Dagpo-Rinpoche00045

Thể dạng trung gian hay Bardo

Dagpo Rinpoche là một gương mặt lớn của Phật giáo Tây tạng tại Âu châu. Khi vừa mới một tuổi Dagpo Rinpoche đã được Đức Đạt-Lai Lạt-Ma thứ XIII xác nhận là vị hóa thân (tulku) của Đức Marpa (1012-1097) một vị Đại sư của Tây tạng và là thầy của Đại sư Milarepa (1052-1135). Dagpo Rinpoche sinh năm 1932, vào chùa từ lúc sáu tuổi, tu học tại các tu viện đại học danh tiếng nhất ở Tây tạng. Ngài rời Tây Tạng vượt sang Ấn vào năm 1959 và sau đó lưu trú tại Pháp từ năm 1960.

Bài chuyển ngữ dưới đây được trích từ một tài liệu ghi chép lại các buổi thuyết trình của Ngài trong hai ngày 29 và 30 tháng 6 năm 1985 tại ngôi chùa của Tổng hội Phật giáo Pháp trong công viên Vincennes tại Paris. Thông dịch và ghi chép bởi Marie-Stelle Boussemart.

Sinh linh trong thể dạng trung gian gọi là bardowa [kinh sách Hán ngữ gọi là thân trung hữu], tâm thức cực tinh tế trực tiếp tác tạo ra tâm thức của sinh linh bardowa [sự tiếp nối liên tục của tri thức], “khí” cực tinh tế chỉ góp phần gián tiếp vào sự tạo tác tâm thức. Thế nhưng nó lại là nguyên nhân trực tiếp tác tạo ra “thân xác” của sinh linh này.

Khi giai đoạn ánh sáng trong suốt của cái chết chấm dứt, cá thể chuyển sang thể dạng bardo và trở thành sinh linh của bardo gọi là bardowa. Sinh linh này mang thân xác tinh tế tạo ra bởi “khí” tinh tế. Sinh linh bardowa đạt được tâm thức cực tinh tế và thân xác cực tinh tế trong cùng một lúc.

Trong thể dạng bardo quá trình mô tả trước đây [quá trình của cái chết] sẽ lập lại, thế nhưng quá trình đó xảy ra theo chiều đảo ngược. Có nghĩa là quá trình đó khởi sự bằng thể dạng tâm thức của sinh linh bardowa tức là thể dạng gần thu đạt được ; tiếp theo đó là thể dạng thăng tiến, thể dạng bên ngoài, tám mươi khái niệm cảm nhận hàm chứa một ý niệm, v.v…

Khi tám mươi khái niệm cảm nhận phát hiện, sinh linh bardowa bắt đầu có những sự nhận biết thô thiển và đồng thời cũng mang sự sống trong thể dạng của một sinh linh bardowa : nó tự nuôi dưỡng bằng mùi, rất linh động và có khả năng di chuyển. Điểm đặc thù của sinh linh bardowa là thân xác được hình thành một cách đột biến từ “khí” tinh tế. Tức khắc sau khi được hình thành thân xác của sinh linh bardowa hàm chứa đầy đủ các khả năng chẳng hạn như sáu loại giác cảm tức sáu giác quan và khả năng di chuyển không bị một chướng ngại nào ngăn chặn, [các khả năng này chỉ có thể phát triển từ từ và từng giai đoạn một nơi thân xác một hài nhi].

Sinh linh trong thể dạng bardo còn gọi là “sambhogakaya căn bản” hay “thụ dụng thân căn bản”.

Thể dạng trung gian sẽ kéo dài trong bao lâu? Không có gì rõ rệt cả. Nếu các điều kiện tái sinh thuận lợi, thời gian sinh linh bardowa lưu lại trong thể dạng trung gian sẽ rất ngắn, trong trường hợp này sau khi vừa ra khỏi ánh sáng trong suốt của cái chết cá thể tức khắc chuyển sang thể dạng bardo và ngay sau đó chuyển sang thể dạng tái sinh [thụ thai]. Thế nhưng nếu các điều kiện thuận lợi không hội đủ, sinh linh bardowa phải lưu lại trong thể dạng trung gian trong bảy ngày, hết bảy ngày lại “chết” thêm một lần nữa để quay trở về thể dạng sinh linh bardowa như trước. Sự kiện này có thể lập đi lập lại tối đa bảy lần, tức bốn mươi chín ngày tất cả, đấy là thời gian tối đa sinh linh bardowa có thể lưu lại trong thể dạng trung gian.

Khi sinh linh bardowa chết, quá trình của cái chết lập lại như trước và sau khi đã trở lại thể dạng bardo quá trình sẽ diễn tiến đảo ngược lại.

Có thể xảy ra trường hợp sinh linh bardowa nhìn thấy thân xác mà mình vừa rời khỏi tức xác chết của cá thể [thây ma của người đã chết], thế nhưng vì tâm thức đã hoàn toàn rời khỏi thân xác nên sinh linh bardowa không có một phản ứng nào cả đối với thân xác đó.

Người ta cho rằng thể dạng bardo trải qua từng giai đoạn và mỗi giai đoạn kéo dài bảy ngày. Thế nhưng ý nghĩa của “ngày” như thế nào? Ngày trong thể dạng bardo cũng giống với ngày trong thế giới con người.

Sinh linh bardowa mang hình dáng ra sao? Nó mang hình dáng tương tự với cá thể mà nó sắp tái sinh.

Sinh linh bardowa mang màu sắc như thế nào? Nếu tái sinh trong các điều kiện không tốt lành nó sẽ mang màu đen; nếu tái sinh trong các điều kiện thuận lợi nó sẽ mang màu trắng.

Những người bình thường không thể nhìn thấy các sinh linh trong thể dạng bardo, thế nhưng giữa các sinh linh bardowa với nhau có thể nhận ra nhau. Một số người nhờ khả năng sáng suốt có thể nhận ra các sinh linh bardowa.

Vì lý do thân xác của các sinh linh bardowa được cấu tạo bằng “khí” và giữ vai trò chuyển tải tâm thức, vì thế mỗi khi tâm thức nghĩ đến một nơi nào đó tức thời thân xác cũng hiện ra nơi đó. Sinh linh bardowa không cần “ra sức” như chúng ta trong việc di chuyển, thân xác bardowa di chuyển nhanh như tốc độ của tư tưởng. Vì thế cuộc sống của của sinh linh bardowa không bao giờ được êm ả, trái lại có thể nói là rất giao động. Sinh linh đó tới lui không ngừng với mục đích tìm kiếm một nơi thuận lợi để tái sinh, [tâm thức luôn luôn biến động do đó sinh linh bardowa cũng luôn luôn biến động theo].

Những gì tôi vừa trình bày liên quan đến những người bình thường không hề biết tu tập. Vậy những gì xảy ra đối với những người biết lợi dụng thể dạng đó như một phép tu tập. Thay vì trở thành một sinh linh bardowa trong thể dạng trung gian, người tu tập trực tiếp biến thành vị thần linh phù trợ mình. Thay vì chạy ngược chạy xuôi để tìm một hoàn cảnh thích hợp cho việc tái sinh họ biết thiền định và chờ đợi khi nào các điều kiện thuận lợi hội đủ tại một nơi nào đó, họ sẽ nhân đấy tái sinh không cần bôn ba tìm kiếm, [người luyện tập thiền định biết giữ cho tâm thức yên lặng].

Tùy theo nghiệp tích lũy, nếu có quá nhiều nghiệp tiêu cực ta có thể gặp nhiều chuyện khiếp đảm hiển hiện trong giai đoạn bardo, bởi vì mọi thứ thể dạng bên ngoài còn có thể hiển hiện. Nếu tích lũy được nhiều nghiệp tích cực thể dạng bardo sẽ không đến nỗi kinh khiếp như thế. Dù sao đi nữa tất cả mọi hiển hiện trong thể dạng trung gian chỉ đơn thuần là các tạo tác tâm thần. Nếu là người tu tập thuần thục sẽ đủ sức thiền định về tánh không trước những sự hiển hiện ấy tức quán nhận thấy chúng không hiện hữu một cách nội tại và tuyệt đối, chúng chỉ đơn thuần là những khái niệm, những tạo tác tâm thần không hơn không kém.

Tất cả chúng sinh khi chết có phải bắt buộc trải qua thể dạng trung gian như trên đây hay không? Không nhất thiết vì còn tùy thuộc vào thể loại tái sinh của mình. Các cá thể sẽ tái sinh trong cõi vô hình tướng không trải qua thể dạng bardo. Bardo chỉ xảy ra đối với các sinh linh tái sinh trong các cõi tham dục và hình tướng.

Khi ánh sáng trong suốt của cái chết chấm dứt, các sinh linh tái sinh trong cõi vô hình tướng tức khắc hiển hiện trở lại dưới thể dạng các thần linh trong thế giới vô hình tướng, đó là nhờ vào sức mạnh của samadhi [định] tức sức tập trung, bởi vì điểm đặc thù của các sinh linh trong thế giới vô hình tướng là lắng ngay vào thể dạng samadhi. Họ không trải qua quá trình diễn biến thông thường, không chuyển sang các thể dạng gần thu đạt được, thăng tiến v.v…

Hãy lấy thí dụ cái chết xảy ra cho một sinh linh nào đó, sinh linh này chuyển vào giai đoạn trung gian, vì tác động của nghiệp tiêu cực quá mạnh khiến sinh linh bardowa mang hình tướng một con thú và trên nguyên tắc sẽ tái sinh thành một con thú. Vậy sinh linh này còn có thể biến cải hoàn cảnh của mình trong thể dạng trung gian để thay đổi phần số của mình hay không ? Có thể trả lời là có, một sự chuyển hướng có thể xảy ra được.

Quý vị có câu hỏi nào nêu lên hay chăng?

Mt thính gi: Tôi muốn hỏi ngài về vấn đề vừa được nêu lên, tức chuyển hướng sự tái sinh trong giai đoạn trung gian. Sự chuyển hướng đó nhờ vào đâu ? Có thể nhờ vào sự tụng niệm của người còn sống và các bài kinh tụng niệm nào đó hay không?

Rinpoche: Trên thực tế sự chuyển hướng có thể thực hiện được trong giai đoạn bardo. Thí dụ một sinh linh mang quá nhiều nghiệp tiêu cực trên nguyên tắc sẽ phải tái sinh vào các cõi địa ngục. Thế nhưng nếu có một người thân thiết với sinh linh bardowa hồi hướng tất cả những gì đạo hạnh và xứng đáng của họ cho sinh linh bardowa có thể giúp sinh linh này chuyển hướng được sự tái sinh của mình.

Mt thính gi: Tôi muốn biết các “khí” tinh tế và thô thiển có đúng là thuộc vào cấu hợp hình tướng hay không hay là một cấu hợp khác?

Rinpoche: Đúng như thế. Theo Tan-tra thừa các loại “khí” thuộc cấu hợp hình tướng trong các cấp bậc tinh tế.

Mt thính gi: Các sinh linh bardowa có thể nhận ra nhau và trao đổi [liên lạc, giao thiệp] với nhau hay không?

Rinpoche: Các sinh linh có thể nhận ra nhau vì trên nguyên tắc các sinh linh cùng một thể loại có thể nhận ra nhau. Họ có thể trao đổi [đàm thoại] với nhau hay không thật khó trả lời, vì chính tôi chưa bao giờ trao đổi với một sinh linh bardowa [câu này có thể hiểu ngầm là Dagpo Rinpoche từng tiếp xúc với các sinh linh bardowa, thế nhưng giữa hai bên không có sự trao đổi nào xảy ra (?)], kinh sách cũng không đề cập đến trường hợp đặc biệt này. Rất có thể họ có trao đổi với nhau, thế nhưng nhất định không phải bằng tiếng nói [tất nhiên là như thế vì tiếng nói hoàn toàn là các khái niệm quy ước và thuộc thể loại thô thiển]. Bằng phương tiện nào? Thật không thể biết rõ.

Mt thính gi: Ngài giải thích thế nào về nguồn gốc của cõi hình tướng?

Rinpoche: Người ta cho biết có nhiều cõi hiện hữu, trong đó có cõi hình tướng. Cõi hình tướng phát sinh bởi sức mạnh của các nghiệp tương tự nhau, tích lũy bởi các chúng sinh sẽ cùng sống chung với nhau trong một số điều kiện hiện hữu nào đó. Bởi vì bạn nêu lên câu hỏi liên quan đến nguyên nhân tạo ra cõi hình tướng nên phải trả lời nguyên nhân ấy là các nghiệp hướng một số các sự tái sinh nào đó chung vào một cõi với các điều kiện phù hợp với các nghiệp ấy. Nói một cách khác các nghiệp tương tự nhau làm phát sinh ra một cõi chung phù hợp với các sinh linh mang các nghiệp ấy. Các loại nghiệp hướng vào sự tái sinh trong cõi hình tướng không nhất thiết bắt buộc phải liên hệ mật thiết với các sinh linh hiện đang sống trong cõi ấy nhưng đúng hơn là tùy thuộc vào nghiệp ghi khắc trên dòng tiếp nối của bất cứ một sinh linh nào sẽ tái sinh trong trong cõi hình tướng, [các sinh linh đang sống trong cõi hình tướng là kết quả phát sinh từ nghiệp của họ trong quá khứ, các sinh linh này không đương nhiên và tự động tái sinh trở lại trong cõi hình tướng mà có thể tái sinh trong một cõi cao hơn hay thấp hơn. Trái lại các sinh linh sống trong các cõi khác tùy vào nghiệp mà họ đang hoặc sẽ tạo ra cho họ sẽ có thể phải tái sinh vào cõi hình tướng].

Mt thính gi: Làm thế nào một sinh linh bardowa biết được mình sẽ tái sinh trong các điều kiện sẽ thích hợp với mình để chọn lựa, chẳng hạn như thể dạng súc vật, hay bất cứ một thể dạng nào khác?

Rinpoche: Không thể dùng các thuật ngữ như “biết được” hay “thích hợp” vì không đúng nghĩa. Sinh linh bardowa không thể chọn lựa sự tái sinh theo ý muốn của mình mà đúng hơn bị lôi cuốn bởi sức mạnh của nghiệp. Xung năng của nghiệp kích động và xui khiến các sinh linh bardowa tìm đến cha mẹ tương lai của mình.

Mt thính gi: Như thế nhất định không có sự chọn lựa? Một sinh linh bardowa không có khả năng chọn lựa? Thế nhưng tại sao các vị tulku lại có thể chọn lựa?

Rinpoche: Bất cứ một nguyên tắc nào cũng có ngoại lệ, có những trường hợp đặc biệt xảy ra. Đây cũng là một dịp nhắc nhở chúng ta phải cảnh giác. Bạn nêu lên trường hợp các vị tulku [hóa thân], thế nhưng không phải vị tulku nào cũng có quyền lựa chọn sự tái sinh của mình trong tương lai. Tất cả còn tùy thuộc vào trình độ tu tập của họ. Muốn chủ động hoàn toàn sự tái sinh của mình phải đạt được sự tự do quyết định sẽ tái sinh hay không. Khi nào chưa đạt được sự tự do chọn lựa đó ta chỉ có thể nguyện cầu hay thệ nguyện hy vọng thực hiện được sở nguyện của mình, [thí dụ người bồ tát thệ nguyện tái sinh vào cõi luân hồi để giúp đỡ chúng sinh, hay một người tu hành cầu mong thoát khỏi thế giới ta bà].

Mt thính gi: Một cách tổng quát có phải người ta thường tái sinh vào một nơi gần với nơi mình sinh sống trong kiếp trước hay không? Có thể xảy ra trường hợp tái sinh trong một “nước” khác hay không?

Rinpoche: Không có gì trói buộc, có thể tái sinh rất gần nhưng cũng có thể rất xa.

Mt thính gi: Thế nhưng vì ảnh hưởng phát sinh từ các cảm nhận quen thuộc trong quá khứ cho nên…

Rinpoche: Tùy thuộc vào nghiệp tích lũy trong quá khứ thì đúng hơn.

Mt thính gi: Đối với một người bình thường, khi đã nhập vào giai đoạn bardo họ còn có thể tu tập được không, hoặc ít ra cũng có thể tìm lại các vị Thầy [trong kiếp trước] của mình và biết được Đạo Pháp trong kiếp tái sinh? Một người bình thường có thể tu tập trong giai đoạn bardo giúp họ cải thiện sự quán thấy của họ trong kiếp tái sinh hay không?

Rinpoche: Còn tùy thuộc vào việc tu tập trong kiếp trước. Nếu một cá thể chuyên cần tu tập khi còn sống, đến khi chuyển vào thể dạng bardo thói quen tu tập trước đây của họ sẽ hiển hiện trở lại trong tâm thức. Thí dụ trước đây cá thể ấy từng thiền định về lòng từ bi, tình thương và lòng tin tưởng, thói quen sẽ phát hiện trở lại với cá thể ấy khi xảy ra thể dạng trung gian và nhất định sẽ mang lại kết quả tốt cho họ. Thế nhưng chỉ có những người tu tập Tan-tra cao thâm hoặc những người đã đạt được sự hiểu biết tánh không mới có thể thiền định hoặc tu tập trong thể dạng trung gian để mang lại các điều kiện thuận lợi cho sự tái sinh của mình.

Mt thính gi: Tôi rất ái ngại khi nghĩ đến các cá thể phải tái sinh dưới thể dạng súc vật. Đấy có phải là một sự trừng phạt hay không? Có cơ duyên biến cải nào đối với các chúng sinh dưới thể dạng súc vật hay không? Có chúng sinh nào xả thân vì chúng để giúp đỡ chúng biến cải và vượt lên các cấp bậc cao hơn hay không?

Rinpoche: Tái sinh dưới thể dạng súc vật không phải là một sự trừng phạt, dù bất cứ dưới hình thức nào! Đấy chỉ là hậu quả của một số nghiệp nào đó đưa đến sự tái sinh cá biệt như thế. [đây là một câu giải thích rất đúng, và rất hay và đồng thời cũng rất quan trọng. Tái sinh trong một thể dạng “thấp hơn” (trong trường hợp của giới súc vật chẳng hạn) không phải là một sự trừng phạt, sự trừng phạt hay cõi thấp kém chỉ là sự diễn đạt của tâm thức con người, không phải là cách “hình dung” hay “mô tả” hiện thực một cách khách quan]. Vì thế một con thú sau khi chết, nghiệp tác động (karma introducteur) có thể hướng nó vào một sự tái sinh thuận lợi hơn, chẳng hạn như thể dạng con người. Một con vật do đó cũng có thể tái sinh làm người, [về điểm này cũng cần giải thích thêm là con người không hẳn thuộc vào một cấp bậc “đứng lên trên” cấp bậc súc vật, mà chỉ có nghĩa là con người gánh chịu những khổ đau “phức tạp hơn” dưới những “hình thức khác hơn” so với súc vật, và đồng thời con người hàm chứa một số khả năng mà kinh sách gọi là “quý giá” vì nhờ đó con người biết tu tập. Thế nhưng con người cũng biết sử dụng những khả năng “quý giá” đó để gây ra đủ mọi thứ tội ác như sát nhân, xung đột, chiến tranh, biết chế tạo bom đạn… để quay trở lại cõi súc sinh. Xin đưa ra một ví dụ điển hình, tái sinh làm một con chim trên cành chưa hẳn là “khổ hơn” một người điên loạn la hét, chân tay bị cột vào giường trong một nhà thương tâm thần. Đấy chỉ là hai trường hợp liên quan đến hai thứ nghiệp khác nhau không thể so sánh được].

Phần thứ hai của câu hỏi: “Thế có ai cứu giúp và âu lo cho sự an vui của súc vật hay không?” Xin trả lời là có, rất nhiều sinh linh xả thân trong chiều hướng đó và sự giúp đỡ của họ mang lại nhiều kết quả tích cực. Thế nhưng trên nguyên tắc một cá thể phải tự cố gắng để biến cải tình trạng của mình. Cầu nguyện, hồi hướng công đức có thể giúp ích phần nào cho súc vật, thế nhưng chính chúng nắm giữ tất cả các yếu tố cần thiết để tự biến cải. Sự cải thiện đó không thể chờ đợi từ bên ngoài [tiếc thay hầu hết các súc vật không đủ khả năng để ý thức hành động của mình, tóm lại chúng không có được “cơ sở” quý giá của con người]. Dù sao đi nữa phải chờ cho nghiệp mang lại sự tái sinh dưới thể dạng súc vật chấm dứt, [súc vật có thể tích lũy nhiều nghiệp tích cực từ trước, thế nhưng các nghiệp này lại bị các nghiệp tiêu cực lấn át khiến chúng phải tái sinh dưới thể dạng súc vật, khi nào các nghiệp tiêu cực chấm dứt tác động của chúng, các nghiệp tích cực từ trước có thể giúp cho một con thú tái sinh trong một cõi khác].

Mt thính gi: Hai thành phần cấu tạo là giọt trắng và giọt đỏ phát sinh từ cha và mẹ có tiếp tục hiện hữu trong thân xác của sinh linh bardowa hay không, khi mà thân xác đó được cấu tạo một cách tự nhiên không cần đến cha mẹ?

Rinpoche: Không, bởi vì giọt đỏ đã thoát ra bằng lỗ mũi và giọt trắng qua cơ quan sinh dục.

Mt thính gi: Có sự giao tiếp nào giữa người chết và người còn sống trong những ngày đầu sau khi cái chết có xảy ra hay không? Có thật là người chết đau khổ rất nhiều vì không giao tiếp được với chúng ta? Khi quây quần bên cạnh người chết có gây bực bội cho họ hay ngược lại có thể mang lại sự trấn an cho họ?

Rinpoche: Câu hỏi không được chính xác lắm, còn tùy vào giai đoạn nào trong quá trình của cái chết. Chúng ta đang đề cập đến giai đoạn của sinh linh bardowa, có nghĩa là một sinh linh đã chết thật sự và đang ở trong giai đoạn trung gian, không còn trong giai đoạn diễn biến của cái chết của thể xác bên ngoài. Vậy sinh linh bardowa có còn nhận ra thân thuộc của mình trước kia hay không? Sinh linh bardowa có đau khổ vì không thể giao tiếp với người thân hay không? Trên nguyên tắc là không, sinh linh bardowa cũng không nhận ra các người thân thuộc trước đây kể cả cha mẹ sinh ra mình. Điểm này đã được nhắc đến khi trình bày về thời điểm sinh linh bardowa rời bỏ thân xác, thân xác là những gì gần gủi nhất với nó trước đây thế nhưng nó vẫn không nhận ra. Sinh linh bardowa có thể nhìn thấy xác chết của mình nhưng không ý thức được “đấy là tôi”, hay “đấy là thân xác của tôi”. Nó không còn giữ một mối liên hệ nào nữa với thân xác mà nó vừa rời bỏ vĩnh viễn. Đấy là lý do giải thích tại sao sinh linh bardowa không còn nhận biết được cha mẹ mình trước đây. Bạn tưởng tượng ra sinh linh bardowa đang đau khổ, v.v… thế nhưng đấy chỉ là các diễn đạt mang tính cách “đại chúng”, dựa vào truyền thuyết dân gian, không xuất phát từ các kinh sách triết học.

Mt thính gi: Các sinh linh quá quyến luyến với nơi sinh sống trong kiếp trước của mình có tái sinh trở lại những nơi quen thuộc trước đây hay không?

Rinpoche: Một lần nữa tôi phải nói là không thể biết chắc. Có thể thế thôi, không phải là một chuyện đương nhiên.

Mt thính gi: Các giọt trắng và đỏ sau khi thoát ra khỏi thân xác sẽ ra sao?

Rinpoche: Nhất định sẽ bị khô queo… Giọt đỏ và giọt trắng chỉ là hình tướng thuộc loại thô thiển.

Mt thính gi: Thế nhưng thể dạng bên ngoài thuộc thành phần của thân xác tinh tế…

Rinpoche: Không nên nhầm lẫn giữa các khái niệm với nhau. Thể dạng bên ngoài, sự thăng tiến và gần thu đạt được là những cảm nhận, những ý nghĩ. Quả đúng tôi có nói là khi cảm nhận được thể dạng bên ngoài, cá thể có cảm giác nhìn thấy ánh sáng màu trắng và khi xảy ra sự thăng tiến thì nhìn thấy ánh sáng màu đỏ. Thế nhưng không nên lầm lẫn giữa sự cảm nhận và nguyên nhân mang lại sự quán thấy. Giọt đỏ và giọt trắng là những hình tướng vật chất.

Mt thính gi: Ngài có nói đến các “khí” là các phương tiện chuyển tải tâm thức hay các cơ sở chống đỡ cho tâm thức tinh tế. Vậy giữa vai trò chuyển tải tâm thức hay chống đỡ tâm thức và “khí” sự liên hệ ra sao? Sự tương liên giữa chúng như thế nào?

Rinpoche: Đối với “khí” hay các loại “khí”, người ta tạm gọi chúng là các cơ sở chống đỡ hay các phương tiện chuyển tải tâm thức hay các sự cảm nhận. Vậy cách phát biểu như thế có ý nghĩa như thế nào? Khi phát biểu “khí” là cơ sở chống đỡ cho tâm thức không nên quên đấy là cách diễn đạt theo kinh sách Tan-tra. Kinh sách Su-tra không đề cập đến các vấn đề này. Thế nhưng kinh sách Su-tra và cả Tan-tra đều chấp nhận là phải có tâm thức mới có thể sinh ra cảm nhận, phải có sự phối hợp giữa hai phẩm tính là sự minh bạch và tính cách linh động. Nếu tâm thức không hàm chứa tính cách minh bạch, các đối tượng cảm nhận sẽ không thể phản chiếu và hiển hiện lên được; nếu tâm thức không mang yếu tố linh động sẽ không có khả năng hướng vào các đối tượng.

Muốn hình dung sự tương quan giữa tâm thức và “khí”, người ta thường đưa ra thí dụ về hai người khác nhau, một người có đôi mắt thật tinh tường nhưng cụt hai chân không di chuyển được, một người có đôi chân cứng cáp nhưng lại mù. Nếu cả hai hợp tác với nhau sẽ có thể tạo ra hành động. Sự tương quan giữa tâm thức và “khí” cũng tương tự như thế. Tâm thức có thể xem như người có thị giác tốt thế nhưng không di chuyển được. Trong khi đó “khí” mang yếu tố linh động giống như người có đôi chân khỏe nhưng lại mù. Nhờ vào “khí” tâm thức có khả năng di chuyển hướng vào các đối tượng. Chính vì thế người ta gọi “khí” là một phương tiện hay cơ sở chuyển tải tâm thức. Tương tự như lưng ngựa chuyển tải người kỵ mã. Trả lời trên đây có đúng với câu hỏi hay chăng?

Mt thính gi: Rất đúng.

Mt thính gi: Các giọt giữ một vai trò quan trong khi xảy ra cái chết, thế nhưng trong cuộc sống thường nhật thì sao? Trong cuộc sống nếu não bộ bị chấn thương, các giọt có thể bị mất hay không? Trường hợp đó có thể xảy ra hay không và hậu quả ra sao?

Rinpoche: Tôi nghĩ rằng nếu não bộ bị chấn thương vì tai nạn, nơi vị trí của giọt trắng trên đỉnh đầu bị thương tích, giọt trắng sẽ chuyển đến một vị trí khác trên thân thể. Tuy nhiên trường hợp này không thấy kinh sách nói đến, [đây chỉ là một cách hỏi và trả lời lạc vào chi tiết đưa đến chỗ bế tắc, phải phân biệt giữa những gì mang tính cách tượng trưng và những gì “sờ mó” được]. Tôi tạm đề nghị cách trả lời trên đây vì nhiều người cho rằng không biết được đích xác vị trí của các giọt, các chất liệu ấy có thể phân tán trong cơ thể. Chúng chỉ hội tụ lại trong các vị trí nhất định nào đó vào các thời điểm nhất định. Người ta có thể hình dung trong cuộc sống thường nhật và trong một số trường hợp nào đó một thứ năng lượng đặc biệt hội tụ trên đỉnh đầu, thế nhưng đấy không phải là chất liệu của giọt trắng.

Mt thính gi: Ngài mô tả về sự suy yếu tuần tự và toàn bộ của bốn thành phần khi xảy ra cái chết. Thế nhưng trong cuộc sống cũng có thể xảy ra những sự suy yếu không toàn vẹn [bệnh tật và tuổi tác], có thể sử dụng các sự suy yếu ấy để tu tập hay chăng?

Rinpoche: Còn tùy theo cách hiểu câu hỏi của bạn. Tôi thấy có hai cách hiểu khác nhau. Nếu muốn nói đấy là quá trình của giấc ngủ hay của sự giao hợp tính dục quá trình tan biến sẽ tương tự như sự sự suy yếu khả năng của bốn thành phần thân xác khi xảy ra quá trình của cái chết, thế nhưng không thể lợi dụng các quá trình ấy để tu tập vì chúng xảy ra quá nhanh.

Cách hiểu thứ hai là khả năng của các thành phần bị yếu đi vì bệnh tật, trường hợp này chỉ là những thể dạng suy nhược tạm thời phát sinh từ sự mất thăng bằng của các thành phần, vì thế không thể sử dụng vào việc tu tập. Thiết nghĩ cũng nên minh chứng rõ ràng hơn, sự suy yếu của các thành phần vì bệnh tật không thể sử dụng vào việc tu tập theo cách đã được trình bày trong ngày hôm qua, thế nhưng nhất định có thể lợi dụng tình trạng đó để hướng vào các cách tu tập khác. Trong khi ốm đau ta không thể thiền định về sự tan biến tuần tự của các thành phần, thế nhưng có thể lợi dụng tình trạng đó để tập luyện kiên nhẫn, hoặc suy tư về vô thường, luật nhân quả…, đó cũng là cách củng cố thêm sự tin tưởng nơi Đạo Pháp. Ta cũng có thể xem đó như một cơ hội để nghĩ đến các chúng sinh khác cũng đang bị đau yếu như mình để phát động lòng từ bi. Sự đau khổ của mình sẽ giúp mình nghĩ đến sự đau khổ của người khác và khởi động lòng từ tâm hy sinh nhận chịu mọi khó khăn thay cho tất cả chúng sinh.

Mt thính gi: Tôi có đọc thấy trong các sách viết về phép tu tập Powa [còn viết là Phowa hay P’howa, Việt dịch là Chuyển di Thần thức] liên quan đến các lỗ dùng cho tri thức [thần thức] thoát ra khỏi thân xác, dù là tái sinh trong các điều kiện thuận lợi hay không. Một người tu tập Tan-tra hoặc bất cứ một người nào khác đạt được một cấp bậc tâm linh cao có thể chủ động được quá trình của cái chết và hóa giải các nghiệp tiêu cực tích lũy trên dòng tri thức hay không?

Rinpoche: Còn tùy theo trường hợp. Nếu người ấy đã đạt được sự hiểu biết tánh không nhất định sẽ hóa giải được các nghiệp tiêu cực của mình vào lúc phát hiện ánh sáng trong suốt của cái chết nhờ vào sự hiểu biết tánh không. Hiểu biết tánh không là điều kiện tiên quyết để thực hiện được việc đó. Tại sao lại như thế? Vào giai đoạn phát hiện của ánh sáng trong suốt, chính tâm thức cực tinh tế sẽ quán thấy được tánh không và tâm thức đó thật cường lực. Nó có thể hóa giải dễ dàng các chướng ngại tức các vết hằn của nghiệp tiêu cực.

Mt thính gi: Sự kiện biết rành rọt được toàn bộ quá trình của cái chết có làm thay đổi được nghiệp hay chăng? Không cần biết đến những gì xảy ra [trong quá trình đó] có thay đổi gì không? Chỉ đơn thuần ý thức được quá trình đó trong khi chết có làm thay đổi gì hay chăng?

Rinpoche: Trong khi các giai đoạn của cái chết diễn tiến, nếu chỉ biết tức chỉ đủ khả năng nhận biết sự diễn tiến của các giai đoạn sẽ chẳng giúp ích được gì cả. Nhận biết được các giai đoạn phải được đi kèm với sự suy tư và thiền định. Cần nhất là trong khi các giai đoạn của quá trình của cái chết diễn tiến phải thiền định về tánh không và tâm thức giác ngộ. Khi các cảm nhận thô thiển còn tồn tại nên phát lộ một tâm thức đạo hạnh (chẳng hạn như thiền định về tánh không, tình thương, lòng từ bi). Các cảm nhận đạo hạnh dù sẽ tan biến sau đó thế nhưng chúng sẽ tạo được ảnh hưởng tốt và tích cực đối với các cảm nhận tính tế phát hiện tiếp theo sau.

Đức Dagpo Rinpoche

Việt dịch: Hoang Phong 

Nguồn: Chết, thể dạng trung gian, tái sinh – Phần 1