Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche
Nepal

Từ bỏ các bận tâm về cuộc đời

Bạn bè thân thiết lâu năm cũng phải tách biệt. Tài sản có được với bao nỗ lực cũng bị bỏ lại đằng sau. Thức, khách trọ cũng sẽ rời bỏ khách sạn thân xác – Từ bỏ các bận tâm về cuộc đời là Pháp hành của một vị Bồ Tát.

Một cách thông thường, các mối bận tâm thế tục chỉ mang đến khổ đau và thất vọng trong đời này và nhiều đời kế tiếp. Các hình tướng của luân hồi không hề ổn định, luôn thay đổi, và vô thường, giống như tia chớp vụt ngang bầu trời đêm. Quán chiếu về tính vô thường của mọi hiện tượng sẽ giúp bạn chuyển tâm về với Pháp. Người ta nói rằng:

Bất cứ thứ gì sinh ra rồi sẽ chết,

Bất cứ thứ gì tập hợp rồi sẽ giải tán,

Bất cứ thứ gì tích lũy cũng sẽ cạn kiệt,

Bất cứ thứ gì cao rồi cũng sẽ ngã.

Trong vô minh của chúng ta, ta thấy mọi thứ là bất biến và thực sự tự tồn tại. Nhưng trên thực tế, các hiện tượng là vô thường, và không hề thực sự tồn tại. Chúng ta muốn tin rằng bạn bè, người đồng hành, tài sản và tầm ảnh hưởng sẽ tồn tại mãi, nhưng về bản chất chúng buộc phải thay đổi. Bởi thế thật là ngu ngốc khi bận rộn với chúng như thế.

Sự vô thường của các hiện tượng đa dạng luôn rõ ràng trên khắp vũ trụ. Ví dụ, hãy nhìn xem các mùa đang thay đổi trên trái đất. Vào mùa hè, khắp nơi toàn là các chùm lá xanh tươi và khung cảnh trông như thiên đường. Vào mùa thu, cỏ khô dần và vàng úa, hoa kết trái, và cây bắt đầu rụng lá. Mùa đông đến, mảnh đất tràn ngập màu trắng của tuyết, sau đó lại tan chảy khi nắng ấm của mùa xuân về. Bầu trời có thể đầy mây vào buổi sáng, và trở nên quang đãng vào buổi trưa; các dòng sông trở nên khô cạn hay dâng đầy; mặt đất vững chắc rõ ràng có thể rung động [động đất], và đất có thể sạt lở. Chẳng thể tìm thấy một hiện tượng ổn định nào ở thế giới bên ngoài.

Điều tương tự cũng đúng với con người. Chúng ta thay đổi liên tục. Chúng ta thay đổi từng phút, từ lúc trẻ đến khi về già, từ khi già đến lúc chết. Quan điểm, ý kiến và kế hoạch của chúng ta không ngừng biến chuyển và tiến bộ. Không bao giờ có thể chắc chắn rằng một dự án khi được bắt đầu sẽ được hoàn thành, cũng không thể chắc chắn mở ra theo cách mà chúng ta dự định. Như ngài Longchen Rabjam từng nói:

Chúng ta muốn sống mãi với người ta yêu,

Nhưng ta sẽ phải rời khỏi họ.

Chúng ta muốn sống mãi ở nơi dễ chịu,

Nhưng ta chắc chắn sẽ phải đi.

Chúng ta muốn mãi tận hưởng sự thoải mái và dễ chịu,

Nhưng chắc chắn chúng ta sẽ mất chúng.

Hãy nhìn xem số người bạn biết từ khi còn nhỏ – bao nhiêu người vẫn còn sống? Cho đến lúc này, bạn vẫn còn ở cùng với cha mẹ, bạn bè, người đồng hành và tương tự. Nhưng bạn không thể thoát khỏi sự thật rằng lúc chết bạn sẽ phải rời bỏ họ như một sợi tóc được lấy khỏi miếng bơ – không một chút bơ nào còn dính trên tóc.

Thời điểm cái chết xảy ra là không chắc chắn, và hoàn cảnh dẫn đến điều đó cũng không thể đoán định. Như con ếch trong miệng của con rắn, bạn luôn trong miệng của Tử thần. Cái chết có thể tấn công bất cứ lúc nào, không báo trước và là kết quả của nhiều kiểu nguyên nhân và hoàn cảnh. Một vài người chết trẻ, một số chết vì bệnh, một vài người chết trong chiến tranh, hay vì tai nạn thảm khốc bất chợt như là rơi xuống vách đá. Một vài người chết khi ngủ, một số khi đang đi bộ, hay đang ăn. Một vài người chết an bình, số khác chết đau đớn bởi gắn bó với họ hàng và tài sản. Chúng ta đều phải chết, dù sao đi chăng nữa. Ngài Jigme Lingpa từng nói:

Mọi người thấy nóng nực trong cơn nóng mùa hè

Tận hưởng ánh sáng dịu nhẹ của trăng thu–

Nhưng lại không sợ ý nghĩ rằng

Một trăm ngày của cuộc đời đã qua, và không trở lại.

Cuộc đời này trôi qua như sương trên đỉnh ngọn cỏ. Không gì có thể ngăn cản cái chết, giống như không ai có thể ngăn cản những cái bóng dài bởi mặt trời mọc. Bạn có thể cực kỳ xinh đẹp, nhưng bạn không thể quyến rũ Tử thần. Bạn có thể vô cùng oai hùng, nhưng không thể ảnh hưởng đến cái chết. Cái chết là điều chắc chắn với bạn như với ai đó bị đâm vào tim bằng một con dao.

Hiện tại, bạn thấy rằng thật khó để chịu đựng sự khó chịu nhỏ nhất của cây gai hay sức nóng của mặt trời. Nhưng còn nỗi thống khổ phải đối mặt lúc chết thì sao? Chết không giống như ngọn lửa tắt, hay hước thấm vào trong lòng đất. Thức vẫn tiếp tục, khi bạn chết, thức phải rời bỏ thân, chỉ được các ảnh hưởng nghiệp gây ra bởi những hành động thiện và ác trước kia của bạn đi theo. Sau đó nó bị buộc phải trôi lăn trên các con đường khác nhau trong thân trung ấm, trạng thái chuyển tiếp giữa cái chết và sự tồn tại tiếp theo. Trung ấm [bardo] là nơi xa lạ, đáng sợ, đôi khi là vô cùng đen tối và mờ ảo, không một giây phút an bình. Trong giai đoạn trung ấm của bạn, đôi khi bạn sẽ nghe thấy những âm thanh kinh hoàng hay thấy những điều đáng sợ. Như kẻ tội phạm bị đưa ra xử quyết, bạn có thể bị đẩy hay kéo bởi những sứ giả của Yama, Chúa tể của cái chết, hét lên rằng: “Giết hắn” và “Mang hắn đến đây!”. Nó không phải là một nơi thoải mái và dễ chịu.

Theo sau những khổ đau ghê gớm của trung ấm là khổ đau của đời tiếp theo, dù nó là gì. Các khổ đau mà bạn phải trải qua là kết quả không sai lầm của các hành động xấu xa phạm phải trong quá khứ. Thờ ơ Pháp, bạn tham gia vào các ác hạnh trong vô số đời. Như Đức Phật đã chỉ ra trong Tịnh Ức Diệu Pháp Kinh[1], nếu bạn chất tất cả chân tay trong các đời, thậm chí chỉ trong các đời mà bạn sinh làm loài kiến, đống chân tay đó cũng cao hơn ngọn núi cao nhất trên đời. Nếu bạn tích tập tất cả các giọt nước mắt bạn khóc trong các đời quá khứ khi mục tiêu không thể đạt được, thì chúng sẽ tạo thành đại dương còn rộng hơn cả các đại dương trên trái đất hợp lại.

Khi một người Khampa đến thăm Drubthop Choyung, một trong các đệ tử vĩ đại nhất của Đức Gampopa[2], và cúng dường ngài một miếng vải, để thỉnh cầu giáo Pháp. Rất nhiều lần, mặc dù lời thỉnh cầu khăng khăng của ông ta, Đức Drubthop Choyung từ chối. Nhưng ông ta vẫn tiếp tục, và cuối cùng vị Đạo sư cầm tay ông ta và nói, ba lần: “Ta sẽ chết, con sẽ chết”. Và sau đó ngài nói thêm rằng: “Đó là tất cả những gì Đạo sư dạy ta; đó là tất cả những gì ta thực hành. Hãy thiền định về điều đó. Ta hứa không còn gì vĩ đại hơn”.

Ngài Gyalwa Gotsangpa nói rằng:

Hãy thiền định về cái chết và vô thường

Và con sẽ cắt đứt những nút thắt với quê hương,

Liên quan đến sự gắn bó với họ hàng,

Và sự thèm muốn thức ăn và tài sản.

Ý nghĩ về cái chết sẽ chuyển tâm bạn về Pháp; nó làm bạn nỗ lực hơn, và cuối cùng nó giúp bạn nhận ra sự thấu suốt chói ngời của Pháp thân. Nó cần được duy trì là một đối tượng thiền định chính yếu của bạn.

Khi bạn nghĩ về luân hồi, nếu bạn cảm thấy như thể bạn đang trên một con tàu chìm, như thể bạn rơi vào miệng của những con rắn độc, hay như thể bạn là tên tội phạm sắp bị thi hành án, đây là những dấu hiệu chắc chắn bạn đã từ bỏ niềm tin vào sự trường tồn của mọi vật. Nó là sự hiểu đúng đắn về vô thường đã chiếu rọi trong tâm bạn[3]. Kết quả là, bạn sẽ không còn phân biệt giữa bạn và thù. Bạn sẽ có thể cắt đứt tấm lưới dày đặc của những xao lãng vô nghĩa. Nỗ lực của bạn trở nên mạnh mẽ, và mọi thứ bạn làm sẽ hướng về Pháp. Các phẩm tánh tốt lành của bạn sẽ phát triển mạnh mẽ.

Thân là đầy tớ của tâm; nó có thể hành xử một cách tốt lành hay xấu xa. Bạn có thể sử dụng thân này như một công cụ để giải thoát hoặc một điều gì đó kéo bạn sâu hơn vào luân hồi. Đừng lãng phí thời gian của bạn. Hãy tận dụng cơ hội mà bạn có bây giờ để gặp các vị thầy tâm linh và thực hành Pháp. Trong quá khứ, các hành giả đã đạt giác ngộ bằng cách lắng nghe giáo lý về vô thường và cái chết, bằng cách ghi nhớ chúng và quán chiếu về chúng, và bằng cách thấm nhuần chúng thông qua thiền định. Như người ta thường nói:

Bây giờ chúng ta phải sợ cái chết,

Và như thế trở nên vô úy vào lúc chết;

Nhưng thay vào đó chúng ta lại cẩu thả lúc này,

Và khi chết chúng ta đánh trống ngực trong đau đớn.

[1] Saddharmanu-smrtgyu-pasthana-sutra là Kinh giải thích làm sao chúng ta nhận ra các hành động, lời nói là thích hợp và không thích hợp, và làm sau chúng ta duy trì sự chú ý vào chúng.

[2] Gampopa, Sonam Rinchen, 1079 – 1153, sinh ra ở Nyal, miền Đông Tây Tạng, ban đầu ngài học để trở thành một thày thuốc, bởi thế tên ngài là Dapgo Lharje, Thầy thuốc xứ Dagpo (tên của tỉnh nơi ngài đã sống nhiều năm). Ngài xuất gia năm 26 tuổi sau khi vợ và hai con ngài mất trong một dịch bệnh. Sau khi nghiên cứu và thực hành các giáo lý Kadampa, năm 32 tuổi ngài gặp đức Jetsun Milarepa, và trở thành đệ tử xuất chúng nhất. Các đệ tử chính của ngài gồm Đức Karmapa đệ nhất Dusum Khyenpa (1110 – 1170), Phagmo Drupa (1110 – 1170) và Dharma Wangchuk.

[3] Thiền định về vô thường có ba gốc, chín sự chú ý, và dẫn đến ba kết luận chắc chắn.

Ba gốc để xem xét là (1) cái chết là chắc chắn, (2) không có gì chắc chắn điều gì sẽ gây ra nó; và (3) mọi thứ trừ Pháp đều vô ích vào lúc chết.

Chín điều chú ý: Với gốc thứ nhất: (1) không ai trong quá khứ có thể thoát khỏi cái chết, (2) thân gồm nhiều phần và buộc phải tan rã, và (3) cuộc đời đang hết dần. Với gốc thứ hai: (1) cuộc đời rất dễ tổn thương, (2) thân không hề có bản chất trường tồn, và (3) rất nhiều hoàn cảnh có thể gây ra cái chết, trong khi rất ít hoàn cảnh kéo dài hay hỗ trợ cuộc đời. Với gốc thứ ba: (1) họ hàng và bạn bè chẳng có ích gì lúc chết, (2) tài sản và thực phẩm sẽ không ích gì và (3) thân này cũng không ích gì.

Ba kết luận chắc chắn là (1) chúng ta cần thực hành Pháp, bởi vì nó sẽ giúp chúng ta lúc chết; (2) chúng ta cần thực hành ngay bây giờ bởi vì chúng ta không biết khi nào sẽ chết; và (3) chúng ta cần giành trọn thời gian để thực hành Pháp, bởi vì không gì khác có ích.

Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche

Nguồn: Trích từ Tác phẩm Trái Tim Từ Bi