Bậc thủ ngôi thứ 37 của Truyền thừa Drikung Kagyu trao truyền Pháp chuyển di tâm thức Phowa

Nhân chuyến hoằng pháp sắp tới của Sư Tổ Chetsang Rinpoche tại Hà Nội từ 23 – 31/1/2019 tại chùa Pháp Vân và chùa Sủi. Nguyện có nhiều người được gặp và nghe giáo pháp trân quý từ Ngài. Nguyện mọi sự cát tường! Om Mani Padme Hung!

Chúng ta thật may mắn khi được Đức Drikung Kyabgon Chetsang Rinpoche, vị thủ ngôi dòng truyền thừa Drikung Kagyu, hiện thân của Bồ Tát Quán Thế Âm, đã từ bi chấp nhận lời thỉnh cầu của hàng đệ tử để ban cho chúng ta giáo pháp và hướng dẫn thực hành pháp Phowa trân quý này vào ngày 24/1/2019 (thứ Năm) tại chùa Pháp Vân, địa chỉ 1299 đường Giải Phóng, Hà Nội, Việt Nam.

Giới thiệu ngắn gọn về Drikung Phowa:

Đối với các Phật tử và những người theo các con đường tâm linh khác, việc chuẩn bị cho cái chết và mối liên hệ của cái chết [với đời sống hàng ngày] để học được cách sống [tốt hơn, sống bình an, tái sinh hỷ lạc] là tối quan trọng. Do bởi chúng ta hoặc người thân [của chúng ta] có thể phải đối diện với cái chết phi thời, không dự tính trước được, chúng ta cần những thực hành có thể trực tiếp giúp chúng ta một cách nhanh chóng tại thời điểm chúng ta lìa đời. Thực hành Phowa là phương pháp trực tiếp và nhanh chóng nhất để đảm bảo cho một người có được một sự tái sinh thiện lành và có khả năng đạt được giác ngộ khi thời điểm đến. Người ta nói rằng, thậm chí những người tội lỗi nhất cũng có khả năng đạt được giác ngộ thông qua thực hành pháp Phowa. Những thực hành này là con đường rất quan trọng, được Đức Liên Hoa Sinh (Padmasambhava) trân trọng, có thể giúp phục hồi sinh lực sống, các cảm xúc ô nhiễm, các hành động tiêu cực, các giới nguyện và hứa nguyện bị đứt gãy của chúng ta; và quan trọng nhất, chúng ta có thể tích lũy công đức cần thiết và sự kết nối để được tái sinh vào cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà và tiến triển nhanh chóng trên con đường giác ngộ.

Sự trao truyền giáo pháp Phowa do các đạo sư dòng Drikung Kagyu nắm giữ. Dòng Drikung Kagyu nổi tiếng với năng lực trao truyền một cách thành công năng lực thiền định Phowa cho những hành giả được thọ nhận quán đảnh và chí thành hành trì pháp môn này. Sự trao truyền pháp Phowa do các Lạt ma dòng Drikung thực hiện đã trở nên nổi tiếng với tên gọi “Drikung Phowa Chenmo” – hay là Đại pháp Phowa của dòng Drikung. Pháp Phowa của dòng Drikung đã trở nên vô cùng oai lực và lễ truyền pháp “Drikung Phowa Chenmo” cứ 12 năm một lần tại Drongor Sumdho tại [tổ đình] Drikung ở miền trung Tây Tạng đã trở thành một truyền thống tôn giáo nổi tiếng nhất tại Tây Tạng. Sự nổi tiếng của Pháp Phowa này tiếp tục lan truyền vì có hàng ngàn người tham dự đã kinh nghiệm những dấu hiệu [thành tựu] của pháp Phowa trong quá trình truyền “Lung” (Truyền sự Gia trì) do một vị thủ ngôi của dòng Drikung Kagyu trao truyền.

Điểm quan trọng khi nhận quán đảnh Phowa là quán đảnh phải được một bậc tái sinh (Tulku – tức là một vị Lạt ma tái sinh) – vị tiếp tục kế thừa và trì giữ dòng truyền thừa Phowa của các vị Đạo sư – trao truyền. Sự gia trì của một lễ quán đảnh như vậy sẽ bảo đảm cho việc thực hành [của các đệ tử] được an toàn vì suối nguồn gia trì của dòng truyền thừa sẽ tuôn chảy không ngăn ngại đến các đệ tử và mang lại cho họ các kết quả nhanh chóng. Sự tín tâm vào vị Lạt ma tái sinh (vị ban quán đảnh) là tối quan trọng. Nếu hành giả có tín tâm to lớn và có lòng sùng mộ thì kết quả sẽ rất nhanh chóng và vô cùng mạnh mẽ [đối với hành giả đó]. Những hành giả tận tụy không có một chút hoài nghi nào đối với năng lực của vị Lạt ma và những giáo pháp mà ngài trao truyền có thể kinh nghiệm dấu hiệu của Phowa chỉ thông qua việc nhận truyền Lung (Truyền sự Gia Trì). Đã có nhiều hành giả trên thế giới có được những kinh nghiệm này.

Do bởi năng lượng tích tập của dòng truyền thừa Drikung Kagyu và sự gia trì từ chính giáo pháp, vị Lạt ma có thể trao truyền trực tiếp sự gia trì của thực hành này đến các đệ tử thanh tịnh và chí thành – những người có thể kinh nghiệm các dấu hiệu một cách nhanh chóng. Khi một người nhận được bất kỳ một dấu hiệu nào của thiền định Phowa, thì người đó được coi như đã được chuẩn bị để có thể bước vào cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà (Dewachen) vào thời điểm lìa đời. Giáo pháp dạy rằng người đó sẽ không bị quay trở lại cõi luân hồi nữa (không bị tái sinh theo nghiệp vào cõi luân hồi nữa) sau khi đã đến được cõi Cực lạc và người đó có thể nhanh chóng đạt giác ngộ.

Do bởi tất cả các lý do này, pháp Drikung Phowa đã trở thành đặc biệt thích hợp trong thời đại ngày nay, bởi vì trong xã hội ngày nay, chúng ta không có đủ thời gian cũng như không có đủ điều kiện để có thể đi trên con đường đạo lộ như các vị tiền bối của chúng ta đã làm trong quá khứ. Chúng ta rất cần một con đường tâm linh đơn giản, thích hợp, trực tiếp và có thể giúp chúng ta chuyển hóa các căng thẳng và nhịp sống hiện đại thành một năng lực mạnh mẽ có khả năng cắt xuyên thủng chủ nghĩa vật chất và sự bám chấp của chúng ta vào thế giới bên ngoài, đánh thức [tiềm năng] trực nhận Phật tánh trong mỗi chúng ta.

Pháp thực hành Drikung Phowa tuy đơn giản nhưng lại [có năng lực] vô cùng mạnh mẽ. Chúng ta sẽ có cơ hội như hàng ngàn người dân Tây Tạng để thành thục thực hành pháp Phowa này, giúp chúng ta chuyển hóa kinh nghiệm lìa đời mà chúng ta chắc chắn sẽ phải trải qua, thành một con đường dẫn đến sự trực nhận được Cõi Tịnh độ Cực Lạc (Dewachen). Pháp thực hành Phowa vô cùng oai lực này đã được trao truyền [không gián đoạn] từ thời của Sơ Tổ – Đức Jigten Sumgon [Đấng sáng lập ra dòng truyền thừa Drikung Kagyu (1143-1217) – đấng được coi là một vị Phật thứ nhì] đến các bậc trì giữ kế nhiệm của dòng truyền thừa cho đến ngày nay.

Nguồn: Bậc thủ ngôi thứ 37 của Truyền thừa Drikung Kagyu trao truyền Pháp chuyển di tâm thức Phowa