15740988_1805108603063427_2178816335611200306_n

Tự chuẩn bị vào lúc chết

Tâm điểm của sự giảng dạy

Sự hành đạo và học đạo phải tạo ra một thái độ rộng lượng liên tục. Chúng ta tặng và đặt dưới quyền sử dụng của tất cả các chúng sinh, năng lực của thân, lời nói và tâm chúng ta. Chúng ta đặt nó trong tay thầy và Tam Bảo, để phục vụ chúng sinh, chúng ta phải học, suy nghĩ và thiền với thái độ đó. Như vậy chúng ta bỏ được mọi lợi ích riêng tư, mọi hy vọng, ích kỷ. Sự tu của chúng ta chỉ mục đích giúp cho tất cả các chúng sinh không trừ ai, họ đã là cha hay mẹ của chúng ta vào một lúc nào đó. Vậy chúng ta tu với một tâm đầy tình thương và từ bi, không chút lợi riêng nào. Như thế các khó khăn có thể xuất hiện không còn bị xem như riêng tư, nhưng được xem như những khó khăn trong sự thực hiện tại hoạt động vị tha ấy. Cách thấy ấy cho ta thêm nghị lực, kiên trì và sức mạnh để thăng hoa cuộc thử thách, để vượt qua khó khăn và tiếp tục thực hiện các ước nguyện của ta: sự mong tất cả các chúng sinh thành Phật. Nếu ta gặp một trở ngại và luôn hy vọng đạt được một điều tốt cho riêng mình ta sẽ ngã gục, không cố gắng được nữa và rất khổ. Nếu ta rời bỏ cái tâm sở hữu đối với thân, lời nói với tâm ta và tự xem, không phải là chủ nhân mà là người quản trị cái năng lực ấy, chúng ta sẽ không khổ. Chúng ta sẽ ra sức hoàn thành công việc trong đó ta đã dấn thân. Nếu không, tất cả các khó khăn sẽ tạo thành một sự xiếc chặt quanh cái tôi, cái tôi than khổ, bị mệt, kiệt quệ, mất tinh thần. Đó là nguồn gốc của nhiều mệt mỏi, buồn, khổ. Nếu chúng ta rời bỏ thái độ ích kỷ đó và xem thân, lời nói và tâm là những dụng cụ để phục vụ chúng sinh, tất cả các khó khăn gặp phải sẽ là những nguồn năng lực thêm vào chứ không phải là những nguồn gốc của khổ hay mất tinh thần.

Đôi khi chúng ta có cảm giác là một người bắt đầu, không biết về Dharma bao nhiêu, không nắm được tất cả sự vi tế của triết lý đạo, cảm thấy hơi lạc lõng và lạc hậu đối với biết bao nhiêu điều. Điều quan trọng là nắm được trọng điểm của sự giảng dạy và áp dụng nó. Nếu chúng ta làm theo những điều được trình bày thì không có phép tu nào cao hơn. Không cần phải đi tìm xa hơn, bởi nó là trọng điểm của sự tu. Phải làm việc để luôn phát triển niềm tin và lòng thành kính đối với Thầy, Tam Bảo. Phải tin chắc rằng tâm ta, tâm giác ngộ, tâm Phật không tách rời. Cùng lúc chúng ta phải phát triển tình thương và từ bi với tất cả các chúng sinh, trong tất cả các hoạt động mà ta có thể làm. Vậy nếu ta không thích đào sâu tất cả các điều vi tế trong triết lý đạo, và nắm những điều căn bản, thì ta phải tin rằng chúng ta đang trong Bồ Tát Đạo và dần dần đi về giác ngộ. Tất cả các hành động của chúng ta, vì động cơ của chúng ta là đúng, sẽ là những hành động của Bồ Tát và là những chặng đường đi về giác ngộ. Nếu chúng ta theo một pháp tu rất đơn giản ví dụ trì chú Quan Âm Bồ Tát, nếu chúng ta tập hợp nhau để trì chú, và chỉ đọc dù chỉ một xâu chuỗi, tức khoảng một trăm lần. Công đức người này cộng với công đức người khác sẽ nhân lên. Nếu một ngàn người hội lại và mỗi người đọc một trăm lần chú Quan Âm Bồ Tát, sau cùng mỗi người sẽ tạo được năng lực của một trăm ngàn lần đọc tụng. Sự tu cùng nhóm ấy rất cần thiết, vì hiệu quả được nhân lên bởi số người tham dự…Như vậy, cái có vẻ là một hành động đơn giản, gần như quá đơn giản, chính là nguyên nhân của giác ngộ, vì trong hành động ấy là thái độ đúng.

Chắc chắn sẽ phải chết

Tất cả chúng ta vào một lúc nào đó sẽ đối diện với kinh nghiệm chết. Lúc đó, một số điều sẽ giúp chúng ta, một số khác sẽ hại chúng ta. Điều giúp chúng ta bây giờ là sự tu theo Phật pháp trong đời ta. Điều hại ta là những hành động xấu đã làm trong cùng đời ấy. Điều duy nhất mà ta có thể làm được, đó là tiếc nuối đã không làm những gì cần vào lúc thích hợp. Phải ngừng sống trong ảo huyễn, tự lừa dối bằng cách muốn quên đi rằng ta sẽ chết. Bằng mọi cách, chúng ta cũng không thể thoát chết, và muốn không biết tới nó sẽ không giúp gì cho ta. Ngay từ bây giờ, ta phải chuẩn bị cho điều đó bằng cách phát triển các đức tính kể trên và rời bỏ tất cả các thái độ thúc đẩy làm những việc xấu. Tất cả những hành động ấy sẽ hết sức tai hại vào lúc chết. Ngay bây giờ, ta phải phản ứng. Lúc chết, sẽ quá trễ. Cho dù ta có nhận ra sự có lý của những điều ấy, ta sẽ không làm được gì. Cần phải sáng suốt trước thực tế ấy, bỏ đi ảo huyễn rằng lúc đó ta sẽ giữ được cách cư xử như hiện nay, rằng ngày mai chưa chết đâu, và ta sẽ có thời giờ chuẩn bị sau này.

Có khi ta gặp khó khăn về tiền bạc. Nếu ta gặp lúc ấy một người cho ta một trăm nghìn Frăng, mọi sự khá lên ngay và chúng ta thấy rất nhẹ nhõm. Nhưng điều này tuyệt đối không thể so với đọc chỉ một lần Mani (dịch giả: Om ma ni pad me hung) lúc chết, với thái độ đúng. Trong số những gì ta có thể xem là hết sức lợi ích trong đời này, có lẽ tiền là tinh túy, nhưng không thể nào có chung một giá trị nào với kết quả của sự đọc dù chỉ một câu chú vào lúc chết. Nếu vào lúc ấy, tâm thức ta ở trong dòng trí hướng giác ngộ, trong dòng của tình thương với từ bi, nếu nó mong muốn giải thoát cho tất cả các chúng sinh, so với đó, không một của cải vật chất nào có thể quý báu hơn thế. Tất nhiên phải có thái độ đó vào lúc chết, nhưng ta chỉ có được nếu trước đó, ta đã phát triển nó trong đời ta. Ngay lúc đó, những của cải vật chất vốn có vẻ rất quan trọng trong đời ta, sẽ không lợi ích gì. Đúng vậy, sự che chở mà ta có thể được, hay sự dễ chịu mà ta có thể cảm thấy được lúc chết không thuộc lĩnh vực vật chất, mà thuộc lĩnh vực tâm linh. Ta không thể mua sự che chở của Tam Bảo, không thể mua bảo hiểm để không bị đau đớn, tan nát lòng trước cái chết. Chỉ có sức mạnh tâm linh và niềm tin nơi Tam Bảo mà ta có được nhờ tu trong đời ta, mới thực sự giúp ta.

Cầu lạy Tam bảo

Chúng ta hãy tự xem mình là những người thường và hay có khuynh hướng nghĩ rằng sự tu của mình không thể giúp chúng sinh vì ta cho rằng gần như không chứng đắc gì. Cách nghĩ này sai và thực ra là một hình thức của sự kiêu, vì nghĩ rằng ta có thể giúp chúng sinh với sức của mình là một dấu hiệu kiêu lớn. Nghĩ rằng chúng ta không có khả năng giúp họ cũng là kiêu. Chúng ta chưa là người cứu cả thế gian mà! Thực ra, tu không phát triển khả năng cứu chúng sinh của ta. Tu là cúng nghị lực của thân, lời nói và tâm ta cho Tam Bảo. Chúng ta cầu lạy Tam Bảo, bằng lòng tin và niềm thành kính của ta, để hoạt động vị tha và có ích được thực hiện. Điều quan trọng lúc bấy giờ, không phải là hết sức mạnh mẽ, mà là có một lòng từ bi sâu xa và một niềm thành kính lớn. Từ bi sẽ khiến chúng ta cầu chúc điều tốt lành gây cho chúng sinh. Một lòng thành kính sâu xa gây nên hoạt động vị tha của Tam Bảo.

Khi người ta tập trung sự sống vào sự thương mình, người ta làm cái tôi mạnh thêm. Ngược lại hoạt động lợi tha phải là buông bỏ mọi ý muốn của cái tôi để tự dâng cho sự ban phước của Tam Bảo. Đó là phục vụ Tam Bảo mà không còn ý muốn riêng tư.

Nếu ta đi vào hướng bên kia, ta tự nhủ “Ta phải làm điều này, ta đi về giác ngộ, ta sẽ giải thoát cho chúng sinh”. Rốt cuộc trọng tâm của điều ấy không còn là bao nhiêu nữa, mà là cái tôi. Với thái độ ấy chúng ta củng cố sự nắm bắt sự vật cho chấp ngã. Và khi ta củng cố nó, ta đi vào mạng lưới của hy vọng và sợ hãi, chúng ta tạo hy vọng sẽ thực hiện được thử thách lớn đó, tạo nỗi sợ hãi sẽ không làm nổi, và nhiều xáo trộn trong tâm.

Chúng ta cũng có thể rơi vào một cực đoan khác là gắn bó với một quan điểm hay một ý niệm về sự hoàn hảo. Chúng ta có thể trở nên rất cứng nhắc, muốn áp dụng quan điểm ấy cho tất cả các chúng sinh vì nghĩ rằng đó là vì hạnh phúc của họ, chúng ta biến thành một người hết sức “không lay chuyển được” và rốt cuộc, một kẻ kiêu căng khủng khiếp. Ngay từ đầu phải rất cảnh giác đối với sự phát triển thái độ vị tha của chúng ta. Đây không phải là một sự thách thức cá nhân mà ta biểu dương. Phải tự phó thác chỉ cho Tam Bảo và bỏ đi các quan điểm ích kỷ, của ta.

Cái chết không đuổi theo các mái tóc bạc một cách đặc biệt, những người trẻ có thể nghĩ rằng họ có nhiều thì giờ hơn những người cao tuổi nhưng một cách tuyệt đối điều này không thật, chúng ta không biết giờ chúng ta sẽ chết, và trẻ hay già cũng không bảo đảm cho ta rằng ta sẽ chết sớm hơn hay chậm hơn. Tuổi tác không làm gì được trong vấn đề này.

Lama Gendun Rinpoche

Việt dịch: Viên Huệ

Trích: Thầy và Đệ tử – Nhà Xuất bản Phương Đông