Để lại đằng sau những tham luyến và hận thù

Ở quê hương luôn dạt dào những cơn sóng tham luyến bạn bè và người thân, sự thù ghét kẻ thù nổi lên như lửa. Màn đêm ngu dốt, không quan tâm đến điều gì nên làm và nên tránh dày thêm – Từ bỏ mảnh đất quê hương là Pháp hành của một vị Bồ Tát.

Ý nghĩa của việc từ bỏ quê hương là để lại đằng sau những tham luyến, hận thù và sự ngu dốt che chướng mà thấm vào cả hai. Nói chung, tam độc này, khá tích cực trong các mối quan hệ mà bạn thiết lập với gia đình và bạn bè ở mảnh đất quê hương. Ở đó, việc bảo vệ những người bạn gắn bó, và tăng trưởng tài sản và hạnh phúc của họ, dễ dàng trở thành mối bận tâm chính của bạn. Nếu bạn cảm thấy bất cứ do dự nào trong mục tiêu thế tục không ngừng này, nó chỉ đơn giản là về việc làm sao đạt được chúng tốt nhất – bạn có nên tiếp tục bất cứ điều gì mà bạn đang làm, hoặc nỗ lực với một vài hướng mới và có nhiều lợi hơn không? Bạn kết thúc trong việc tham gia vào vô số hoạt động vô nghĩa không kết thúc, phung phí những gì còn lại của cuộc đời quý giá. Giống như vậy, xung đột khởi lên một cách dễ dàng hơn trong những hoàn cảnh như vậy. Hận thù thường sinh ra từ tranh cãi, các mối thâm cừu và các niềm tin bị xuyên tạc chảy liên tục trong một gia đình hay một khu vực trong nhiều thế hệ. Trên thực tế, thậm chí nếu bạn sống đến bảy mươi tuổi hay lâu hơn, bạn không bao giờ có thể hy vọng sẽ vượt qua mọi kẻ thù và hoàn toàn làm thỏa mãn những người thân.

Đánh bại đối thủ cạnh tranh và chăm lo cho những sở thích của bản thân và bạn bè là điều mà rất nhiều người coi là cách hữu hiệu và thông minh để sử dụng cuộc sống. Nhưng hành xử như vậy với kết thúc này trong tâm chỉ ý nghĩa nếu bạn hoàn toàn không nhận ra những hậu quả kèm theo. Không thấy rằng sẽ vô ích ra sao khi lãng phí cuộc đời với những mục tiêu như vậy đơn giản là sự ngu dốt.

Bởi thế, thay vì sống gần mọi người và vật mà có thể khuấy động sự gắn bó và thù hận của bạn, hãy đi đến một nơi hoàn toàn xa lạ, ở đó không có gì có thể tạo ra những cảm xúc tiêu cực. Tâm bạn sẽ không bị phiền hà và bạn có thể hiến dâng thời gian và năng lượng cho thực hành Pháp. Như người ta thường nói:

Hãy đi xa hàng trăm dặm

Từ những nơi chốn của sự cãi cọ;

Đừng ở lại dù chỉ chốc lát

Nơi ngập tràn cảm xúc phiền não

Và ngài Longchenpa cũng dạy rằng:

Các hoạt động thế tục thông thường

Như đầm lầy nhấn chìm con voi đang tìm kiếm sự mát mẻ.

Họ hàng và bạn bè yêu quý

Như những quản ngục giam giữ con trong luân hồi.

Những niềm thích thú của cuộc đời

Như khúc xương đang bị gặm bởi con chó già móm răng.

Hỗn độn trong tham luyến hay hận thù với những trải nghiệm giác quan

Như mật ngọt mà lũ côn trùng thường rơi vào.

Bị cướp đoạt bởi sợ hãi, hãy ném tất cả đi xa!

Khi bạn rời bỏ nhà cửa, quê hương, gia đình, bạn bè và công việc thế tục, bạn sẽ không còn gì để bám chấp. Bạn sẽ thấy tự do như lũ chim và thú hoang. Tuy nhiên, nếu trong môi trường mới lạ và chưa quen thuộc này, bạn bắt đầu tạo ra những gắn bó mới, chẳng mấy chốc bạn sẽ lại thấy không thể thực hành Pháp. Giống như mặt trăng, luôn luôn di chuyển, đừng ở lại một chỗ quá lâu. Khi thời gian trôi qua, thông qua thực hành Pháp, rõ ràng hận thù với bất kỳ ai cũng đều là lỗi lầm. Bạn sẽ không có gì khác ngoài những ý nghĩa và ý định tốt lành với mọi chúng sinh. Bởi vậy, sự vô ích của việc gắn bó với ai hay thứ gì trở nên hiển nhiên, và bạn sẽ thấy rằng mọi đối tượng bám chấp giống như những vật được thấy trong giấc mơ, như những màn ảo thuật.

  1. Khi các nơi chốn đối nghịch bị từ bỏ, các cảm xúc phiền não giảm dần; Khi không có sự xao lãng, các hoạt động tích cực tăng dần; Khi giác tánh trở nên rõ ràng hơn, niềm tin vào Pháp tăng lên – An trú nơi cô tịch là Pháp hành của một vị Bồ Tát.

Khi bạn sống ở một nơi cô tịch, các cảm xúc tiêu cực sẽ giảm dần, và sự tự kiểm soát và tính điềm đạm của bạn sẽ tăng lên. Ngài Gyalse Thogme đã từng nói:

Ở một nơi cô tịch,

Không có kẻ thù để đánh bại,

Không có họ hàng để bảo vệ

Không có cấp trên để khâm phục

Không có đầy tớ để được chăm sóc.

Bởi thế, ngoài việc điều phục tâm,

Con sẽ làm điều gì khác ở đó, hỡi các Manipa[1]?

Không bị làm phiền bởi bạn bè và họ hàng, không bị xao lãng bởi sự cần thiết phải kiếm sống nhờ kinh doanh hay làm đất, bạn sẽ có thể tập trung dần dần vào thực hành tâm linh sâu sắc và như thế đạt được tiến bộ tâm linh với thân, khẩu và ý. Tâm của bạn sẽ trở nên tự kiểm soát, an bình, rõ ràng, và tràn đầy sự chắc chắn với sự thật của giáo lý. Đó là lý do tại sao tất cả các đấng hiền triết trong quá khứ sống ở nơi hoang dã, nơi miền cô tịch, núi non thuận lợi cho thực hành tâm linh. Ngài Shantideva dạy rằng:

Và bởi vậy, chán ghét sự thèm muốn và khao khát,

Hãy cùng tận hưởng trong cô tịch ngay bây giờ,

Ở những nơi mà chẳng có xung đột,

Sự an bình và tĩnh lặng của rừng xanh[2].

Và người ta cũng nói rằng:

Không bám chấp vào sự đạt được, như gió, như chim.

An trụ nơi hoang vu, như con vật nhút nhát.

Hành xử đúng đắn, con sẽ duy trì sự bình thản.

Nếu bạn muốn tập trung hoàn toàn vào Pháp thay vì bị đánh liên hồi bởi cơn sóng tham luyến và thù địch, hãy từ bỏ chúng và đi đến một nơi cô tịch. Hãy chuyển tâm vào trong, nhận ra những lỗi lầm, thoát khỏi chúng, và phát triển các phẩm tánh tốt lành vốn có. Hãy hài lòng với đủ thức ăn để duy trì sự sống, chỉ đủ quần áo để bảo vệ bản thân, và thực hành của bạn sẽ tiến bộ ngày qua ngày, tháng này sang tháng khác và qua từng năm.

Khi bạn thoát khỏi mọi điều kiện gây ra xao lãng, thực hành của bạn sẽ tiến bộ dọc theo con đường. Đó là lý do tại sao tất cả các vị yogi trong quá khứ đã lang thang như kẻ ăn xin đến những miền hoang vắng khác nhau. Thậm chí chỉ một tháng ở nơi yên tĩnh và đơn độc cũng đủ để sự hận thù được thay thế bởi mong muốn làm lợi lạc cho người khác, và sự gắn bó với bạn bè được thay thế bởi cảm xúc mạnh mẽ về vô thường và cái chết sắp xảy đến.

Như Đức Atisha từng nói: “Sự xao lãng sẽ gây hại cho thực hành của con cho đến khi con đạt được sự ổn định. Hãy an trú trong rừng và miền núi non cô tịch. Thoát khỏi những hoạt động gây rối loạn, con sẽ có thể hiến dâng trọn vẹn cho thực hành Pháp và con sẽ không phải hối hận vào lúc chết”.

Và ngài Drom Tonpa[3] cũng nói: “Thời đại suy đồi này không phải là lúc cho những người thường giúp đỡ kẻ khác ở bên ngoài, mà là lúc để sống ở nơi cô tịch và rèn luyện tâm mình trong tình yêu thương và lòng bi mẫn của Bồ Đề Tâm[4]”.

Sức mạnh của sự ảo mộng và tập khí khiến việc thực hành Pháp ban đầu có vẻ rất khó khăn; nhưng những khó khăn này sẽ dần lắng xuống. Khi bạn hiểu được điểm trọng yếu của giáo lý, bạn sẽ không cảm thấy khó khăn nào trong thực hành. Những nỗ lực sẽ mang đến cho bạn niềm vui. Nó giống như phát triển một kỹ năng – khi bạn làm chủ các điểm quan trọng, nó sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều, bạn sẽ đạt được sự tự tin tăng lên, và khả năng và nỗ lực của bạn sẽ tiếp tục tăng.

Bất cứ thiền định hay quán chiếu nào mà bạn thực hiện, nó cũng sẽ không bao giờ bị lãng phí. Lợi ích mà nó mang lại sẽ hiện diện trong dòng tâm thức vào lúc chết, và nó sẽ giúp bạn tái sinh ở nơi mà Pháp phát triển, gần một vị thầy tâm linh chân chính. Đời này qua đời khác, bạn sẽ tiến bộ từ một hành giả không tốt lắm đến mức trung bình, và từ hành giả trung bình trở thành hoàn hảo. Cốt tủy của việc nghiên cứu là quán chiếu và cốt tủy của quán chiếu là thiền định. Khi bạn hiểu sâu hơn ý nghĩa của giáo lý, những phẩm tánh diệu kỳ của Pháp sẽ trở nên rõ ràng hơn, như mặt trời trở nên sáng hơn khi bạn bay cao hơn.

Dấu hiệu cho thấy bạn đã thấu triệt việc nghiên cứu Pháp là bạn trở nên an bình về bản chất. Dấu hiệu cho thấy bạn thấu triệt thiền định là bạn thoát khỏi những phiền não. Vì nghiên cứu dẫn đến quán chiếu và quán chiếu chuyển hóa thành thiền định, niềm say mê các hoạt động mê lầm của cuộc đời sẽ giảm, và thay vào đó bạn sẽ mong muốn thực hành Pháp.

Bất cứ điều gì bạn làm mà hòa hợp với Pháp, dù nhỏ hay tầm thường ra sao, cũng sẽ đem đến lợi lạc. Như Kinh Hiền Ngu có nói:

Đừng xem thường các thiện hạnh nhỏ bé

Tin rằng chúng chẳng giúp ích gì;

Bởi từng giọt từng giọt nước

Cuối cùng sẽ làm đầy chiếc bình khổng lồ.

Tương tự, nếu bạn chỉ thực hành một giờ mỗi ngày với niềm tin và sự khao khát, những phẩm tánh tốt lành sẽ tăng trưởng vững chắc. Thực hành đều đặn khiến dễ dàng chuyển hóa tâm. Từ việc chỉ nhận thấy sự thật tương đối, bạn sẽ dần đạt đến sự chắc chắn rộng lớn trong ý nghĩa của sự thật tuyệt đối.

Chướng ngại chính yếu cho sự phát triển các phẩm tánh như vậy chính là xao lãng. Xao lãng có thể xảy ra trong từng giây từng phút. Nếu bạn để thời gian trôi qua vô ích, vào lúc bạn chết bạn sẽ thấy hối tiếc rằng đã không thực hành Pháp. Nhưng lúc đó là quá muộn, và sự ăn năn sẽ chẳng giúp ích gì. Bây giờ là lúc để đến một nơi hoang vắng, và đưa các chỉ dẫn bạn đã nhận được từ vị thầy vào thực hành. Từng giây phút trong cuộc đời sẽ trở nên quý giá và ý nghĩa, đưa bạn thoát khỏi luân hồi và gần hơn với giải thoát.

[1] Manipa có thể hiểu là những hành giả trì tụng thần chú Mani, nói rộng ra là các hành giả Pháp.

[2] Nhập Bồ Tát hạnh, trang 122.

[3] Drom Tonpa Gyalwai Jungne (’brom ston pa rgyal ba’i ’byung gnas, 1004 – 1064, đệ tử người Tạng thân thiết nhất của Đức Atisha, người đã ở cùng thầy trong mười tám năm. Ngài thành lập tu viện Reting (rwa sgreng), ở đó ngài an trú và giảng dạy trong bảy năm trước khi qua đời ở tuỏi 60.

[4] Xem Lời vàng của Thầy tôi, trang 366 bản dịch Việt ngữ của nhóm Longchenpa.

Tác giả: Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche

Nguyên tác: Trái Tim Từ Bi