qv3mgy-20161116-hon-1000-nam-truoc-dai-su-lien-hoa-sinh-da-tien-tri-chinh-xac-ve-thoi-dai-ngay-nay-800x420

Đặt Thân, Khẩu, và Ý trong trạng thái tự nhiên của chúng

Với sự thực hành các hướng dẫn về tiến trình chuyển tiếp của cuộc sống (các hướng dẫn thiết thực giống như chim bồ câu vào tổ của nó, là sự cắt hết những thêm vào bên ngoài và bên trong), đây là một sự thiết lập ý thức nền tảng, và cái đầu tiên của ba phần là sự đặt thân, khẩu, và ý trong trạng thái tự nhiên của nó.

Mục tiêu của thực hành này là chuẩn bị cho tiến trình cận tử của chúng ta khi cái chết sắp xảy đến, chúng ta đã chuẩn bị tốt cho nó, chúng ta vui vẻ tiếp nhận nó, và sẵn sàng đi đến một cõi Tịnh Độ. Đó là mục đích của giáo lý này. Để đi theo hướng dẫn về tiến trình chuyển tiếp của cuộc sống, điểm trọng yếu đầu tiên là đặt thân trong trạng thái tự nhiên của nó.

Đặt thân trong trạng thái tự nhiên của nó

Nếu bạn không biết đặt thân bạn trong một tư thế tốt như thế nào, trạng thái thiền định chân thật sẽ không xuất hiện trong dòng tâm thức bạn, hoặc ngay cả có xuất hiện, nó sẽ có vấn đề; do vậy tư thế thật quan trọng. Khi thân thẳng thì kinh mạch thẳng, khi sinh lực tồn tại thẳng, tánh giác được đặt trong trạng thái tự nhiên của nó; và trạng thái thiền định xảy ra tự nhiên.

Trạng thái thiền định xuất hiện khi đặt tư thế trong cách đó, vì tâm phụ thuộc trên sinh lực trong thân và trên kinh mạch, v.v… Trên việc hiểu biết về tư thế đúng, với tư thế bảy điểm Vairocana, gồm ngồi kiết già, bạn có thể nghĩ, “Ồ, không chỉ là đau đớn, mà đơn giản là tôi không thể,” hoặc “thân tôi yếu kém không thể ngồi được tư thế đó. Vậy điều đó có nghĩa là tôi không có hy vọng thiền định?” câu trả lời là, “Không, không nên thất vọng”. Hãy tiến hành và thực hiện. Có niềm tin, hãy làm tốt nhất khi bạn có thể, và điều này có thể dẫn đến kết quả hoàn toàn tốt. Đừng bỏ cuộc vì bạn không thể ngồi trong tư thế đặc biệt đó.

Thế nên, để đặt thân trong trạng thái tự nhiên về mặt hoạt động thân thể, người mới xuất gia hay hành giả mới tu nên hoàn toàn từ bỏ mọi hoạt động thế gian, bên ngoài, như nghề nông. Bên trong, cũng ngưng thực hành tâm linh như đảnh lễ và đi nhiễu quanh. Một cách bí mật, hãy thiền định kiên cố và không dao động trong tư thế thích hợp, thân thể hoàn toàn không di chuyển. Đó là vì một khi thân được đặt trong trạng thái tự nhiên của nó, trạng thái thiền định phải xuất hiện.

Bên ngoài, hãy làm đơn giản hóa cuộc sống bạn. Bên trong, trạng thái thiền định xuất hiện tự nhiên như kết quả của việc ngồi trong tư thế đúng.

Adhisara23 [23]thực sự của thân được thấm nhuần bảy thuộc tính thân của Vairocana: hai chân đặt trong tư thế vajrasana (kiết già), tay kết định ấn, xương sống thẳng như một mũi tên, bụng ép vào xương sống, cổ hơi cúi, đầu lưỡi đặt trên vòm miệng, và không tập trung vào bất cứ thứ gì, hai mắt nhìn tập trung vào khoảng không giữa đầu mũi. Tư thế không lỗi của thân bạn theo đúng bảy thuộc tính này. Nếu bạn biết cách thiết lập adhisara tự nhiên, trạng thái thiền định sẽ xảy ra tự nhiên.

Đặt khẩu trong trạng thái tự nhiên của nó

 Trong việc đặt khẩu trong trạng thái tự nhiên của nó, cũng có ba phần: hãy hoàn toàn từ bỏ mọi đối thoại và nói chuyện vô ích, rối loạn và trụ trong im lặng; bên trong, ngưng lại những hoạt động tâm linh và các chuyển động làm phân tán, trụ trong im lặng; bí mật, hãy ngưng hoạt động tụng niệm và mantra. Đặt ngữ của bạn trong im lặng tự nhiên, giống như đàn bị cắt dây.

Đặt ý trong trạng thái tự nhiên của nó

Trong việc đặt tâm trong trạng thái tự nhiên của nó, cũng có ba phần: trong khi giữ thân và khẩu như trước đó, hãy để tâm bạn tỉnh thức, không tham gia bất kỳ tư duy nào liên quan đến các hình tướng lừa dối trước hay sau của ba thời, hãy đặt tâm thăng bằng không tham dự vào bất cứ tư duy thiện nào như thiền quán Bổn Tôn; bí mật, hãy đặt tâm trong trạng thái tự nhiên của nó bằng cách đặt nó đúng như nó là, kiên định, trong sáng, và tỉnh thức trong không gian trước bạn, trong cách thức hiện hữu của tâm, không đem tâm tham gia vào bất cứ tư duy tinh thần nào của cái thấy và thiền định đòi hỏi sự chấp bám của tâm thức. Hãy thực hành điều này ba ngày.

Trong giai đoạn thực hành này, bạn đừng đem vào tâm bất cứ tư duy nào của cái thấy – cái thấy của Atiyoga hay cái thấy của tánh Không… Đó là, bây giờ bạn không suy niệm hai loại không đồng nhất hoặc tham gia vào sự khảo sát bản tánh lan man của tư tưởng xuất hiện, tồn tại và biến mất. Giờ đây đơn giản hãy để tâm ở trong trạng thái tự nhiên của nó không có bất cứ bám chấp tâm thức nào. Hãy thực hành hướng dẫn trên trong ba ngày.

Một số người trong các bạn có thể tự hỏi làm cách nào để “đặt tâm trong trạng thái tự nhiên của nó đúng như nó là, một cách kiên định, trong sáng, và tỉnh thức trong không gian phía trước, trong cách hiện hữu riêng của tâm.” Nó là tỉnh giác bình thường của hiện tại này, đó là bản tánh của tâm, là thật tánh của luân hồi và niết bàn. Nó không phải là vật chất trong bản tánh, và không bị nhiễm ô bởi ba thời: quá khứ, hiện tại, và tương lai. Nó không phải là điều gì đó lợi ích hay làm hại bởi sự khái niệm hóa của ba thời. Trạng thái tự nhiên của tâm này là bản chất của tâm. Nó là trạng thái tự nhiên của riêng nó, không phải điều gì đó được tạo tác và không trở thành như nó là theo một số truyền thống đặc biệt. Ngoài ra đây là bản tánh vốn sẵn, tự nhiên của tâm. Đây là những gì lưu xuất khi tâm được để cho an trụ trong trạng thái tự nhiên không rối loạn của nó. Bản tính này là gì? Bản tánh vốn sẵn của tâm là một với sự hiện diện tự nhiên.

Người ta có thể nói rằng tâm không phải là điều gì đó hiện hữu như một sự vật. Nó không có hình tướng, cũng không có chất liệu vật chất. Bất cứ vị Phật nào cũng chưa từng thấy nó như một sự việc hiện hữu thật sự. Mặt khác, tâm cũng không phải không hiện hữu. Đúng như tâm không phù hợp với quan điểm quá khích của hiện hữu, cũng không phù hợp với quan điểm cực đoan của không hiện hữu, hay chủ thuyết hư vô. Tâm này là nền tảng của tất cả luân hồi và niết bàn. Bản tánh nguyên sơ của nó là của Pháp Thân. Những phẩm tính của tâm là hai tướng hiện thân: Báo Thân và Hóa Thân. Về mặt con đường, có ba phẩm tính được trau dồi trong Thiền định: cụ thể là cực lạc, trong sáng, và phi khái niệm. Đây là những điểm đặc trưng nổi bật của con đường đến giác ngộ, và tương ứng từng cái một với ba hiện thân của Đức Phật. Tuy nhiên, nếu xảy ra bám chấp vào ba phẩm tính này – cực lạc, trong sáng, và phi khái niệm – khi chúng xuất hiện, sau đó những phẩm tính tương tự sẽ chỉ dẫn đến một chu trình sinh tử bất tận. Trái lại, nếu hành giả không phản ứng với bám chấp vào những phẩm tính này, thì cực lạc, trong sáng, và phi khái niệm phát sinh lần lượt với ba hiện thân: Nirmanakaya, Sambhogakaya, và Dharmakaya.

Cái được gọi là tâm của chúng ta, đó là sự tỉnh giác liên tục, bận rộn, và nhớ lại mọi sự, hoạt động như căn bản của toàn bộ luân hồi và niết bàn; nên nó được ban danh hiệu là nền tảng. Gốc rễ của mọi hạnh phúc và đau buồn là chính tâm bạn, nên điều quan trọng trước tiên là thiết lập tâm. Tâm của người mới tu giống như một con ngựa hoang, nếu bạn săn đuổi nó một cách hung hăng, nó sẽ hoảng sợ và không thể bắt được nó. Do vậy, hãy dụ dỗ nó theo nhiều cách khác nhau và giữ nó nhẹ nhàng, sẽ bắt được nó và có thể đưa vào làm việc. Tương tự, nếu tâm hoang dã này bị kiểm soát một cách hùng hổ, thì niệm tưởng càng tuôn chảy nhiều hơn, các chướng ngại sẽ xuất hiện và sản sinh vô số vấn đề như sự mất quân bình của năng lượng sinh lực của trái tim. Bằng cách nhẹ nhàng đặt tâm trong trạng thái tự nhiên của nó, sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau, sự an định đích thực sẽ xuất hiện trong dòng tâm thức bạn.

Tâm này được gọi là nền tảng là căn bản của hạnh phúc và đau khổ. Chúng ta là những người mới tu trong thực hành này. Do vậy, tâm chúng ta như những con ngựa hoang. Ở đây, chúng ta phải chú ý cách tiếp cận quá hăng hái để điều phục tâm. Nếu bạn không có vị thầy tâm linh đã kinh nghiệm hoặc bạn không đi theo một thực hành tốt, thì có thể bạn tiếp cận cố làm tâm yên tĩnh một cách quá mãnh liệt. Nếu bạn làm điều đó với một con ngựa, nó sẽ lồng lên, hí vang, và bắt đầu nhảy chụm bốn vó. Tương tự, tâm phản ứng rất giống vậy khi bị kiềm chế một cách quá hăng hái và phản ứng với việc gia tăng khích động dựa trên khái niệm. Nếu khăng khăng trong cách tiếp cận hùng hổ này để hàng phục tâm, thay vì thành công, bạn sẽ chỉ tạo ra những vấn đề về thân và tinh thần cho chính bạn. Vì các lý do này nên một con đường tiệm tiến đã được dạy, trước tiên bắt đầu điều phục tâm bằng ý nghĩa của Bốn Tư Tưởng làm Chuyển Tâm và sau đó từng bước đi vào thực hành này. Như Đức Padmasambhava trình bày ở đây, bằng việc sử dụng nhiều kỹ thuật đặt tâm khác nhau, an định chân thực sẽ phát sinh trong dòng tâm thức bạn.

Liên quan đến tâm này, chúng ta có thể hỏi, “Tâm này là gì? Nó là điều gì đó mà người khác có? Nó là điều gì đó đặc biệt chăng?” câu trả lời là “không”; tâm này là cái tất cả chúng ta đều có. Nếu nghĩ rằng tâm bạn hoàn toàn an bình, thì hãy kiểm tra lần nữa, nếu tâm bạn thường xuyên bị nô dịch hóa bởi bất kỳ ba độc bám luyến, sân hận, hay ảo tưởng, thì điều này chỉ rõ tâm không an bình. Tâm giống như dòng chảy của một con sông. Đôi khi nó xuất phát dưới sự thống trị của tức giận, bám luyến, kiêu mạn… Tâm được thảo luận ở đây chỉ là dòng chảy đang xảy ra của ý thức, mà đó là chủ thể cho những phiền não này.

GIẢI THOÁT TỰ NHIÊN Giáo lý của Đức Padmasambhava về Sáu Bardo

Luận Giảng: Ngài Gyatrul Rinpoche

Phiên dịch: B. Alan Wallace

Dịch Việt: Tuệ Pháp

Nhà Xuất bản Trí tuệ, Boston