20245562_1677993138877629_2067398382791870064_n

Trung ấm tái sinh – sidpa bardo

Giờ đây khi trung ấm tái sinh đang ló dạng trong con,

Con sẽ nhất tâm chánh định,

Nỗ lực trì giữ những kết quả của thiện nghiệp,

Đóng cánh cửa đi vào thai tạng và nghĩ đến sự kháng cự [việc đầu thai vào trong luân hồi];

Thời điểm này con cần kham nhẫn và khởi niệm thanh tịnh,

Loại bỏ đố kỵ và thiền định về Đạo Sư với vị phối ngẫu.

Câu kệ thứ sáu bắt đầu với “Giờ đây khi Trung Ấm Tái Sinh đang ló dạng trong con, con sẽ nhất tâm chánh định”. Giáo huấn này chỉ dẫn rằng loại bỏ sự bám chấp là tinh tuý của mọi thực hành của các hành giả Phật giáo. Ngài Sakya Pandita đã đưa ra lời khuyên này “Nếu con còn bám luyến vào cuộc đời này thì con không phải là một hành giả Pháp chân thật”. Vì vậy chúng ta cần phải cắt bỏ những bám víu vào cuộc đời này. Tất nhiên chúng ta vẫn cần làm ăn để tồn tại trong thế giới này nhưng chúng ta không nên bám chấp vào nó. Đầu tiên chúng ta phải nhận ra được sự bám luyến chấp trước của mình, nhận ra được tâm thèm muốn. Chúng ta sẽ cảm thấy như thế nào khi bám víu vào thứ gì đó? Ví dụ thử xem xét tòa nhà này, nó không phải là của con và con không mua nó. Con cảm thấy thế nào khi con bước vào tòa nhà này? Con sử dụng các thiết bị của tòa nhà nhưng không bám luyến vào chúng, con không cảm nhận rằng mình sở hữu tòa nhà. Con cảm thấy thờ ơ về nó. Bây giờ giả sử con mua tòa nhà này, vậy khi đó cảm giác của con thế nào? Nếu nó là của con, nếu con mua nó, thì rồi con sẽ đồng nhất mình với tòa nhà. Và vì vậy nếu điều gì xấu xảy ra đối với nó thì con sẽ cảm thấy khổ sở. Khi con bám víu vào nhiều thứ khác nhau thì tâm con trở nên đồng nhất với chúng – tâm trở nên vướng mắc vào những thứ đó. Ví dụ một vị Vua có thể vướng mắc vào vương quốc của mình, một người có thể vướng mắc vào gia đình của họ, hay vào chính cơ thể họ. Đầu tiên điều quan trọng là cần nhận ra được sự bám luyến chấp thủ. Chúng ta bám chấp vào những gì? Chúng ta bám chấp vào của cải, những thú vui, con cái, vợ chồng v.v… Tại sao sự bám chấp lại nguy hiểm? Sau khi chúng ta chết thì những bám chấp đó sẽ dẫn đến các phóng chiếu hãi hùng trong tâm của chúng ta. Vì vậy điều quan trọng là không trở nên quá bám luyến vào cuộc đời này cho dù chúng ta vẫn tham gia vào các hoạt động thế tục. Con hãy nhớ rằng trong Ba Mươi Bảy Pháp Tu Của Bồ Tát có dạy rằng “tâm thức – khách trọ trong ngôi nhà thân xác – rồi sẽ phải ra đi”Nếu rồi cũng sẽ đến lúc chúng ta phải bỏ lại thân xác mình, thì còn cần gì phải nói đến của cải hay người thân? Khi con thực hành hạnh tách rời, con tách mình khỏi những vướng mắc vào các đối tượng của sự bám luyến. Con vẫn tiếp tục chăm lo cho nhà cửa, con vẫn tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau nhưng tâm con không bị vướng mắc vào chúng. Để tâm mình có thể tách rời khỏi những đối tượng đó thì con nên suy ngẫm về những lợi ích của việc tách rời và những sai lầm của việc bám luyến. Con không cần phải dừng mọi hoạt động đang làm nhưng con cần phải ngăn không để cho tâm mình bị vướng mắc vào tất cả các đối tượng của sự bám luyến. Chúng ta cũng có thể tách rời khỏi những vướng mắc đó nhờ việc nhận biết được cuộc đời này cũng chỉ như một giấc mơ mà thôi.

Tại sao bám luyến chấp thủ lại tạo ra nhiều sự tổn hại như vậy. Đó là bởi vì chúng sinh vô minh, mặc dù họ mong muốn hạnh phúc nhưng họ lại không biết được đâu là nguyên nhân để tạo ra hạnh phúc. Vì vậy họ không tạo ra hạnh phúc mà trái lại, họ tạo ra càng nhiều khổ đau. Ví dụ nếu ai đó có một người bạn thân, anh ta nghĩ rằng mình cần người bạn đó vì anh ta cho rằng mình thật sự rất yêu người bạn. Nhưng nếu anh ta bám luyến quá nhiều thì cuối cùng mối quan hệ của họ sẽ đổ vỡ. Bám luyến và những cảm xúc ô nhiễm khác giống như thuốc độc, vô cùng nguy hiểm và tai hại. Nếu con bám luyến vào ai đó quá nhiều và cố để sở hữu họ, con sẽ tước đi sự tự do của họ. Như thế thì bám luyến dẫn đến xúc phạm và đố kỵ. Nếu tình yêu thương của con bị nhiễm ô bởi sự đố kỵ thì kết quả sẽ là buồn khổ. Bạn đời của con cuối cùng thậm chí sẽ không còn muốn sống chung với con nữa. Vì vậy điều quan trọng là hãy duy trì tình yêu thương thanh tịnh đối với bạn bè của con. Tình yêu thương thanh tịnh là gì? Đó là mong muốn cho bạn của con được hạnh phúc. Nếu con mong muốn hạnh phúc cho người khác thì tình bạn sẽ trở nên bền vững vì không có sự xúc phạm hay đố kỵ.

Có nhiều đôi vợ chồng đã sống với nhau cả cuộc đời. Điều này là hoàn toàn có thể. Nhưng nếu có quá nhiều sự bám luyến và xúc phạm thì mối quan hệ cuối cùng sẽ đổ vỡ. Đó là nguyên nhân của rất nhiều khổ đau ngay lúc này và cho cả sau cuộc đời này. Một số cặp vợ chồng có vấn đề và chúng ta có thể làm gì khi gặp điều này? Chúng ta cần giáo Pháp. Giáo Pháp giảng giải ba mức độ của đường tu: thừa Biệt Giải Thoát, thừa Bồ Tát và thừa Kim Cang. Con có thể áp dụng các phương pháp của bất kỳ thừa nào trong ba thừa kể trên để vượt qua được các phiền não. Theo thừa Biệt Giải Thoát (giải thoát cho riêng bản thân) thì hành giả được dạy nhận ra những lỗi lầm của phiền não. Ví dụ khi sân hận nổi lên, hành giả nhận ra được rằng cảm xúc sân hận đó là nguyên nhân của khổ đau. Sân hận là nhân của các cõi địa ngục, do bởi sợ hãi việc bị tái sinh trong địa ngục nên hành giả có thể loại bỏ được sân hận. Trong thừa Biệt Giải Thoát, mỗi loại cảm xúc ô nhiễm sẽ có một phương pháp đối trị. Nhưng chúng ta vẫn chưa nhổ tận rễ nguyên nhân căn bản nhất của các phiền não. Hiểu ra được điều này, chúng ta bước vào thừa Bồ Tát. Khi bước vào thừa Bồ Tát, chúng ta nhận ra rằng tất cả chúng sinh đều đã từng là cha mẹ của mình và hiểu được rằng trạng thái ô nhiễm của tâm thật là độc hại. Coi tất cả chúng sinh là cha mẹ mình, chúng ta có khả năng bứng rễ tất cả các phiền não như sân hận, đố kỵ, ngạo mạn v.v… Ví dụ nếu con yêu thương đứa con của mình và con có Bồ Đề Tâm thì một cách tự nhiên con sẽ thực hành Sáu Ba La Mật trong mọi hành động con làm. Ví dụ nếu con trao cho con mình một cách vô điều kiện thì đó là thực hành hạnh Bố Thí. Nếu con không hề bực tức ghét bỏ con mình thì đó là hạnh Nhẫn nhục. Nếu con trưởng dưỡng tình yêu thương thanh tịnh thì điều đó sẽ mang lại lợi ích cho con trong cuộc đời này và vào thời điểm con chết. Sau đó khi chúng ta bước vào Mật thừa hay Kim Cang thừa, chúng ta nhận ra rằng “ta” và “người” thực chất không hề tồn tại, rằng chân tâm của tất cả là như nhau. Tạm thời tâm của chúng sinh trở nên giống như những tảng băng do bởi những hệ quả và dấu ấn nghiệp tạm thời. Thực ra ta và người không hiện hữu. Nếu con nhìn thấy lỗi lầm của người khác thì nó cho thấy rằng thực ra con có lỗi lầm. Con thấy lỗi lầm từ người khác là do bởi con bị nhiễm ô bởi suy nghĩ nhị nguyên. Tuy nhiên chân tâm luôn luôn thanh tịnh: đó là Phật tánh. Nếu con nhìn nhận theo cách này thì các phiền não của con sẽ giảm ít nhất là một nửa. Tuỳ vào hoàn cảnh, con có thể áp dụng bất cứ biện pháp nào trong ba thừa trên để loại trừ các phiền não và giải thoát mình khỏi sự kìm kẹp của chúng.

Dòng đầu tiên của kệ này nói rằng, Trung Ấm Tái Sinh là một điểm ngoặt quan trọng. Trong Trung Ấm Tái Sinh, người mất bỏ lại thân cũ và chưa đi vào một thân mới. Khi đó thần thức thèm khát việc có được một thân mới. Do người mất đã bỏ lại sắc uẩn – là thân vật lý – và chỉ còn sở hữu bốn uẩn còn lại được gọi chung là “bốn danh uẩn”, bao gồm thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Chính vì thế thần thức trải nghiệm cảm giác tương tự như khi đang còn sống, nhưng chỉ khác là sẽ rõ nét và mạnh mẽ hơn. Ngoài ra thần thức trong thân trung ấm có khả năng thấu thị. Ví dụ thần thức có thể nhìn thấu chủ ý của các thành viên trong gia đình hay của bạn bè, thần thức cũng có thể nhìn thấy sự tái sinh tương lai của mình. Khi chúng ta nghe truyền khẩu hay nghe âm thanh trong các lễ quán đảnh được trì tụng rất nhanh, chúng ta không hiểu được một từ nào cả chứ đừng nói đến toàn bộ ý nghĩa, nhưng trong giai đoạn trung ấm con sẽ có khả năng nhớ rất rõ ràng ý nghĩa đã trì tụng đó. Tuy nhiên, tất cả bất thiện hạnh của chúng ta đã tích tập trở thành thói quen cũng sẽ được thần thức với khả năng thấu thị phóng đại lên trong giai đoạn thân trung ấm. Cả những dấu ấn thiện lành và bất thiện sẽ hoá hiện trong giai đoạn này. Mặc dù thần thức trong giai đoạn thân trung ấm sở hữu những năng lực thấu thị nhất định nhưng thần thức ấy lại không hề có bất kỳ một năng lực tự kiểm soát nào.

Khi đang sống nếu tâm chúng ta không thể trở nên tĩnh lặng, nếu chúng ta bị sai sử bởi các suy nghĩ và cảm xúc, thì sau này khi ở giai đoạn trung ấm cũng sẽ tương tự như vậy. Khi đó chúng ta sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc bị gió nghiệp lôi kéo đi mọi ngả. Nhiều niệm khởi, kể cả thiện lành và bất thiện, sẽ xuất hiện và thổi thần thức trôi nổi các ngả. Những ngọn gió nghiệp này thực chất là sự chấp ngã, mong muốn có được hạnh phúc cho bản thân và ghét việc bị đau khổ. Vì vậy thần thức trong thân trung ấm tìm kiếm một thân mới do bị sai xử bởi những chấp trước trong tâm. Không hề có hoặc chỉ có được ít chút sự kiểm soát đối với tâm của mình, cho dù thần thức nhận biết được lỗi lầm của các phiền não, thần thức vẫn phải chịu khổ đau khi hiểu được rằng mình vô dụng vì vẫn bị lôi kéo theo năng lực của sân hận mà không kiểm soát được bản thân. Tình thế này được gọi là “gió nghiệp”. Khi chúng ta bắt đầu lang thang trong Trung Ấm Tái Sinh, thần thức bị xô đẩy không phương hướng bởi gió nghiệp chẳng khác nào lông chim trong gió. Vào thời điểm này, sẽ xuất hiện những linh ảnh không thể tưởng tượng nổi của tuyết, mưa dông, bóng tối, kinh hãi và thần thức không có cách lựa chọn nào khác mà phải tái sinh theo nơi định sẵn bởi nghiệp lực. Tốt đẹp nhất nếu vào thời điểm này thần thức có thể nhớ đến Đạo Sư gốc của mình – mà với Đạo Sư đó thần thức giữ được mật nguyện nguyên vẹn không đứt đoạn – hoặc nhớ đến vị Bổn Tôn của mình, hoặc có thể thiền định về tri kiến v.v… thì khi đó thần thức có khả năng được giải thoát. Giả sử con một mình đi đến một địa điểm không người, hoang vắng và trơ trụi, con cảm thấy sợ hãi. Con không biết được sẽ gặp điều gì ở đó, có thể là động vật hoang dã, rắn độc hoặc bất cứ thứ gì khác sẽ đến và hãm hại con. Chính vì có thân thể làm khởi sinh sự sợ hãi này. Con sợ hãi rằng bất kỳ điều gì có thể xảy đến với con. Sự chấp ngã đã tạo ra thân này, cũng chính vì thân này mà con sợ hãi. Do bởi chúng ta là các hữu tình sống trong thế giới tan hoại, chúng ta rồi cũng sẽ bị tan rã.

Chúng ta là các hữu tình ở trong luân hồi và sống trong thế giới của sự giả hợp và tan hoại. Vũ trụ bên ngoài rồi cũng sẽ bị tan hoại. Chúng sinh bên trong là giả hợp và vì vậy vô thường và rồi cũng sẽ bị tan hoại. Sự sợ hãi trong giai đoạn thân trung ấm cũng là do bởi thói quen chấp ngã. Nếu bây giờ con hiểu được điều này thì vào thời điểm ở trong thân trung ấm khi những cảm xúc khổ đau khởi lên, con sẽ nhớ được Bổn Tôn một cách rõ ràng. Điều này sẽ giúp bảo vệ con khỏi mọi khổ đau và sợ hãi. Con cần phải nhớ được sắc tướng của Bổn Tôn với một tấm lòng yêu thương và sùng mộ. Nếu con có thể nhớ nghĩ đến Bổn Tôn ngay vào thời khắc của cái chết thì việc đạt được giác ngộ trong bản tánh của Bổn Tôn sẽ không phải là khó khăn. Ngay cả bây giờ nếu con có thể nhớ nghĩ về Bổn Tôn trong chốc lát thì điều đó đã vô cùng lợi lạc mặc dù chúng ta vẫn đang có một thân vật lý. Trong thân trung ấm chúng ta không có thân vật lý này nữa và vì vậy nếu con nhớ nghĩ về vị Bổn Tôn nào vào thời điểm đó thì con sẽ tan hoà vào trong trái tim của vị Bổn Tôn đó.

Vào thời điểm nào thì các vị Bổn Tôn an bình và các vị Bổn Tôn phẫn nộ sẽ xuất hiện. Trong tuần đầu tiên, các vị Bổn Tôn an bình sẽ xuất hiện. Nếu trong thời gian này chúng ta không nhận ra các vị và vì thế không được giải thoát, thì sau đó các dấu ấn nghiệp và tập khí sẽ càng trở nên thô nặng hơn. Rồi dần dần các Bổn Tôn phẫn nộ sẽ bắt đầu xuất hiện. Bản chất của các Bổn Tôn phẫn nộ là gì? Ví dụ khi người mẹ có một đứa con hư thì người mẹ sẽ trở nên phẫn nộ nhưng bà sẽ không bao giờ ghét bỏ đứa con. Sự phẫn nộ của người mẹ là một biểu lộ của tình yêu thương mãnh liệt đối với con mình. Người mẹ phẫn nộ trong một tâm thái bi mẫn mà không hề có một chút ghét bỏ hay tức giận nào. Vị Bổn Tôn nào sẽ xuất hiện để qua đó chúng ta được giải thoát phụ thuộc vào loại phiền não nào trôi nổi trong cuộc đời của chúng ta. Ví dụ nếu sân hận hay căm thù là phiền não nổi trội và chúng ta đã thực hành với nó và đã sử dụng nó như con đường tu thì chúng ta có thể nhận ra được sự phóng chiếu của cảm xúc này trong thân trung ấm và được giải thoát vào trong bản tánh của Kim Cang Tát Đỏa. Sau đó tất cả các Bổn Tôn khác sẽ không xuất hiện nữa. Vì vậy chúng ta có thể được giải thoát vào bản tánh của vị Bổn Tôn có liên hệ với loại cảm xúc ô nhiễm nổi trội trong mình mà chúng ta cũng đã sử dụng như con đường tu trong cuộc đời ta.

“Nhất tâm chánh định” có nghĩa là gì? Nếu con có vị Đạo Sư gốc thì con nên nhớ nghĩ đến Ngài, hoặc nhớ nghĩ đến Bổn Tôn. Khi nhớ đến Đạo Sư thì con cần nhớ đến các giáo huấn về Bồ Đề Tâm mà Ngài đã ban truyền. Đây là ý nghĩa của việc theo chân Đạo Sư. Nếu nhớ về Bổn Tôn con có thể nhận ra Ngài trong thân trung ấm và được giải thoát. Trong giai đoạn trung ấm, thần thức đi tìm kiếm một thân mới và tuỳ thuộc vào những nghiệp lực và phiền não nổi trội, thần thức sẽ bắt đầu nhìn thấy những nơi chốn đầu thai tương lai của mình. Ví dụ dấu hiệu của việc đầu thai vào địa ngục là nhận thấy một nơi hoang vắng, một nơi có khói hay một nơi lửa cháy. Hoặc nếu con rất bám luyến vào gia đình hay người nào đó thân yêu, con có thể nghe thấy giọng của họ mời gọi con tới. Do bởi con rất bám luyến họ nên sẽ đi theo lời gọi của họ. Điều này sẽ dẫn đến việc đầu thai trong địa ngục rừng kiếm sắt “cây shamali” làm rách toạc thịt da mỗi lần con cố để thoát ra, hoặc con có thể bị đầu thai vào trong bất kỳ một cõi thấp nào khác. Sân hận và bám luyến tạo ra ma quỷ – chúng ta tự tạo ra chúng. Ví dụ máy chiếu thì ở chỗ này nhưng phim được chiếu ở chỗ kia. Làm sao sân hận lại tạo ra ma quỷ? Khi một người giận dữ đi vào giấc ngủ, người đó nằm mơ bị đánh, bị giết, hoặc nằm mơ đánh nhau với người khác. Trong thân trung ấm, người đó vẫn sẽ nghĩ “có ai đó sắp đánh tôi”, vì vậy ma quỷ sẽ hiện ra và đánh, giết người ấy. Và rồi người ấy nghĩ “mình đã bị giết”. Nhưng thực ra người ấy không chết. Còn làm sao bám luyến lại tạo ra ma quỷ? Ví dụ nếu con luyến ái với bạn gái và khao khát mong mỏi cô ấy, rồi [trong thân trung ấm] con nghe giọng cô ta gọi tới. Nếu con đi tới theo tiếng gọi đó, con sẽ đi tới địa ngục. Vì vậy ma quỷ được tạo ra bởi các phiền não như sân hận. Nếu con nhớ nghĩ đến Bổn Tôn thì trong trạng thái bản nhiên của tâm sẽ không có ma quỷ hiện ra. Bởi vì khi con nhớ nghĩ đến Bổn Tôn sẽ không có bám luyến hay sân hận và vì vậy sẽ chẳng có gì được phóng chiếu và xuất hiện trước con. Chính con tạo ra bất cứ điều gì xuất hiện đối với con. Tương tự như thế, Bổn Tôn cũng là phản chiếu của chính tâm con. Khi tâm con sáng rõ thì ánh sáng tịnh quang sẽ xuất hiện.

“Nhất tâm chánh định” có nghĩa là nhớ đến Đạo Sư, Bổn Tôn hay Bồ Đề Tâm. Nếu con thực hành điều này khi đang còn sống thì con sẽ có khả năng nhớ đến nó trong thân trung ấm. Vì vậy con đừng nên quá bám luyến vào những sự việc của cuộc đời này, vào con cái, chồng vợ v.v… bởi vì sự bám luyến đó sẽ mang con đến cõi thấp. Vì vậy hãy nhất tâm chánh định và trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm – ước nguyện mang lại lợi ích cho chúng sinh, hay nhớ nghĩ về Bổn Tôn và Đạo Sư.

Và sau đó câu kệ khuyến khích chúng ta “nỗ lực trì giữ những kết quả của thiện nghiệp”. Trong giai đoạn trung ấm con nên nhớ đến những thiện hạnh con đã làm với thân, khẩu, ý, như là thực hành Bổn Tôn, trì tụng minh chú v.v… Việc nhớ đến những thiện hạnh này sẽ giúp chúng ta đi lên các cõi cao. Trong giai đoạn trung ấm các dấu hiệu khác nhau sẽ xuất hiện để chỉ ra con sẽ đi về đâu. Mặc dù có nhiều dấu hiệu, Thầy sẽ chỉ đưa ra vài ví dụ ở đây. Ví dụ nếu bị đầu thai ở địa ngục thì con sẽ thấy mình đi đến một nơi hoang vắng hoặc thấy mình đi chổng ngược với đầu ở dưới đất và chân ngược lên trên không trung. Dấu hiệu đầu thai ở cõi ngạ quỷ là thấy mình lang thang ở một nơi nhiều khói hay sương và không biết đi đâu. Nguyên nhân đầu thai ở cõi ngạ quỷ là tham lam và bủn xỉn. Dấu hiệu bị đầu thai ở cõi động vật có thể là, ví dụ chuyển động ngang giống như cá hay thấy mình ở nơi sát sinh động vật hoặc ở vũng lầy hoặc ở trong vũng máu v.v… Dấu hiệu của việc đầu thai trong cõi người hay cõi trời là thấy mình đi thẳng như người bình thường và còn có thể thấy linh ảnh như ánh sáng trắng hay sự chói sáng. Dấu hiệu đầu thai thành a-tu-la là thấy điều gì đó khơi dậy lòng ghen tỵ. Dấu hiệu đầu thai thành người là có thể thấy điều gì đó khơi dậy sự ham muốn. Dấu hiệu đầu thai thành vị trời là có thể nhìn thấy điều gì đó khơi dậy lòng kiêu hãnh. Những linh ảnh tương ứng với các loại cảm xúc ô nhiễm mạnh nhất của con sẽ xuất hiện. Chúng chỉ đơn thuần là sự phóng chiếu của những cảm xúc ô nhiễm và dấu ấn nghiệp của chính con. Loại cảm xúc ô nhiễm nào mạnh nhất sẽ ấn định đích đến của con. Nếu trong đời sống hàng ngày con hay tức giận và bị sai khiến bởi sự giận dữ thì kết quả là trong giai đoạn trung ấm con cũng sẽ không thể kiểm soát được sân hận. Nếu hiện tại con thực hành chánh niệm và tỉnh giác, nhận ra được những phiền não của mình và không bị chúng sai sử, thì con có thể duy trì được sự tỉnh giác đó trong thân trung ấm. Trong giai đoạn trung ấm, tất cả những sợ hãi của chúng ta sẽ tăng lên và phóng đại lên. Bất cứ điều gì sẽ xảy ra trong giai đoạn trung ấm thì đã đang xảy ra trong cuộc đời thường nhật. Đức Jigten Sumgon đã nói rằng “cuộc đời này, thân trung ấm và các đời vị lai – tất cả là một”. Chính vì vậy điều quan trọng là chúng ta cần nỗ lực thiền định và trở nên thuần thục khi chúng ta còn sống. Đức Jigten Sumgon cũng nói rằng “Ngay cả Bồ Tát ở địa thứ mười nếu tham gia vào bất thiện hạnh thì vẫn có thể bị đọa”.

Về việc tái sinh tại cõi sắc giới và vô sắc giới thì cũng có một số dấu hiệu nhất định xảy đến với những ai đã thực hành thiền định và trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm, hoặc đối với những ai đã thấu hiểu tính Không nhưng chưa nhận ra được sự sáng tỏ của tánh giác. Chúng ta nói về việc thực hành Pháp cho và nhận (tonglen), đặc biệt là nhận lấy khổ đau của chúng sinh. Nhiều người không biết ý nghĩa thực sự của những lợi ích mà pháp tu này mang đến cho mình và người khác. Ví dụ hãy nghĩ về một người nào đó có quan tâm đến thế giới này và mọi người. Chẳng hạn người đó có một số khó khăn riêng, nhưng giả sử có điều gì tồi tệ xảy ra trên thế giới thì người đó có thể quên đi khó khăn của chính mình mà chỉ nghĩ về người khác. Trong khoảnh khắc đó người này đã quên đi khổ đau của chính mình và nhận lãnh khổ đau của người khác. Khi con nghĩ về những khổ đau của người khác thì những suy nghĩ về bản ngã sẽ tự nhiên giảm thiểu. Như chúng ta đã được biết trong câu chuyện tiền kiếp của đức Phật khi Ngài bị đầu thai ở cõi địa ngục và sau đó dấy lên lòng từ bi đối với đau khổ của các chúng sinh trong luân hồi, Ngài đã được giải thoát khỏi địa ngục. Nói tóm lại vào giây phút con nghĩ cho người khác thì lúc đó không có cái tôi. Tất cả lỗi lầm và đau khổ đều xuất phát từ bản ngã. Không có một đau khổ nào mà không có liên hệ tới bản ngã. Khi chúng ta nói được Đạo Sư bảo hộ thì điều đó không có nghĩa là Đạo Sư giữ con trong vòng tay Ngài và bảo vệ con, mà có nghĩa là nhờ hòa nhập với Đạo Sư sẽ không còn bản ngã nữa.

Chỉ dẫn tiếp theo là “Đóng cánh cửa đi vào thai tạng và nghĩ đến sự kháng cự [việc đầu thai vào trong luân hồi]”. Vào thời điểm đó điều quan trọng là cần nhớ đền chân tâm, Bồ Đề Tâm, Đạo Sư hay Bổn Tôn. Khi thần thức không thể tự kiểm soát mà bị thổi phăng đi bởi gió nghiệp, thần thức ấy sẽ thấy được nơi tái sinh tương lai, điều này được gọi là kết quả nổi trội. Khi nghiệp được tích lũy thì sẽ luôn luôn có kết quả dưới ba dạng. Đầu tiên là kết quả của nghiệp chín muồi hoàn toàn. Thứ hai là kết quả tương ứng với nguyên nhân và loại này có hai hình thức: trải nghiệm tương ứng với nguyên nhân và hành động tương ứng với nguyên nhân. Thứ ba là kết quả nổi trội quyết định môi trường sẽ bị đầu thai vào mà không có quyền lựa chọn khác đi. Trước khi bị đầu thai vào nơi sinh mới, thần thức thấy những linh ảnh kinh hãi và bị rượt đuổi bởi những trận bão tuyết hỗn loạn, mưa đá, giông và gió bão. Thần thức tìm kiếm nơi an toàn để trú ngụ, nó cố gắng chạy trốn [khỏi linh ảnh hỗn loạn] và tìm thấy nơi ẩn náu tại một nơi do tiền nghiệp định sẵn. Thần thức sẽ đi vào nơi này mà không có lựa chọn nào khác, cố gắng để trốn tránh những gì nó thấy hãi hùng và nơi thần thức đến sẽ quyết định nơi tái sinh của thần thức.

Vào thời khắc này, điều vô cùng quan trọng là cần phải nhớ đến Đạo Sư, Bổn Tôn và Bồ Đề Tâm. Nếu làm được như vậy thì có thể đóng cánh cửa đi vào tử cung. Khi chúng ta chắc chắn việc sẽ tiếp tục tái sinh thì có cách để đóng cảnh cửa đi vào tử cung. Chúng ta có thể tái sinh theo bốn cách và tương ứng với bốn cách này thì có bốn dạng thực hành giai đoạn sinh khởi để giúp chúng ta đóng cánh cửa tái sinh theo bốn loại đầu thai. Ví dụ để đóng cánh cửa tái sinh vào tử cung thì chúng ta được dạy thực hành giai đoạn sinh khởi “năm thành tựu”. Ví dụ Bổn Tôn Chakrasamvara được quán tưởng theo năm bước. Để đóng cánh cửa tái sinh vào trứng [noãn sanh] thì chúng ta được dạy thực hành giai đoạn sinh khởi “bốn kim cương”, tức là hành giả quán tưởng Bổn Tôn theo bốn bước tương ứng với các mật điển du già. Để đóng cánh cửa tái sinh thông qua nhiệt và hơi ấm thì thực hành quán tưởng giai đoạn sinh khởi theo ba bước được thực hiện – còn gọi là giai đoạn sinh khởi ba chánh định. Cuối cùng việc tu tập quán tưởng sinh khởi tức thời thì liên quan đến những tái sinh kỳ diệu xảy ra ngay lập tức. Ví dụ nếu thần thức sẽ tái sinh trong tử cung thì thần thức ấy sẽ nhìn thấy cha mẹ tương lai của mình đang giao hợp. Vào thời điểm này điều quan trọng là cần giữ được tri kiến thanh tịnh đối với cha mẹ tương lai và xem họ như các vị Bổn Tôn. Chính vì điều này mà giờ đây chúng ta thực hành việc coi tất cả các người nam là đức Quán Thế Âm (Chenrezig) và tất cả những người nữ là đức Quan Âm (Tara). Thấy được vạn pháp là thanh tịnh và mọi chúng sinh đều thanh tịnh là con đường Kim Cang Thừa. Khi chúng ta chuẩn bị đầu thai vào tử cung, chúng ta cần xem cha mẹ tương lai là các Bổn Tôn hoặc là Đạo Sư và vị phối ngẫu.

Nếu con gặp khó khăn trong việc quán tưởng rõ ràng giai đoạn sinh khởi thì con cũng có thể quán tưởng chủng tự gốc như được nói trong lễ quán đảnh. Trong Sáu Pháp Du Già Của Naropa có một pháp tu gọi là “huyễn thân”. Ở pháp tu này chúng ta quán tưởng tâm thức của huyễn thân trong hình dạng chủng tự. Chủng tự cũng có cùng bản chất với Bổn Tôn. Bất kỳ khi nào con sợ hãi thì hãy nghĩ về chủng tự HUNG hay TAM, đó là tinh túy tâm (tâm yếu) của các vị Bổn Tôn. Khi trở nên quen thuộc với thực hành này, con sẽ có khả năng nhớ nghĩ về chủng tự và vì vậy có thể chuyển hóa tâm mình thành chủng tự HUNG, là tinh túy của tâm. Điều này cũng tương tự như việc thực hành giai đoạn sinh khởi và vì thế rất lợi lạc. Nếu con có thể làm được điều này thì sẽ không cần chú tâm vào việc đóng cánh cửa đi vào tử cung bất tịnh hay không cần quán tưởng tái sinh vào các cõi Tịnh Độ. Nếu con có khả năng quán tưởng chủng tự gốc thì điều này sẽ bảo vệ con tránh khỏi khổ đau trong thân trung ấm. Điều gì sẽ xảy ra khi con quán tưởng chủng tự gốc? Bất kỳ khoảnh khắc nào có ý niệm về “tôi” mà lúc đó con có thể thiền định về chủng tự HUNG thì ý niệm về “tôi” sẽ chuyển hoá thành chủng tự HUNG. Cuối cùng sẽ không còn cái tôi nữa – sự chấp ngã thật sự biến mất. “Tôi” đã được chuyển hóa thành chủng tự gốc. Nếu trong thân trung ấm con có thể nhớ được chủng tự HUNG thì khi đó ý niệm về “tôi” cũng sẽ tan biến. Pháp tu này có một lợi ích vô cùng to lớn và con có thể quán tưởng chủng tự này theo tiếng Trung Quốc, tiếng Tây Tạng, hay tiếng Anh. Âm thanh là HUNG, TAM hay HRI – con có thể tùy chọn việc quán tưởng bất kỳ chủng tự gốc nào. Biết cách quán tưởng một chủng tự gốc cũng là đủ. Nếu con thực hành Bổn tôn Quan Âm (Tara) con có thể quán tưởng chủng tự TAM. Nếu con thực hành Kim Cang Tát Đỏa con có thể quán tưởng chủng tự HUNG. Con có thể quán tưởng bất cứ chủng tự nào con đã thực hành thuần thục. Khi con quán tưởng chủng tự, con sẽ nghĩ về Bổn Tôn và đây là điều chính yếu. Khi con quán tưởng chủng tự gốc của bất kỳ Bổn Tôn nào, tốt nhất là quán tưởng chủng tự đó ở rốn. Hãy nghĩ rằng tâm con chính là chủng tự. Ngoài ra khi con thực hành pháp chuyển di tâm thức (Phowa), con có thể quán tưởng chủng tự gốc rời cơ thể thông qua đỉnh đầu.

Những pháp tu này liên hệ đến vấn đề trọng tâm trong tất cả các thừa của Phật giáo. Ví dụ giáo lý của Vinaya (Luật Thừa) chủ yếu ngăn cấm những hành vi tham dục bởi vì bám luyến là gốc rễ của luân hồi. Ví dụ, khi thần thức trong thân trung ấm nhìn thấy hai con vật đang giao cấu, sự khơi dậy tham ái trong khoảnh khắc đó gắn với những hiện tượng trông thấy sẽ dẫn đến việc tái sinh trong cõi thấp. Do tham dục mà thần thức rơi vào trạng thái bất tỉnh và sau đó đầu thai thành động vật. Vì vậy nếu chúng ta tu tập giai đoạn sinh khởi thì chúng ta sẽ có thể nhớ đến thực hành này trong giai đoạn trung ấm.

Chúng ta sẽ có khả năng nhớ nếu tu tập chánh niệm. Chúng ta tu tập chánh niệm bằng cách nào? Nếu con đang rất đói và ai đó mang đến một món ăn tuyệt vời thì rõ ràng là con sẽ chẳng muốn gì hơn là ăn món đó. Nhưng đối với người đã nhận ra được chân tâm thì ngay lúc đó – với sự chánh niệm của mình – sẽ nhận ra được cảm giác ham muốn kia và qua đó thì cảm giác kia sẽ giảm thiểu. Nếu có thể làm được điều đó thì con có thể đóng cánh cửa đầu thai vào tử cung. Tương tự như vậy nếu sân hận khởi lên ở trong một trạng thái tâm thức chánh niệm thì con cũng có thể đóng cánh cửa đầu thai vào tử cung. Việc liệu con có thể đóng cánh cửa đầu thai vào tử cung hay không, con có thể nhận biết được thông qua việc xem xét xem mình bị sai xử bởi các cảm xúc ô nhiễm hay là mình có khả năng nhận biết được chúng thông qua chánh niệm. Khi chúng ta quán tưởng giai đoạn sinh khởi năm bước, đầu tiên chúng ta quán tưởng mặt trời và mặt trăng. Đây chính là hình ảnh biểu trưng cho sự hợp nhất của giọt tinh chất trắng và đỏ của cha và mẹ. Ở phía trên đĩa mặt trăng và mặt trời, chúng ta quán tưởng chủng tự HUNG mang bản chất của tâm thức chúng ta. Toàn bộ giai đoạn sinh khởi được thực hiện bởi trạng thái chánh niệm. Bằng cách thiền định về chủng tự HUNG, chánh niệm được duy trì một cách tự nhiên, bởi vì khi con nghĩ về chủng tự HUNG thì con sẽ không nghĩ về bản thân mình và như vậy vào lúc đó không có bản ngã. Nếu con không nghĩ về chủng tự HUNG thì tâm rơi vào trạng thái trì độn và không nhạy bén. Thường thì có ba kiểu trạng thái tâm bất thiện và trạng thái tâm trung tính. Đức Jigten Sumgon nói rằng thực chất thì không có những suy nghĩ trung tính, mà trạng thái tâm hoặc là thiện hoặc là bất thiện. Đó là bởi thật ra những suy nghĩ trung tính là hình thức vô minh cơ bản và vô minh tức là bất thiện. Trạng thái trung tính thực chất là trạng thái không tỉnh giác hay vô minh, chính vì vậy chúng ta luyện tập chánh niệm. Để duy trì chánh niệm thì việc sử dụng chủng tự HUNG để hỗ trợ việc chú tâm là rất có lợi và điều này sẽ mang lại lợi ích rất to lớn vào giai đoạn trung ấm nếu chúng ta muốn khoá cánh cửa đầu thai vào tử cung.

Để có thể vượt qua được giai đoạn trung ấm một cách tốt đẹp, đầu tiên chúng ta cần phải có ước nguyện không tái sinh trở lại thế giới này – trong luân hồi sinh tử, mà trái lại mong nguyện tái sinh trong cõi Tịnh Độ và đạt được giác ngộ để có thể mang lại lợi ích cho chúng sinh. Để đóng cánh cửa đầu thai vào tử cung con cần quán tưởng cha mẹ [tương lai]  của mình là Đạo Sư và vị phối ngẫu, hoặc con cũng có thể nhớ đến các chỉ dẫn về chuyển di tâm thức, ví dụ như chuyển di tâm thức ba tri giác (perception), hay con cũng có thể nhớ đến Bổn Tôn. Việc trưởng dưỡng và trì giữ Bồ Đề Tâm một cách liên tục được gọi là chuyển di tâm thức Hoá thân. Bồ Đề Tâm, tình yêu thương và lòng bi mẫn mang lại lợi ích to lớn thậm chí khi chúng ta đang còn sống. Ví dụ khi chúng ta hồi hướng công đức cho người đã khuất, chúng ta có thể làm lợi lạc thần thức trong thân trung ấm và chúng ta chắc chắn mang lại lợi lạc cho chúng sinh trong các cõi thấp và cả chúng sinh trong các cõi cao. Bồ Đề Tâm luôn luôn mang lại lợi lạc.

Thủa xưa, đức Milarepa đang thiền định ở [núi thiêng] Lapchi. Sau sáu tháng mùa đông diễn ra và trời bắt đầu có nhiều mưa tuyết đến nỗi tất cả các ngả đường đều bị chặn kín bởi tuyết. Người ta không tìm thấy Milarepa ở đâu cả và các đệ tử của Ngài nghĩ rằng Ngài đã chết. Vì vậy họ đã cử hành một nghi lễ thay mặt cho Ngài. Nhưng thực ra Milarepa đã không chết. Sau đó khi các đệ tử gặp Ngài và hỏi làm sao Ngài có thể sống sót được thì Ngài đáp lại rằng đôi lúc các vị Thiên nữ và Không hành nữ xuất hiện và mang đồ cúng dường. Đôi lúc Ngài có cảm thấy hơi đói, đôi lúc vào một số ngày nhất định Ngài không cảm thấy đói một chút nào cả mà bụng của Ngài cảm thấy no. Đó chính là những ngày mà đệ tử của Ngài cử hành nghi lễ cúng dường cho Ngài. Từ điều này Milarepa thấy rằng nếu việc cúng dường như vậy mang lại lợi ích cho người đã mất. Khi chúng ta hồi hướng cho người đã mất thì thực ra tình yêu thương và Bồ Đề Tâm sẽ mang lại lợi lạc cho thần thức trong thân trung ấm. Hơn nữa hạnh bố thí và cúng dường cũng là phương thuốc đối trị đối với những phiền não như đố kỵ, luyến ái, tham lam v.v…

Khi còn trẻ Thầy có một trải nghiệm về thân trung ấm khi Thầy bị ốm rất nặng. Lúc đó Thầy bị sốt cao, rất ốm và gần như chết. Nếu lúc đó Thầy chết thì Thầy có thể bị đọa xuống địa ngục. Thầy thấy đầu mình chổng xuống đất và chân mình chổng lên trời. Dù lúc đó Thầy cố chồng gối lên cao thế nào chăng nữa thì cảm nhận đó vẫn tiếp tục. Những kiểu cảm nhận như vậy có thể diễn ra trước khi chúng ta thực sự chết. Chúng xuất hiện là do kết quả của những dấu ấn được lưu giữ trong dòng tương tục của tâm thức.

Dòng thứ năm của câu kệ thứ năm chỉ dẫn chúng ta phải luôn luôn duy trì nỗ lực tại mọi thời điểm “Thời điểm này con cần kham nhẫn và khởi niệm thanh tịnh”. Kham nhẫn ở đây muốn nói tới việc liên tục duy trì Bồ Đề Tâm. Niệm khởi thanh tịnh là muốn nói đến tri kiến Mật thừa hay Kim Cang Thừa, đó là bản chất thanh tịnh của vũ trụ và các chúng sinh. Tri kiến này có nghĩa là chẳng có gì bất tịnh để phải tránh bỏ, con có thể trở thành Bổn Tôn và đi tới cõi Tịnh Độ của Ngài thông qua việc quán tưởng sắc tướng của Ngài. Trưởng dưỡng tri kiến thanh tịnh có nghĩa là gì? Vào thời điểm con phát khởi lòng chí thành và sùng mộ thì con sẽ thấy được phẩm hạnh của tất cả. Ví dụ khi con phát khởi lòng chí thành đối với đức Phật A-Di-Đà, con sẽ nghĩ về những phẩm hạnh không thể nghĩ bàn của Ngài, ví dụ như trí huệ toàn giác thấu hiểu tâm của tất cả các chúng sinh và lòng bi mẫn và tình yêu thương mà Ngài dành cho tất cả sinh giống như tình cảm người mẹ trao cho đứa con của mình. Nếu con cầu nguyện Ngài, khẩn cầu Ngài ban năng lực bảo hộ và con nhớ nghĩ đến các phẩm hạnh của Phật A-Di-Đà, thì con sẽ trưởng dưỡng lòng tín tâm với Ngài và con sẽ có cái nhìn thanh tịnh đối với Ngài. Khi con nghĩ về các phẩm hạnh của Phật A-Di-Đà thì con sẽ cảm thấy hạnh phúc, vào khoảnh khắc đó tri kiến của con sẽ thanh tịnh cho dù việc quán tưởng có thể không rõ nét. Tâm con trở nên thanh tịnh vì vào lúc đó không có sự chấp ngã và khi không có chấp ngã thì chỉ có Phật tánh. Chúng ta viên thành mọi ước nguyện thông qua phẩm tánh của ba năng lực. Khi trưởng dưỡng tình yêu thương thì chúng ta có thể làm lợi lạc chúng sinh thậm chí ngay cả khi những chúng sinh đó không tin vào phúc lành này. Ai đó có thể nghĩ rằng đó chỉ là tưởng tượng mà thôi, làm sao thực hành này mang lại lợi lạc cho người khác? Hay chúng ta có thể nghĩ làm sao một bức tranh hay một hình ảnh của vị Bổn Tôn có thể thật sự mang lại lợi lạc? Và ba năng lực này là những gì? Thứ nhất là năng lực của động lực mà con phát khởi, nghĩa là động lực yêu thương và tình yêu thương thực sự mà con đang cảm thấy. Khi con yêu thương người khác thì tâm của con và của họ kết nối và họ sẽ cảm nhận được điều đó. Người con yêu thương cảm thấy hạnh phúc và con sẽ thấy hạnh phúc cho dù tình yêu thương không phải là thứ chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt phàm. Tuy không thể nhìn thấy bằng mắt phàm nhưng tình yêu thương lại có thể làm phát khởi cảm xúc. Năng lực thứ hai gọi là năng lực của chư Như Lai, đó chính là tình yêu thương vĩ đại mà chư Phật dành cho tất cả chúng sinh. Vì vậy khi chúng ta kết nối tình yêu thương nhỏ bé của ta cho chúng sinh với tình yêu thương vĩ đại của chư Phật, chúng ta thẩm thấu vào tình yêu thương của chư Phật và nó trở thành tình yêu thương vĩ đại. Năng lực thứ ba gọi là năng lực của Pháp giới. Đó là nền tảng nơi tâm chư Phật và tâm chúng sinh gặp nhau, giống như các dòng nước của đại dương mênh mang. Cũng giống như nước trong đại dương có cả ở dạng các con sóng và các tảng băng. Bản chất nền tảng là giống nhau. Chúng ta được nghe nói rằng: từ tính Không, mọi sự đều là có thể. Bởi vì nền tảng chung đó đã kết nối chúng ta cho nên chư Phật có thể mang lại lợi lạc và chúng sinh lang thang trong luân hồi có thể được giúp đỡ. Chúng sinh chịu đau khổ là do những điều kiện tạm thời đã làm cho tâm họ kẹt cứng lại thành như tảng băng, nhưng về khía cạnh chân thực thì không có chúng sinh hiện hữu riêng lẻ. Vì vậy năng lực của Pháp giới nằm trong chân tâm rỗng rang như hư không. Khi nào con nhận ra được chân tâm của mình thì con sẽ hiểu được năng lực của Pháp giới. Đó là nền tảng tâm duy nhất của chư Phật và chúng sinh. Chính vì những năng lực như thế, khi chúng ta trưởng dưỡng động lực thì chúng ta có thể mang lại lợi ích và viên thành các thiện hạnh. Tạm thời chúng sinh chịu đau khổ do bởi sai lầm chấp ngã, nhưng một khi mê lầm này được phá tan thì họ có thể trở thành giống như chư Phật. Những tâm nguyện như thế có thể được thành tựu thông qua phẩm hạnh của ba năng lực mà Thầy vừa nêu.

Hãy suy ngẫm rằng “từ vô thuỷ cho tới nay, tôi đã lang thang trong luân hồi. Giờ đây tôi đã có cơ hội thực hành Pháp. Tôi cần phải đạt được giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Tôi cần phải nỗ lực”.

Sau đó chúng ta tiếp tục được dạy rằng “hãy loại bỏ đố kỵ và hãy thiền định về Đạo Sư với vị phối ngẫu”. Một điểm rất quan trọng là chúng ta cần nhớ đi nhớ lại rằng tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, rằng bản chất chân thực của họ là hoàn toàn thanh tịnh. Hiểu được điều này, khi con nhìn thấy bề ngoài tồi tệ của một con rắn độc nhưng con vẫn biết được rằng chân tâm của con rắn kia và chân tâm của con là hoàn toàn như nhau. Tạm thời con rắn kia xuất hiện dưới hình tướng khác lạ và đáng sợ, nhưng đó là kết quả của những nghiệp và duyên tạm thời mà con rắn xuất hiện như một hiện thân của sự sân hận. Con rắn đó sẽ không phải lúc nào cũng tồn tại theo hình tướng này. Khi nào nghiệp báo của thân rắn đó cạn kiệt thì hình tướng rắn sẽ mất đi. Tuy vậy Phật tánh sẽ không bao giờ mất đi, Phật tánh luôn trường tồn. Đức Phật đã nói rằng có Phật trong mọi chúng sinh. Hiểu được lời dạy này con sẽ trưởng dưỡng tri kiến thanh tịnh, vì thế con sẽ không còn thấy điều bất tịnh trong mình hay trong chúng sinh khác nữa. Khi nhìn vạn pháp thanh tịnh thì con sẽ trải nghiệm điều gì? Con sẽ hiểu được rằng vũ trụ và chúng sinh chỉ tạm thời xuất hiện dưới dạng nhị nguyên như là thanh tịnh hay bất tịnh, nhưng thực ra thì chẳng có gì là bất tịnh. Con sẽ cảm nhận vũ trụ giống như một đại dương mênh mông và chúng sinh giống như các tảng băng trôi trên đó. Nếu con gặp hai người nào đó, con sẽ nghĩ rằng mặc dù là hai người nhưng nền tảng tâm của họ là như nhau.

Dựa trên cơ sở gì để nói rằng hai người cũng chỉ là một mà thôi? Tri kiến Phật giáo được bao hàm trong hai chân lý. Chân lý thứ nhất là chân lý tương đối và theo chân lý này thì hai người là hai người khác nhau. Tuy nhiên thông qua tình yêu thương và lòng bi mẫn chúng ta loại bỏ được sự chấp ngã. Và khi không có chấp ngã thì chúng ta nhận ra được chân lý thứ hai là chân lý tuyệt đối: ta và người không tồn tại tách biệt nhau, chân tâm của chúng ta là như nhau. Hiểu biết này sẽ đưa con đến gần tri kiến Đại Thủ Ấn hơn. Thông qua tri kiến này con sẽ đạt được giải thoát trong cuộc đời này, trong các cuộc đời vị lai và trong thân trung ấm.

Để đạt được đích đến đó thì tri kiến thanh tịnh là vô cùng quan trọng. Nhưng tri kiến thanh tịnh có nghĩa là gì? Thường chúng ta hay nghĩ rằng các sự việc là hoặc tốt hoặc xấu. Chúng ta gọi một số người là bạn và gọi một số khác là kẻ thù. Nếu chúng ta tu tập tri kiến thanh tịnh thì dần dần chúng ta sẽ bắt đầu nhìn mọi thứ như đúng bản chất của chúng. Cái nhìn bất tịnh chỉ là sự phóng chiếu của những nghiệp bất tịnh, phiền não và tập khí của chúng ta. Thực ra vạn pháp thì thanh tịnh. Khi nhìn nhận mọi thứ là bất tịnh tức là chúng ta nhìn nhận chúng không giống như bản chất của chúng. Tinh tuý của Mật thừa là trưởng dưỡng tri kiến thanh tịnh, nhưng do bởi chúng ta thường nhìn mọi thứ theo thói quen nên chúng ta cần tìm cách vượt ra ngoài những quan niệm thói quen đó. Chính vì vậy mọi thứ đều phụ thuộc vào tâm nguyện. Khi chúng ta tu tập Bồ Tát thừa, chúng ta nguyện coi tất cả các chúng sinh như thể cha mẹ mình. Khi thực hành thuần thục điều này, chúng ta sẽ thực sự coi họ như cha mẹ của mình. Họ thực sự đã từng là cha mẹ của chúng ta trên phương diện thực tại tương đối.

Nếu chúng ta không tu tập tri kiến thanh tịnh thì chúng ta sẽ nhìn thấy lỗi lầm ở mọi nơi. Ví dụ có những người thậm chí còn nhìn thấy lỗi lầm trong đức Đạt-Lai-Lạt-Ma, người chính là đại diện chân thực của Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài chẳng khác nào vầng thái dương trong thế giới này. Khi con nghĩ về lỗi lầm của bạn mình thì tình yêu thương của con cũng giảm sút ở mức độ tương ứng. Nếu con tiếp tục chỉ trích và nhìn thấy lỗi lầm trong những người bạn của mình thì cuối cùng con sẽ chẳng cảm thấy còn chút tình yêu thương nào nữa, rồi con và bạn mình sẽ coi nhau như kẻ thù. Chính vì thế mỗi khi con nhìn thấy lỗi lầm ở người khác thì hãy hỏi bản thân mình: tâm của ta lúc này ra sao? Nếu tâm con trở nên khắt khe như tảng băng thì tâm ấy sẽ không thấy được mọi thứ đúng như chúng là. Khi tu tập tri kiến thanh tịnh, chúng ta thừa nhận mọi thứ đúng như bản chất của chúng. Chúng ta không gán thêm lên bất kỳ sự thanh tịnh nào khác. Trừ phi đã đạt được giác ngộ, nếu không thì chúng ta thường bắt đầu từ những cái thấy thiên lệch và với cách nhìn này thì, ví dụ, chúng ta chỉ thấy mình là thanh tịnh và  tất cả còn lại là bất tịnh. Khi chúng ta xem xét kỹ càng hơn thì sẽ thấy rõ ràng rằng cách nhìn này là ngu xuẩn – nó không tương ứng với thực tại chân thật. Thực chất thì chúng ta như nhau và cùng có chung những ước nguyện cơ bản như nhau.

Chúng ta có một xu hướng tự nhiên là xem mình là trong sạch và những gì còn lại thì dơ bẩn. Khi ai đó bị ốm chúng ta sợ bị lây. Nhưng điều này chỉ xảy ra khi có sự kết nối về nghiệp. Nếu không có nghiệp thì sẽ không có nguyên nhân cho bất kỳ một căn bệnh nào. Khi Thầy ở trong tù, Thầy ở chung phòng với một vị Tulku dòng Gelugpa trong hai mươi năm. Ngài rất ốm và thường xuyên phải vào bệnh viện. Khi người ta đưa Ngài vào bệnh viện, vị ấy bị ở một mình vì không có ai đến gần hoặc sử dụng đồ của vị ấy do họ sợ bị lây bệnh. Thầy đã sống chung cùng với Tulku này trong hai mươi năm. Thầy ở chung phòng, dùng chung bát ăn và trong suốt thời gian đó Thầy không bao giờ bị lây bệnh.

Đức Garchen Triptrul Rinpoche
Phiên dịch Tạng – Anh: Ina Dhargye
Việt dịch: Trần Lan Anh
Hiệu đính: Thanh Liên
Nguồn: Trung ấm Tái sinh (sidpa bardo)