WM-16-6 Gyaltrul Rinpoche-L

Thiền định về cái chết và vô thường

Nếu bạn không suy nghĩ về cái chết và vô thường, sự nhận thức rằng không có thời gian để lãng phí sẽ không sinh khởi trong dòng tâm thức bạn. Nếu nhận thức không để thời gian lãng phí không phát sinh trong dòng tâm thức, bạn sẽ không chống nổi sự lười biếng và uể oải, và bạn sẽ không suy nghĩ về Giáo Pháp. Bạn sẽ tự mình thích nghi với cuộc sống này, và sẽ cho phép mình lười biếng và tự mãn. Nếu chết đột ngột với thái độ thông thường này, cuộc sống làm người quý báu của bạn sẽ bị lãng phí; vậy thiền định về cái chết và vô thường là rất quan trọng. Một khi sự nhận biết vô thường sinh khởi trong dòng tâm thức, bạn sẽ không có thời gian để tự mãn. Mang cái chết trong tâm một cách nghiêm chỉnh, Giáo Pháp sẽ tự động phát sinh; do vậy, hãy thiền định về vô thường.

Mặt khác, có thể nói tất cả chúng ta đều biết rằng mình đang đi đến cái chết. Điều đó không phải là tin thời sự. Tuy nhiên chúng ta chưa nhận ra rằng thời điểm cái chết của chúng ta là hoàn toàn không thể biết trước. Chúng ta chưa thực sự tìm hiểu thực tế cái chết của chính mình. Lấy một ví dụ của một người thật sự hiểu được ý nghĩa của cái chết, nhớ lại chuyện kể về một thiền giả thực hành trong hang động mà gần cửa động có một bụi gai nhỏ. Có một ngày ông đi lấy nước, trên đường ra bụi gai cào ông, và ông nghĩ, “Ồ, tôi cần phải đốn bụi gai này để mỗi lần ra, vào không bị cào.” Ngay khi tư tưởng đó khởi lên, ông ta nghĩ, “À, nhưng nếu dùng thời gian của mình để làm việc này, có thể tôi chết trước chăng? Tôi nghĩ rằng mình không có thì giờ để làm việc đó.” Dần dần, bụi gai mọc càng ngày càng lớn hơn, và mỗi lần ra ngoài nó lại cào ông. Một lần nữa ông nghĩ, “Ồ, tôi cần phải đốn nó,” và sau đó tư tưởng ông lại khởi lên, “Nhưng tôi không có thời gian.” Điều này lại tiếp diễn, và cuối cùng thiền giả này trở thành một thành tựu giả, và bụi gai trở thành một bụi gai rất, rất lớn. Cho nên cả hai cùng phát triển đến trưởng thành. Từ một viễn cảnh, bạn có thể nói rằng bụi gai hoạt động như một chướng ngại. Nó là một cản trở cho sự tiện nghi của ông ta. mặt khác, nó hoạt động để khơi dậy sự tỉnh thức về vô thường của ông và nhờ đó giúp ông trong thực hành.

Câu chuyện đó giữ vững quan điểm trái ngược với thái độ suy nghĩ phổ biến ngày nay, “Việc thực hành Giáo Pháp là rất quan trọng, nhưng tôi có nhiều việc khác phải làm.” Thái độ này là một biểu hiện chúng ta vẫn chưa tìm hiểu thực tại của đau khổ. Chúng ta vẫn chưa thiền định đủ về ý nghĩa của một cuộc sống làm người với nhàn rỗi và thuận lợi, và chúng ta chưa thể nhập thực tại của vô thường. Ngoài ra, với loại tinh thần này chúng ta bám chấp vào những gì vô thường như trường cửu và những gì không ổn định như bền vững. Như một kết quả của thái độ không để ý này, chúng ta lẩn tránh thực hành Giáo Pháp; và, như một kết quả của điều đó, chúng ta không đạt được giải thoát. Trong thời gian đó, bất kể Giáo Pháp nào chúng ta thực hành cuối cùng đều là giả tạo.

Khi người ta chấp nhận thái độ này, sau một thời gian họ thấy không có tiến bộ trong thực hành tâm linh như họ đã hy vọng. Do vậy việc họ kết luận như sau là phổ biến, “Ồ, thế đấy, Phật giáo không thực sự hiệu quả.” Vấn đề không phải là Phật Pháp không hiệu quả mà là cách thực hành của chúng ta không hiệu quả. Nếu bạn không biết cách dùng thuốc hoặc hoàn toàn không uống thuốc, thì không cách nào bạn có thể kết luận hiệu lực của thuốc không hoạt động. Vấn đề là người ta không biết làm thế nào để nhận lấy tinh yếu của Giáo Pháp, và vấn đề phụ là người ta là chủ thể để kiêu mạn và chấp ngã. Khi trạng thái tinh thần này chiếm ưu thế, giống như chúng ta tưởng tượng chính mình đang ở một nơi rất cao từ đó chúng ta nhìn xuống Giáo Pháp. Nếu có thể chuyển ngược lại và đặt bản ngã chúng ta ở dưới Giáo Pháp, thì tự nhiên chúng ta có được kết quả tốt.

Quan điểm của thực hành là để điều phục dòng tâm thức chúng ta. Nói chung, và nhất là ở phương Tây, đa số mọi người nghĩ rằng ngay khi bạn trở thành một Phật tử, bằng cách này hay cách khác sẽ đem lại một chuyển hóa phi thường giống như việc trở thành bồ tát trong một đêm. Điều này không đúng cho bất cứ việc nào khác trong thế gian. Ví dụ, khi đi học bạn không thể đột ngột trở thành tiến sĩ hay bất cứ học vị khác. Điều này chỉ xảy ra một cách dần dần. Tuy nhiên, không nhận thức được điều này, thỉnh thoảng người ta chỉ vào một người và nói, “Ồ, người này đã là một Phật tử trong nhiều năm. Làm sao họ có thể làm như vậy?” Toàn bộ công việc của “nhiều năm” này không có gì là ghê gớm lắm, chúng ta đã củng cố các phiền não trong tâm thức rất nhiều kiếp. Chúng ta đang đối phó với một đại dương thật sự của phiền não tinh thần. Thực hành Giáo Pháp trong nhiều năm hoàn toàn rất tốt, nhưng đừng mong đợi chuyển hóa triệt để, phi thường, ngay cả bạn đã thực hành trong một thời gian dài. Sự chuyển hóa xảy ra từng chút một. Thật sai lầm khi mong đợi rằng sự chuyển hóa kỳ lạ sẽ xảy ra nếu bạn trở thành một Phật tử và chỉ thực hành Giáo Pháp trong một thời gian ngắn.

Ngay cả dù có thể bạn đã là một Phật tử trong một thời gian dài, những lỗi lầm có thể tiếp tục tồn tại, bạn phải tiếp tục trong thực hành theo từng bước. Nếu một Phật tử đã thực hành nhiều năm mà vẫn tham gia vào những việc bất thiện, điều này có phải là lỗi của Phật giáo hay không? Tôi nghĩ là không, đây chỉ là những vấn đề của con người mà Phật giáo chỉ cung cấp phương thuốc. Nó chẳng là lỗi của Phật giáo, chẳng hạn đạo Công Giáo khi một số tín đồ Công Giáo đã thực hành tín ngưỡng của họ trong nhiều năm cũng biểu hiện một số lỗi lầm nào đó. Tôi cảm thấy đây không phải là lỗi của đạo Công Giáo; đơn giản đây là lỗi của con người. Tương tự, điều này cũng đúng với Hồi Giáo, v.v…

Quan điểm chung cho rằng thực hành hay thực hành đạo Phật nói riêng giống như quy trình “nhấn-nút” dĩ nhiên là sai lầm. Những người không phải đạo Phật sai lầm khi áp đặt sự mong cầu của họ lên những Phật tử, nghĩ rằng họ phải đạt được một số tiến bộ tâm linh thật sự nhanh chóng, kỳ diệu. Những người mong đợi và đánh giá như vậy từ bên ngoài nên để chính bản thân họ tiếp cận và kiểm nghiệm. Hãy bước vào, thử nó, và thấy việc trở thành bồ tát trong một đêm chỉ bằng việc búng ngón tay của bạn có thật dễ dàng hay không.

Dù chúng ta có thực hành tịnh hóa dòng tâm thức mình hay không đều tùy thuộc vào việc trau dồi Bốn Tư Tưởng Làm Chuyển Tâm và thiền định về Tứ Diệu Đế. Đây là điểm trọng yếu để tịnh hóa tâm. Cũng từ thiền định này tinh thần của tỉnh thức xuất hiện. Một tinh thần tỉnh thức thật sự như vậy hoặc thậm chí là một số bản sao, đều sinh khởi từ thiền định như vậy. Tương tự, mức độ niềm tin mà chúng ta có nơi Phật, Pháp, Tăng v.v… đều xuất phát từ sự hiểu biết của mình về Bốn Tư Tưởng Làm Chuyển Tâm và Tứ Diệu Đế. Nếu thiếu sự hiểu biết này, bạn sẽ không có nền tảng để thực hành Giáo Pháp.

Về phần những vị khenpo, tulku, lama, tu sĩ, vị thầy, v.v… nếu những vị này thật sự có tâm linh tỉnh thức, điều này cho thấy các vị hoàn toàn hiểu biết thấu suốt về Bốn Tư Tưởng Làm Chuyển Tâm và Tứ Diệu Đế. Có được hiểu biết này ngụ ý rằng các vị không còn bám luyến bản thân và ác cảm với người khác. Cũng ngụ ý rằng các vị được phú cho lòng bi và niềm tin. Thậm chí dù có những vị lama, khenpo, vị thầy, tulku, v.v… có những phẩm tính và sự thanh tịnh như vậy, thật khó cho chúng ta có thể thấy và xác quyết cho chính mình. Những gì chúng ta thấy đều là lỗi lầm. Vì bản thân chúng ta có khuyết điểm, chúng ta có khuynh hướng thấy lỗi lầm. Do đó, ngay cả nếu gặp một người thanh tịnh thì thật khó cho chúng ta nhận ra được người đó là thanh tịnh. Ví dụ, chẳng hạn nếu Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đến ngay đây, có khả năng chúng ta thấy lỗi lầm nơi Ngài. Hoặc Đức Padmasambhava bước vào cửa ngay bây giờ. Và nhìn cách cư xử của Ngài chúng ta có thể kết luận, “Ồ, ông ta là một tay chơi.” Hoặc nếu Đức Phật Shakyamuni đến, có thể chúng ta nghĩ, “Ồ, một gã đầu trọc!” chúng ta xây dựng tất cả những khái niệm chấp chước này. Sự phóng chiếu này xuất phát từ những lỗi lầm của chính chúng ta. Nếu Chúng ta có khả năng nhận thấy lỗi lầm của các bậc hoàn toàn thanh tịnh, thì chẳng cần bàn cãi nữa chúng ta sẽ thật sự bị tập trung vào các lỗi lầm của người khác mà trong thực tế có thể họ có một số lỗi lầm. Chẳng hạn, trước đây có một câu chuyện về Đức Dalai Lama, nói Ngài có một số bạn gái người phương Tây, mà, dĩ nhiên đây là một chuyện bịa đặt. Trong thực tế, Đức Dalai Lama chưa từng gặp một phụ nữ nào đáng bị nghi vấn. Tuy nhiên, những tin đồn như vậy lại lan truyền, hoặc bởi Cộng Sản hoặc do một số hệ phái cạnh tranh, ai biết được? Loại nói xấu này có thể xuất phát từ chủ nghĩa bè phái, từ Chủ nghĩa Cộng Sản, hay từ những tổ chức chính trị. Do vậy, quan điểm là mỗi người chúng ta cần giải thoát chính mình khỏi lỗi lầm. Từ viễn cảnh của Đức Dalai Lama và bất cứ người lành mạnh nào khác, chỉ nên nhìn người phao tin đồn như vậy với lòng bi.

Những lỗi lầm của người khác thật sự không phải là việc của chúng ta, và chúng ta không cần quan tâm tới chúngï. Điều quan trọng là chú tâm vào Bốn Tư Tưởng Làm Chuyển Tâm, vì điều này thật sự giải thoát chúng ta và người khác. Chúng ta cần giải thoát chính mình khỏi thái độ không để ý làm chúng ta đi vòng vòng không chủ định, và để chuyển hóa tâm chúng ta cần không có thì giờ dành cho tám mối quan tâm thế gian. Khi bản văn nói, “Bạn sẽ áp dụng những hoạt động của chính bạn vào cuộc sống này,” nó đặc biệt ám chỉ tám mối quan tâm thế gian này. Có phải là một mất mát lớn nếu chúng ta bỏ lỡ cơ hội thực hành Giáo Pháp và sau đó làm mất nó một cách dễ dàng không để lại dấu vết hay không? Nếu ai đó ăn cắp của bạn một ngàn đô la, bạn sẽ cảm thấy, “Ôi, tôi bị mất nhiều quá! Một mất mát lớn thay! Thật là một thảm họa! Thật là một lãng phí!” hiện thời chúng ta được phú cho cuộc sống này vốn có thể hoạt động như một nguyên nhân cho hạnh phúc, cho chính cuộc sống này cũng như trong kiếp tương lai, và vào lúc này chúng ta không coi trọng cơ hội này nhiều như việc coi trọng đồng tiền. Ngoài ra, đôi lúc thậm chí chúng ta còn giúp được sự lãng phí thời gian của người khác qua việc tham gia vào hành động bất thiện, v.v… của họ.

Đôi khi đi vào Giáo Pháp cũng giống như đi đến cửa mà không có chìa khóa và tự hỏi, “Làm sao tôi vào được?” Nhờ thiền định về cái chết và vô thường, cánh cửa của Giáo Pháp sẽ tự nó mở ra.

Hãy thiền định trong những nơi chốn như vầy: Hãy tự bạn đi, không bạn đồng hành, lên một vùng xa xôi chưa có ai đến, một nơi đáng chán, không vừa ý, tối tăm, hiểm trở, đầy sỏi đá, và đổ nát làm bạn đồng hành, nơi đó làn gió tạo âm thanh xào xạc trong cỏ, với mặt trời đang lặn khỏi bầu trời, và những dòng sông của núi non chảy xuống vang như sấm. Hoặc đi đến những mộ địa, ở đó có nhiều xác người nằm xung quanh, với các mảnh chân, tay, xương, thịt và da, nơi có những con cáo tru gào, những con quạ đang đi vòng quanh, các con cú đang gọi nhau huyên náo, gió đang rền rĩ, chó sói và cáo đang lôi kéo qua lại trên những xác chết. Chính bạn tự đi đến một nơi khủng khiếp, đáng chán, ghê rợn, và sợ hãi như vậy. Nơi chốn tạo ra một khác biệt lớn, vì đi vào một vị trí như vậy để thiền định, một nhận thức về vô thường sẽ tự động sinh khởi. Do vậy nơi chốn rất quan trọng.

Tại phương Tây, chúng ta cho rằng cảnh mặt trời lặn là huy hoàng và tương tự như vậy. Một cách khác để nhìn cảnh mặt trời lặn là chỉ xem đó là một dấu hiệu khác về cuộc đời bạn đang trôi qua. Ngoài ra, ở những nghĩa địa của Mỹ là nơi có khuynh hướng vui vẻ, đẹp đẽ với nhiều loại hoa, v.v… Nếu bạn thật sự muốn tìm kiếm điều gì đó gần gũi với những mộ địa như đã nhắc đến trong bản văn, bạn có thể đi đến Ấn Độ.

Một khi đã đến đó, hãy ngồi theo tư thế xếp bằng, lòng bàn tay ôm đầu gối, hoặc ngồi trong tư thế chán nản như trước. Thu rút tâm bạn và đi theo dòng tư tưởng này một cách nghiêm chỉnh, “Than ôi! Đây là gì? Về mặt vũ trụ bên ngoài, thì thế gian là vô thường. Bốn mùa trôi qua trong từng khoảnh khắc, xuân, hay, thu, và đông v.v… dần dần thay đổi và trôi qua. Và thậm chí trong một ngày, sáng, trưa, chiều, và tối cũng thay đổi và qua đi. Ngay cả thời gian không đứng yên một chỗ từ lúc này đến lúc kế tiếp mà nó trôi qua. Những chúng sanh là cư dân của vũ trụ đều vô thường. Cha mẹ tôi, người già, hàng xóm, người đồng hương quê tôi, bạn bè cùng thời, và tất cả kẻ thù, bạn bè cũng đều vô thường, và từng người một sẽ chết. Con người trong những giai đoạn khác nhau của cuộc đời, từ thơ ấu, thiếu niên và trưởng thành, người già, cho đến khi chết chẳng thể đứng yên trong một khoảnh khắc mà thay đổi dần dần và trôi qua. Tất cả những chúng sanh được sinh ra đều gần gũi với cái chết. Có những người năm ngoái còn hiện diện ở đây mà năm nay đã ra đi, có những người sống ở đây vào năm này nhưng đã ra đi ngày hôm qua, và những người buổi sáng còn ở đây nhưng ra đi khi màn đêm buông xuống. Tất cả đều là bản chất của vô thường. Giờ đây cái chết cũng chẳng mấy chốc xảy đến với tôi, như sự trôi qua nhanh chóng của ngày, tháng và năm. Lấy gì làm chắc cho tôi trụ được trong thân hiện tại này cho đến năm sau? Chưa nói đến việc chẳng có gì bảo đảm trong cuộc sống chính tôi, liệu tôi sẽ chết vào ngày mai hay ngày mốt không? Vì giờ chết là bất định, nên chẳng có thời gian cho tôi sống như thường lệ; do vậy, nếu cuộc sống làm người của tôi hao mòn dần trong tiến trình để thời gian trôi qua vô ích thì thật lãng phí! Tôi bảo đảm cái chết là chắc chắn. Tuy trong lúc tôi chưa chết, vẫn không ai có thể thoát khỏi chết, nên cái chết là chắc chắn. Vì thân thể là một hỗn hợp, cái chết là chắc chắn; và vì cuộc đời trôi qua không dừng lại dù trong một khoảnh khắc, nên cái chết là điều chắc chắn. Giống như đá rơi xuống từ sườn núi, hoặc như con vật bị dẫn đến lò sát sinh; tôi cũng chắc chắn đến gần cái chết.

Thậm chí trong quá trình của một giờ, bạn có thể thấy tiếng tích tắc của từng phút trôi qua. Khi một người lớn lên, họ được gọi là một đứa bé, một thiếu niên, và người trưởng thành, v.v… Những danh hiệu này là cho tiến trình thay đổi đi đến cái chết. Tất cả chúng ta giờ đây còn sống, nhưng rồi mọi người sẽ chết và trở thành một tử thi. Cũng như vậy, chúng ta hoàn toàn sắp sửa là tử thi, nên hoàn cảnh môi trường hiện tại của chúng ta hoàn toàn là một nghĩa địa. Do vậy, bạn có thực sự cần đi đến nơi nào khác hay không? Về phần Kim Cương Thừa, sáu loại ý thức được bàn luận như là một nghĩa địa. Tòa Bạch Ốc ở Washington D.C., cũng là một nghĩa địa. Ngày nay, Potala cung điện của Đức Dalai Lama ở Lhasa cũng là một nghĩa địa.

Khi bản văn nói, “sống như thường lệ” có nghĩa vẫn sống với thói quen trước đó liên quan đến ba bất thiện của thân, bốn của khẩu, và ba của ý.

Trong lúc cái chết là chắc chắn, giờ chết thì không thể đoán trước. Vì không có gì bảo đảm rằng cuộc sống tôi sẽ tiếp tục trong bất kỳ thời gian nào đã định, vì giờ chết là không thể đoán trước. Nên không có thời gian để lãng phí năm tháng.

Khi tôi sắp chết, sẽ chẳng ai có thể giữ tôi ở lại, không có bảo vệ, sẽ không có ai giúp tôi. Tài sản mà tôi đã tích lũy sẽ chẳng giúp gì vào lúc chết, vợ, con, họ hàng cũng chẳng giúp gì thậm chí chính thân tôi sẽ chẳng giúp gì vào lúc chết. Thân thể tôi sẽ để lại phía sau đem hỏa thiêu và sẽ cuốn lên trên trong dạng tro tàn. Thậm chí tro này sẽ được gió mang đi, và không ai nói rằng chúng sẽ đi đâu. Của cải tôi đã tích lũy sẽ bỏ lại, và tôi sẽ chẳng thể lấy được gì ngay cả một cây kim. Tôi sẽ bị chia cách khỏi họ hàng quyến thuộc, vì giờ đây tôi phải đi trên một con đường dài sẽ chẳng gặp họ lần nữa. Tôi không thể đem ngay cả một người bạn đồng hành với tôi. Giờ đây tôi sắp đến thời điểm phải đi một mình vô vọng, không bạn đồng hành, vậy làm sao có thể có thời gian để sống trong sự uể oải? Làm sao có thể có bất cứ thời gian cho những hoạt động của cuộc sống này?Than ôi! Từ hôm nay trở về sau, tôi sẽ thực hành đạo đức, và ngay từ hôm nay tôi sẽ từ bỏ tội lỗi. Sau đó khi đối mặt với cái chết, tâm tôi sẽ được thanh thản, và nhờ đó tôi sẽ đạt tới con đường. Khốn khổ thân tôi! Thật đáng sợ biết bao!

Thậm chí Phật Amitayus, Đức Phật Vô Lượng Thọ cũng không thể giúp bạn vào lúc chết; và nếu Ngài không thể giúp, thì người nào có thể giúp? Ngay cả người có năng lực và ảnh hưởng vĩ đại cũng chẳng thể làm gì để giữ bạn khỏi chết. Thậm chí có một triệu Mỹ kim cũng không giúp được gì vào lúc chết. Ngay cả nếu có nhiều vợ, tất cả đều đẹp cũng chẳng giúp được bạn.

Phong tục ở Ấn Độ và nơi khác là hỏa táng xác chết. Tại Tây Tạng, việc cắt tử thi cho chim kên kên ăn cũng rất phổ biến. Ở Mỹ, việc chôn xác xuống đất để trở thành thực phẩm cho giun là phổ biến. Bất kể bạn làm gì với thân xác, cuối cùng nó cũng bị hư hoại. Ngay cả việc bạn đã tích lũy một tài sản đầy cả thế gian, cũng chẳng có thể mang theo. Bạn thường bị nhiễm nhiều bám luyến về những gì mình sở hữu, như vậy khiến có thể tích lũy những nguyên nhân tái sanh vào cõi thấp. Cho nên, “một cây kim” bạn cũng không thể mang đi sau khi chết. Giờ đây, chúng ta đang gõ cánh cửa của cái chết.

Hãy suy ngẫm theo cách đó, thốt ra những lời này với giọng nói buồn chán để chúng khơi dậy sự chú tâm của bạn, “Than ôi! Than ôi! Khốn khổ thân tôi! Vật chất đa hợp là vô thường. Ngày và đêm đang lấy đi cuộc sống của tôi. Giờ chết là không thể đoán trước. Thật may mắn biết bao khi bây giờ tôi vẫn chưa chết! Nhưng giờ đây cái chết sắp xảy đến.”

Với những người trong trạng thái cùng khổ, cái chết có thể không là một viễn cảnh xấu. Điều đó thực tế có thể thích hợp vì họ có thể giải thoát khỏi cõi đó. Trong cõi người, tôi nhận thấy người bị giam trong tù nhiều năm và bị hành hạ mà cuộc sống của họ là một chuỗi cực khổ liên tục. Từ kinh nghiệm cá nhân tôi, những người như vậy thực sự muốn tìm cái chết vì nó chấm dứt đau khổ mà họ phải kinh nghiệm trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu những người này có một cuộc sống bất thiện, thì khi thoát khỏi nỗi đau khổ này thậm chí còn phải chịu nhiều đau khổ tệ hơn. Trái lại, nếu cuộc sống họ đạo đức, sau khi chết trong tù, điều này không thực sự là xấu. Nói chung, phần lớn chúng ta, không ở trong trại tập trung và không bị hành hạ, đều sợ chết.

Khơi dậy một cách sinh động sự chú tâm của bạn khi thốt ra những lời này, và hình dung trong tâm như sau, “ Tôi đi đến một nơi mà trước giờ chưa từng biết đến. Vùng đất đó quay mặt về hướng bắc, tối đen, không có tiếng nói hay chuyển động của con người. Âm thanh của nước ào ạt chảy xuống. Gió đang gào hú, cỏ xào xạc. Mặt trời đang lặn xuống khỏi đỉnh núi, đá trên núi tỏa ánh sáng tía lấp lánh. Những con quạ đang kêu. Tôi đã đến một nơi chưa từng biết như vậy. Không có bạn, người đồng hành, thật là trước đây tôi chưa từng biết. Tôi phải lang thang trong sự bàng hoàng, không có cảm giác bị giới hạn ở đâu. Thốt ra miệng những lời này, “Than ôi! Khốn khổ thân tôi! Trời ơi! Chao ôi! Bất hạnh thân tôi! Không bạn đồng hành tôi lang thang đơn độc trong một nơi hoang vắng. Quê nhà tôi ở đâu? Cha mẹ tôi ở đâu? Con cháu và tài sản tôi ở đâu? Khi nào tôi về quê nhà? Chao ôi! Bất hạnh thân tôi! Thật đáng chán nản.” Nói lớn những lời này, tôi lang thang không mục đích trong sự bàng hoàng. Sau một lúc tôi đến một khe núi và té xuống. Hai tay quơ cào trong một thời gian ngắn tôi chụp được một bụi cỏ trên mặt vách đá. Nắm chặt vào nó tôi run rẩy vì sợ. Nhìn xuống dưới là một vực sâu không đáy, nhìn lên tôi thấy bầu trời. Tảng đá thì rộng lớn và trơn tuột như một tấm kiếng. Gió đang gào hú. Rơi vào một tình thế khó khăn như vậy, một con chuột trắng xuất hiện từ khe nứt của tảng đá phía bên phải bụi cỏ, gặm đứt các lá cỏ và mang đi. Một con chuột đen xuất hiện từ kẽ nứt bên trái tảng đá, cũng cắn đứt các cọng cỏ và tha đi. Hai con chuột làm việc thay đổi luân phiên, và bụi cỏ ngày càng nhỏ hơn. Tôi không có cách nào chống lại chúng, và hoảng sợ cái chết. Run rẩy vì kinh hoàng, sợ hãi, tôi nghĩ, “Giờ đây cái chết xảy đến với tôi. Chẳng có nơi nào để thoát. Tôi không có Giáo Pháp vì trong quá khứ đã không nghĩ về cái chết. Tôi sợ bị kẹt ở nơi này. Ngày hôm nay tôi sẽ chết, chuyện này chưa từng xảy ra với tôi, mà giờ đây cái chết lập tức sẽ đến với tôi. Bây giờ, từ hôm nay trở đi, tôi sẽ bị chia cắt với quê hương xứ sở, con cái, của cải, họ hàng, người cùng xứ sở, hàng xóm, bạn học, và bạn bè, tôi sẽ chẳng gặp lại họ nữa. Của cải tôi đã tích lũy sẽ để lại đằng sau, và từ giờ trở đi tôi phải đi trên một chuyến hành trình dài đến một nơi không quen thuộc mà trước đây chưa từng được kinh nghiệm. Ôi cách tốt nhất nào để thoát khỏi nỗi sợ hãi này? Nó ở đâu? Tôi nên làm gì? Ôi than ôi!”

Phép loại suy về những con chuột đang ăn cỏ biểu tượng ngày và đêm đang lấy dần cuộc sống của chúng ta. Khi có cơ hội hoàn hảo để thực hành Giáo Pháp mà chưa tận dụng được là vì chúng ta quên suy nghĩ về cái chết.

Suy ngẫm như vậy, thốt ra rõ ràng những lời này “Ôi, than ôi, Tôi sợ quá! Than ôi, cái chết đang đến gần! Giờ đây cái chết chẳng mấy chốc sẽ đến. Tôi phải ra đi một mình, không bạn đồng hành, phải đến một nơi thật xa tới một nơi chưa biết, tôi phải vượt qua một con đường lớn. Tôi có thể làm gì để được giải thoát? Nếu có cách nào, tôi sẽ làm. Than ôi, Tôi sợ quá!” trong khi than vãn những lời này, hãy quán tưởng bầu trời phía trên vị thầy tâm linh đầu tiên của bạn trên một hoa sen và mặt trăng, đang cầm một damaru (trống tay) và một chuông. Trong tư thế đang nhảy múa, Ngài trang hoàng bằng sáu loại trang sức bằng xương. Hãy quán tưởng Ngài nói với bạn, “Than ôi! Thực tại đa hợp này là vô thường và chẳng mấy chốc sẽ bị hư hoại. Bốn mùa bên ngoài là vô thường, thay đổi và qua đi. Người già, kẻ thù, và bạn bè đều chết và xa cách. Tuổi trẻ và người trưởng thành thay đổi theo từng năm, tháng, và ngày. Cuộc sống này trôi qua nhanh chóng như dòng nước chảy xuống dốc núi. Con thật khờ dại để cuộc sống trôi qua mà không biết con sẽ chết. Giờ đây vô thường và cái chết sắp xảy đến. Không có cách nào ngăn chặn được cái chết này. Hãy nhìn vào hiện tại để thấy có cách nào ngăn chặn được nó hay không? Bây giờ không có thời gian để lãng phí – hãy tôn kính vị thầy tâm linh của con!” ngay khi nghe những lời này, hãy suy ngẫm, “Than ôi! Trước khi chạm trán cái chết, đã có Giáo Pháp cho tôi thực hành, nhưng cho đến nay tôi vẫn chưa thực hành Giáo Pháp. Tôi hối tiếc biết bao! Giờ đây dù tôi sống hay chết, vị thầy tâm linh quý báu đều biết. Nếu vị thầy tâm linh có lòng bi, tại sao Ngài không giải thoát cho tôi khỏi vấn đề to lớn này? Vị thầy tâm linh quý báu, người cha của tôi, biết cách.

Nếu không thực hành Giáo Pháp, chúng ta sẽ hối tiếc. Bạn nghĩ gì về điều này? Bạn có nghĩ bản văn nói về cái chết và vô thường là rườm rà hay không? Phật giáo nhấn mạnh về cái chết có phải là một vấn đề không? Nó không phải là vấn đề của Phật giáo, nó là vấn đề của chúng ta. Phật giáo đơn giản chỉ gợi chú ý một số đặc tính nổi bật của cuộc sống chúng ta. Đây là vấn đề của chúng ta và của mọi chúng sanh. Là chúng sanh, chúng ta là chủ thể cho cái chết và vô thường.

Có lần, tôi giảng dạy về chủ đề này và toàn bộ kết quả của đau khổ trong samsara ở Los Angeles, và người ta hỏi tôi, “Có phải những gì Phật giáo nói tới thực sự như vậy? Nó chỉ là đau khổ? Là một tôn giáo về đau khổ?” không, điều này không phải là đặc tính của đạo Phật. Đây là một mô tả về bản chất thực sự của cuộc sống hàng ngày chúng ta. Nếu để cuộc sống chúng ta bị bám luyến chế ngự, không tư duy về cái chết, thì chết một cách tuyệt vọng là kết quả tự nhiên. Để chống lại điều đó, đã đến lúc dấn thân trong thực hành lắng nghe, suy nghĩ, và thiền định. Lý do chính của hướng dẫn này là loại bỏ tâm thức phiền não và trau dồi đạo đức của bạn.

Đơn giản phát sinh lòng sùng kính và niềm tin mạnh mẽ với những phản ánh chân thật như vậy, hãy quán tưởng tinh hoa của những tia sáng từ ngực vị thầy tâm linh đi vào bạn; và cùng lúc đám cỏ bị kết thúc, những tia sáng lập tức nhấc bạn lên và đem bạn đến cõi Sukhavati. Sau đó, vô số tia sáng chiếu ra từ ngực bạn đem từng chúng sanh của tam giới đến Sukhavati. Hãy trau dồi lòng bi mạnh mẽ cho tất cả chúng sanh. Vị thầy tâm linh cũng nên ban một giải thích chi tiết về những lý do cho cái chết và vô thường. Suy ngẫm về cái chết và vô thường trong cách đó và hãy phát sinh một cảm giác không ảo tưởng.

Tóm lại, một sutra trình bày:

Không thể thấy một nơi đa hợp mà thường hằng. Tất cả đa hợp đều vô thường, này Ananda, cũng đừng nên buồn chán.

Sutra Lanka Truyền xuống (Kinh Lăng Già) trình bày:

Cuộc sống con người giống như một dòng nước chảy xuống dốc núi một cách nhanh chóng.

Mahayana Yoga trình bày:

Dù ngươi đi đến bất cứ đâu, trên đỉnh núi hay dưới đáy biển, cũng chẳng tìm thấy nơi nào mà không có cái chết. Thân này là chủ thể để hủy hoại, giống như một bình đất sét. Nó giống như điều gì đó được vay mượn, và trong nó không có gì mà không thể biến đổi.

Thân này giống như cái gì đó được vay mượn từ bốn nguyên tố. Nó chỉ là vật cho mượn

Tập hợp cách ngôn trình bày:

Một số chết trong tử cung, một số chết tại nơi được sinh ra; tương tự một số chết lúc còn bé, một số khi già, một số lúc còn trẻ, và một số chết vào lúc trưởng thành. Tất cả họ đều dần dần đi đến cái chết, và ai có thể chắc chắn mình vẫn sống hoài với nhận xét của người khác rằng “Người này vẫn còn trẻ”?

Hoàn toàn dễ dàng khi nói, “Người này trẻ trung” hoặc “Người này khỏe mạnh.” Tuy nhiên, có bất cứ bảo đảm nào mà người trẻ trung và mạnh khỏe này ngày mai sẽ còn sống?

Một sutra trình bày:

Giống như người tù bị dẫn đi xử, với mỗi bước đi chúng ta đều đến gần cái chết.

Ngài Nagarjuna nói:

Nhiều nguyên nhân góp phần cho cái chết, và một số ít góp phần cho sự sống. Thậm chí những nguyên nhân hỗ trợ cuộc sống có thể chuyển thành hoàn cảnh dẫn đến cái chết. Thế nên, hãy luôn nỗ lực trong Giáo Pháp.

Những hoàn cảnh được dự định hỗ trợ cuộc sống thường tình cờ chuyển thành hoàn cảnh dẫn đến cái chết. Chẳng hạn, người ta dùng thuốc để chữa bệnh, cuối cùng thuốc men lại giết họ. Tương tự, người ta làm những việc khác nhau để cố bảo vệ cuộc sống họ, và đôi khi chính những hành động này lại dẫn đến cái chết.

Sutra Đảnh Ngọc trình bày:

Các bạn, cuộc sống này là vô thường, trôi qua nhanh chóng như dòng nước đổ xuống dốc núi, người khờ dại không nhận ra nó, người không khôn ngoan bị nhiễm độc bởi những hư ảo của dục vọng.

Thuật ngữ “tính hư ảo của dục vọng” ám chỉ đặc biệt đến bám luyến của chúng ta vào tám mối quan tâm thế gian và chúng bao gồm những cảm giác tự cao và cho mình là quan trọng, thường xuất hiện phổ biến khi chúng ta cảm thấy mình thật tuyệt diệu.

Một sutra trình bày:

Mara (Ma vương) của tử thần giống như người nào đó chờ đợi phục kích. Sinh, già, bệnh, và chết giống như sự xoay vòng của máy quay nước. Trong thế gian này,– dù người vĩ đại hay người thấp kém, kẻ giàu hay người nghèo – không một ai mà không rơi vào bàn tay của tử thần.

Và:

Mỗi một người già đã chết trong quá khứ luôn có con cái và tài sản, nhưng con cháu và tài sản lại không lợi ích cho họ trong những kiếp tới

Thế hệ này sang thế hệ khác – bao gồm ông bà, ông bà cố, ông bà sơ của chúng ta; v.v… – suốt toàn bộ cuộc sống họ đã chuyên tâm vào tám mối quan tâm thế gian để có được tài sản vật chất, con cháu, v.v… Mỗi một thế hệ đều làm điều này, và từng người để lại toàn bộ của cải, sở hữu cho thế hệ kế tiếp. Chẳng những của cải và con cháu này không lợi ích cho họ vào lúc chết mà còn có thể thực sự làm hại họ. Trong quá trình tích lũy những của cải này, người ta thường tham gia vào nhiều việc bất thiện. Điều này thật sự đã xảy ra trong quá khứ và nó cũng đúng trong hiện tại. Trong số chúng ta, nhiều người trong thế hệ hiện tại đang chuyên tâm vào cùng mục đích như vậy và cũng sẽ kết thúc tương tự như những người trong quá khứ. Chúng ta, cũng sẽ chết.

Về tất cả những mối liên quan đến con cái này, một số người có thể nghĩ, “Tôi chẳng có con cái nào, vậy tôi không phải là người được nói đến ở đây.” Nếu bạn nghĩ mình thông minh như vậy, thì hãy thực hành Giáo Pháp.

Vì cuộc sống chúng ta là vô thường và trôi qua không ngừng dù chỉ trong một chốc lát, do vậy không có thời gian để sống trong lười biếng.” Nêu ra nhiều trích dẫn từ những sutra và tantra theo cách này và phát sinh sự không ảo tưởng. Nhờ thiền định về những vấn đề của vô thường và cái chết như vậy, dựa trên kinh nghiệm bạn sẽ hiểu được rằng mọi công việc của thế gian là vô thường, và đặc biệt trong dòng tâm thức bạn sẽ an định, sự nhiệt thành cho Giáo Pháp sẽ khởi lên, v.v…

Chúng ta không nên thỏa mãn chỉ với một giáo lý rất nhỏ bé, thay vào đó hãy suy nghĩ về độ dài của nhiều loại đau khổ trong chu trình sinh tử, ý nghĩa và thực tại của cái chết. Hãy suy nghĩ về nó trong nhiều cách và nhờ đến nhiều nguồn để làm phong phú sự hiểu biết và nhận thức của bạn về nó. Tất cả giáo lý của Đức Phật từ giáo lý cao nhất của Atiyoga xuống đến nền tảng căn bản nhất của Hinayana đều thiết kế để đem chúng ta đến giải thoát. Song, nhiều người trong các bạn chỉ thực sự quan tâm thức tỉnh và lắng nghe khi được giảng dạy về Atiyoga, hay Đại Viên Mãn. Tuy nhiên, bạn cần phải chú tâm trước tiên về những giáo lý này. Lúc đầu bạn phải xây dựng một nền tảng tốt bằng cách chuyển tâm giải thoát khỏi chu trình sinh tử. Hãy thiền định về vô thường và bản chất của hành vi và những hậu quả của nó – luật nhân quả. Nhờ thiền định trên những điều này, một nền tảng tốt đẹp sẽ được thiết lập cho những giáo lý và thực hành nâng cao hơn, và các phiền não của ghen tị, bám luyến, thù hận, v.v… sẽ được an định.

Tất cả tám vạn bốn ngàn pháp môn của đức Phật và đặc biệt hơn, là sáu trăm bốn mươi ngàn tantra của Atiyoga được thiết kế để bảo vệ chúng ta khỏi đau khổ của chu trình sinh tử. Sự đau khổ này không phải là chuyện bịa đặt. Sự đau khổ mà chúng ta là chủ thể phải chịu và bản tánh đau khổ của sinh tử không phải là vô nghĩa và xem thường. Đây là điều tại sao chúng ta cần chú tâm về nó và nhận biết độ sâu rộng của đau khổ mà chúng ta là chủ thể. Trên việc nhận biết này, bám luyến của chúng ta sẽ dần dần suy giảm. Với việc làm giảm bám luyến, thù hận cũng sẽ giảm bớt. Qua sự tiến bộ dần dần như vậy, chúng ta có thể mong đợi đạt được giải thoát.

Bạn có thể tự hỏi liệu mình có cần học hết tám vạn bốn ngàn pháp môn hoặc sáu trăm bốn mươi ngàn tantra của Atiyoga hay không. Nếu bạn có thời gian và lòng nhiệt thành, thì điều đó rất tốt. Nhưng vì giáo lý quá nhiều và không có đủ thời gian nên bạn cần chú tâm vào cốt tủy của giáo lý. Trước tiên, một cách để nắm giữ tinh túy của giáo lý này là suy niệm về Bốn Tư Tưởng làm Chuyển Tâm, sau đó nếu bạn đi vào thực hành của Kim Cương Thừa, bạn phải được quán đảnh, và tụng niệm giáo lý của Kim Cương Thừa v.v… Thiền định trên một Bổn Tôn đặc biệt đã chọn. Nếu thiền định tốt về một Bổn Tôn đã chọn thì việc làm này như một chìa khóa cho tất cả phần về sau. Do vậy, bạn không cần dấn thân vào nhiều thực hành sâu rộng. Hãy làm tốt một thứ, và nó sẽ là chìa khóa cho phần còn lại. Bạn sẽ tìm thấy giáo lý về tánh Không trong giáo lý Atiyoga, và sự nhận biết của tánh Không là nguyên nhân khởi đầu để đạt Phật quả.

Nếu tham dục của cuộc sống này gia tăng và bạn không thể sống trong cô độc, ngay cả dù bạn có thiền định về vô thường, thì hãy tiếp tục thiền định cho đến khi kinh nghiệm xuất hiện. Đây là sinh lực cốt tủy của tất cả Giáo Pháp. Nếu bạn không thành công trong điều này thì kinh nghiệm thiền định sẽ không xuất hiện, vậy điều quan trọng là chính bạn chuyên tâm vào điều này. Bất cứ ai có khả năng dù cao hay thấp đều sẽ được giải thoát với điểm trọng yếu này, vậy kiên trì trong điều này là điều quan trọng. Hãy thiền định cho đến khi thấy chúng sanh không chú ý đến cái chết khiến bạn chảy nước mắt vì lòng bi. Hãy thiền định về điều này trong ba ngày, sau đó quay trở lại.

Nhờ thiền định theo cách đó, khi gần đến thời hạn bạn sẽ có hạnh phúc dồi dào, và cuối cùng bạn sẽ trở thành một vị Phật. Hãy thực hành điều này! Sự thiền định về cái chết và vô thường là giai đoạn thứ ba trong Sự Giải Thoát Tự Nhiên Qua Thiền Định: Những Hướng Dẫn Dựa Trên Kinh Nghiệm Về Tiến Trình Chuyển Di.

Ba điều này là những chuẩn bị để điều phục dòng tâm thức bạn. Vào lúc bắt đầu, điều đặc biệt quan trọng là bạn có được chú tâm vững chắc vào ba điều này. Nếu không có được chỗ đứng vững chắc trong chúng, bạn sẽ vuột mất mọi Giáo Pháp khác. Cho đến khi nhận thức của vô thường khởi lên liên tục và sống động như thể tim bạn bị mũi tên sắc bén của những điểm này xuyên thủng, hãy tiếp tục thiền định. Samaya.

Hãy thực hành điều này! Cầu mong các thực hành chuẩn bị để điều phục dòng tâm thức bạn không bị biến mất cho đến khi luân hồi trống rỗng. “Những Thực hành Chuẩn bị để Điều phục dòng Tâm thức bạn” trong Sự Giải Thoát Tự Nhiên Qua Thiền Định: Những Hướng Dẫn Dựa Trên Kinh Nghiệm Về Sáu Tiến Trình Chuyển Di là những giáo lý của truyền thống Choje, con trai tâm linh của terton Karma Lingpa. Do vậy, điều này đã được Guru Nyida Ozer viết ra, cầu mong sự hiển lộ của Đức Phật được nuôi dưỡng và tăng trưởng trong mọi lúc và mọi nơi, và cầu mong giáo lý được bảo tồn lâu dài.

Mangalam bhavatu!

(Cầu mong được hiệu quả!)

GIẢI THOÁT TỰ NHIÊN – Giáo lý của Đức Padmasambhava về Sáu Bardo

Luận Giảng: Ngài Gyatrul Rinpoche

Phiên dịch: B. Alan Wallace

Dịch Việt: Tuệ Pháp

Nhà Xuất bản Trí tuệ, Boston