gendun_tea_drink

Phát triển niềm vui trong tu tập

Phát triển niềm vui trong sự tu tập là điều quan trọng vì làm cho sự tu được nhẹ nhàng. Nếu chúng ta luôn buồn bã, nhắc đi nhắc lại rằng “Tôi đã đau khổ, thật khó khăn” điều đó trở nên nặng nề và sự tu trở thành một việc nặng nhọc. Nếu ta vui vẻ, ta tự nhủ: Hôm qua mình có làm một lời nguyện ước, hôm mình thi hành nó, mình làm việc vì chúng sinh. Mình làm việc với chính mình, vì họ. Các khó khăn có nổi lên, thật tuyệt vời! Nghiệp mà mình đã tạo nay chính mình có thể thanh tịnh hóa nó. Hôm nay mình có thể giải thoát khỏi các việc làm khi xưa của minh một cách hoàn toàn, thật là thần kì”

Sự chú ý đến chúng sinh có hai hậu quả: một hành động có ích cho họ, một tác động thanh tịnh hóa đến với chúng ta. Ngoài ra có thể thấy rằng tất cả đều tương đối. So với thử thách mà ngài Milarepa phải chịu đựng trong một số năm, thì những gì mình có thể chịu đựng lúc này, dù có vẻ to lớn thật ra rất bé nhỏ. Ngài Milarepa đã vượt qua tất cả. Hiện giờ sự tu rất khó đối với chúng ta, nhưng đời của Ngài là một mẫu mực và một nguồn cảm hứng, vì vậy chúng ta có thể thực sự quy y nơi Ngài và phát triển niềm vui, nghị lực và niềm tin đối với tất cả các vị đã chứng đắc của dòng tu.

Nếu chúng ta cảm thấy sợ sệt trong khi tu, đó không phải là dấu hiệu tốt nữa. Chúng ta bắt đầu tu nhưng với một niềm lo ngại, chúng ta lo lắng sẽ có chuyện gì xảy ra với chúng ta. Muốn làm việc vì chúng sinh, có lẽ chúng ta sẽ mệt? Có lẽ chúng ta sẽ chẳng được gì cho chúng ta? Hoặc sẽ gặp bệnh, gặp những vấn đề vật chất hay tâm linh? Chúng ta sợ các trở ngại mà chúng ta có thể gặp. Vì các lý do đó chúng ta rất rụt dè trong sự tu. Chúng ta tiến lên nhưng rất thận trọng, rất sợ những gì có thể xảy ra. Điều đó cho thấy chúng ta thiếu tin Tam Bảo. Sự quy y không thành thật và không sâu. Nếu chúng ta hoàn toàn tin vào sự ban phước và sự bảo vệ của Tam Bảo, chúng ta tiến trên con đường mà không hi vọng, không sợ hãi gì. Chúng ta đối diện với những chướng ngại ngay khi chúng nổi lên, bằng cách thanh tịnh chúng, biết rằng chúng là kết quả của quá khứ và không sợ sệt một cách đặc biệt. Trong sự mở tâm thức ấy, tâm được thư giãn và các màng che lấp trí tuệ tan đi. Các tham, sân, si hiện ra, biến đi và được thanh tịnh. Các chướng ngại không còn là chướng ngại, vì chúng ta biến đổi chúng ngay lập tức. Chúng ta luôn vui, tin tưởng, chắc chắn. Đó là dấu hiệu của một sự tu đúng.

Chúng ta có thể noi gương các vị Thầy của dòng tu Kadampa. Các Ngài tu theo phép “Lojong – cho và nhận”. Các Ngài thường xem những gì xảy ra đến với một tâm không đổi, tự nhủ rằng “ Nếu tôi phải ốm, tôi hãy ốm. Nếu tôi phải chết tôi hãy chết! Nếu tôi phải sống tôi hãy sống!”. Thái độ đó cho thấy sự tin tưởng tuyệt đối nơi Tam Bảo và sự dâng hiến toàn thân, khẩu, ý của họ. Nếu chúng ta phải ốm, chúng ta đi rửa nghiệp của chúng ta. Chúng ta thanh tịnh hóa tất cả những gì xấu nơi chúng ta. Nếu chúng ta phải chết, không có gì trầm trọng. Đó là kết thúc bình thường của cuộc đời. Dù sao đi nữa, với niềm tin nơi Tam Bảo mà chúng ta đã phát triển tâm ta, tâm thầy, tức tâm Phật, được hoàn toàn kết hợp. Sự chết sẽ là một sự chứng đắc nhiều hơn là một sự biến đi. Và nếu chúng ta phải sống khỏe, chúng ta có thể phục vụ những chúng sinh khác. Chiều hướng ấy của tâm phải dẫn dắt ta trên suốt đoạn đường dẫn đến giác ngộ.

Lama Gendun Rinpoche

Nguyên Tác: Thầy và Đệ tử

Ani Ngawang Kuntchok Dreulma Viên Huệ

Nhà Xuất bản Phương Đông