệu ngay tức thời, nếu so sánh với thiền định. Ngồi với tư thế chân bắt chéo [kiết già], lưng thẳng, sau đó theo dõi hơi thở ra vào không những gây chán nản cực độ cho nhiều người, mà còn nhanh chóng tạo ra những cơn đau trên thân thể. Hầu hết các ‘thiền giả’ kết thúc buổi hành thiền bằng việc dành nhiều thời gian để lo lắng liệu mình có thật sự tiến triển về khả năng chú tâm [một trong những kết quả xuất hiện khi hành thiền tốt], hơn là thực hành thiền định một cách chân thật. Và nỗi lo ngại khởi lên thường sẽ gây ra ảnh hưởng không tốt cho vấn đề huyết áp của bạn, phải thế không? Cuộc đời đầy những bất ngờ. Nếu bạn đang đọc quyển sách này để chuẩn bị cho cái chết của một người thân yêu đang phát bệnh trong giai đoạn cuối, dù bạn trẻ và khỏe hơn, thì cũng không gì đảm bảo rằng bạn không phải là người chết trước. Vì vậy, cuộc cá cược tốt nhất chính là bạn hãy thật sẵn sàng cho mọi điều xảy đến và cố gắng nhận thức đầy đủ về những sự thật của Luân Hồi. Nhưng nếu như, thay vào đó, bạn cố bám chấp vào những kỳ vọng mù quáng và những giả định, nếu bạn vẫn mù tịt đối với bản chất thật sự của mọi vật, nếu bạn tham lam, ung dung một cách xuẩn ngốc, và tiếp tục đặt niềm tin vào những kế hoạch thế tục, cho rằng nó sẽ diễn ra một cách hoàn hảo, thì khi điều xấu nhất xảy ra, nỗi đau khổ của bạn sẽ trở nên cùng cực và bạn sẽ không còn khả năng nào để giải quyết nó nữa.

Đức Dzongsar Khyentse Rinpoche