95486b56099b1230d5e2ffcc02d21a34

Tâm vui đùa

Sự vui đùa của người này là sự nghiêm trọng của người khác, và sự nghiêm trọng của người khác lại là sự đùa bỡn của người kia. Với những người trưởng thành, thì những thanh thiếu niên mới lớn dường như là thiếu nghiêm túc và ham chơi, nhưng với những thanh thiếu niên mới lớn thì những hiện tượng riêng của họ là nghiêm túc. Còn với những thanh thiếu niên mới lớn, thì trẻ con dường như là ham chơi và thiếu nghiêm túc, nhưng với trẻ con thì hiện tượng riêng của chúng lại là nghiêm túc. Có những điều này là do từ vô số những kiếp sống trước, tất cả chúng sinh đã bị lừa dối với tâm thức phân biệt, chia tách các hiện tượng thành các nguyên tố thô nặng và vi tế, họ cho rằng vở kịch và trò chơi của mình là quan trọng bởi vì họ tin rằng nó là thật.

Khi trẻ em còn non nớt, chưa chín chắn và không thể kết nối tâm thức nguyên tố vi tế của chúng với những đồ chơi nguyên tố thô chúng có, thì chúng trở nên nghiêm trọng. Nếu không hiểu được cách những loại đồ chơi này hoạt động thì chúng sẽ phát triển một thói quen bực tức, thất vọng ,và rồi chúng sẽ mang theo thói quen này vào cuộc sống trưởng thành của mình, rồi chúng sẽ thay đổi đối tượng bực tức, thất vọng của mình từ một loại đồ chơi sang tới một người khác. Nếu ngay từ lúc sinh ra mà chúng nhận ra rằng trò chơi chỉ là sự vui đùa thôi và không cần phải nghiêm trọng, và cái thô và cái vi tế vốn là bất khả phân, thì lũ trẻ và những người trưởng thành sẽ không bao giờ phải thất vọng hay bực tức.

Sự chia cách luôn là nguyên nhân cho thất vọng. Dù cho là giữa cha mẹ với con cái, bạn với bạn, chồng với vợ, thầy với trò, thì khi chúng ta không thể kết nối được với nhau do thói quen, tập khí chia tách chủ thể khỏi đối  tượng, thô nặng khỏi vi tế từ trước đó của mình, thì sự thất vọng và bực tức sẽ là kết quả tất yếu. Khi cảm thấy được sự thất vọng và bực tức này, thì chúng ta cần phải cố gắng để loại trừ nó, nhưng không phải bằng cách chia tách đối tượng của sự thất vọng và bực tức ra khỏi chúng ta, mà là bằng cách thực hành Pháp và thiền định.

Thậm chí, không cần thiền định hay phải sử dụng bất kỳ ý niệm Giáo Pháp nào, thì những phẩm chất tâm linh vẫn hiện hữu, tồn tại ngay từ khởi thủy. Năng lượng tâm linh giống như một khu rừng tự nhiên tươi trẻ, nó có thể bị thiêu rụi với sự bực tức, giận dữ và thất vọng. Giống như lửa, khi sự bực tức, giận dữ và thất vọng trở nên ngày càng nặng nề hơn, thì năng lượng ánh sáng tâm linh sẽ giảm dần xuống như khói. Và sau ngọn lửa thì cả năng lượng nguyên tố thô và năng lượng nguyên tố vi tế đều bị cạn kiệt, cuối cùng chỉ còn sót lại những nắm tro tàn xám xịt của nỗi buồn trống vắng. Rồi do thiếu đi sự hỗ trợ, nâng đỡ từ các nguyên tố thô thế gian bên ngoài cùng các nguyên tố vi tế bên trong, nên tâm thức chúng ta trở nên yếu đuối và phiền não.

Nhưng nhờ vui chơi, đùa giỡn thoải mái, thư thả mà năng lượng tâm linh có thể được duy trì, kéo dài, và như vậy chúng ta không nên nghĩ rằng vui chơi lúc nào cũng là xấu. Dù cho tâm trưởng thành chai cứng của chúng ta có từ chối sự vui chơi hay không thì mọi sự vẫn là sự phô diễn, hiển bày từ bản chất, tinh túy bí mật tự nhiên của các nguyên tố. Nếu nghiêm trọng và cứng nhắc, thì các nguyên tố vi tế của chúng ta sẽ trở nên tắc nghẽn và không thể phản chiếu sự phô diễn trí tuệ này. Nếu tâm thức điềm tĩnh, bao la và biết vui đùa, thì chúng ta có thể luôn luôn nhận ra sự phô diễn tinh túy này. Trong hư không rộng mở, thì không bao giờ có sự hỗn loạn và thay đổi bất thường giữa các nguyên tố thô và vi tế.

Khi học hỏi, nếu có một tâm hân hoan rộng mở thì chúng ta có thể hấp thụ những gì được học. Sự linh hoạt, sự nhu nhuyễn đến từ tâm hân hoan, vui chơi, vì thế khi tâm thức rộng mở thì chúng ta có thể đón nhận những gì được học. Với một tâm thức cứng nhắc và nghiêm trọng, thì chúng ta không thể học được, vì tâm chúng ta đã bị chặt cứng và mất cân bằng. Tâm nghiêm trọng của chúng ta thì luôn luôn mệt mỏi, trong khi tâm vui đùa lại luôn luôn thoải mái, thư giãn. Khi không có không gian và sự thư giãn, sự ngơi nghỉ, thì bất cứ điều gì chúng ta học được cũng sẽ bị giới hạn.

Khi làm việc, nếu chúng ta có một tâm thức thoải mái, vui vẻ và rộng mở thì chúng ta sẽ không có những nỗi sợ hãi về việc mất mát bất cứ thứ gì, vì vậy chúng ta có thể làm việc liên tục cho đến khi đạt được thành quả. Với sự tự tin đến từ tâm vui chơi, chúng ta không bao giờ do dự và phạm những sai lầm. Những sự hoài nghi và lưỡng lự đến từ một tâm thức quá nghiêm trọng, quá chai cứng. Khi có những nỗi sợ hãi hay do dự và lưỡng lự, thì sự hứng khởi công việc của chúng ta bị suy giảm và chúng ta sẽ trở nên lười biếng, yếu ớt và đánh mất đi sự tự tin của chính mình. Nếu không có sự tự tin, thì bất kể điều gì chúng ta làm, chúng ta nói, đều lạc mất mục tiêu. Vì tâm thức chúng ta bị phân tán và hoảng sợ, rồi nó dẫn tới sự do dự, lưỡng lự, rồi sự tập trung của chúng ta trở nên lạc lõng. Nếu không có sự tập trung, thì chúng ta không thể thâm nhập, bắn xuyên thẳng qua đích cần đến, bởi vì tâm thức chúng ta luôn bị mắc kẹt trước khi chạm tới mục đích của nó. Khi nhận ra rằng mình đã bị lạc mất mục tiêu thì chúng ta trở nên thất vọng. Tâm thức chúng ta thậm chí trở nên chật hẹp hơn, không ổn định và mong manh hơn từ sự thất vọng này, rồi mọi thứ sẽ bị lạc lõng, mất đi trong cuộc sống của chúng ta.

Thiếu đi tâm vui đùa, thì dẫu cho có thấy được những gì đẹp đẽ đi chăng nữa thì chúng ta cũng không thể tạo mối liên hệ với chúng, vì chúng ta đã có những nỗi sợ và để lỡ mất mục tiêu do thiếu tự tin. Dẫu cho chúng ta có viết nhưng mọi thứ sẽ là một sai lầm bởi vì chúng ta đã sợ hãi và bỏ lỡ mục tiêu do sự thiếu tự tin. Dẫu cho chúng ta có đọc nhưng chúng ta cũng không thể tiếp thu ý nghĩa bởi vì chúng ta đã sợ hãi và bỏ lỡ mục tiêu do sự thiếu tự tin.

Dẫu cho chúng ta có vui chơi, giải trí với bạn bè nhưng mùi vị giải trí cũng không được mặn mà gì bởi vì chúng ta đã sợ hãi và bỏ lỡ mục tiêu do sự thiếu tự tin. Dẫu cho chúng ta có kiếm tìm sự cảm thông từ những người có tâm bao la, độ lượng nhưng chúng ta vẫn không đặt niềm tin vào họ hay trò chuyện với họ vì tâm cứng nhắc của chúng ta đã quá nhỏ bé, bởi vì chúng ta đã sợ hãi và bỏ lỡ mục tiêu do sự thiếu tự tin. Nếu muốn đánh nhau với ai đó, thì chúng ta cũng không thể thắng khi tâm thức chúng ta quá nghiêm trọng và bó hẹp. Thậm chí nếu chúng ta có hét to, vừa đấm vừa đá, trong khi tâm chúng ta cứng nhắc, thì chúng ta vẫn không có sức mạnh. Tâm thức chúng ta trở nên bị phân tán và kích động do sự căng thẳng, và nó không thể thâm nhập đối tượng của nó. Trong một cuộc tranh luận, thì luận lý logic sẽ trở nên rối loạn trong một tâm thức chật hẹp, cứng nhắc vì những niệm tưởng đã bị phân tán và không có không gian rộng mở để tâm thức có thể vui chơi trong đó. Vì vậy, nếu quá nghiêm trọng và căng thẳng, thì chúng ta sẽ luôn bị thua cuộc trước địch thủ của mình – là người có một tâm thức thư giãn, thoải mái hơn và họ hiểu được rằng sự tự tin luôn bị mất đi do sự kích động.

Nếu có tâm thức vui vẻ, thoải mái, thì thông qua thiền định, chúng ta có thể thấy được rằng vạn pháp thì giống như phép lạ. Dù bất cứ nơi đâu chúng ta tới, chúng ta đều thoải mái. Nếu đến từ một đẳng cấp, tầng lớp chuẩn mực cao, thì chúng ta có thể làm công việc của tầng lớp, đẳng cấp chuẩn mực thấp một cách rất dễ dàng mà không cần phải tự cho mình là đúng hay không thoải mái. Nếu đến từ một đẳng cấp, tầng lớp chuẩn mực thấp, thì chúng ta có thể giao tiếp một cách dễ dàng với những người chuẩn mực cao vì tâm chúng ta bao la và vui vẻ. Dù bất kỳ đẳng cấp hay tầng lớp nào xuất thân thì chúng ta đều không có sự mâu thuẫn giữa chuẩn mực cao hay thấp, bởi vì tâm thức chúng ta rộng mở và thảnh thơi, và chúng ta thấy vạn pháp chỉ là sự phô diễn, hiển bày của Tâm Trí Tuệ không che chướng.

Nếu có tâm vui đùa, thậm chí nếu có tiếp chuyện với những nhà lãnh đạo hùng mạnh, thì chúng ta vẫn có thể nói năng, hành xử mạnh mẽ, tự tin giống như họ, bởi vì tâm thức chúng ta tự tại và vô úy, và chúng ta thấy vạn pháp chỉ là sự phô diễn, hiển bày của Tâm Trí Tuệ không che chướng. Nếu có tâm vui đùa, thì không có sự mâu thuẫn nào giữa thanh tịnh và bất tịnh, vì vậy dù cho chúng ta có thọ nhận những giới nguyện thuộc về tôn giáo nào hay không thì chúng ta vẫn tự động có giới hạnh thanh tịnh, bởi điều này tùy thuộc vào tâm thanh tịnh, tâm tự do khỏi những ý niệm tiêu cực. Mục đích của những giới nguyện là để xoay chuyển cái bất tịnh trở thành cái thanh tịnh. Với tâm vô tư, vui đùa và hoàn toàn thuần khiết, thanh tịnh của mình, chúng ta không có ý nghĩ nghiêm trọng về việc phá vỡ hay trì giữ những thệ nguyện, bởi vì chúng ta thấy vạn pháp chỉ là sự phô diễn, hiển bày của Tâm Trí Tuệ không che chướng.

Nếu có tâm vui đùa, thậm chí nếu chúng ta có rời bỏ quê hương xứ sở của mình, thì chúng ta vẫn có thể dễ dàng thích nghi với bất kỳ phong tục tập quán nào, bởi vì chúng ta không quá nghiêm trọng về phong tục tập quán  riêng của xứ sở mình. Với tâm vui chơi, chúng ta có thể thích nghi ở khắp mọi chốn mọi nơi, bởi vì chúng ta thấy vạn pháp chỉ là sự phô diễn, hiển bày của Tâm Trí Tuệ không che chướng.

Khi thực hành, chúng ta cần tâm vui chơi và thư thái. Mọi phẩm chất tâm linh là vô hình, phi vật chất và vốn sẵn bên trong mọi vật chất. Nếu quá nghiêm trọng, thì đối tượng thiền định của chúng ta sẽ ngày càng trở nên xa vời, ngăn cách và bị che chướng, nhưng nếu có tâm vui đùa, thì chúng ta có thể luôn luôn thấy một cách rõ ràng, như một ao nước trở nên trong veo khi để nó lại được một mình, được tự do khỏi những xáo động.

Nhiều vị thầy và các bản văn nói rằng chúng ta cần phải trang nghiêm và tinh tấn trong sự thực hành của mình. Nhưng sự tinh tấn và trang nghiêm thì không có nghĩa là chỉ có giới luật nghiêm khắc và sự bó hẹp chặt chẽ tới mức thành ra hạn chế và hẹp hòi. Nếu chúng ta tách biệt sự tinh tấn ra khỏi hư không rộng mở, thì nó lại trở thành nguyên nhân cho sự vô minh. Sự tinh tấn thực sự thì luôn luôn là năng lượng liên miên bất tận, không ngơi nghỉ của tâm vui chơi rộng mở. Mỗi khi thiền định, nếu chúng ta có thể để cho tâm tự nhiên của mình chỉ đơn thuần được ở trong tâm vui chơi, thoải mái thì cái tâm bám chấp, nghiêm trọng và quan trọng hóa vấn đề sẽ không thể gây ảnh hưởng tới chúng ta. Chúng ta cần một tâm thức quân bình giữa sự chấp chặt thái quá và sự buông lỏng thái quá. Khi không còn sự hiện diện của tâm bám chấp nghiêm trọng nữa, thì sự giác ngộ sẽ tới gần một cách phi nỗ lực, không chút dụng công.

Một lần, có một đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ông là người không thể ngơi nghỉ tâm thức mình dù chỉ trong một thời khắc giữa sự tập trung quá căng và sự tập trung quá chùng. Đức Phật đã hỏi ông, “Trước khi trở  thành đệ tử của Ta, có phải ông đã từng chơi nhạc?” Vị đệ tử đáp, “Dạ vâng, con đã từng là một người chơi đàn sitar rất hay”. Đức Phật hỏi tiếp, “Có phải một âm thanh mượt mà, du dương sẽ ngân lên khi những sợi dây đàn được lên dây quá căng không?”, và người đệ tử đáp, “Thưa, không ạ.” Đức Phật lại hỏi, “Có phải một âm thanh mượt mà, du dương sẽ ngân lên khi những sợi dây đàn được lên dây trong tình trạng quá chùng không?” Người đệ tử lại đáp, “Thưa, không ạ.”. Sau đó Đức Phật nói, “Vậy làm thế nào ông có được một âm thanh du dương, mượt mà?” Và người đệ tử đáp, “Một âm thanh du dương, mượt mà được ngân lên khi cây đàn sitar được lên dây không quá căng mà cũng không quá chùng ạ!”. Đức Phật nói, “Vậy ông có thể thiền định trong cùng cách này, với sự tập trung không quá căng cũng không quá chùng được không?” Khi người đệ tử thiền định với một tâm thức cân bằng như lời Đức Phật dạy nhờ ví dụ về cây đàn sitar thì ông đã thấy bản tánh Tâm Trí Tuệ của mình.

Nếu chúng ta đang thực hành quán tưởng với sự không mong cầu, thì rồi bất kỳ hình thức quán tưởng bổn tôn nào chúng ta quán đều sẽ được thành tựu, chúng ta sẽ tự nhiên nhìn thấy Vị Bổn Tôn Trí Tuệ. Có quá nhiều sự tập trung nghiêm trọng là nguyên nhân cho tâm thức loạn động bám chấp. Nếu chúng ta cố gắng quán tưởng Vị Bổn Tôn Trí Tuệ với đôi mắt thiên lệch, thái quá và nghiêm trọng cùng với một tâm thức loạn động, bám chấp thì điều đó chỉ trở thành một dạng ma quỷ vì nguồn gốc của nó là sự nhị nguyên. Ở đâu có chủ nghĩa nhị nguyên thì ở đó có sự chối bỏ và chấp nhận. Ở đâu có sự chối bỏ và chấp nhận thì ở đó có nguyên nhân của ác cảm và luyến ái. Ở đâu có ác cảm và luyến ái thì ở đó có nguyên nhân của vòng luân hồi sinh tử.

Vì vậy bất kể loại thực hành nào chúng ta dấn thân vào, thì chúng ta cần tâm hoan hỷ, vui chơi, chúng ta cần tâm bao la, rộng mở và không mong cầu này. Tâm vui đùa không có những nỗi sợ hãi vì nó không có đối tượng. Vì hoàn toàn tự nhiên và rộng mở nên nó luôn luô22n mang đến sự an lạc và ân phước. Nếu có tâm vui đùa, thì chúng ta có thể làm gia tăng năng lượng trí tuệ tự nhiên của mình. Năng lượng ánh sáng thanh nhẹ bất hoại này rất tinh tế và đầy tràn sức mạnh, nó luôn luôn làm lợi lạc cho những người khác vì nó vô hại và bất khả xâm phạm với vật chất nguyên tố thô đến từ năng lượng của những cái khác. Vì sự nghiêm trọng là một biểu hiện của các nguyên tố thô nên cái gì càng nghiêm trọng thì nó càng trở nên nặng nề, dễ bị mắc kẹt và dễ bị chia tách khỏi ánh sáng thanh nhẹ hơn. Đức Phật thì hoàn toàn nhẹ nhàng và tỏa sáng, vì vậy chúng ta không thể nói rằng Ngài là người nghiêm trọng. Đức Phật là sự bao la, thấm nhập và tỏa khắp mọi chốn mọi nơi, và Ngài chưa bao giờ bị chia tách và phân biệt.

Nói chung, hệ thống Tiểu Thừa (Nguyên Thủy – Hinayana) dạy chúng ta phải cố gắng hàng phục tâm và từ bỏ những tham dục thông qua giới luật. Nhưng là những hành giả Pháp, chúng ta lại thường chấp nhặt dù chỉ một từ trong lời dạy của Đức Phật thông qua giới luật này. Thực sự thì giáo lý của Đức Phật là để làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh, và chúng sinh lại luôn luôn bị phụ thuộc vào tham dục. Đó là lý do vì sao Đức Phật đã dạy chúng ta cần phải dâng mọi tham dục lên Tam Bảo. Điều này không có nghĩa là Đức Phật có 5 giác quan như chúng ta để chấp nhận những đối tượng đáng khao khát của tham dục. Ngài chỉ đang tùy thuận theo căn cơ chúng ta để chúng ta có thể chơi đùa với những đối tượng khao khát của tham dục, và nhờ chơi đùa với chúng, thì tâm thức chúng ta có thể được giải thoát vào năng lượng ánh sáng thanh nhẹ thuần khiết của nó.

Đức Phật đã nói rằng, bất cứ ai hiểu được thần thông bi mẫn huyền diệu và bất kỳ ai thực hành thần thông giác ngộ huyền diệu thì đó là bậc hành giả giỏi nhất. Nhờ thần thông huyền diệu, chúng ta có thể vui đùa trong khi sử dụng tiềm năng bí mật các nguyên tố của mình. Khi chúng ta tập trung nghiêm trọng thái quá, thì tất cả các nguyên tố hội tụ, vân tập lại cùng nhau trong ý niệm nghiêm trọng, và không gian bên trong trở nên rất chật hẹp, bế tắc, và ở đâu thiếu không gian thì ở đó có bóng tối. Trong không gian tối tăm chật hẹp thì không có chỗ cho tâm thức phi chướng ngại như tấm gương, vì sự sáng rõ quang minh tự nhiên của nó đã bị triệt tiêu bởi tâm thức nghiêm trọng. Nếu không có tâm hoan hỷ, vui chơi thì không thể có Tâm Trí Tuệ sáng tỏ và thấu suốt – điều là sự nâng đỡ, hỗ trợ và là nguồn gốc của mọi phẩm tánh cùng hiện tượng.

Vũ Điệu Huyền Diệu – Sự Hiển Lộ Tự Tánh của Ngũ Trí Dakini

Dịch từ bản Anh ngữ:  MAGIC DANCE THE DISPLAY OF THE SELF-NATURE OF THE FIVE WISDOM DAKINIS

Tác giả: Ngài Thinley Norbu Rinpoche