Near-Death-Experience-Wallpaper-650x454

Một cái nhìn thoáng qua về Bardo (Cõi trung ấm)

Để làm sáng tỏ những việc như đi qua ngưỡng cửa của cái chết và những gì chúng ta có thể gặp ở thế giới bên kia, tôi đã phiên dịch và kể lại một số câu chuyện kì lạ trong văn học Phật giáo Tây Tạng về các thiền giả đã bỏ thân vật chất của họ trong nhiều ngày vào lúc du hành qua thế giới vô hình. Các thiền giả này được biết đến như delogs, hay những người “trở về từ cõi chết” quay trở lại thân họ và ghi lại những cuộc hành trình phi thường có thể nối những bậc thang thấp nhất của cõi địa ngục đến cõi tịnh độ siêu phàm.

Cõi tịnh độ là thiên đường cực lạc và an bình không thể tả mà chư Phật, những đấng giác ngộ, hiện thân qua lòng bi các Ngài để những người sùng mộ có thể nhận tái sanh vào đây không cần phải có nhận thức cao. Được tái sanh vào cõi tịnh độ không giống như đạt giác ngộ. Nhưng một khi được ở đó, chúng ta sẽ tiếp tục tu hành tiến đến giác ngộ.

Một số vị delog kể về việc viếng thăm cõi tịnh độ, ở đó họ nhận được giáo lý từ chư Phật. Một số delog khác dùng nhiều thời gian hơn để mô tả bardo, với những phiên tòa phân xử, và nhiều cõi để người bình thường có thể nhận tái sanh, như cõi của ngạ quỷ hay cõi thiên.

Sự mô tả của những vị delog đã làm cảm động sâu xa. Đa số delog là những người mộ đạo sâu sắc và được gửi lại thế gian bởi những bậc giác ngộ để kể cho chúng ta về những gì nằm ở phía trước và nên chuẩn bị ra sao. Mỗi câu chuyện là một tặng phẩm cho việc mở ra cánh cửa vào sự bao la của tương lai chúng ta vượt lên cuộc sống hiện nay, những vị delog mở rộng tiền đồ và gợi cảm hứng cho chúng ta để cải thiện cuộc sống mình.

Qua đôi mắt của những vị delog chúng ta được chia sẻ bí mật về những loại sự việc sẽ có tính chất quan trọng trong việc xác định chúng ta sẽ tái sanh ở đâu. Chúng ta chứng kiến năng lực thực hành tâm linh để tẩy trừ những hành động và tư duy bất thiện. Chúng ta nhận ra năng lực của cầu nguyện giúp đỡ cái chết được yên tâm tái sanh tốt hơn. Chúng ta quan sát trong thực tế là một cách thiện xảo để mở rộng tâm mình ra sao – cho phép những vị Lama và các Đấng ban phước can thiệp vì lợi ích của chúng sanh trong bardo và dẫn dắt họ đến những cõi tịnh độ.

Đa số delog mang về những thông điệp từ những người thân, bạn bè và họ hàng đã chết. Những người này cầu xin tăng thêm sức mạnh thông điệp cơ bản để thay đổi sự sống của họ trong khi chúng ta sống trong thân người và có cơ hội thay đổi.

Ở phương Tây, những người sống lại từ cái chết lâm sàng đôi khi có “những kinh nghiệm cận-tử” (NDEs). Mặc dù NDEs cũng có những kinh nghiệm tương tự như delog, họ chỉ có thể kéo dài vài phút, trái lại delog thường kéo dài kinh nghiệm nhiều ngày. Delog cũng có vẻ như được cho là thể nhập nhiều và xa hơn trong cõi giới sau khi chết.

Nhiều bản văn của delog đã đến tay tôi. Tuy nhiên, trong sách này vì không gian có hạn, tôi chỉ có thể kể những phần nhỏ của họ. Những mô tả bạn sẽ đọc ở chương 2, 3, và 5 thường có thời đại từ thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20 (ngày tháng không có giá trị cho mọi bản văn). Tuy nhiên, những delog không phải là một hiện tượng mới cũng không phải dành riêng cho người Tây Tạng. Họ đã được thảo luận trong giáo lý của Đức Phật.

Khi đọc những mô tả, một số bạn có thể tự hỏi tại sao những câu chuyện lại nhuốm màu sắc của Tây Tạng và văn hóa Phật giáo, được mô tả bằng hình tượng Tây Tạng. Làm sao những delog gặp gỡ và hiểu biết người Tây Tạng? Tại sao những quan tòa tương tự như mô tả bằng hình tượng của đạo Phật?

Câu trả lời chính là: địa thế bày ra trước mắt ta trong bardo là sự phản chiếu của thói quen và cảm xúc của chúng ta. Bất cứ những gì chúng ta thấy và kinh nghiệm sau khi chết đều tương ứng với lề thói văn hóa và hệ thống niềm tin đã hình thành sự suy nghĩ của chúng ta. Tất cả chúng ta – dù già hay trẻ, sùng đạo hay vô thần, cộng sản hay tư bản – đều đắm chìm trong thói quen thu được của nhận thức. Vì những delog toàn là Phật giáo Tây Tạng, hay quen thuộc với Phật giáo, họ đã nhận thức sự vật từ viễn cảnh đó.

Tuy nhiên, trong khi những chi tiết của thói quen bất đồng với nhau, tất cả chúng ta cùng thiếu quan tâm rằng mình xuất xứ từ đâu – bởi tâm lý của việc thấy thế gian trong dạng thưởng hay phạt cho sự đúng hay sai. Chúng ta thường xuyên bị dồn ép giữa hy vọng và sợ hãi dưới đôi mắt thấu suốt của một số người được cho rằng có quyền cao hơn hay quan tòa. Nhận thức của chúng ta bị thấm nhập trong xét xử tâm lý này. Đó là điều tại sao khi vô đạo đức, chúng ta sợ bị phân xử, và sau khi chết chúng ta sẽ nhận thức một phán xét tuyên án khắc nghiệt.

Trong thực tế, không có xét xử bên ngoài. Không có tuyên án. Những kinh nghiệm sau khi chết đơn giản là tiền lời chúng ta kiếm được từ tâm thức và những đầu tư cảm xúc của mình. Đó là điều tại sao vị Tổ vĩ đại Shantideva (Tịch Thiên) nói về những cõi địa ngục:

Ai xây dựng nên mọi nền sắt nóng bỏng này [của địa ngục]?

Những ngọn lửa này xuất phát từ đâu?

“Tất cả chúng [chỉ là sự phản chiếu] tâm bất thiện của ngươi,”

Chính Đức Phật đã nói như thế.

Tất cả chúng ta có thể thấy một số năng lực cao hơn trong bardo. Nó sẽ hình thành tương ứng với thói quen của chúng ta. Những bản văn Tây Tạng mô tả một tòa án chủ trì bởi Pháp vương và những trợ lý của Ngài, các Thần Chết. Những nền văn hoá và tín ngưỡng khác hình dung một thần thánh ngồi xét xử, một quyển sách những điều thiện và tội lỗi do thiên thần ghi chép, hoặc cân việc làm trên một bàn cân. Những kinh nghiệm cận tử của người phương Tây thường mô tả “cuộc sống được thấy lại” trong đó họ được khuyến khích để phán xét cuộc sống của họ. Tuy nhiên, cái chung hết là luật phổ quát rằng những thói quen và hành động tích cực đều kết quả trong hoan hỷ, trong lúc tiêu cực bị dẫn đến đau khổ.

Tác giả: Đức Tulku Thondup Rinpoche