Chúng ta nên làm gì khi hấp hối

Những người bình thường nên làm gì đối với những giai đoạn phân giải này? Trước hết chúng ta phải cố gắng biết là mình đang ở trong tiến trình chết. Chúng ta nên cố gắng giữ càng nhiều an tĩnh càng tốt trong những chứng nghiệm về sự phân giải này và không hốt hoảng. Chúng ta nên cố gắng nhớ rằng mọi sắc tướng và chứng nghiệm phù du chỉ là những sự phản chiếu của tâm và cảm xúc của chính mình, giống như những giấc mộng. Chúng ta không nên bám giữ vào chúng, khó chịu vì chúng, hay sợ chúng. Chúng ta nên cảm nhận mọi thứ như con đường tâm linh của mình. Trụ trong an tĩnh, chúng ta nên bình tĩnh để cho bất cứ tình trạng xuất hiện và biến đi.

Chúng ta nên nhớ dùng bất cứ lối tiếp cận tâm linh hay kinh nghiệm tâm linh nào mà mình đã quen thuộc trong đời sống. Những lối tiếp cận tâm linh quen thuộc sẽ hiệu quả hơn và dễ hơn cho chúng ta.

Chúng ta nên nhớ đến nguồn gia hộ cho mình, như các vị Phật, các vị đạo sư, những đối tượng tâm tốt, những giáo lý, những chứng nghiệm thiền quán, và dùng những kinh nghiệm và ký ức này làm sự hỗ trợ tâm linh của mình. Cố gắng nhớ những pháp môn tu tập của mình, tất cả những chứng nghiệm tâm linh và những lực tâm linh của mình, rồi hợp nhất với chúng. Cảm thấy các vị Phật, đạo sư và thần thánh luôn có mặt với mình, đang bảo hộ và hướng dẫn cho mình. Từ các vị, hãy để cho ánh sáng an lạc, chân không và oai lực, hoan hỷ đến với mình, tràn ngập mình và chuyển hoá thể xác của mình thành thân ánh sáng giống như cầu vồng, tỏa ra an lạc và sức mạnh. Rồi cố gắng an trụ trong thân tâm linh đó suốt tiến trình chết.

Chúng ta phải liên tục nhắc nhở mình “Mình phải trụ với chứng nghiệm tâm linh của mình”. Điều này có ảnh hưởng tốt và thực sự giúp chúng ta nhớ lại những kinh nghiệm của mình, ngay cả trong tiến trình chết đầy khó khăn. Nếu trụ với chứng nghiệm của mình, tiến trình chết sẽ bớt khó khăn và sẽ đưa chúng ta đến một cõi tịnh độ hay một sự tái sinh an lạc và lành mạnh.

Nếu đã chứng ngộ chân tâm khi còn sống, chúng ta phải cố gắng nhớ trụ trong ý thức về chân tánh này. Dù điều gì xảy ra cũng cố gắng thấy tất cả chỉ là sự biểu lộ chân tánh của mình, thay vì theo đuổi và bám giữ vào những ý nghĩ và những chứng nghiệm với sự chấp thủ hoặc sân hận.

Nếu chúng ta đã được biết và tu tập về chân tâm và những linh ảnh quang minh của nó, thì đây là lúc để trụ trong chứng nghiệm đó. Đây cũng là lúc các hành giả nhắc nhở chúng ta về những chứng nghiệm mà chúng ta đang trải qua. Longchen Rabjam khuyên: “Trong tiến trình chết, những nguyên tố của thể xác sẽ phân giải. Người ta sẽ thấy những ảo ảnh mờ mịt, méo mó. Rồi đất, nước, gió, lửa và hư không của thể xác sẽ phân giải. Năm giác quan sẽ ngừng hoạt động. Lúc đó nên nhắc nhở mình: “Mình đang hấp hối nhưng không cần phải lo ngại“.

Rồi hãy xét :”sự chết là gì ? ai đang hấp hối? sự chết có ở đâu ?”.

Sự chết chỉ là dấu hiệu trả lại bốn nguyên tố mà mình đã vay mượn.

Chân tánh là vô sanh bất tử.

Trong trạng thái thanh tịnh, chết là sự hợp nhất của chân không và trạng thái tự nhiên của Pháp Thân Tức Thân Vô Thượng”.

Cứ xét :”sự chết là gì ? ai đang hấp hối? sự chết có ở đâu ?” Vì sự chết không có ở đâu cả nên nó tuyệt đối không có thật. Hãy can đảm và tin tưởng vào điều này.

Jigme Lingpa viết rằng trong tiến trình chết, điều tốt nhất để làm là an trụ trong chân tánh. Điều tốt thứ hai là chuyển di thần thức đến một cõi tịnh độ. Ít nhất thì cũng an trú trong Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng. Cầu nguyện vị đạo sư của mình, và hợp nhất tâm của mình với tâm giác ngộ của Ngài.

Guru Rinpoche khuyên chúng ta hãy tu tập, hãy cầu nguyện không bám giữ một cái gì lúc chết, hãy nhớ lại những giáo lý, và hãy thiền quán hợp nhất chân tánh của mình với chân không: “khi cái chết đến gần, hãy buông bỏ sự chấp thủ vào bất cứ thứ gì, chú tâm vào những lời dạy sáng tỏ không lay động, và chuyển di chân tánh vô sanh đến trạng thái chân không“.

Những lời dạy như vậy của các vị đạo sư về hấp hối và sự chết là những điểm quan trọng để ghi nhớ và ứng dụng, không chỉ trong tiến trình chết mà còn trong tất cả bốn giai đoạn chuyển tiếp của đời sống, kể cả kiếp sống hiện tại này.

Tulku Thondup Rinpoche

Việt dịch: HT. Thích Như Điển và TT. Thích Nguyên Tạng

Nguồn: Trích từ Tác phẩm Chết an lạc tái sinh hoan hỷ