LES-DAKINIS

Sự hiển lộ tự tánh của Ngũ trí Dakini

Tất cả mọi lĩnh vực hoạt động của sự sống dù có giới hạn hay không giới hạn, được xuất hiện dù ở dạng thô hay dạng vi tế, là hạnh phúc hay bất hạnh, là bình thường hay phi thường, đều tùy thuộc vào năm nguyên tố (ngũ đại), đó là nền tảng của những hiện tượng (vạn pháp) thanh tịnh hay bất tịnh. Xuyên suốt, trải khắp Luân Hồi và Niết Bàn, từ những hạt nguyên tử vi trần cho tới những con côn trùng, loài người, các đối tượng vật thể và máy móc, mọi sự đều được cấu thành, tạo nên bởi năm nguyên tố. Tất cả mọi nguyên tố vô hạn lượng hiện tượng hiện hữu thường đều là sự hiển lộ, phô diễn của Tâm Trí Tuệ huyền bí, phi chướng ngại và không chia tách. Bản tánh của Tâm Trí Tuệ như gương (Đại Viên Cảnh Trí) là mọi sự sinh khởi với tiềm năng bị che chướng và phi chướng ngại vô tận.

Bất cứ khi nào chúng ta không nhận ra được bản tánh thanh tịnh của sự hóa hiện, biểu lộ từ sự hiển bày, phô diễn trí tuệ, thì chúng ta bám chấp vào sự phản ánh, phóng chiếu tự sinh khởi không thể nắm bắt của tâm vô chướng ngại, chúng ta che ám tánh không và sự quang minh, sáng rõ bất khả phân của nó, và chúng ta chia tách các nguyên tố hiện tượng vốn không chia tách thành chủ thể và đối tượng. Ngay khi có sự phân chia, thì sự bất tịnh và chướng ngại xuất hiện. Với sự chia tách này, “tôi” trở thành chủ thể và những gì cái “tôi” này ý thức, nhận biết trở thành đối tượng, bất kể dù đó là một hay nhiều, vô tình hay hữu tình, vô tri vô giác hay sinh động.

Với sự chia tách này, có sự chuyển động không ngừng qua lại giữa chủ thể và đối tượng, cái là sự bắt đầu, khởi nguyên cho phương hướng và thời gian, có sự chuyển động không ngừng qua lại giữa những hoàn cảnh gốc và những hoàn cảnh phụ trợ, giữa sự chấp nhận những gì hài lòng, thỏa mãn và chối bỏ những gì không thoải mái, giữa những thiện ý và ác ý, giữa nghi ngờ và hy vọng. Chúng ta gọi tâm phân biệt, chia tách này là tâm nhị nguyên, điều là nguyên nhân cho ác nghiệp và thiện nghiệp.

Bất cứ khi nào chúng ta nhận ra được bản tánh thanh tịnh của sự hóa hiện, biểu lộ từ sự phô diễn, hiển bày trí tuệ vô hình bí mật từ tự thân chính nó, thì khi ấy chúng ta nhận thức được bản chất tinh yếu bí mật thuần tịnh của những nguyên tố (các đại). Với sự nhận biết, chứng ngộ này thì không có chủ thể và không có đối tượng, không khởi đầu cũng không kết thúc, không phương hướng cũng không thời gian, không hoàn cảnh gốc cũng không hoàn cảnh phụ trợ, và như vậy không có nghiệp (karma). Với sự nhận biết, chứng ngộ này, thì chân lý tuyệt đối vàchân lý tương đối trở nên bất khả phân, bất nhị với không gian tỉnh giác quang minh sáng rỡ. Trong không gian này, hiện tượng sinh khởi một cách tự do và sự phô diễn, hiển bày của Tâm Trí Tuệ này không phải là sự hư vô.  Tâm giác ngộ nhảy múa một cách phi chướng ngại với hiện tượng và nó cũng có tiềm năng che lấp hiện tượng nhờ ý chí như việc lựa chọn ăn hay không ăn.

Tâm giác ngộ phản ánh, phóng chiếu tất cả năm trí tuệ trong sự tĩnh lặng, thong dong và thư thái. Nhưng do vô minh, trải qua vô số kiếp, chúng ta đã tạo ra những quan niệm và những tập khí, thói quen nghiệp làm che chướng phẩm tánh trong sáng như gương, phi chướng ngại và sinh động của Tâm Trí Tuệ chính mình. Do tâm bình phàm bị che chướng, nên bản ngã của chúng ta là những phạm trù vượt ra khỏi sự tĩnh lặng, thong dong và thư thái. Với bản ngã và những phạm trù xuất hiện như thật có, với sự sinh sôi của chất thể, thì vật chất xuất hiện cái chết của nó, và với cái chết thì xuất hiện đau khổ. Thân nghiệp trì trệ và vô vị của chúng ta cùng tất cả những chất thể vật chất khác là nguyên tố thô, là kết quả từ sự bất lực của chúng ta trong những kiếp trước trong việc nhận ra, chứng ngộ bản chất tinh yếu bí mật vô hình của mọi chất thể. Chúng ta bị mất mát và khổ đau bởi sự chán chường bên ngoài và sự vô minh bên trong. Nhưng thậm chí dù cho chúng ta có không thể nhận ra, chứng ngộ bản chất tinh yếu bí mật vô hình của mình ngay lập tức thì cũng không cần thiết phải nghĩ rằng nó quá xa xôi. Bản chất tinh yếu bí mật của chúng ta thì luôn luôn ở bên trong các nguyên tố thô và vi tế.

Nói chung, chúng ta luôn luôn tin rằng sự ảo tưởng, huyễn hóa được hiểu nhờ Tâm Trí Tuệ không bị lừa dối, nhưng thật ra ảo tưởng được hiểu bởi tâm bị lừa dối phàm tục. Tâm Trí Tuệ không bị lừa dối không có bất kỳ khái niệm dối gạt nào vì nó không có một chủ thể hay đối tượng bị dối gạt nào hết. Từ quan điểm tương đối của tâm bình phàm thì Tâm Trí Tuệ bí mật không chia tách xuất hiện để phân chia thành các nguyên tố bên trong và bên ngoài, cái hóa hiện, biểu lộ từ cảm nhận phân biệt thấu suốt và tinh tế tới sắc tướng thô cũng như khác biệt một cách tăng trưởng dần, sự xuất hiện bên trong như: thịt, máu, nhiệt độ, hơi thở và ý thức, và bên ngoài như: đất, nước, lửa, gió và hư không.

Những hóa hiện, biểu lộ bên ngoài và bên trong của các nguyên tố ngoại và nội được nối kết với nhau thông qua các hoạt động của chúng ta. Sắc tướng vật chất bên ngoài của đất và sắc tướng vật chất bên trong của thịt được nối kết thông qua việc ăn. Nước bên ngoài và máu bên trong được nối kết thông qua việc uống. Lửa bên ngoài của mặt trời và thân nhiệt ấm áp trong thân thể được nối kết thông qua quá trình hấp thụ. Gió bên ngoài và hơi thở (khí năng) bên trong được nối kết thông qua sự hô hấp. Hư không bên ngoài của bầu trời và khoảng không bên trong của tâm thức được nối kết nhờ sự rộng mở. Tất cả năm đại hay năm nguyên tố đều phụ thuộc, tương hỗ lẫn nhau và sẵn có trong từng nguyên tố, điều này cho phép chúng nối kết và tạo ra vô số sự phô diễn, hiển bày hiện tượng vạn pháp.

Hiện tượng vạn pháp khởi nguồn xuất hiện dễ nhận thấy với tâm bình phàm từ nguyên tố gió (phong đại) vi tế vượt ra khỏi nguyên tố hư không (không đại) vi tế hơn. Vì cả hai nguyên tố này đều nhẹ và vô hình nên chúng bổ sung, hoàn thiện lẫn nhau và khi nguyên tố gió (phong đại) vi tế dễ nhận thấy hơn được thoát ra từ ý thức nguyên tố hư không (không đại) vi tế hơn của tâm bình phàm nhờ nghiệp, thì chúng hòa nhập và chuyển động cùng nhau bất khả phân. Hoạt động này một cách tự động làm phát sinh hơi ấm vi tế, điều là bản chất tinh yếu của nguyên tố lửa (hỏa đại) vi tế. Khi nguyên tố lửa (hỏa đại) vật chất và dễ nhận thấy hơn được thoát ra khỏi nguyên tố gió (phong đại) vi tế thông qua nghiệp, thì chúng hòa nhập và chuyển động cùng nhau bất khả phân. Hoạt động này làm phát sinh nguyên tố nước (thủy đại) ít vi tế hơn. Khi nguyên tố nước (thủy đại) vật chất và dễ nhận thấy hơn được thoát ra khỏi nguyên tố lửa (hỏa đại) vi tế thông qua nghiệp, thì chúng tiếp tục hòa nhập và chuyển động cùng nhau bất khả phân. Hoạt động này làm phát sinh nguyên tố đất (địa đại) dễ nhận thấy và vật chất nhất.

Khi chúng sinh chết đi, tiến trình này lại đảo ngược lại. Khi sắc tướng vật chất của địa đại hòa tan vào thủy đại, thì thân thể trở nên nhợt nhạt và trơ cứng. Khi độ ẩm của thủy đại tan hòa vào hỏa đại, thì thân thể trở nên khô héo. Khi hơi ấm thân nhiệt của hỏa đại hòa tan vào phong đại, thì thân thể trở nên lạnh dần. Khi hơi thở của phong đại hòa tan vào không đại, thì tâm thức trở nên mất ý thức và điều này được gọi là chết.

Nếu chúng ta nắm giữ quan điểm hư vô và tin rằng mình được sinh ra như là kết quả của sự tình cờ hay trùng hợp ngẫu nhiên, và chúng ta cho rằng vạn pháp hiện tượng kết thúc vào lúc chết hay khi những hoàn cảnh thay đổi, như vậy thì không có nền tảng để nói về hiện tượng mới. Nếu chúng ta nắm giữ quan điểm vĩnh cửu và tin vào một đấng sáng tạo vô hình, và chúng ta cho rằng mình hiệp nhất với đấng sáng tạo của mình vào lúc chết, thì như vậy chúng ta nói chuyện lạc quan về việc đi lên thiên đàng. Nhưng theo quan điểm của người Phật tử, thì sẽ là nhầm lẫn khi nghĩ như những người theo chủ nghĩa hư vô rằng vào lúc chết các nguyên tố vi tế biến mất cùng với cái thô đặc. Theo Phật giáo, khi các nguyên tố thô bị suy giảm và những năng lực, sức mạnh của chúng bị bào mòn, thì chúng sẽ hòa tan vào nhau từng cái một, chúng trở nên càng lúc càng vi tế hơn và sẽ lại trở thành dễ nhận thấy, tái xuất hiện như các nguyên tố bên trong và bên ngoài trong các cõi tái sinh khác nhau tùy theo nghiệp quả. Chúng ta tiếp tục trôi lăn trong vòng sinh tử bất tận cho tới khi chúng ta nhận ra, chứng ngộ, giống như Đức Phật Thế Tôn, cái bản chất, tinh túy bí mật thanh tịnh nhất, chói sáng nhất của giác ngộ.

Ở bất kỳ đâu có các nguyên tố vật chất bên trong và bên ngoài bất tịnh bị che chướng hiện hữu, thì ở đó cái tinh túy bí mật tinh thuần tự vốn sẵn và tỏa khắp cũng hiện hữu. Giữa tất cả các nguyên tố thô và vi tế, thì chúng ta có thể tìm thấy cả hai tính chất bất tịnh và thanh tịnh. Sự bất tịnh thì gần hơn với sự biểu hiện vật chất của các nguyên tố. Còn sự thanh tịnh thì gần hơn với nguồn gốc phi vật chất của chúng. Ánh sáng tịnh quang màu vàng là màu sắc bản chất tinh túy của đất. Ánh sáng tịnh quang màu trắng là màu sắc bản chất tinh túy của nước. Ánh sáng tịnh quang màu đỏ là màu sắc bản chất tinh túy của lửa. Ánh sáng tịnh quang màu xanh lục là màu sắc bản chất tinh túy của gió. Ánh sáng tịnh quang màu xanh dương là màu sắc bản chất tinh túy của hư không.

Nguồn gốc phi vật chất của ánh sáng tịnh quang ngũ sắc là năng lượng trí tuệ bí mật phi vật chất của Năm Vị Phật Mẫu Phối Ngẫu của Năm Vị Phật Trí Tuệ. Phật Mẫu Buddha-Locana Phật Nhãn là Phối Ngẫu Trí Tuệ biểu trưng cho đất. Phật Mẫu Mamaki là Phối Ngẫu Trí Tuệ biểu trưng cho nước. Phật Mẫu Damdara-Vasini là Phối Ngẫu Trí Tuệ biểu trưng cho lửa. Phật Mẫu Samaya-Tara là Phối Ngẫu Trí Tuệ biểu trưng cho gió. Phật Mẫu Dhatvisvari là Phối Ngẫu Trí Tuệ biểu trưng cho hư không.

Mặc dù tất cả chúng sinh đều được khởi nguồn từ tiềm năng trí tuệ của các nguyên tố, nhưng có các phẩm tánh bị che chướng khác biệt là do những ảnh hưởng từ những mối nối kết nghiệp. Chẳng hạn, nhờ giác quan cảm nhận của mình, những con trùn đất bị hấp dẫn tới đất bởi vì trong các kiếp sống trước, thói quen của chúng phần lớn là các hiện tượng của đất. Nhờ xúc giác, loài cá bị hấp dẫn với nước bởi vì trong các kiếp sống trước, thói quen của chúng phần lớn là các hiện tượng của nước. Nhờ thị giác sắc bén của mình, loài kên kên bị thu hút tới ánh sáng bởi vì trong các kiếp sống trước, thói quen của chúng phần lớn là các hiện tượng của lửa. Nhờ khứu giác tinh tường của mình, loài chó bị thu hút bởi gió bởi vì trong các kiếp sống trước, thói quen của chúng phần lớn là các hiện tượng của gió. Nhờ ý thức của mình, một số hành giả bị thu hút tới cái phi vật chất bởi vì trong các kiếp sống trước, thói quen của họ phần lớn là các hiện tượng của hư không để chứng ngộ, nhận ra vạn pháp như là sự phô diễn, hiển bày huyền diệu phi chất thể.

Nếu chúng ta chấp chặt vào vật chất với 5 sự dính mắc thì đó là do nguyên tố thô của chúng ta, những tâm thức bị lừa dối của chúng ta đã tạo ra 5 giác quan bình phàm cùng các đối tượng của chúng. Vì chúng ta chưa bao giờ nhận ra, chứng ngộ rằng các giác quan của mình và các đối tượng của chúng là những sự hóa hiện, biểu lộ ảo huyễn từ các nguyên tố thô bị che chướng của mình, nên chúng ta ra sức chối bỏ những đối tượng gây khó chịu và chấp nhận những đối tượng đáng ưa thích. Nhưng sự tích cực lại trở thành tiêu cực và vẫn có đau khổ.

Do dính mắc vào cái nhìn mà loài bướm đêm bị thu hút vào ánh lửa đẹp đẽ và chết trong ngọn lửa. Do dính mắc vào cái nghe mà loài nai dừng lại nghe ngóng tiếng huýt sáo du dương của người thợ săn và chết dưới mũi tên thợ săn. Do dính mắc vào mùi vị mà loài bọ ngựa đực bị cám dỗ bởi con cái và chết do bản năng của bọ ngựa cái là ăn thịt bạn tình. Do dính mắc vào hương vị mà loài cá bị thu hút tới miếng mồi ngon và chết trong lưỡi câu người đánh cá. Do dính mắc vào sự xúc chạm mà loài voi bị hấp dẫn tới sự ấm áp của đầm lầy và chết trong bùn lầy.

Sự trỗi vượt tiềm năng nghiệp của những nguyên tố khác nhau gây ra sự trỗi vượt của những cảm xúc tương ứng. Ví dụ, những chúng sinh bình phàm có khuynh hướng trỗi vượt về địa đại trong các kiếp trước thì họ thường có một khí chất thô tháo, cục cằn liên hệ tới cảm xúc vô minh với cá tính nặng nề, bảo thủ và khó lay chuyển. Với những người có khuynh hướng trỗi vượt về thủy đại thì họ thường có một khí chất mềm mại, uyển chuyển liên hệ tới cảm xúc tham dục với cá tính hay bắt chước và luôn thay đổi. Những người có khuynh hướng trỗi vượt về hỏa đại thì họ thường có một khí chất nóng nảy, dữ dội, sôi nổi và nồng nhiệt v.v… liên hệ tới cảm xúc sân hận với cá tính thiêu đốt và bạo lực hủy hoại hay họ sẽ có một tính khí sục sôi liên hệ tới cảm xúc kiêu mạn với cá tính phiến diện, một chiều, thiên vị không dễ lĩnh hội hay thiếu nhạy cảm. Với những người có khuynh hướng trỗi vượt về phong đại thì họ thường có một khí chất ung dung, nhẹ nhàng, hài hước và hơi thiếu nghiêm túc… liên hệ tới cảm xúc ganh tỵ với cá tính không chấp nhận sự bám víu và chấp chặt. Những người có khuynh hướng trỗi vượt về không đại thì họ thường có một khí chất không được tập trung lắm liên hệ tới cảm xúc vô minh với cá tính trì độn, vô cảm, cái là nền tảng, tỏa khắp toàn triệt và bất khả xâm phạm.

Năm cảm xúc mãnh liệt này được bao gồm trong 3 cảm xúc là: tham, sân và si – chúng là nguồn gốc gây đau khổ của những người bình phàm. Tham dục tạo ra yêu đương, ái dục thông qua sự dính mắc vào những hoàn cảnh dễ chịu, thỏa mãn; Tình yêu, ái dục lại tạo ra sự sân hận, giận dữ do sự kiểm soát thông qua bám chấp, sở hữu. Nền tảng của cả hai điều này đều là vô minh (si), cái chỉ tạo ra sự tăm tối do sự lẫn lộn, mơ hồ tình yêu với sân hận do sự bám chấp, sở hữu.

Con có thể hiểu vì sao Đức Phật Thế Tôn lại

từ bỏ vương quốc quý báu của Ngài.

Con có thể hiểu vì sao Đức Phật Thế Tôn lại

bỏ lại tấm áo choàng nhung lụa kim tuyến của Ngài.

Con có thể hiểu vì sao Đức Phật Thế Tôn

đã khoác lên mình lớp áo vải bông sờn rách

Ngài đã làm vậy để dẫn dắt những chúng sinh

bình phàm từ ba xúc cảm xuất phát từ bản ngã,

nguồn gốc của mọi đau khổ.

Ngài đã làm vậy để đạt được giác ngộ,

một trạng thái vô ngã vượt thoát lên khỏi đau khổ.

Những người với thiện nghiệp mong muốn đạt được giác ngộ có thể sử dụng những phẩm tánh tinh tế của mình một cách tự nhiên và làm gia tăng sự thuần tịnh sẵn có của họ cho tới khi họ không còn cần phải phụ thuộc vào vật chất thô và nghiệp. Nhờ việc nhận ra những nguyên tố vi tế sẵn có trong các nguyên tố thô, chúng ta có thể hành động với những phương tiện thiện xảo. Ví dụ, khi ai đó mỉm cười, khóe miệng mở lên trên là những biểu đạt thô bên ngoài của niềm hạnh phúc tích cực vi tế hơn bên trong. Khi ai đó bực tức, trán của họ nhăn lại là biểu đạt thô bên ngoài của cơn giận hay sự bất an tiêu cực vi tế hơn bên trong. Đôi khi, các nguyên tố vi tế của nụ cười lại không phải là tích cực. Thậm chí ngay cả khi nguyên tố thô là miệng được mở lên, nhưng nguyên tố vi tế đằng sau nụ cười lại là sự tiêu cực, như miếng mồi ngon ngọt của người câu cá mê hoặc con cá để giết nó. Đôi khi các nguyên tố vi tế của sự giận dữ lại không phải là sự tiêu cực. Đằng sau những đốt gai là những bông hoa đẹp tươi, mềm mại và trưởng thành. Vì vậy chúng ta cần phải thông minh, sáng suốt trong việc phân định rõ ràng tính chất của những gì vô hình và làm tăng sự tự tin vào việc làm thế nào để sử dụng các nguyên tố vi tế tiêu cực và tích cực.

Những gì có thể nhìn thấy được với một bậc siêu phàm lại là cái vô hình, không thể nhìn thấy được với một người bình phàm, cũng như những gì có thể nhìn thấy được với một số người bình thường thông minh lại là cái không nhìn thể nhìn thấy được với những người bình thường thiển cận, có tầm nhìn hạn hẹp. Những người thông tuệ có thể nhìn trước được tương lai nhờ sự suy luận, trong khi tương lai lại hoàn toàn là sự che ám với những người bình thường với tầm nhìn ngắn. Tương tự như vậy, do không nhìn thấy nên nhiều người đã kết luận rằng Giáo Pháp là mê tín dị đoan. Họ không nhận ra rằng họ chỉ có thể thâm nhập vào các nguyên tố thô và có sự liên thông với các nguyên tố vi tế bằng cách dựa vào bản chất, tinh túy bí mật thuần tịnh của các đại. Nhờ điều này mà các bậc siêu phàm không bao giờ làm cạn kiệt, hao tổn năng lượng cùng trí tuệ xác quyết tự nhiên bí mật thanh tịnh của các ngài. Các ngài càng sử dụng không gian hư không vốn sẵn gom chứa tất cả các nguyên tố khác bao nhiêu, thì các nguyên tố thô của các ngài lại càng trở nên tinh tế và chói sáng bấy nhiêu. Một cách tối hậu, khi các ngài không còn tin vào việc phải tìm kiếm bất kỳ phẩm tánh nào trong vật chất thô nữa, thì các ngài được gọi là đã giác ngộ. Những hành giả cao cấp có thể tịnh hóa những nguyên tố đất thô bên ngoài và bên trong. Khi họ làm điều này, các nguyên tố đất bên trong các kinh mạch và mạch máu thần kinh thô trở nên ngày càng sáng chói hơn, thanh tịnh hơn, và khi chúng trở thành phi chất thể, bất hoại và chói sáng thanh tịnh, thì sự phân biệt giữa những ý niệm về các nguyên tố đất bên ngoài và bên trong giảm dần cho tới khi chúng trở nên được tịnh hóa vào sự đồng nhất của tinh túy ánh sáng phi chất thể. Đức Liên Hoa Sinh Padmasambhava đã đạt được trạng thái này. Vì nó có bản tánh kim cương bất hoại và không thể bị thâm nhập bởi bất kỳ hoàn cảnh nào, nên theo hệ thống Kim Cương Thừa, điều này được gọi là Thân Trí Tuệ Kim Cương.

Những hành giả cao cấp có thể tịnh hóa những nguyên tố gió thô bên ngoài và bên trong. Khi họ làm điều này, các nguyên tố gió bên trong trở nên ngày càng sáng chói hơn, thanh tịnh hơn, và khi chúng trở nên không bị che chướng và sáng rõ, thì sự phân biệt giữa những ý niệm về các nguyên tố gió bên ngoài và bên trong giảm dần cho tới khi chúng trở nên được tịnh hóa vào diệu âm đồng nhất. Một số thánh giả vĩ đại trong những thời cổ xưa đã đạt được trạng thái này. Âm thanh sáng tỏ thuần khiết của chúng không bị suy hoại bởi những rạn nứt và vết xước từ những rung động của các nguyên tố thô và không gì có thể ngăn cản âm vang của nó tỏa khắp đi mọi nơi chốn. Điều này được gọi là Bài Ca Trí Tuệ Kim Cương (Kim Cương Ngữ).

Những hành giả cao cấp có thể làm giảm dần sự nhị nguyên của tâm vật chất chủ thể bên trong và hiện tượng vật chất đối tượng bên ngoài của mình. Khi họ làm điều này, các nguyên tố vi tế trở nên ngày càng bao la, vô hạn hơn, và khi chúng trở nên thâm sâu và vô cực biên, thì sự phân biệt giữa ý niệm nhị nguyên của các nguyên tố hư không bên ngoài và bên trong giảm dần cho tới khi chúng trở nên được tịnh hóa vào sự rộng mở vô tận đồng nhất. Và rồi mọi sự đều không có khởi đầu và không có kết thúc. Đây là Đức Phật Phổ Hiền Samantabhadra nguyên thủy mà tâm trí tuệ của Ngài là suối nguồn tri kiến vô hạn lượng, không thể bị khuất phục và lừa dối bởi ảo tưởng hư huyễn của nhị nguyên. Điều này được gọi là Tâm Trí Tuệ Kim Cương.

Theo hệ thống Đại Viên Mãn (Maha-sandhi), thì Đức Phật Phổ Hiền Samantabhadra an trụ vượt lên khỏi những đặc tính của các nguyên tố thanh tịnh hay bất tịnh. Những đặc tính của Ngài là bí mật tự nhiên, vì vậy ngay cả một bậc siêu phàm cũng không thể thấy chúng. Nhưng như nhiều bậc siêu phàm đã tịnh hóa được các nguyên tố thô của các mình, thì các ngài có thể thấy được tinh túy bí mật tự tạo của Đức Phổ Hiền như mạn đà la hiển lộ hữu hình những phẩm tánh trí tuệ của Ngài. Các nguyên tố thô của những bậc siêu phàm càng được tịnh hóa nhờ sự chứng ngộ bản chất, tinh túy bí mật thuần tịnh của chính các ngài bao nhiêu thì các ngài lại càng có thể chứng ngộ, nhận ra rằng không có sự mâu thuẫn nào giữa các nguyên tố bấy nhiêu, và các ngài ngày càng tiến đến gần hơn với sự hợp nhất cuối cùng với bản chất, tinh túy bí mật thuần tịnh của chính các ngài – điều vốn đồng nhất từ khởi thủy như Đức Phật Phổ Hiền Samantabhadra. Cuối cùng, khi các ngài không còn có bất kỳ nguyên tố thô nào nữa cả, thì các ngài hợp nhất trọn vẹn với bản chất, tinh túy bí mật thuần tịnh nhất của mình và trở thành Đức Phật Phổ Hiền Samantabhadra.

Đó là lý do vì sao Đức Phật Phổ Hiền Samantabhadra đã hát:

Eh Ma Ho!

Ôi kỳ diệu thay Giáo Pháp, tinh túy bí mật

 cực vi tế của tất thảy chư Phật viên mãn,

Mọi sự tái sinh từ cái vô sinh, và trong sự

sinh ra thì không có sự tái sinh nào nữa.

 Ôi kỳ diệu thay Giáo Pháp, tinh túy bí mật

cực vi tế của tất thảy chư Phật viên mãn,

Mọi sự ngưng bặt từ cái bất tận, và trong cái

ngừng dứt thì không có cái ngừng dứt nào hơn nữa.

 Ôi kỳ diệu thay Giáo Pháp, tinh túy bí mật

cực vi tế của tất thảy chư Phật viên mãn,

Mọi sự hiện hữu từ cái không hiện hữu, và trong

cái hiện hữu thì không có sự hiện hữu nào nữa cả.

 Ôi kỳ diệu thay Giáo Pháp, tinh túy bí mật

cực vi tế của tất thảy chư Phật viên mãn,

 Mọi sự đến và đi từ cái không đến không đi, và trong việc

đến và đi thì không còn sự đến và đi nào nữa hết

Tác giả: Đức Dungse Thinley Norbu Rinpoche

Nguyên tác: Vũ Điệu Huyền Diệu – Sự Hiển Lộ Tự Tánh của Ngũ Trí Dakini

Dịch từ bản tiếng Anh:  MAGIC DANCE THE DISPLAY OF THE SELF-NATURE OF THE FIVE WISDOM DAKINIS

Hiệu đính và Việt dịch lại từ bản Việt ngữ ấn tống của nhóm Liên Hoa Pháp Hội – Hà Nội (Hàng Bài), Ninh Bình – Bắc Ninh
Với bản gốc Anh ngữ bởi Dharma Dipo, 2014
Đã hoàn tất vào ngày 25/7, ngày Dakini – lịch Tây Tạng.
Cầu mong mọi lợi ích dành cho tất cả chúng sinh mẹ!
Cầu mong mọi lầm lỡ tan hòa vào Pháp giới bất sinh!