12631531_1694228300862517_3423333830683628714_n

Sống là dần chết

 Vì đã sinh ra

Tôi phải chết đi,

và cứ thế …

Kisei

Không gì có thể trợ giúp khi cái chết xảy đến? Tất cả những gì nhân loại đang làm, đang suy nghĩ và cảm nhận khi sống bị điều khiển bởi sự vô minh, cảm xúc và nghiệp. Và khối kết hợp của vô minh, cảm xúc và nghiệp của mỗi người là để đảm bảo tất cả chúng ta sẽ phải hoàn toàn đơn độc đối mặt với cả Sinh và Tử. Không một ai có quyền lựa chọn. Khi đã sinh ra đời, không gì và cũng không ai có thể ngăn chặn chúng ta thoát khỏi việc chết đi. Tính chắc chắn xảy ra của cái chết bắt nguồn ngay tại thời điểm sinh ra đời và chúng ta hoàn toàn không có chút sức mạnh nào để cưỡng lại. Nếu không muốn trải nghiệm nỗi bất lực và cô đơn của cái chết và tái sinh, bạn phải tích tập những nguyên nhân và điều kiện đưa đến chấm dứt tái sinh ngay trong lúc đang còn sống. Tại thời điểm lâm chung, người thân và bạn bè có thể sẽ ở xung quanh bạn, nhưng một điều chắc chắn là không ai trong số họ có thể giúp ích cho bạn – thậm chí, họ có thể khiến cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu như khi trút hơi thở cuối cùng bạn nhận ra rằng, giống như thứ chim kền kền, những người họ hàng tham lam của bạn đang bắt đầu đánh nhau để tranh dành những thứ họ có thể sở hữu? Ngay cả trước khi thân xác bạn trở nên cứng lạnh, những người thân sẽ tước đoạt ngôi nhà xinh đẹp của bạn và tất cả những đồ vật quý giá trong nhà, đột nhập vào tài khoản thư điện tử [email] của bạn và phá vỡ những ngăn két an toàn chứa đầy tiền tiết kiệm. Mọi người đứng ngay cạnh giường bạn trong giờ phút cuối, nhưng lại có thể đang cãi nhau về việc sở hữu chiếc bàn làm việc Louis Quinze vô giá của bạn [những chiếc bàn cổ từ thế kỷ thứ 15], và đứa cháu trai xấu tính đang dòm ngó một trong những chiếc bàn quý và cổ nhất. Ngược lại, sự hiện diện của những người bạn yêu thương và những người thật sự yêu thương bạn lúc sắp chết có thể làm cho nỗi đau của việc chia lìa trở thành quá sức chịu đựng.

Tâm thức thô thiển của con người có xu hướng suy nghĩ về cái chết như là sự chia tách cuối cùng giữa thể Xác và Tâm thức. Diễn tả chính xác hơn, cái chết đánh dấu sự kết thúc một khoảng thời gian. Trong suốt thứ gọi là ‘đời sống’, chúng ta đang liên tục trải nghiệm dòng chảy của ‘những sự diệt đi’. Kết thúc của Cái Chết là sự Sinh Ra; kết thúc của Sinh Ra là sự Tồn Tại; kết thúc của Tồn Tại lại là sự sinh khởi của Cái Chết. Mọi thứ bạn trải nghiệm đều ẩn chứa đồng thời sự Diệt đi và Sinh khởi, và nếu bạn bị chi phối bởi hiện tượng [được xã hội quy ước] gọi là ‘thời gian’, thì bạn cũng sẽ bị chi phối bởi cái chết. Điều mọi người thường biết đến như ‘cuộc sống’ hoặc ‘đời sống’ chứa đầy những biến cố bất ngờ, nhưng cái chết, có lẽ là sự kiện quan trọng và ý nghĩa nhất trong mỗi cuộc đời thì hoàn toàn mang tính trái ngược.

Nếu tối nay bạn chết, bạn sẽ mất đi danh tính và toàn bộ của cải, không một kế hoạch nào của bạn sẽ trở thành hiện thực. Đây là lý do vì sao cái chết là một vấn đề lớn lao. Hầu như đối với tất cả chúng ta, sinh ra là điều cần phải lo lắng ít nhiều và chắc chắn không có gì đáng sợ bằng cái chết. Thực tế, chúng ta yêu thích sự ra đời. Khi một đứa bé chào đời, chúng ta chúc mừng các bậc sinh thành, sau đó không ngừng kỷ niệm sinh nhật cho đến hết phần còn lại của cuộc đời. Nguyên một ngành công nghiệp hiện nay được dành riêng để phục vụ cho ngày sinh nhật: những ổ bánh sinh nhật, tiệc sinh nhật, những điều bất ngờ cho ngày sinh và, đương nhiên, những chiếc thiệp sinh nhật cũng luôn sẵn sàng được gửi đi chỉ bằng một nút nhấn [hình thức gửi thiệp qua mạng internet]. Không cần nhấc ngón tay, mạng xã hội truyền thông còn giúp chúng ta không quên sót bất kỳ một ngày sinh nhật nào, thậm chí sinh nhật của một con mèo.

Không giống chúng ta, những vị Đạo Sư Đại Thừa nghĩ rằng sinh ra đời là một chướng ngại vô cùng khó khăn và to lớn cần phải vượt qua, hơn là cái chết. Đức Long Thọ, Đại học giả và cũng là Đại thành tựu giả người Ấn Độ, nói với bạn của Ngài, một Quốc Vương, rằng đối với người có xu hướng tâm linh, sinh ra là việc đáng lo ngại nhiều hơn và chứa đầy những vấn đề to lớn hơn so với những gì cái chết có thể mang đến. Vậy thì, tại sao những người có chiều hướng tâm linh lại xem trọng cái chết hơn sự ra đời? Chào đời là một sự kiện của cuộc sống mà chúng ta hoàn toàn không thể kiểm soát. Một người thình lình chui ra khỏi thân mẹ mà không đợi bất kỳ một câu hỏi nào. Chúng ta cũng không thể có ý kiến về nơi mình được sinh ra, ai là cha mẹ, ngày và giờ sinh, ngay cả việc liệu liệu mình có nên ra đời hay không. Mọi khía cạnh đều nằm ngoài tầm tay.

Những hiểu biết liên quan đến sự chào đời chẳng có chút hữu ích gì đối với bất kỳ giai đoạn sống nào, trong khi hiểu được việc không thể tránh khỏi cái chết sẽ không ngừng thôi thúc chúng ta phải trân trọng những gì đang có ngay lúc này. Biết mình phải chết giúp ta tận dụng tối đa cuộc sống. Biết rằng cái chết sắp xảy đến và chắc chắn xảy đến giúp chúng ta có thể yêu thương và duy trì những điều lành mạnh. Nó cũng ngăn chúng ta trở nên lãnh cảm và trơ lỳ đối với đời sống thế gian.

Phần lớn chúng ta bị cuộc đời làm cho say đắm; việc suy nghĩ về cái chết có lẽ là cách duy nhất có thể giúp chúng ta tỉnh táo trở lại. Nếu bạn đã sinh ra, bạn sẽ phải chết; nếu bạn đang sắp chết, bạn sẽ phải tái sinh. Làm sao chúng ta có thể cắt đứt trò chơi tuần hoàn của sinh và tử? – Chính là bằng cách trực nhận được trạng thái của sự tỉnh thức. Một khi bạn ‘thức tỉnh’ hoặc trở nên ‘giác ngộ’, bạn sẽ không còn tập hợp những nguyên nhân và điều kiện đưa đến kết quả của cái chết và tái sinh. Nhưng đến khi đạt được trạng thái đó, bạn vẫn sẽ tái sinh, sẽ chết, hết lần này đến lần khác và nhiều lần nữa.

Sinh và Tử – không thể tách rời nhau, chúng ta nên khóc than đối với việc sinh ra nhiều như than khóc đối với cái chết. Đặc biệt trong thời đại này. Hãy thử dành một giây để suy nghĩ về những gì con bạn phải trải qua khi chúng trưởng thành. Một hôm, con gái bạn bước vào khu mua sắm và bị mê hoặc bởi tất cả những cách thức trớ trêu của mọi sự vật – không gian bóng bẩy hào nhoáng, những cây son môi đỏ cũng khiến con bạn hoàn toàn xúc động, chưa nhắc đến những món đồ văn phòng phẩm. Sau đó, con bạn sẽ không thể nào tránh khỏi thế giới của những người sành sỏi về cà phê và Starbucks, hoặc chủ đề thời trang và những khu nghĩ dưỡng tiện nghi, sang trọng, hay những số dư ngân hàng cùng những khái niệm khác về tiền bạc. Chà, cuộc sống của con gái bạn chắc sẽ khá gay go!

Đức Dzongsar Khyentse Rinpoche