maxresdefault (1)

Tập Khí, Giấc Mộng Và Thời Gian

Từ thủa vô thỉ không có khởi đầu thì không có tập khí, thói quen nào trong tâm tự nhiên vô điều kiện. Tuy thế chúng ta vẫn tạo ra thói quen, tập khí bằng cách chia tách hiện tượng ra khỏi hư không sáng tỏ. Một tấm gương tự nó thì vốn không bám bụi bẩn. Tuy thế, nó vẫn thu hút và tập trung bụi bẩn làm che chướng đi sự sáng tỏ tự nhiên của mình. Tương tự như vậy, Tâm Trí Tuệ thanh tịnh của chúng ta trở nên bị che chướng bởi bản ngã, cái tôi (ego) khi chúng ta trở nên bị cuốn hút tới sự phô diễn, hiển bày không bị che chướng từ các hiện tượng thanh tịnh của tâm. Nếu chúng ta có thể nhận ra tâm bất nhiễm tự nhiên của mình, thì chúng ta sẽ không bị che ám qua sự dính mắc, ràng buộc, nhưng nếu chúng ta không nhận ra tâm tự nhiên thuần khiết của mình, thì sau đó hiện tượng từ các nguyên tố vi tế của chúng ta sẽ vân tập, tích tụ lại như bụi bẩn trên bản tâm như tấm gương sáng tỏ của chúng ta. 

Nếu chúng ta lau sạch hạt bụi bẩn nhẹ nhàng ngay lập tức thì chúng ta có thể dễ dàng lau sạch một tấm gương. Nếu một tập khí, thói quen ở trong trạng thái hạt giống tiềm tàng của nó, thì chúng ta có thể dễ dàng khiến nó biến mất. Nhưng khi chúng ta cứ để một tấm gương ở đó mà không lau sạch nó, thì các hạt bụi vi tế sẽ vân tập lại, thu hút các hạt bụi nặng hơn chồng chất lên chúng, cho đến khi tấm gương trở nên bị che ám hoàn toàn và rất khó để lau sạch. Nếu chúng ta lơ đễnh, cẩu thả và bỏ mặc những tập khí, thói quen của nguyên tố vi tế không dễ dàng nhận ra của mình, thì chúng sẽ trở thành nguyên nhân cho các thói quen, tập khí dễ dàng trông thấy nặng nề thô trược.

Những thói quen, tập khí dễ dàng nhận thấy của chúng ta giống như nấm mốc xuất hiện trên thực phẩm ôi thiu. Còn những thói quen, tập khí vi tế, khó nhận thấy của chúng ta thì giống như ngọn lửa ẩn ngầm ở dưới những lớp tro nóng. Khi tịnh hóa tâm thức của mình, chúng ta cần phải tẩy sạch tất cả những tập khí, thói quen còn sót lại, bất kể chúng có vi tế ra sao. Nếu chúng ta bỏ sót lại dù chỉ một đốm nhỏ, hay một vệt hay một hạt bụi trên tấm gương tâm thức của mình thì điều này vẫn là một tập khí, thói quen còn sót lại. Thậm chí nếu chúng ta có dù chỉ một ý niệm, khái niệm còn sót lại, hay dù chỉ một hiện tượng, bất kể cho nó là thiện hay ác, tốt hay xấu, thì nó vẫn là tập khí còn dư sót lại, cái gây che ám. Những đám mây dù cho là mây đen hay mây trắng thì chúng cũng vẫn là những đám mây che chướng đi bầu trời.

Các thói quen, tập khí nguyên tố nặng trược của những chúng sinh bình phàm thì giống như mùi xạ hương đậm đặc trong tuyến con hươu xạ. Các tập khí, thói quen nguyên tố sáng chói, nhẹ nhàng của các bậc siêu phàm trước khi giác ngộ thì giống như mùi xạ hương vi tế còn sót lại sau khi túi xạ được lấy đi vẫn còn tiếp tục tỏa hương một thời gian trước khi biến mất hoàn toàn. Những người bình thường có đau khổ thô và hạnh phúc thô từ các tập khí, thói quen nguyên tố thô của họ. Một số vị bồ tát vẫn có đau khổ và hạnh phúc, nhưng vì nó đến từ những tập khí, thói quen nguyên tố thanh nhẹ (sáng và nhẹ) của các ngài nên nó giống như một dấu vết còn sót lại mong manh so với tập khí, thói quen gốc rễ dầy đặc đau khổ và hạnh phúc của những chúng sinh bình phàm. Một số vị bồ tát thị hiện đau khổ chỉ để hiển lộ chân lý nhân quả, nghiệp báo và nhằm tịnh hóa nghiệp quả đó cho những chúng sinh khổ đau bằng cách minh chứng cho sự mệt mỏi, chán nản của vòng luân hồi sinh tử.

Đất về mặt cơ bản thuần túy thì vốn không có sự phát triển và tăng trưởng. Nhưng thông qua những điều kiện, hoàn cảnh (nhân duyên) của các đại khác, thì sự tăng trưởng và phát triển xuất hiện khiến che phủ mặt đất. Những tập khí, thói quen thì giống như sự sinh trưởng và phát triển. Nước về mặt cơ bản thuần khiết thì vốn không có bùn. Nhưng thông qua những điều kiện, hoàn cảnh (nhân duyên) của các đại khác, thì bùn xuất hiện và làm vẩn đục nước. Những tập khí, thói quen thì giống như bùn. Lửa về mặt cơ bản thuần khiết thì vốn không có khói. Nhưng thông qua những điều kiện, hoàn cảnh (nhân duyên) của các đại khác, thì khói xuất hiện và che ám lửa. Những tập khí, thói quen thì giống như khói. Gió về mặt cơ bản thuần khiết thì vốn không có bụi. Nhưng thông qua những điều kiện, hoàn cảnh (nhân duyên) của các đại khác, thì bụi xuất hiện và gây chướng ngại gió (khí). Những tập khí, thói quen thì giống như bụi. Bầu trời về mặt cơ bản thuần khiết thì vốn không có mây. Nhưng thông qua những điều kiện, hoàn cảnh (nhân duyên) của các đại khác, thì những đám mây xuất hiện và làm che chướng bầu trời. Những tập khí, thói quen thì giống như mây.

Tâm thức thì giống như mặt đất thuần túy phi giới hạn. Nếu chúng ta không bị cuốn hút và bám chấp vào những hiện tượng giới hạn, hạn chế của mình, thì rồi chúng ta sẽ có thể giữ được và an trú trong tâm tươi mới vô tận của mình. Tâm thức thì giống như nước thuần khiết trong veo. Nếu chúng ta không bị cuốn hút và bám chấp vào những hiện tượng tối tăm, u ám của mình, thì rồi chúng ta sẽ có thể giữ được và an trú trong tâm bổn nguyên tự nhiên của mình. Tâm thức thì giống như ánh lửa rực rỡ tinh thuần. Nếu chúng ta không bị cuốn hút và bám chấp vào những hiện tượng mù mịt, che ám như khói lửa của mình thì rồi chúng ta sẽ có thể giữ được và an trú trong tâm quang minh tỏa sáng của mình. Tâm thức thì tựa như làn gió không trọng lượng thuần khiết. Nếu chúng ta không bị cuốn hút và bám chấp vào những hiện tượng bụi mù, cũ rích của mình, thì rồi chúng ta sẽ có thể giữ được và an trú trong tâm sáng tỏ phi chướng ngại của mình. Tâm thức thì giống như bầu trời bất nhiễm thanh tịnh. Nếu chúng ta không bị cuốn hút và bám chấp vào những hiện tượng u ám, vẩn đục thì rồi chúng ta sẽ có thể giữ được và an trú trong tâm hư không rộng mở của mình.

Các thói quen, tập khí biểu hiện vào mọi lúc, kể cả lúc ngủ và cả lúc thức. Trong tâm thức bình phàm của mình, thì những hiện tượng tập khí, thói quen ban ngày trông thấy được là thô nặng và những hiện tượng tập khí, thói quen trong giấc mộng không trông thấy được là vi tế. Nhưng nguyên tố vi tế lại luôn hiện diện trong nguyên tố thô, vì vậy trong tâm thức của một hành giả đích thực thì những hiện tượng tập khí, thói quen ban ngày thì không có sự khác biệt với những hiện tượng tập khí, thói quen trong giấc mộng. 

Những hiện tượng tập khí, thói quen trong giấc mộng không nhìn thấy được của chúng ta thì giống như những vì sao tinh tú, chúng không thể trông thấy được vào ban ngày nhưng thực chất thì chúng vẫn ở đó. Những hiện tượng thô ban ngày không khiến cho những hiện tượng giấc mộng vi tế biến mất. Những tập khí, thói quen mộng bất tịnh không trông thấy được của tâm bình phàm chúng ta không mất đi cho tới khi chúng ta khiến cho những tập khí, thói quen bất tịnh lúc thức nhìn thấy được biến mất. Dù cho từ khởi thủy, mọi thứ là bất khả thị, không gì có thể được trông thấy, nhưng chúng ta vẫn luôn tạo ra và tin vào cái hữu hình không thể tin cậy được. Ở giữa hữu hình và vô hình chúng ta luôn luôn ở trong đau khổ. Như ngài Shantideva (Tịch Thiên) đã nói, “Một phụ nữ vô sinh thì không thể có con, nhưng trong giấc mơ của mình, nếu thấy đứa con của mình bị chết thì cô ta vẫn ở trong đau khổ.” Nhưng với bậc hành giả đích thực đã hiểu được tinh túy, bản chất thuần tịnh của các nguyên tố thì không có tập khí, thói quen ban ngày thô nào cả và cũng không có tập khí, thói quen mộng vi tế nào hết. 

Theo hệ thống Mật giáo (Tantric), thì không cần thiết để khảo sát, kiểm nghiệm các giấc mộng chúng ta gặp vào buổi đêm và trước nửa đêm, vì những giấc mộng này chỉ là những biểu hiện của những tập khí, thói quen từ trước đó. Không cần thiết để khảo sát những giấc mộng chúng ta gặp vào lúc nửa đêm, vì khi ý niệm về các nguyên tố bất tịnh vi tế lúc mộng của chúng ta cùng ý niệm về các nguyên tố thô bất tịnh ban ngày của chúng ta được nối kết với nhau, thì chúng sẽ tạo ra những rối loạn biểu hiện tự thân như là những dạng ma quỷ. Chúng ta nên khảo sát, kiểm nghiệm những giấc mộng chúng ta có vào lúc bình minh, rạng sáng nếu chúng ta muốn biết về tương lai.

Nếu chúng ta có một giấc mộng xấu, thì chúng ta có thể xua tan những hiện tượng tiêu cực của nó nhờ sự cầu nguyện và thiền định. Nếu đó là một giấc mộng lành, thì chúng ta có thể giữ những hiện tượng tích cực của nó lại cũng nhờ sự cầu nguyện và thiền định, và nó có thể trở thành sự thực. Nếu chúng ta thực hành thiền vô tướng và muốn ngơi nghỉ, an trụ trong Tâm Trí Tuệ Bình Đẳng An Nhiên thì chúng ta nên nhận ra rằng không quan trọng dù cho những giấc mộng xảy ra là thật hay không, vì ban ngày và lúc mộng, thì cả hai đều chỉ là một giấc mộng mà thôi. Chúng ta không cần phải sợ và có cảm giác tồi tệ về những cơn ác mộng và chúng ta cũng không cần phải có những cảm giác tốt hay những mong đợi, hy vọng về những giấc mộng lành, mà thay vào đó, chúng ta nên cố gắng hòa tan những ý niệm của mình tan biến vào hư không quang minh sáng tỏ. 

Nếu chúng ta đang sử dụng sắc tướng trong sự thiền định của mình và muốn tạo ra những hiện tượng thanh tịnh của các nguyên tố vi tế thì chúng ta sử dụng thực hành giấc mộng, bản chất, tinh túy cốt lõi của nó là quán tưởng vị bổn tôn mà chúng ta có một mối liên hệ nghiệp, tùy theo nghi quỹ sadhana ứng với căn cơ, điều kiện riêng của mình. Nếu tập khí, thói quen ban ngày của chúng ta là hiện tượng của vị bổn tôn, thì tập khí, thói quen giấc mộng của chúng ta cũng sẽ trở thành hiện tượng của vị bổn tôn. Dần dần, những hiện tượng mộng bất tịnh sẽ được chuyển hóa vào những hiện tượng mộng thanh tịnh, cho tới khi một cách tận cùng và tối hậu thì ban ngày và lúc mộng đều trở thành một khối cầu pháp tánh thanh tịnh vô hạn của các hiện tượng Bổn Tôn Trí Tuệ.

Những tập khí, thói quen ban ngày và trong mộng như huyễn của chúng ta không tách rời khỏi những hoàn cảnh và điều kiện. Ở vùng cao nguyên lạnh giá, người ta có thói quen mặc áo len dày và áo lông thú. Ở vùng thảo nguyên thấm ấm áp, người ta lại có thói quen mặc đồ tơ lụa và vải bông cotton. Khi những người vùng cao đi xuống vùng thấp, thì họ vẫn giữ thói quen dùng đồ len dày của mình và khi những người vùng thấp đi lên vùng cao, thì họ cũng vẫn giữ thói quen mặc đồ vải bông cotton mỏng nhẹ của mình. Khi nghĩ về vị bổn tôn siêu phàm của mình, kể cả nếu chúng ta cố gắng thì chúng ta cũng không thể thấy khuôn mặt của ngài. Tuy nhiên không cần phải cố gắng mà khuôn mặt của những người bình thường mà chúng ta yêu thương vẫn tự nhiên xuất hiện trước chúng ta. Những thói quen, tập khí đi theo chúng ta dù chúng ta có đi bất kỳ đâu, và việc thay đổi những tập khí, thói quen của chúng ta vẫn là điều khó khăn nhất.

Luôn luôn rất là khó khăn và khổ sở để di chuyển từ một nơi chốn quen thuộc cũ tới một nơi chốn không quen thuộc mới. Rất là khó để thay đổi! Mỗi khi chúng ta nói “thay đổi” thì chúng ta đã hàm ý là sự thay đổi những thói quen, tập khí. Mọi nền văn hóa, truyền thống và tôn giáo tín ngưỡng đều dạy chúng ta thay đổi những tập khí, thói quen tiêu cực thành những tập khí, thói quen tích cực. Nếu chúng ta không muốn tạo ra những tập khí và thói quen tiêu cực thì chúng ta cần phải cố gắng tiêu hủy chúng từ ngay từ lúc ban đầu. Nếu chúng ta nhìn thấy một con rắn đốm và cảm thấy sợ thì chúng ta cần phải cố gắng tiêu hủy nỗi sợ hãi này ngay lập tức hoặc không chúng ta sẽ cảm thấy sợ khi chúng ta nhìn thấy một cuộn dây đốm bởi vì chúng ta đã trở nên bị đánh lừa bởi tập khí, thói quen con rắn đốm của mình.

Tập khí, thói quen tích cực của người này lại là tập khí, thói quen tiêu cực của người khác, và tập khí, thói quen tiêu cực của người này lại là tập khí, thói quen tích cực của người khác. Sự đồng thuận hay không đồng thuận giữa cha mẹ và con cái, nam và nữ, thầy và trò, hay giữa những chính phủ và người dân của họ luôn luôn phát sinh vì họ đang cố gắng thay đổi những thói quen, tập khí tiêu cực thành những thói quen, tập khí tích cực theo quan điểm riêng của họ. Theo quan điểm của Giáo Pháp hay Chân Lý, thì mục đích của mọi sự thực hành và giảng dạy là để tịnh hóa những thói quen, tập khí của bản ngã, của cái tôi (ego) nhằm thay đổi những hiện tượng tiêu cực thành những hiện tượng tích cực. 

Những hiện tượng của chúng ta đang luôn luôn thay đổi bên trong thời gian và nguồn gốc của tập khí, thói quen về thời gian của chúng ta thì lại là vật chất. Khi các nguyên tố trở nên thô trược và vật chất hóa hơn, thì phương hướng bắt đầu được hình thành. Khi ngày càng có nhiều phương hướng hơn, thì ngày càng có nhiều thời gian hơn. Chúng ta không thể nhìn thấy tất cả thời gian vào cùng lúc, một lần bởi vì, tâm thức ở thời khắc hiện tại của chúng ta bị dính mắc vào các nguyên tố vật chất thô. Chúng ta không thể nhìn thấy vật chất ở thì quá khứ bởi vì chúng ta đã bị chia tách giữa vật chất mới – là những cái tâm thức chúng ta đang luôn luôn tạo ra, và vật chất ở thì quá khứ thì lại đã trở thành trì trệ, chậm chạp mất rồi. Chúng ta không thể nhìn thấy vật chất ở thì tương lai bởi vì nó vẫn chưa chín mùi hay chưa dễ để nhìn thấy. Nghiệp quả là thời khắc quá khứ và tương lai tiềm ẩn, điều mà sẽ trở thành dễ dàng trông thấy như là thời khắc hiện tại.

Tâm phàm tục thì luôn luôn bị chia tách bởi thời gian, vì không gian của người bình thường bị chia tách bởi những làn ranh giới của vật chất thô. Vì điều này nên chúng ta không thể thấy vượt lên khỏi được hiện tại thông qua các nguyên tố thô. Nó giống như chúng ta bị giam hãm ở trong một bức tường dày đặc và vì vậy nên chúng ta không thể thấy hay thâm nhập (quá khứ, tương lai hay những nơi chốn vượt ngoài giới hạn của các giác quan vật lý), vì chúng ta đã bị che chướng bởi thời gian vật chất.

Chư Bồ Tát là những bậc được phú bẩm với những phẩm tính siêu phàm thông qua nghiệp, nên các ngài có thể nhìn thấy mọi thời khắc, thời điểm như thể nhìn vào một tấm gương trong veo. Vì có ít những che chướng từ nguyên tố thô nên các ngài có thể nhìn thấy tương lai siêu vượt lên khỏi vật chất. Đức Phật an trụ và ngự ở khắp mọi nơi, mà Ngài vẫn không cần phải an trụ, hay dừng lại ở bất kỳ đâu cả, nên Ngài có thể thấy không chút ngăn che và vô cùng tự nhiên, không cần phải tác ý, bởi vì các nguyên tố (đại) của Ngài đã siêu vượt lên khỏi vật chất và tâm thức của Ngài không bao giờ bị chia tách, phân ly bởi thời gian. Ví dụ về bức tường kính ở trên thậm chí không thể dùng được ở đây. Với những bậc đã an định trong Tâm Bầu Trời Hư Không Sáng Tỏ với tất cả các đại (nguyên tố) ở trong sự cân bằng, an nhiên thì các ngài có thể nhìn thấy tất cả thời gian và không gian, bởi vì nó là sự rộng mở và không bị che chướng. Các ngài không có phương hướng hay thời gian vì các ngài không phải là chất thể bên trong cũng không phải là chất thể bên ngoài. Trong bầu trời thì không có núi non, không chướng ngại, không vật chất cản trở và không phương hướng. 

Đức Phật nhìn thấy mọi sự bởi vì trong Tâm Trí Tuệ không có thời gian và không có phương hướng. Khi không có thời gian và phương hướng thì không có gì nữa để thấy cả. Nhưng nếu không có gì nữa để thấy thì làm sao Đức Phật lại có thể là một bậc dẫn đạo và làm lợi lạc cho chúng sinh? Nếu chúng ta nghĩ không có thời gian, vậy làm sao Đức Phật lại có thể tiên đoán được thời điểm? Nếu chúng ta nghĩ không có phương hướng thì làm sao Đức Phật lại có thể chỉ rõ phương hướng? 

Đức Phật là sự toàn tri toàn giác; tâm thức Ngài tựa bầu trời. Ngài không phô bày, thể hiện bất kỳ điều gì; Những gì xuất hiện chỉ là một sự phản ảnh, phóng chiếu. Nếu chúng sinh có phương hướng thì nó sẽ được phản chiếu. Nếu chúng sinh có thời gian thì nó sẽ được phóng chiếu. Vì vậy thực sự thì thời gian không phải là một phản ảnh, phóng chiếu của Đức Phật, mà nó là một sự phóng chiếu, phản ánh của chúng ta. Nếu chúng ta mở một cái lọng (hay cái ô, dù) trong bầu trời thì một cái bóng của nó sẽ phản chiếu xuống mặt đất. Thì các nguyên tố vật chất cũng xuất hiện trong cùng cách như vậy. Thời gian phản chiếu xuống như một cái bóng tới thân thể chúng ta, vì vậy thời gian là hiện tượng riêng của chúng ta.

Để có sự đồng thuận bên ngoài, thì thời gian cố định được bắt nguồn từ những hiện tượng chung thông qua sự quan sát và phán đoán dựa trên những nhân duyên, điều kiện cùng các nguyên tố thô, dễ nhận thấy bên ngoài. Khi những nguyên tố này thường có phụ thuộc qua lại lẫn nhau, thì chúng ta tạo ra những chiếc đồng hồ để biểu thị thời gian, những chiếc bản đồ để biểu thị cùng phương hướng trong không gian, và chúng ta ghi chép lại lịch sử để chỉ ra phương diện đồng nhất trong thời gian. Những nhà chiêm tinh tạo ra thời gian lịch pháp nhờ những vì sao tinh tú, và những nhà khoa học tạo ra lịch bằng những chiếc máy vi tính, còn những chú gà trống lại có loại lịch riêng của mình nhờ các giác quan nguyên tố bên trong của chúng. Thời gian dường như trở nên ngày càng chính xác hơn nhờ nhóm tập thể gà trống và sự thống nhất, đồng thuận khoa học nhưng đôi khi những chiếc máy vi tính của các nhà khoa học khi gặp trục trặc lại tạo ra những lỗi, và một số chú gà trống lại gáy trong khi ngủ do nằm mộng vào lúc bình minh. Chúng ta cần phải biết rằng không có một sự đồng nhất về thời gian hiện tượng chung đơn nhất nào cả. Khi mặt trăng tròn lặn khuất sau những rặng núi phía tây với một chùm ánh sáng chào đón tới đỉnh núi phía đông, thì cùng lúc đó, mặt trời đã mọc sau những rặng núi phía đông với một tia sáng tạm biệt với đỉnh núi ở phía tây. 

Ở phương đông, theo một trong những truyền thống chiêm tinh, thì một hơi thở từ một cơ thể trưởng thành khỏe mạnh được gồm 3 bước: hít vào, giữ lại và thở ra. Sáu hơi thở được gọi là một chusang và có 60 chusang trong một giờ, và 60 giờ trong một ngày đêm. Mọi tính toán đều được dựa trên khái niệm ngày và đêm chusang đặc biệt này. Ở phương bắc, người Alaska có sự thống nhất về thời gian theo cách riêng của họ, số giờ của ngày và đêm của họ lại không đồng đều, trong khi ở phương nam, những cư dân vùng nhiệt đới lại quen thuộc với kiểu tính thời gian ngày và đêm bằng nhau. Ở khắp mọi nơi, thời gian rất khác nhau, nó luôn thay đổi, trở nên trì trệ, và không cố định bởi vì nó nằm trong vật chất. Nếu chúng ta cố gắng để làm cho nó chính xác trong khi đặt niềm tin vào vật chất vô thường thì chúng ta chỉ trở nên thất vọng và phát khùng.

Chúng ta không thể phụ thuộc vào thời gian và phương hướng bên ngoài vì theo nhân quả, các nguyên tố của mỗi cá thể thì khác biệt và như vậy, giá trị, tính chất thời gian trong họ là khác biệt. Vì lý do này mà chúng ta biểu thị thời gian thông qua các nguyên tố vật chất của mình trong những cách khác nhau. Một số chúng ta hay lơ mơ và luôn muốn ngủ, một số khác lại không thể ngủ được nhanh như những người khác, và một số khác lại dậy sớm hơn những người khác. Khi các nguyên tố là sáng, nhẹ và vi tế thì giá trị, đặc tính thời gian bên trong chúng là vừa phải, điều độ, nhẹ nhàng và đều. Khi các nguyên tố là nặng trược và thô tháo, thì giá trị, đặc tính thời gian bên trong chúng là dữ dội, động và không đều, lúc nhanh, lúc chậm. Khi những người với các nguyên tố khác nhau gặp gỡ, thì sự tương tác giữa họ cũng có thể là hỗn loạn, bất thường hoặc là hài hòa, cân đối tùy thuộc vào ảnh hưởng từ những giá trị, tính chất thời gian trong các nguyên tố của họ có được bổ sung, tương tác qua lại lẫn nhau hay không. Nếu 2 người gặp nhau và đặc tính thời gian trong các nguyên tố của họ là đồng đều và hài hòa, thì họ sẽ luôn ở trong sự hài hòa, cân đối. Nếu các nguyên tố của họ là không đồng đều, thì họ có thể ở trong sự hài hòa, cân đối với người khác chỉ khi những đặc tính thời gian trong các nguyên tố của họ đồng bộ. Khi những đặc tính, giá trị thời gian của họ không tương ứng thì họ tương tác với nhau một cách hỗn loạn, bất thường. 

Tất cả nhân loại đều phụ thuộc vào thời gian trong những hoạt động thường ngày của mình để giao tiếp, trao đổi. Nhưng dù cho phụ thuộc vào thời gian nhưng chúng ta lại thường không thể kết nối với nhau. Chẳng hạn, đôi khi do những thói quen, tập khí thời gian khác biệt bên trong từ các nguyên tố của mình mà chúng ta không thể gặp nhau, dù chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã có một cuộc hẹn với thời gian cố định. Khi quên và bị lỡ giờ giấc, chúng ta không bao giờ nghĩ các năng lượng của những tập khí, thói quen nguyên tố thời gian riêng của chúng ta là khác biệt, xung khắc và không tương hợp với nhau. Chúng ta chỉ nói, “Tôi xin lỗi, tôi đã tới trễ!” Khi có ai nhắc nhở, chúng ta nói, “Ồ, thật tuyệt, bạn đã đúng giờ!” Và giữa cái “Tôi xin lỗi, tôi đã tới trễ!” và cái “Ồ, thật tuyệt, bạn đã đúng giờ!” thì chúng ta có thể tiêu tốn tất cả thời gian trong cuộc đời mình.

Một cách tương đối và tạm thời, thì các hành giả cần phải phụ thuộc vào thời gian cố định thông thường, bởi vì chúng ta có những tập khí, thói quen nguyên tố thời gian thông thường. Nhưng một cách tận cùng và tối hậu, thì thông qua sự thiền định, tất cả mọi nguyên tố thô thông thường bên ngoài và những hiện tượng thời gian cố định xuất hiện sẽ bị đảo lộn chân lý thời gian tương đối. Điều này là nhờ sự thực hành, mà chúng ta đã phát triển một số thể nghiệm với những hiện tượng thời gian không cố hữu, rộng mở hơn và tràn ngập bởi dòng truyền thừa thời gian phi thời. Và rồi sau đó, những hiện tượng thời gian không cố hữu sẽ xuất hiện như là chân lý tương đối thực sự. Khi những hành giả tiếp tục thực hành với những hiện tượng thời gian không cố hữu này thì những hiện tượng thời gian như quá khứ, hiện tại và vị lai; chân lý thời gian tương đối nghịch đảo; chân lý thời gian tương đối thực sự; những hiện tượng thời gian lúc mộng và lúc thức, mọi hiện tượng tập khí thời gian của chúng ta một cách tối hậu đều trở thành một thời gian bên trong không gian hư không vô biên. Rồi sau đó thì chúng ta có thể luôn an trụ trong thời gian vô hạn một cách thong dong, an nhiên và bình đẳng.

Vũ Điệu Huyền Diệu – Sự Hiển Lộ Tự Tánh của Ngũ Trí Dakini

Dịch từ bản Anh ngữ:  MAGIC DANCE THE DISPLAY OF THE SELF-NATURE OF THE FIVE WISDOM DAKINIS

Tác giả: Ngài Thinley Norbu Rinpoche