cropped-12037983_10153176865283034_1709116061648190057_n.jpg

Suy niệm về những đau khổ của vòng luân hồi

Nếu bạn không suy nghĩ sự đau khổ của chu trình sinh tử, sự tan vỡ ảo tưởng với vòng sinh tử sẽ không sinh khởi. Nếu sự tan vỡ ảo tưởng về vòng sinh tử không sinh khởi, bất cứ Giáo Pháp nào bạn thực hành, đều không thể thoát khỏi cuộc sống này, sự tham lam và bám luyến của cuộc sống này không được kết thúc. Do vậy, suy niệm về những đau khổ của luân hồi là đặc biệt quan trọng.

Khi bản văn bày tỏ sự đau khổ của luân hồi, là nhằm ám chỉ cái đầu tiên trong Bốn Chân Lý (Tứ Diệu Đế), Chân Lý của Đau Khổ (Khổ Đế). Những gì cần làm là nhận ra chân lý của đau khổ và nhận ra cách thức trong đau khổ này là gì. Đau khổ như thế nào? Đó cũng là điều cần phải nhận biết. Nếu không ảo tưởng của samsara sẽ không bị tan vỡ, không thiền định như vậy thì khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là bám luyến vào luân hồi. Do đó, qua thiền định, chúng ta chống lại sự chấp bám vào vòng sinh tử. Không có những thiền định như vậy, bất cứ những hoạt động có mục đích tâm linh nào chúng ta tham gia bằng thân và khẩu đều vô ích, vì nó không có nền tảng. Do vậy, nó không giải thoát chúng ta khỏi đau khổ. Không có sự tan vỡ ảo tưởng về vòng sinh tử này, ngay cả nếu người ta dấn thân trong một số ra vẻ thực hành Giáo Pháp, thật ra đó không phải là Giáo Pháp đích thật. Không có sự thực hành Giáo Pháp đích thực, sẽ không có giải thoát và cũng không có bất kỳ giác ngộ nào.

Nhiều người có thể phản ứng, tối thiểu là bên trong, rằng họ đã nghe về các thực hành chuẩn bị nhiều lần và hoàn toàn quen thuộc với chúng. Bạn có thể nghĩ mình biết về nó, nhưng trong thực tế có thể bạn không biết. Điều đó cho thấy gì? Bạn vẫn còn bám luyến vào samsara. Chính yếu tố bạn vẫn bám luyến vào vòng luân hồi này tự nó chứng tỏ rằng bạn không biết các chuẩn bị. Bạn không có được ý nghĩa thật sự từ thực hành chuẩn bị. Bạn chưa chuyển tâm thoát khỏi samsara. Nếu bạn nhìn kỹ về Bốn Suy Niệm Chuyển Tâm, [9] sự đau khổ của samsara được bàn luận ở đây. Chỉ nghe về chúng hay thực hành thiền định một ít không có nghĩa là bạn hiểu rõ điều này. Nếu hiểu được, bạn sẽ không bám luyến vào samsara. Nó rất minh bạch, mà chúng ta lại ở đây, chúng ta vẫn trong samsara. Chúng ta vẫn bám luyến vào samsara và lý do là chúng ta vẫn chưa hiểu rõ các chuẩn bị.

Trước tiên, bạn hãy đi đến một nơi khiến sinh khởi việc làm tan các ảo tưởng. Nếu có thể, hãy đến một nơi hoang vắng, một nơi đổ nát điêu tàn, một cánh đồng cỏ khô xào xạc trong gió, hoặc một nơi đáng sợ, hay một nơi mà những người bệnh tật đáng thương, hành khất v.v.. mà trước đó là những người giàu sang sau đó rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Nếu không thể, hãy đi đến một nơi cô tịch. Về phần tư thế của bạn, hãy ngồi trên một đệm thích hợp, xếp bằng một chân. Đặt chân phải trên đất, ép chân trái chống trên đất, đặt khuỷu tay phải trên đầu gối phải, áp lòng bàn tay chống lên má phải, và lòng bàn tay trái ôm đầu gối trái. Tư thế thất vọng này sẽ dẫn đến việc hoàn toàn chán nản.

Sau đó với tâm suy niệm về những đau khổ của vòng sinh tử, và thỉnh thoảng miệng thốt ra những lời này để khơi dậy sự tỉnh thức của bạn “Than ôi! Than ôi! Khốn khổ thân tôi! Luân hồi sinh tử này là đau khổ! Niết bàn là hạnh phúc!” Hãy suy nghĩ theo cách này, “Ôi, tôi bị kẹt trong đau khổ của vòng luân hồi, giống như một hầm lửa, và tôi sợ hãi! Bây giờ là lúc đào thoát khỏi cuộc sống này. Sự đau khổ của ba trạng thái bất hạnh trong sinh tử là không thể chịu nổi, và nó thì vô tận. Những cơ hội cho hoan hỷ thậm chí không xảy ra dù trong một chốc lát. Bây giờ là lúc chuẩn bị đào thoát nhanh chóng.”

Hãy hình dung như vầy, “chu trình sinh tử này là một hầm lửa khổng lồ với sức nóng mãnh liệt. Nó sâu, rộng và cao. Trong một hầm lửa khủng khiếp như vậy, tôi la khóc vì bị mắc kẹt cùng với mọi chúng sanh khác trong luân hồi.” Diễn tả bằng lời điều này một cách nhiệt thành, với một giọng đau buồn, “Than ơi, tôi sợ hãi ở trong hầm lửa vĩ đại này của luân hồi. Từ thời vô thủy tôi vẫn bị thiêu đốt, và tôi sợ hãi.” Trong lúc bạn thốt ra những lời than vãn này, trong không gian trên hầm đó, hãy quán tưởng vị thầy tâm linh nguyên sơ của bạn, được trang hoàng với sáu loại trang sức bằng xương, trong tay Ngài cầm một móc câu bằng ánh sáng. Quán tưởng Ngài nói với bạn: “Than ôi! Sự đau khổ của luân hồi như một hầm lửa. Bây giờ là lúc thoát khỏi nó. Sự đau khổ của ba trạng thái bất hạnh của sinh tử là vô tận, và cơ hội cho hạnh phúc không xảy ra thậm chí chỉ trong chốc lát. Bây giờ là lúc thoát khỏi hầm lửa.”

Chỉ nghe được những lời này, hãy phát khởi niệm tưởng, “Than ôi! Tôi đã bị mắc kẹt lâu dài trong hầm lửa đau khổ của chu trình sinh tử. Giờ đây, với những lời quan tâm của vị thầy tâm linh, tôi sẽ đào thoát khỏi sinh tử và cũng sẽ giải thoát mọi chúng sanh.” Ngay khi bạn phát sinh tinh thần tỉnh thức này, hãy quán tưởng móc câu trong tay vị thầy giữ lấy ngực bạn; và bạn lập tức được giải thoát vào cõi Sukhavati (cõi Tịnh Độ Cực Lạc). Ngay sau đó, một móc câu ánh sáng cũng xuất hiện trong tay bạn, và mọi chúng sanh trong hầm lửa lần lượt được bạn cứu. Hãy trang nghiêm trau dồi lòng bi cho tất cả chúng sanh trong sinh tử.

Khi thiền định theo cách này, bạn nên áp dụng các giáo lý khác mà bạn đã tiếp nhận được trình bày sâu rộng hơn của những thực hành chuẩn bị, trong đó những loại đau khổ riêng biệt gắn liền với sáu cõi luân hồi đều đã được dạy. Kết quả của thiền định như vậy là gì? Nó giúp tâm chúng ta chuyển khỏi sinh tử, và cũng giúp bạn tiến bộ trong việc trau dồi hai loại tinh thần tỉnh thức: tinh thần mong ước tỉnh thức và tinh thần mạo hiểm hướng đến tỉnh thức.

Liên tục suy ngẫm theo cách ấy, về hầm lửa của chu trình sinh tử và suy nghĩ mọi đau khổ của luân hồi. Ngày và đêm, hãy mang điều này trong tâm không sao lãng. Một sutra trình bày, “Hạnh phúc không bao giờ hiện diện trên đầu mũi kim của luân hồi.” Do đó, hãy thiền định về các vấn đề của chu trình sinh tử cho đến khi sự tan vỡ ảo tưởng phát sinh. Một khi tâm bạn quay khỏi luân hồi mà bạn đã thiền định trên đó, bạn sẽ biết chắc sự cần thiết của Giáo Pháp; và kinh nghiệm thiền định sẽ sinh khởi như việc không còn thèm khát về cuộc sống này.

Nếu tâm bạn không chuyển khỏi chu trình sinh tử, thì sự thiền định là vô nghĩa. Thiền định về điều này trong ba ngày, và sau đó trở lại. Nhờ thiền định về điều này trong lúc sống, tâm bạn sẽ rút khỏi luân hồi, và cuối cùng sẽ lên đến niết bàn. Hãy thực hành điều này! Sự thiền định về những đau khổ của luân hồi là giai đoạn đầu tiên trong Giải Thoát Tự Nhiên Qua Thiền Định: Các Hướng Dẫn Dựa Trên Kinh Nghiệm Về Tiến Trình Chuyển Tiếp.

Khi bản văn sử dụng thuật ngữ “tất cả đau khổ của chu trình sinh tử,” điều này ám chỉ sự đau khổ của mọi loại chúng sanh trong samsara khắp sáu cõi. Một khi tâm bạn chuyển khỏi samsara, thì cách nói đơn giản như “Tôi sẽ thực hành Giáo Pháp” hoặc “Tôi cần phải thực hành Giáo Pháp” hay “Tôi muốn thực hành Giáo Pháp” sẽ thật sự là đúng. Mong ước của bạn sẽ đúng đắn và nó sẽ dẫn dắt bạn đến việc thực hành lắng nghe, suy nghĩ, và thiền định chân chính.

Dù bạn thiền định tại nhà hay nhập thất, điều này là điểm để khởi đầu. Dạng thiền định này dẫn đến một nền tảng; và, nếu bạn trau dồi tốt, thì những gì theo sau nó rất có ý nghĩa. Bạn sẽ có kết quả tốt nếu xây dựng một nền tảng bền vững trong loại thiền định này nhằm chuyển tâm bạn khỏi samsara. Nếu làm điều này, bạn sẽ không giống như người hăng hái đoán trước “điều kế tiếp là gì” về mặt thực hành, như thể bạn là người đang xem phim và tự hỏi nó sẽ kết thúc như thế nào. Hơn nữa, bạn sẽ có một nền tảng vững chắc, và bạn sẽ tiến bộ tốt. Dù chúng ta thực hành Giáo Pháp lâu bao nhiêu, hoặc hai mươi năm, mười năm hay tám năm – hoặc giống như trường hợp của tôi, khoảng sáu mươi hay sáu mươi lăm năm – chúng ta đều có thể xem xét những gì thực sự phát sinh trong tâm chúng ta ngay lập tức. Chúng ta có nhận thức gì? Những nhận thức tâm linh vẫn chưa xuất hiện trong tâm của nhiều người, và bởi vì không nhận thức được mục đích nền tảng, chúng ta vẫn chưa giác ngộ. Đây là lý do tại sao chúng ta vẫn chưa đạt được mục đích của mình. Tại sao chúng ta không thành công trong việc hoàn tất sự tự quan tâm của chính mình? Bởi vì chúng ta dốc sức làm nền tảng này chưa hiệu quả.

Nếu tìm kiếm an bình cho tâm, chúng ta nên quan tâm đến những thực hành như vậy, vì bằng phương tiện này tâm chúng ta sẽ trở nên thăng bằng. Tinh thần tỉnh thức sẽ sinh khởi từ loại thiền định này, và nó cũng dẫn đến việc giảm đi phiền não trong tâm thức của chúng ta. Khi những hành giả của Pháp tìm thấy tâm họ thực sự chuyển hóa, là vì họ đã xây dựng một nền tảng vững chắc trong thiền định như vậy. Qua điều này, Giáo Pháp xuất hiện thật sự trong tâm. Ngược lại, nếu không có điều này, người ta có thể rất kiêu ngạo về kiến thức và kinh nghiệm, v.v.. của họ. Thái độ này giống như việc phá hủy sừng một con nai – thay vì để nó mọc ra trong một phô diễn đầy ấn tượng. Dù sao, tất cả điều này là một biểu hiện Giáo Pháp chỉ ở miệng và không có trong tâm người đó.

Đức Padmasambhava nói, “Thiền định về điều này trong ba ngày và sau đó thiền định trở lại.” Một số trong các bạn đã thiền định về điều này lâu hơn ba ngày. Song, đây là điều bạn có thể thiền định trong ba ngày, ba tháng, hoặc ba năm. Sau khi thành Phật, bạn chẳng cần thiền định về nó nữa. qua thực hành này, tâm chuyển khỏi samsara. Qua thực hành lắng nghe, suy nghĩ, và thiền định, cuối cùng bạn thật sự đạt đến nirvana (niết bàn). Bản chất đau khổ của samsara như thế nào? Điều đó có nghĩa gì? Điểm đầu tiên là nhận ra bản chất thực sự của tự thân samsara. Trên nền tảng đó bạn tìm ra nguyên nhân của samsara. Trong tiến trình này, việc phân biệt giữa nguyên nhân thật sự của hạnh phúc và nguyên nhân thật sự của phiền não hay đau khổ là rất quan trọng. Chỉ nói , “Ồ, tôi không thích bị đau khổ” hoặc “Tôi không thích samsara” là không đủ.

Khi chúng ta nói về samsara, dường như nó là điều xấu. Samsara là gì? Bạn chỉ rõ điều gì khi muốn nhận dạng samsara? Nếu bạn tự hỏi samsara là ai, thì bạn có thể chỉ vào chính bạn. Mỗi người chúng ta là samsara của chính mình. Nó có khác hay giống chúng ta? Không thể tìm thấy nó ở phần nào khác với hiện hữu của chúng ta; chúng ta là người kinh nghiệm đau khổ; chúng ta là người kinh nghiệm hạnh phúc. Ngoài ra, chúng ta là người tạo ra samsara cho chính mình. Vậy samsara được tạo ra phải không? Đúng, và người tạo ra là chính chúng ta. Nó xảy ra như thế nào? Với phiền não của ba độc như tham, sân, và si, chúng ta tạo ra samsara. Bản chất của ba độc là ảo tưởng. Đó là cái tạo ra samsara của chúng ta.

Tất cả chúng ta đều có bám luyến. Chúng ta chấp vào cái này sang cái khác. Tất cả chúng ta là chủ thể cho ganh tị, tất cả chúng ta đều có sân hận, và tất cả chúng ta đều có kiêu mạn; và bản chất của tất cả ba độc này là ảo tưởng. Đây là cái chúng ta có. Chúng ta sở hữu một phức hợp năm độc này. Bản chất của điều này là bám chấp vào một “bản ngã” có thật, nhưng trái lại, trong thực tế không có bản ngã vốn sẵn thực sự hiện hữu (vô tự tánh). Đó là một dạng ảo tưởng. Một dạng khác của ảo tưởng là là bám chấp nhị nguyên vào hiện hữu thực sự của chủ thể và đối tượng. Những thứ này đều là bản chất của ảo tưởng, đó là bản chất của tất cả năm độc.

Giờ đây, chúng ta có một thân được tạo ra bởi bốn hay năm nguyên tố, và chính thân này là nền tảng của đau khổ. Trên cơ sở này, chúng ta dấn thân vào nhiều loại bất thiện khác nhau. Trong phạm vi phân loại mười phần, có ba bất thiện của thân, bốn của khẩu, và ba của ý. Đương nhiên không chỉ có mười bất thiện, mà mười cái này dẫn đến vô số bất thiện khác nhau. Tham gia vào sự bất thiện sẽ dẫn đến tái sanh trong nhiều trạng thái bất hạnh khác nhau trong cuộc sống. Dựa vào cường độ của động cơ, sự bất thiện như vậy có thể dẫn đến tái sanh trong một của tám hỏa ngục hoặc tám địa ngục hàn băng. Ngoài ra, những hành động như vậy có thể dẫn đến tái sanh như một preta, hay tinh linh, có thể dẫn đến tái sanh như một súc vật, vốn có vô số loài khác nhau. Trong cõi người, chúng ta thấy sự đa dạng bao la của con người. Trên cõi người là asura, hay bán thiên, mà đặc tính nổi bật là gây hấn và cạnh tranh. Cuối cùng, đó là deva, hay chư thiên kinh nghiệm đau khổ mãnh liệt khi mạng sống của họ sắp hết.

Sự đa dạng là đặc biệt rõ ràng trong cõi người. Thậm chí trong một gia đình, có rất nhiều khác biệt ngay cả từ thành viên này sang thành viên khác về mặt công đức, tuổi thọ, và mức độ đau khổ của họ. Tất cả những khác nhau này trong cuộc sống làm người và trong những dạng cuộc sống khác là kết quả hành động trước của chúng ta. Chúng ta là người tạo ra những điều này. Chúng ta là người tạo tác. Về mặt đa dạng rộng lớn của con người, chúng ta xem xét người ta tụ họp ở đây. Mặt khác, có sự khác biệt rõ ràng giữa nam và nữ; và có những khác biệt khác trong cách bạn xuất hiện, v.v..

Chính chúng ta là người tạo ra đau khổ cho chính mình. Đây là trường hợp của con người, thật khó tìm thấy người nào trong vị trí cầm quyền, như vua chúa, hay người lãnh đạo thế giới mà không có đau khổ hoặc không có năm độc. Ngay cả giữa các lama cũng khó tìm thấy. Các lama vĩ đại nhất thì thực sự phi thường, nhưng phần lớn còn lại đều có đau khổ và vẫn là chủ thể cho năm độc. Dù người ta đầy quyền lực hay giàu có, tử tế hay hào phóng đều không có nền tảng cho sự tự đắc về vị trí của họ. Nếu trở thành người đầy sự tự cho ta là quan trọng, điều này chỉ dẫn đến bị ghét bỏ. Thậm chí nếu bạn ở vị trí có quyền lực to lớn như một tổng thống hay nhà vua, nếu trở nên kiêu ngạo về điều này trong lúc bạn vẫn là chủ thể cho đau khổ và năm độc, thì điều này chỉ dẫn đến việc bị cách  chức. Ngoài ra, nếu một vị thầy tâm linh phát triển một cảm giác rằng họ hoàn toàn thật sự đặc biệt thì họ cũng tạo ra một sai lầm rất lớn.

Tất cả trường hợp được nhắc đến trước đó có thể dẫn đến việc bị ghét bỏ nếu bạn không cẩn thận. Phương cách để có sự cẩn thận là kiểm soát trên tâm thức của bạn. Nếu không chu đáo về điều đó, bạn sẽ lâm vào tình trạng bị ghét bỏ. Ngay cả nếu bạn hoạt động dưới chiêu bài phục vụ chúng sanh với một động cơ vị tha hay vì lợi ích của Giáo Pháp, nếu không kiểm soát trên tâm thức chính bạn thì có thể bạn giống như chủ đề của một cách ngôn Tây Tạng nói về người phô bày vẻ ngoài giống như một người phục vụ, trong khi bên trong lại quỷ quyệt chiếm đoạt những thứ chỉ vì tính tư lợi của chính họ. Những gì bạn nói ra miệng là vị tha, nhưng những gì bên trong thật sự vẫn là sự tự cho mình là trung tâm. Nếu hoạt động theo cách xảo quyệt như vậy, nó thật sự dẫn đến việc ghét bỏ chúng sanh, và cũng là ghét bỏ Giáo Pháp. Bằng việc phô bày vẻ ngoài như người phục vụ, trong khi thật sự cố bóp méo sự vật vì lợi ích chính bạn, tính tư lợi của bạn đe dọa hủy hoại chính bạn. Nếu bạn cố lừa gạt mọi người thì có thể trong thực tế, bạn sẽ làm được trong vài tháng, nhưng sau một thời gian họ sẽ hiểu. Chư Phật và Bồ tát đều thấu suốt toàn khắp, nên bạn hoàn toàn không thể dối gạt các Ngài! Không có gì lừa gạt được chư Phật và Bồ tát, cũng như chúng ta không thể lừa gạt được Hộ Pháp hoặc các thần thánh đi cùng các Ngài.

Thế nhưng, có một người bị lừa gạt; đó là chính bạn. Nếu cố lừa gạt người khác; người đầu tiên bị lừa gạt chắc chắn là chính bạn. Kết quả của điều này là bạn bị mất mát. Nếu cảm thấy bạn là người có lòng bi, thì điều đó là quan trọng nhất, trước tiên hãy nhìn xem trong thực tế bạn thực sự có lòng bi hay không. Vào lúc bắt đầu thì rất khó. Chừng nào chúng ta còn chấp ngã mạnh mẽ thì điều đó ngăn cản lòng bi. Thế nên, hãy xem xét cẩn thận. Chư Phật và Bồ tát đã từ bỏ khuynh hướng bám chấp và thành thật phấn đấu vì lợi ích của người khác.

Khi tôi còn là một đứa bé, tôi thường nói dối với các vị thầy tâm linh của tôi. Tôi dựng chuyện gạt các Ngài, các Ngài lắng nghe và nói, “Ồ, Ta hiểu, Ta hiểu” như thể các Ngài khen ngợi mọi điều tôi nói. Tôi cảm thấy mình đã lừa gạt các Ngài, trái lại các Ngài biết mọi chuyện diễn tiến ra sao. Các Ngài chỉ tiếp tục dẫn dắt tôi. Sau đó ở Ấn Độ, có nhiều vị đại lama mà tôi đã từng tiếp xúc, bao gồm Đức Karmapa, Dalai Lama, Dudjom Rinpoche v.v.. Khi nói về những lama như vậy, thì ngay cả nếu các Ngài nói, “Ồ đúng, ồ đúng” như thể các Ngài đồng ý và chấp nhận mọi điều chúng ta nói, nếu nói dối thì điều này chỉ dẫn đến việc chúng ta bị hổ thẹn. Từ khía cạnh của các Ngài, những gì các Ngài thấy tất cả hiện tượng đa hợp đều vô thường. Các Ngài nhìn thế gian trong ánh sáng của mười loại suy về thế giới con người giống như một ảo ảnh, giống như một phản chiếu trong gương, v.v.. Một số các lama này thật sự là các bậc thầy về Atiyoga và đang sống với kinh nghiệm của Đại Viên Mãn. Quan điểm của tất cả điều này là, nếu cố lừa gạt người khác thì chính mình là người bị mất mát. Ở Ấn Độ và Tây Tạng có nhiều người lừa dối các vị đại lama. Nhiều người đạo đức giả đến Đức Dalai Lama kể về đủ thứ chuyện, và nghĩ rằng họ đã thành công. Tuy nhiên, tất cả họ chỉ thực sự thành công trong việc đem sự ghét bỏ vào trong đầu của chính họ. Hãy thận trọng về những gì bạn nói. Điều quan trọng là đừng lừa dối. Mặt khác, kể lể một mạch mọi thứ mà bạn đã thấy, và nghe v.v.. cũng chẳng vinh dự gì. Bạn chẳng cần phải làm thế. Thỉnh thoảng, bạn có thể chỉ im lặng.

Khi chúng ta xem xét hoàn cảnh của sáu cõi hiện hữu, và suy niệm rằng chúng ta là người tạo ra nó, điều này làm chúng ta có vẻ thật sự thông minh và đầy quyền năng. Xét một khía cạnh nào đó thì đúng; nhưng xét trong một khía cạnh thì không. Khi phán xét người khác, chúng ta nói, “Ông ta làm điều này, Bà ta làm điều đó. Họ làm điều này. Tôi thì tốt, nhưng tại họ làm điều này.” Đây là một số thỏa mãn khi chúng ta chỉ ra những lỗi lầm của người khác và đặt họ vào chỗ của họ. Tuy nhiên, với người đang nghe chúng ta nói xấu người khác, chúng ta lâm vào cảnh bị chán ghét. Người khác sẽ thấy loại người chúng ta là chuyên đi nói xấu người khác. Điều này như thể chúng ta có một số năng lực phi thường có thể tạo ra nhiều cảnh giới khác nhau của luân hồi.

Đức Padmasambhava

Trích: Giải thoát tự nhiên – Giáo lý của Đức Padmasambhava về Sáu Bardo

Luận Giảng: Ngài Gyatrul Rinpoche – Phiên dịch: B. Alan Wallace Dịch Việt: Tuệ Pháp – Nhà Xuất bản Trí tuệ, Boston